Trạng Quỳnh Và Loại Dân Khí Thấp Kém

Trạng Quỳnh và hành vi Trạng Quỳnh từng là niềm tự hào của nhiều người Việt (kể cả tôi), nhưng nghĩ lại thì thấy xấu hổ thì đúng hơn. Đó là một loại dân khí thấp kém.

Hồi còn nhỏ, tôi rất mê những câu chuyện về Trạng Quỳnh. Thời đó (thập niên 1960s) tôi cứ tưởng Trạng Quỳnh là người thật, nhưng mãi đến sau này mới biết đó chỉ là một nhân vật hư cấu. Tuy nhiên, nhân vật đó đã hun đúc tinh thần tự hào dân tộc cho không biết bao nhiêu thế hệ học sinh. Bọn con nít chúng tôi đọc những câu chuyện về đối đáp giữa Trạng Quỳnh và các sứ Tàu mà thấy trong lòng dâng lên niềm tự hào về tánh thông minh và nhanh nhạy của dân tộc Việt.

Chẳng hạn như chuyện sứ Tàu bị Trạng Quỳnh gõ quạt vào đầu, và vì tức quá nên viên sứ Tàu đuổi Trạng Quỳnh và phải qua cái cầu vồng mà viên sứ Tàu không muốn bước qua. Hay như chuyện viên sứ Tàu địt một phát và lếu láo nói ‘Sấm động nước Nam’, nhưng bị Trạng Quỳnh vạch quần đái xuống nước và đáp trả ‘Mưa qua bể Bắc’. Nhưng câu chuyện đại loại như thế làm cho bọn con nít rất khoái, và nó đi vào tâm trí hay máu mình hồi nào không hay với suy nghĩ rằng người Việt rất thông minh.

Sau này (sau 1975) tôi cũng nghe đến những câu chuyện về cách ứng phó thông minh của mấy người trong nhóm lãnh đạo. Chẳng hạn như có chuyện kể rằng ông Lê Đức Thọ khi tiếp kiến Henry Kissinger, thì ông Kissinger nói đùa rằng ông ấy cao hơn ông Thọ. Ông Thọ bèn chỉnh sửa lại rằng ‘Không, ông chỉ dài hơn’. Và, các cán bộ tỏ ra rất thích thú với cách trả lời đó, vì họ xem đó là một đối đáp hay. Không rõ câu chuyện có thật (vì không thấy Kissinger viết trong hồi kí) hay chỉ là phịa ra để tự cho rằng người Việt thông minh. Nếu thật, tôi không rõ Kissinger (một người gốc Do Thái có bằng tiến sĩ và rất thông minh) nghĩ gì, có thể ông ấy chỉ phì cười trong bụng vì cách ăn thua đủ kiểu trẻ con của Trạng Quỳnh.

Những hành vi của Trạng Quỳnh trong tiếng Anh gọi là ‘cunning’ hay ‘dodgy’. Cunning có nghĩa là láu cá, ranh vặt. Còn dodgy thường được dùng để chỉ hành vi lẩn tránh, khéo thoái thác, tinh ranh. Những hành vi cunning và dodgy được xếp vào nhóm có tên là ‘street smart’, tức là sáng dạ đường phố. Đó là những người nhanh trí về ứng phó trong môi trường hạn chế về tri thức. Họ không có học bài bản nên chỉ biết dùng cái nhanh trí để đánh lạc hướng vấn đề.

Người cunning có những mẹo của họ, mà nếu là người tinh ý sẽ dễ nhận ra. Họ thường nghi ngờ động cơ của đối phương. Họ giả vờ đòi thêm thông tin để kéo dài câu chuyện. Người ta có thể chỉ nói đùa, nhưng kẻ cunning thì lại nghĩ rằng đó là cách hạ nhục họ. Nói cách khác, họ cảm thấy bất an (insecure).

Người cunning cũng hay thích chú ý đến chi tiết nhỏ nhặt và xoáy vào đó để hạ thấp đối phương. Trong khi người ta đang nói về một chủ đề lớn, kẻ cunning không có gì để nói nên tập trung vào một lỗi nhỏ (như một chữ hay con số sai, hay lỗi chánh tả) và hả hê kết luận đối phương là dốt, không đáng bàn chuyện lớn. Cả luận án người ta mà có người chỉ biết bắt lỗi … chánh tả! Đây chính là thủ thuật của những người như Trạng Quỳnh.

Xây dựng trên cái mô-típ Trạng Quỳnh, các chương trình hài và ‘gameshow’ ở Việt Nam xuất hiện nhan nhản những câu đố, những câu trả lời chỉ có thể nói là … vô duyên. Những câu đố như con gì, vật gì, chuyện gì, rồi phăng ra những câu chữ mang tính gán ghép làm cho nó dài thêm, nhưng nếu xem xét kĩ thì đó chỉ là những trò vừa trẻ con vừa … tào lao. Ấy vậy mà chúng xuất hiện trên các chương trình truyền hình quốc gia!

Lại có giai thoại về một viên chức ngoại giao Việt Nam (miền Bắc) bắt tay một ông bộ trưởng Mĩ, rồi ngay sau đó rút khăn mouchoir ra lau tay, hàm ý nói tay của tay bộ trưởng kia là dơ dấy. Cán bộ kể chuyện mà cười hả hê, nhưng tôi nghĩ đó là hành vi bất lịch sự và kém giáo dục.

Nói chung, những kẻ cunning cố ý làm chệch hướng vấn đề để gây lợi cho mình. Ví dụ như người ta nói ‘cao’, mình chuyển sang ‘dài’, chỉ để giấu diếm sự cái tâm yếu đuối của mình. Những kẻ cunning có thể đạt được những mục tiêu ngắn hạn, nhưng về lâu dài thì họ không thể thành công được.

Hôm trước, một em nghiên cứu sinh trong lab nói về mất xương và lối sống, nhưng một anh giáo sư Tây xoáy vào hỏi chuyện … cơ chế! Quái. Tôi để cho em ấy trả lời mà không can thiệp, và em ấy đã làm rất tốt.

Có thể người Việt chúng ta không tồi, nếu không muốn nói là khá về cái mà Tây gọi là ‘Cognitive Ability’. Nhưng cái khả năng tri thức đó hình như chỉ dùng giải quyết các vấn đề nhỏ nhặt, chớ không phải vấn để vĩ mô. Người ta đang bàn A, mình xoáy vào a, chỉ làm mất thì giờ nhau.

Thật ra, những câu chuyện kiểu Trạng Quỳnh rất ư là … trẻ con. Hơn thua nhau chỉ một hành động láu cá / cunning hay một chữ nào đó thì làm sao có thể nói rằng chúng ta tài giỏi hơn họ. Đó là loại dân khí thấp kém.

Và, nếu chúng ta chỉ làm theo kiểu Trạng Quỳnh thì suốt đời chúng ta sẽ không bao giờ trưởng thành và không thể nào hoà nhập vào môi trường văn minh phương Tây.

Nguyễn Tuấn
Ngày 27/1/2016

Nguồn: https://www.facebook.com/t.nguyen.2016/posts/

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*