Hình minh hoạ: Sputnik News
Chính phủ Đức luôn ca ngợi sự cảnh giác của các cơ quan tình báo và phản gián, trong khi phe đối lập thì lại nghi ngờ độ tin cậy của họ. Các chính trị gia, cùng với giới truyền thông, đang cảnh báo người Đức về cuộc chiến hỗn hợp của Putin.
“Nếu nghi ngờ được xác nhận, thì các hoạt động gián điệp của Nga đã bị giáng một đòn mạnh”. Đây là phản ứng của Bộ trưởng Tư pháp Đức Marco Buschmann về vụ bắt giữ một nhân viên của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức (Bundesnachrichtendienst, BND) vì nghi ngờ làm gián điệp cho Nga. Cụ thể, công dân Đức Carsten L., một nhân viên của BND, đã bị bắt tạm giam phục vụ điều tra trước khi xét xử.
Trên danh khoản Twitter của mình, Bộ trưởng đại diện cho Đảng Dân chủ Tự do (FDP) trong chính phủ đã chúc mừng Văn phòng Tổng Công tố và Tòa án Tư pháp Liên bang về việc phát hiện gián điệp Nga trong cơ quan tình báo hải ngoại của Đức và nhấn mạnh: “Điều này cho thấy chúng ta cần phải cảnh giác như thế nào”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong một buổi họp báo thường niên được tổ chức ở Moscow ngày 23 Tháng Mười Hai 2016 (Ảnh: Nikita Shvetsov/Anadolu Agency/Getty Images)
“Mọi phương tiện đều tốt cho người Nga”
Nils Schmid, một chuyên gia về chính sách đối ngoại của Đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD), nói với đài phát thanh Deutschlandfunk rằng vụ bắt giữ điệp viên bị tình nghi cho thấy “chúng ta phải theo dõi sát sao mong muốn gây ảnh hưởng của Nga đối với Đức”. Theo ông, Nga gây ra mối đe dọa không chỉ từ quan điểm quân sự mà còn về việc tiến hành một cuộc chiến tranh hỗn hợp.
“Trong nhiều năm, Nga đã tin rằng họ đang xung đột, thậm chí là chiến tranh với phương Tây, và xuất phát từ tiền đề rằng mọi biện pháp đều tốt: Kể cả giết hại những người chống đối trên lãnh thổ Đức và hoạt động gián điệp. Vì vậy, chúng ta phải cảnh giác và kiên quyết”, ông Schmid nói.
Khi được một nhà báo hỏi liệu người dân Đức có nhận thức đầy đủ về điều này hay không, Niels Schmid trả lời rằng do cú sốc trước hành động xâm lược của Nga đối với Ukraine, người dân Đức “chắc chắn đã nhận thức rõ hơn về điều này”. Đồng thời, theo ý kiến của ông, xã hội Đức vẫn đang trong quá trình suy nghĩ lại về những gì đang xảy ra.
Theo chuyên gia này, “sự thay đổi của thời đại” (Zeitenwende) do Thủ tướng Đức Olaf Scholz tuyên bố có nghĩa cụ thể là “vai trò của thành phần quân sự trong quan hệ quốc tế đang tăng lên đáng kể”. Niels Schmid chỉ ra rằng cách tiếp cận với Nga nên được định hướng lại, từ “đối thoại nhiều hơn” sang “ngăn chặn” và giải thích: “Sau 30 năm rất chú trọng vào đối thoại với Nga, giờ đây chúng ta nên chú ý nhiều hơn đến việc chống lại chiến tranh hỗn hợp từ nước Nga”.
“Cuộc chiến bí mật đằng sau chiến tuyến ở Ukraine”
“Cần đề phòng!” là tiêu đề của một bài bình luận trên tờ báo bảo thủ Frankfurter Allgemeine Zeitung, mà tác giả chính là Tổng biên tập của tờ báo này, Berthold Kohler.
“Putin đang tiến hành một cuộc chiến ở Ukraine có nguy cơ trở thành thảm họa đối với chế độ của ông ta, khi mà đất nước bị Nga tấn công nhận được sự hỗ trợ lớn từ ‘phương Tây tập thể’. Điện Kremlin đang cố gắng làm suy yếu khối đoàn kết này (phương Tây) bằng các biện pháp phi quân sự, sử dụng mọi cơ hội: Thông qua các hoạt động tình báo trong giới chính trị, kinh tế và công chúng, với sự trợ giúp của thông tin sai lệch và tấn công mạng”, tác giả khẳng định.
Tổng thống Hoa kỳ Joe Biden (phải) vả Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong một cuộc họp báo ngày 21/12/2022 tại Washington, DC. (Ảnh của Alex Wong/Getty Images)
“Việc vạch trần điệp viên hai mang cho chúng ta, bao gồm cả công chúng, thấy rằng Moscow đang tiến hành một cuộc chiến bí mật đằng sau chiến tuyến ở Ukraine. Do đó, sẽ rất đáng giá, kể cả ở Đức, để nhắc lại phương châm của NATO: Cảnh giác là cái giá của tự do”, ông Berthold Kohler kết luận.
Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu Robert Habeck từ Đảng Xanh cho biết, các cơ quan tình báo Đức đã thể hiện rõ sự cảnh giác. Ông nói với các kênh truyền hình RTL và NTV: “Chúng ta phải bảo vệ lợi ích của mình, và cơ quan an ninh của chúng ta, như đã thấy, đang làm rất tốt”.
“Mức độ đe dọa hoàn toàn mới và đáng sợ”
Chuyên gia tình báo của Đảng Cánh tả đối lập André Hahn lại có quan điểm khác. Trên các trang của tờ báo Rheinische Post, ông bày tỏ quan ngại về tình trạng của Cơ quan Tình báo Liên bang Đức. “Nếu được xác nhận rằng ngay cả một trong những nhân viên trong hàng ngũ của Cơ quan Tình báo Liên bang đã làm gián điệp cho Nga, thì đây sẽ là một mức độ đe dọa hoàn toàn mới và đáng sợ”.
“Các cơ quan an ninh đáng tin cậy như thế nào?” – câu hỏi này cũng được tờ báo cánh tả TAZ đặt ra trong định hướng chính trị của mình. Tờ báo viết: “Gầy dựng được một điệp viên trong cơ quan tình báo của đối phương là đỉnh điểm trong lĩnh vực gián điệp. Bất cứ ai không thể tự bảo vệ mình khỏi điều này thì đều không đáng tin cậy”.
Trong một bài bình luận có tiêu đề “Chất độc cho mối quan hệ bí mật với Kyiv”, TAZ chỉ ra chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Hoa Kỳ và tuyên bố: “Trong khi Washington đang củng cố liên minh chống Putin, Berlin không thể chắc chắn rằng kẻ xâm lược (Moscow) không nhận được những thông tin bí mật” bị rò rỉ từ các cơ quan an ninh Đức”.
Cổng thông tin Focus trực tuyến viết về điều tương tự khi tham khảo các nguồn trong các cơ quan an ninh – tình báo của Đức: “Cơ quan Tình báo Liên bang Đức rất lo lắng rằng Carsten L., người bị bắt vì nghi ngờ tội phản quốc, có thể chuyển tài liệu tình báo quan trọng cho người Nga”.
Henning Otte, một chuyên gia quốc phòng của đảng đối lập lớn nhất, Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU), đã nêu yêu cầu trong một cuộc phỏng vấn với nhóm truyền thông Funke: “Chúng ta phải nhanh hơn và hiệu quả hơn trong việc chống lại gián điệp nước ngoài. Đáng tiếc là chúng ta biết quá ít về những gì các cơ quan tình báo nước ngoài đang làm ở Đức”.
Phạm Bá
Theo saigonnhonews.com ngày 26 tháng 12, 2022
Nguồn: DW
Be the first to comment