Bạn

Tác giả và bạn

Tôi cũng giống như rất nhiều người, nhất là những người đã sống qua nhiều mùa Xuân cuộc đời, bất chợt có những lúc nghĩ đến một người bạn cũ, lâu rồi không gặp, bây giờ mong được gặp. Cũng có nhiều khi nghĩ về một người bạn cũ, nhưng không hề có ý mong muốn gặp lại. Với tôi, gia đình là nguồn hạnh phúc chính và bạn bè là nguồn hạnh phúc phụ, bạn bè cho ta cơ hội vui chơi để yêu thêm cuộc đời.

Ai Cũng  Cần Có Bạn Trong Đời

Khoa học xã hội, tâm lý, kinh tế và cả văn chương dường như đều đồng ý rằng bạn bè quan trọng cho hạnh phúc đời người. Năm 2013, hai giáo sư Tâm Lý Học, Meliksah Demir và Ingrid Davidson, thuộc đại học Northern Arizona University, Flagstaff, AZ, USA, đăng trình bài nghiên cứu về tình bạn trên tạp chí chuyên đăng các bài nghiên cứu liên quan đến hạnh phúc [J Happiness Stud (2013) pp. 525–550]. Bài nghiên cứu của họ chứng minh ba điều quan trọng rằng bạn bè có thể cho ta hạnh phúc nếu: bạn và mình chia sẻ được tin vui với nhau, mình mang ảnh hưởng tốt cho bạn hay ngược lại, và bạn (nhất là bạn cùng phái) cho ta có cơ hội được diễn tả khả năng tự chủ như biểu lộ được bản lãnh riêng tư khi gặp nhau tán gẫu. Năm 1986, tôi và một vị thầy (Thanh Van Tran and Roosevelt Wright Jr.) có cho đăng bài nghiên cứu dựa trên các dữ kiện từ luận án của tôi về ảnh hưởng của những hỗ trợ thân hữu trên sức khoẻ tâm thần của một nhóm người Việt gốc tỵ nạn [Social Service Review. Vol. 60, No. 3 (Sep., 1986), pp. 449-459]. Một trong những kết luận của bài nghiên cứu này là các mối tương giao quanh đời sống giúp người Việt gốc tỵ nạn đương đầu được với khó khăn về tâm thần và tình cảm. Nhiều người nghĩ rằng họ không có thời gian tiếp đón bạn bè vì bận bịu làm ăn. Việc xây dựng tài chánh cho mình và gia đình là việc làm quan trọng và cần thiết. Tuy nhiên, giáo sư Tâm Lý Deborah Ward và đồng nghiệp của cô chứng minh rằng sự thành công về tài chính đôi khi làm ta không còn thời giờ liên hệ với người quen thân, và điều này có thể gây ra cho ta chán chường buồn nản (Personality and Social Psychology Bulletin Volume 46, Isue 12, December 2020, Pages 1665-1681). Thế nhưng, không phải bạn nào cũng mang cho ta hạnh phúc. Tờ The Havard Gazette (12/5/2008) tóm tắt kết quả các nghiên cứu tâm lý xã hội cho biết một điều quan trọng là chỉ những người bạn đang sống hạnh phúc mới có thể mang đến cho ta hạnh phúc, có nghĩa là chơi với bạn bè chán đời sẽ làm ta tan tác theo.

Bạn bè quan trọng cho hạnh phúc đời ta, nhưng bạn bè không phải là những món hàng ta có thể mua bán trao đổi được. Nhà văn F. Scott Fitzgerald, trong tiểu thuyết nổi tiếng của ông, The Great Gatsby, nhân vật Jay Gatsby tin rằng thành công về tài chính sẽ làm cho mình trở nên danh giá và được nhiều người yêu mến ngưỡng mộ. Sau một thời gian, Jay Gatsby đã xây dựng được tài sản đồ sộ, anh ta khoe sự giầu sang của mình bằng những yến tiệc có cả ngàn người tham dự. Than ôi, tiền bạc không mang đến cho Jay Gatsby bạn bè, nên khi anh ta qua đời, chẳng ma nào đến dự tang lễ. Bi kịch này xảy ra đầy rẫy trong đời thường, y chang câu thơ Kiều: “Sống làm vợ khắp người ta / Hại thay thác xuống làm ma không chồng.” Theo tôi, cả Fitzgerald và ngài Nguyễn Du đều gửi thông điệp rằng quen biết nhiều mà không có bạn thân thì chả ích lợi gì. Theo tôi việc đến đưa tang, thăm viếng người đã qua đời thật vô nghĩa. Chết nằm im lìm thì có ngàn người thăm viếng hay thắp nhang cúi chào cũng chả là gì. Nếu thăm nhau được, hãy đến khi còn sống. Điều chắc chắn là khi mình đi thăm bạn, người được hạnh phúc trước nhất chính là ta. Đa số những nghiên cứu tâm lý xã hội đều hỏi rằng bạn đã thăm hỏi bao nhiêu người và có thường xuyên không? Ít có nghiên cứu nào hỏi bao nhiêu người đã đến thăm bạn thời gian vừa qua. Có lẽ sự chủ động trong việc tương giao bằng hữu quan trọng hơn là thụ động, đấy là nguyên lý “có cho có nhận.”

Ngao Du Tìm Thăm Bạn Cũ

Cuối năm năm 1979, tôi gặp khủng hoảng cả tâm thần lẫn tài chánh. Gia đình có người thân chết trên đường vượt biển, lương quét nhà và những việc làm tạm bợ khác không nuôi nổi gia đình từ trại tỵ nan sang. Dạo ấy tôi cũng làm việc tình nguyện cho cơ quan bác ái xã hội Công Giáo (Catholic Charities-Fort Worth).  Trách nhiệm của tôi là giúp bà con Việt tỵ nạn từ các nơi đến DFW Airport mà phải đổi chuyến bay đi những thành phố khác hay tiểu bang lân cận. Nhờ làm việc này, tôi biết cơ quan bác ái xã hội Công Giáo ở Jackson, Mississippi cần tuyển chọn nhân viên xã hội để thành lập chương trình tìm cha mẹ nuôi cho các em tỵ nạn vị thành niên Việt-Miên-Lào ở Đông Nam Á. Tôi nộp đơn và được thuê. Vội vàng điền đơn xin nghỉ học trước kỳ thi cuối khoá mùa Xuân 1980. Lúc ấy tôi đang theo học chương trình thạc sĩ về Hành Chánh Đô Thị (Urban Affairs), đại học Texas – Arlington (UTA), giáo sư cố vấn cằn nhằn là đã quá hạn xin nghỉ học, tôi có thể bị điểm F trên học bạ. Năn nỉ mãi, ông đã giúp tôi không bị điểm F để nhớ đời.

Hình như khoảng cuối tháng 5 năm 1980, tôi lên đường đi Jackson, MS nhận việc làm. Tôi cũng vội nộp đơn theo học chương trình thạc sĩ Xã Hội Học ở đại học Jackson State University, đại học truyền thống của người Da Đen. Thời gian đầu, việc làm chính của tôi là liên lạc các cơ quan truyền thông, nhất là báo chí và truyền hình trong thành phố để giới thiệu chương trình tìm một mái nhà cho các em thiếu nhi Đông Nam Á đang bơ vơ ở các trại tỵ nạn. Dù khả năng Anh Văn của mình còn yếu, nhưng chỉ trong thời gian ngắn, chương trình đã có dư các gia đình tử tế sẵn sàng đón nhận thiếu niên tỵ nạn về nuôi nấng.

Khi trung tâm định cư gửi hồ sơ thiếu niên tỵ nạn đến văn phòng, tôi vội vàng đi thăm các gia đình đã tình nguyện nhận nuôi thiếu niên tỵ nạn rồi làm báo cáo về tình trạng sinh hoạt gia đình của họ để nộp cho giám đốc cơ quan và toà án gia đình trước khi các em sang. Khoảng giữa mùa Thu 1980, tôi bắt đầu đón các thiếu niên sang từ các trại tỵ nạn Đông Nam Á. Tôi vẫn còn nhớ những người bạn trẻ mình đã đưa về Jackson. Mỗi người là mỗi kỷ niệm làm phong phú đời mình. Có khi bất chợt nhớ những lúc mình ngồi khóc với em bé gái đang nức nở vì tủi thân. Mình chẳng biết nói gì hơn là cùng chia chung dòng nước mắt đời tỵ nạn không gia đình. Có đêm, hai ba giờ sáng vội vã dậy lái xe ra trạm xe đò tìm chặn một em chán đời bỏ nhà đi hoang. Một mình cô độc nên việc học và việc làm giúp vơi bớt nỗi cô đơn định mạng.

Hơn 40 năm qua, tôi đã mất liên lạc với tất các các bạn trẻ ấy. Nếu bây giờ gặp lại, họ đã là những trung niên, và chắc chắn có người là ông bà ngoại hay ông bà nội, con cháu đầy đàn.  Riêng còn một người trong nhóm mà định mệnh đã cho tôi duyên lành để gặp lại, dù có thời đã quên bẵng nhau. Anh bạn trẻ ngày xưa, dân Cần Thơ, diện mạo khôi ngô, tính tình nhân hậu, chân chất. Ba năm nay, từ khi tôi xếp bút nghiên bỏ các giảng đường đại học sau lưng, trở lại Arlington, tôi đã tìm ra số điện thoại của bạn nên có dịp thăm hỏi. Vừa tìm ra nhau, đại dịch Covid lại cắt đứt liên hệ.

Buổi chiều gần đây, ngồi uống rượu, nhìn nắng hoàng hôn nhuộm màu lá đang úa vàng sân vườn sau, ôm đàn nghêu ngao bài Chiếc Lá Thu Phai, tôi bỗng nhớ về căn phòng trọ ở Jackson, rồi kỷ niệm cuồn cuộn xô đẩy nhau trong ký ức, tưởng đã hao mòn, đặc cứng theo thời gian. Ai ngờ, ký ức vẫn còn tươi như màu lá mùa Xuân. Tôi nghĩ về những bạn đã chết, còn sống, và cả những người chưa hề gặp lại từ ngày bỏ Jackon tiếp tục hành trình biệt xứ. Đặt đàn lên chân tựa, lấy vội điện thoại gửi Trần Ng. Ng. lời nhắn ngắn ngủi: “Lâu quá không nghe tin. Khoẻ không? Khi nào về đây cho biết nhá.” Lời nhắn gửi ra lúc 7:16 PM chiều thứ Tư.  Bạn tôi làm việc bận bịu nên phải đợi đến 2:26 PM ngày hôm sau, thứ Năm, tôi mới nhận được tin bạn: “Cảm ơn anh, khi về được em sẽ thăm anh. Cách đây 3 tuần em đi ER sau khi làm CT scan, nó nói em bị BHP đang uống thuốc…. giờ này ổn rồi.”

Tôi đã có chương trình về lại Biloxi, Mississippi, thăm nơi chốn cũ. Anh bạn văn nghệ, VĐD, mới quen nhau 3 năm nay, nhưng tôi rất mến phục cả tài năng và nhân cách, đã đồng ý cùng giang hồ ngao du. Tôi dự định sẽ ghé thăm ông bạn mới, Lã Mộng Thường, người mang đầy bí ấn rất huyền thoại, nhà văn mang căn cước linh mục, tuổi “Thất thập cổ lại hy,” đang độc cư trong cái am, nghe đâu là tự tay cất lấy, trong góc khu đất rộng 8 mẫu. Tiện thể, tôi cũng sẽ tìm thăm anh bạn mà 47 năm trước đã lang thang với nhau tìm trốn nỗi buồn đầu đời xa xứ. Chuyến đi phải huỷ vì tôi gặp trở ngại sức khoẻ bất ngờ. Bác sĩ gia đình khuyên không nên đi xa, chờ thuốc men xem sao. VĐD đã đăng ký khách sạn nhưng còn kịp để huỷ.

Sáng thứ Sáu, tôi gửi lời nhắn cho Trần Ng. Ng. báo sẽ sang thăm nếu không bận bịu gì. Vài tiếng sau, Ng. trả lời: “Anh cứ sang.” Tôi rủ VĐD, chàng nhận lời ngay. Thời sinh viên D đã chung phòng trọ với Trần Ng. Ng.  Từ Arlington TX sang Okoloma City, cứ thong thả lái xe, mất khoảng hơn 3 giờ.

Người bạn trẻ ngày xưa của tôi đã bỏ nghề kỹ sư điện, mở nông trại trồng và sản xuất dược thảo Cannabis. Bạn bảo: “Anh sang đây, em chọn loại cao cấp cho anh thử.” Tôi cười thầm rồi nhắn là muốn mời bạn đi ăn trưa ở một nhà hàng mà bạn thích nhất trong thành phố. Bạn trả lời: “Mình đến Lee Sandwich, anh nhá!” Đọc lời bạn nhắn lại, tôi chửi thề: “Lee Sandwich làm Sht. gì có rượu bia!” Lâu lắm mới gặp lại bạn cũ mà uống cà phê, dù cà phê của Lee Sandwich có ngon cách mấy, chịu sao được. Nhưng đành chiều bạn. Trong đầu mình chớp lên tên một người bạn cùng trường, chính là chủ nhân của Lee Sandwich-Oklahoma City. Gần 50 năm qua, mình chỉ gặp anh bạn này một hay hai lần thì dễ dàng gì mà nhận ra nhau? Vả lại, tôi không có số điện thoại hay điện thư của anh. Hỏi anh bạn cùng trường khác xin thông tin, anh báo ngay cho chủ Lee Sandwich là tôi sẽ ghé thành phố và muốn gặp để chào. Vài phút sau tôi nhận được lời nhắn: “Lúc nào  anh gần đến, nhớ báo cho em biết.” Như vậy chuyến đi bất ngờ này mình lại được thăm thêm một bạn cũ.

Để sửa soạn cho chuyến ngao du thăm bạn, tôi chọn chai rượu cũ nhất trên kệ và đưa theo bốn ly uống rượu loại rơi xuống nền gạch không bị bể. Vợ biết được hành trang ngao du của tôi, lắc đầu, nhưng không phản đối. Sáng hôm sau, VĐD đến đón tôi rất đúng giờ. Trên chuyến giang hồ, tôi được nghe D kể bao nhiêu chuyện cuộc đời, các nhân vật anh quen, các sinh hoạt văn nghệ xã hội, và những nơi chốn anh đã một thời bươn chải nuôi thân và học hành. Những câu chuyện anh kể làm giàu thêm trí tưởng tượng của tôi. Khi ta lắng nghe người khác kể chuyện cuộc đời ta học được nhiều điều thú vị, ta có dịp được sống những cuộc đời khác, được đến những nơi mình chưa và nhớ lại nơi mình đã đến. Mỗi người chỉ được sống một cuộc đời nên nghe chuyện đời người khác làm đẹp thêm đời ta. Chuyện đời biệt xứ của D cũng có những sự kiện, những lo âu, những liều lĩnh, những lang bạt đó đây như chuyện đời tôi và nhiều người Việt tha hương cùng cảnh ngộ.  Tôi kể D nghe đây là lần đầu tôi trở lại Oklahoma City sau 35 năm. Mùa Xuân 1987, lúc đang làm việc ở đại học Michigan, Ann Arbor, Tôi được đại học Oklahoha ở Norman đưa sang phỏng vấn cho công việc giảng dạy tại đây. Tôi đã có dịp thăm viếng và được phỏng vẫn ở nhiều đại học và đến đâu nhân viên cũng đều thu xếp chỗ nghỉ lại ở khách sạn, nhưng riêng đại học Oklahoma, nhân viên đã xếp đặt cho tôi nghỉ lại ở một căn Cottage hai phòng ngủ gần đại học. Ba người bạn từ Arlington, biết tin tôi từ Michigan xuống, đã sang chơi và ở lại. Buổi chiều trước ngày phỏng vấn chính thức, chúng tôi đi ăn ở nhà hàng Việt, bây giờ đã quên tên. Lúc ra về, tôi để quên lại cái Jacket duy nhất mang theo mặc lúc thuyết trình cho ban giáo sư và sinh viên.  Một trong những việc bạn phải làm khi đi phỏng vấn cho việc giảng dạy ở các đại học chính quy của Hoa Kỳ là bạn phải thuyết trình về một đề tài (thường là do bạn chọn) có liên hệ đến các dự án nghiên cứu hiện tại hay tương lai. Sáng sớm, một vị giáo sư trong hội đồng tuyển giáo sư đến đón tôi, lúc ấy mới sực biết là mình đã bỏ quên cái áo khoác. Đành, có sao mặc vậy. Cũng may, mọi sự xuôi chảy dù sau đó mình đã chọn đại học khác.  May hơn nữa là đã không “bỏ quên con tim” ở Oklahoma City. Bây giờ việc mất áo ấy lại là kỷ niệm để thương để nhớ.  Đến nơi nào mình có kỷ niệm vui, dĩ nhiên sẽ vui thêm.  Nơi nào chưa có kỷ niệm, mình cứ tạo ra để sau này được dịp trở lại, sẽ có nhiều điều để nhớ, để kể.

VĐD rành đường vì thường xuyên đi công tác ở nhiều nơi miền này nên chàng tính giờ giấc rất chính xác. Khoảng gần trưa, có lẽ sốt ruột nên Trần Ng. Ng. gọi chúng tôi. D trả lời còn vài dặm nữa đến, Ng. dặn đến thẳng địa chỉ nông trại rồi ra Lee Sandwich sau. Xe chúng tôi gần cạn xăng nên D tìm cây xăng giá phải chăng để đổ đầy bình. Mươi phút sau, Ng. gọi, nhưng chúng tôi gọi Ng. không được. Sau này mới biết chàng làm việc trong nhà trồng cây kín mít, không có sóng, nên muốn gọi ai, phải ra ngoài sân. Lúc đến đúng địa chỉ, anh em nhìn nhau ngờ ngợ không dám chắc là đã đến đúng điểm hẹn. Đây là một dãy nhà lớn, nhìn thoáng qua từa tựa như một kho chứa hàng đóng kín. Chúng tôi gõ cửa, rồi đập tay vào tường, nhưng cửa vẫn khoá chặt. Sau cùng, D phải bấm kèn xe kêu lên vài tiếng, cửa mở hé, người đàn ông trung niên thò đầu ra, tay vẫn cầm cánh cửa hỏi: “Tìm ai?” Chúng tôi cùng trả lời: “Trần Ng. Ng.” Anh ta mở cửa vừa đủ để chúng tôi vào và chỉ tay ra dấu hiệu đi theo hành lang sâu về phía sau sẽ tìm ra Ng. Cả khu nhà thảo dược điền tường vây kín, không cửa sổ, điện sáng trưng, được chia thành nhiều phòng, nền nhà phòng nào cũng đầy kín những chậu cây lá xanh, cao thấp đủ cỡ. Nhìn nhanh, tôi có cảm tưởng như mình đang đứng trước những chậu cây rau đay xanh rờn.

Dược thảo Cannabis còn non

Cây Cannabis thuộc giống cây hemp, loại cây công nghiệp trồng lấy xơ làm vải hay những đồ dùng khác. Để được gọi là Cannabis, giống cây hemp phải có hợp chất tetrahydrocannabinol (THC) nhiều hơn 0.3 phần trăm. Khi hoa, lá, và cả hột được bào chế qua các công đoạn cần thiết, dược thảo Cannabis có thể dùng trị liệu nhiều bệnh chứng như kiểm soát cơn động kinh, giảm bớt ói mửa, nhất là bệnh nhân ung thư lúc đang điều trị, ăn không ngon, hoặc sụt cân vì bị nhiễm sida, đau nhức và chứng đa xơ cứng (multiple sclerosis).

Dược thảo Cannabis đơm hoa

Đi ngang qua khoảng ba khu phòng đầy chậu cây, chúng tôi đã gặp được Trần Ng. Ng. Anh em lâu ngày gặp lại, tay bắt mặt mừng. Vì còn đang dở tưới cây, Ng. Phải tiếp tục cho xong để đưa anh em đi ăn trưa. Đứng nhìn Ng. chăm chú tưới từng chậu cây, tôi nghĩ về người thanh niên tuổi 20, lần đầu mình đón chàng trước cổng ra vào máy bay ở phi trường Jackson, Mississippi hơn 40 năm trước. Bây giờ chàng sắp hết tuổi trung niên, vẫn tươi cười, và chân tình từ cách bắt tay, vỗ vai, đến nụ cười và ánh mắt còn tinh anh. Gặp lại bạn cũ, thật ra, chẳng cần phải nói phải hỏi gì hơn là nhìn thấy nhau. Xa cách mấy chục năm, được nhìn lại nhau vài phút cũng dư đủ để kỷ niệm như những cơn lốc xoáy ào ạt, rung động, lay chuyển bầu trời ký ức.

Còn đang dở dang công việc, nhưng có lẽ không muốn chúng tôi phải đợi, Ng. nhờ một nhân công trẻ tiếp tục việc của mình rồi vồn vã rủ chúng tôi rời nông trại. Từ nông trại đi thẳng một đường đến khu chợ Á Châu của thành Phố. D biết Lee Sandwich ở đâu nên việc tìm địa chỉ dễ dàng. Tôi không dám chắc anh bạn Lee Sandwich sẽ nhận ra mình. Chúng tôi cách nhau khoảng 6/7 lớp thì phải. Anh vào nội trú tu viện Châu Sơn năm tôi sửa soạn bỏ đi để lên đại học. Chúng tôi không có chung kỷ niệm nào ngoài một điều hai anh em là Đệ Tử tu viện Châu Sơn, Đơn Dương. Vài năm trước, tôi đã gặp Minh rất vội trong cuộc họp mặt ngắn ngủi với một nhóm anh em Châu Sơn ở nông trại nuôi gà của ĐĐC. Tôi bảo D là không biết chúng tôi có nhận ra nhau không. Trên đường đi tôi đã tính khi vào tiệm cứ đội mũ và đeo thêm khẩu trang để chủ tiệm không nhận ra mình cho tới khi mua xong thức ăn trưa rồi lộ diện sau. Tính vậy vì hai lý do, giờ trưa khách ra vào đông, mình không muốn làm phiền bạn phải bỏ ngang công việc để tiếp đón anh em, thêm vào, bạn sẽ không để mình mua thức ăn. Xuống xe, vai đeo bao có chai rượu đỏ và 4 cái ly, tôi bước vào nhà hàng và đi thẳng đến quầy mua thức ăn. Nhân viên và khách ra vào rộn rã. Tôi vừa hỏi Ng. và D muốn ăn gì để gọi, bất chợt gặp người đàn ông trán cao, mắt sáng, dáng nhỏ nhắn, nhưng cứng cáp, vững chãi, rất tự chủ, nở nụ cười tươi, và tỏ ra ngạc nhiên khi nhìn thẳng vào mắt tôi nói:
“Sao anh không báo trước cho em biết lúc nào anh tới.”
“Anh sợ làm phiền Minh,” Tôi trả lời.
“Phiền hà gì?” Minh khẳng định.
“Đây là D. và Ng., hai người bạn của anh.”

Chúng tôi chào nhau và tránh ra một bên cho khách đến quầy mua thức ăn.
“Các anh dùng gì?” Minh hỏi.
Chúng tôi chưa kịp trả lời anh nói tiếp:
“Ba anh ra tìm bàn ngồi cho thoải mái, em sẽ mời các anh món rất đặc biệt và nổi tiếng ở đây, Bún Bò Huế!”

Chúng tôi vừa tìm được chỗ ngồi để trò truyện tự nhiên, Minh nhanh nhẹn bưng ra mâm có ba tô bún đựng trong loại tô “fast food” và đĩa cánh gà rán vàng. Tôi vội mở chai vang đỏ rót cho từng người rồi chúng tôi nâng ly chúc nhau sức khoẻ. Rượu cạn dần, thức ăn cũng vơi, nhưng cuộc nói truyện càng lúc càng hứng khởi. Minh đứng lên đi lấy thêm thức ăn rồi chàng chạy về nhà hay ra tiệm rượu mang thêm một chai vang đỏ.

Buổi chiều hạnh ngộ với D., Ng. và Minh ở Lee Sandwich – Oklahoma City, với tôi là buổi chiều hạnh phúc. Có bạn – dù thân ít hay nhiều – để đi thăm là điều may mắn. Vô số tay đại gia tiền nhiều như lá rụng mà vẫn cô đơn vì không có bạn. Cuộc hành trình trên mặt đất này rất ngắn dù nhiều khi ta tưởng quá dài. Trên hành trình đời người, nếu may mắn ta được gặp ai để làm quen thì hãy coi người ấy như món quà Trời và Đời cho ta. Khi bạn và ta còn hơi thở, còn đi được trên mặt đất này, chúng ta cứ tìm cách mà thăm hỏi nhau: gửi vội một lời nhắn, gọi một cuộc điện thoại, phóng ra một điện thư, đi bộ, đạp xe, lái xe, lấy chuyến bay tìm thăm bạn, đừng chần chờ. Chết nằm xuống, có đến viếng xác, hay mang chậu hoa đẹp cách mấy ra nghĩa địa đặt trước mộ thì cũng là việc làm gửi vào hư vô.

Trần thu miên
Tuỳ bút ngao du, tháng Chạp 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*