Thủ tướng Campuchia Hun Sen tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN được tổ chức tại PhnomPenh ngày 12-13/11/2022. (Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES)
Hình ảnh Việt Nam hầu như bị “chìm nghỉm” trong mùa Thượng đỉnh ở khu vực. Cùng lúc, đất nước đã và sẽ còn tiếp tục hứng chịu búa rìu dư luận vì các đợt ‘kiên định bỏ phiếu trắng’ ở LHQ. Là Chủ tịch ASEAN, tổ chức được một loạt Hội nghị Thượng đỉnh như vừa qua tại Phnompenh (12 – 13/11), Thủ tướng Hun Sen của nước láng giềng từng bị Việt Nam coi là “đàn em” lại đang được cả thế giới và chính báo Campuchia ngợi ca.
Điều gì đang xảy ra với các động thái ngoại giao lạ lùng của Việt Nam?
Để có sự so sánh, ta hãy nhìn sang Campuchia để xem thế nào.
Phân tích mới nhất và thật sâu sắc của bỉnh bút người Thái Kavi Chongkittavorn trên trang mạng Khmer Times hôm 11/11/2022 đã cho thấy, Samdech Hun Sen đang “nổi bật trên chính trị toàn cầu” như thế nào.
Trong bài “PM Hun Sen excels in global politics” Kavi lý giải:
“Thông qua cuộc chiến tranh ở Ukraine, ông Hun Sen đã nhanh chóng nắm bắt vấn đề và tận dụng lợi thế của cuộc xung đột một cách thông minh để chứng minh cho thế giới thấy rằng, nền độc lập của đất nước từng bị chiến tranh tàn phá này không phải là điều hiển nhiên…”
Khác nhau từ các lá phiếu ở LHQ
Thủ tướng Hun Sen (phải) tiếp Bộ trưởng Ngoại giao Ukraine Dmytro Kuleba (trái) tại Cung điện Hòa bình ở Phnom Penh ngày 9/11/2022. (Nguồn hình ảnh: AFP)
Nền độc lập của Campuchia rất quý giá, có lúc tưởng phải trả giá bằng sự “tuyệt chủng” của cả một dân tộc. Nước Việt Nam đâu có kém, với “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” là khẩu hiệu cao nhất. Thế nhưng chính phủ Việt Nam có vẻ như không lên tiếng mạnh vì chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nước khác như Ukraine. Hay họ cho đó chỉ là trò “xúc xắc” trong tay các nhà độc tài như Putin hoặc Tập Cận Bình?
Tôi nhận thấy tuy cả xã hội VN ít nhiều có bị chia rẽ nhưng xu hướng vượt trội trong người dân vẫn là lên án hành động xâm lược của Nga mà người ta cho là đang được Bắc Kinh hậu thuẫn. Việc Campuchia nhỏ hơn VN nhiều lần nhưng công khai tôn trọng chủ quyền quốc gia, đặc biệt là của một quốc gia nhỏ hơn giáp với các quốc gia lớn hơn, có lịch sử mới mẻ của nó. “Thật thú vị, khi Campuchia tự định vị mình trong cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine và các lá phiếu của nước này tại Liên Hợp Quốc được đánh giá cao”, Kavi so sánh tiếp, tỏ ra rất am hiểu lịch sử Đông Dương.
Và gần đây nhất, vào ngày 14/11/2022, Việt Nam lại “kiên định trong bất biến”, tiếp tục bỏ phiếu trắng đối với Nghị quyết mới của ĐHĐ/LHQ.
Nghị quyết này lên án quyết liệt cuộc xâm lăng của nước Nga và ủng hộ các bước đi tiến tới việc buộc Moscow phải bồi thường cho những sự tàn phá do quân Nga gây ra ở Ukraine.
Vậy là cho đến nay, Việt Nam thuộc các quốc gia có số lần bỏ phiếu trắng nhiều nhất đối với các Nghị quyết lên án Nga xâm lược Ukraine, việc Nga sáp nhập trái phép bốn vùng lãnh thổ của Ukraine và bỏ phiếu chống lại Nghị quyết loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Bốn lần tổng cộng, Việt Nam đã bỏ các phiếu trắng và một lần bỏ phiếu chống đối với các Nghị quyết của Liên Hiệp Quốc về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến tranh xâm lược mà Nga phát động tại Ukraine. Nền “ngoại giao cây tre” mà thực ra là của Thái Lan nhưng được Việt Nam áp dụng đã thất bại thảm hại. Đây là cây tre đã nghiêng về một phía.
Mỹ và các nước dân chủ nghĩ gì?
Chuyện Mỹ và các nước dân chủ nghĩ gì về VN, thì trước hết, cứ xem cái cung cách VN phản ứng trước lời kêu gọi hồi đầu tháng 3/2022 của các vị đại sứ Liên Minh châu Âu (EU), Na Uy, Thụy Sĩ, và Vương quốc Anh tại Hà Nội, Việt Nam nên noi theo lập trường ủng hộ Ukraine. Thái độ của Việt Nam đến nay vẫn là im lặng.
Với châu Âu đã vậy, với Mỹ tình hình cũng chưa có gì sáng sủa hơn. Tổng thống Jode Biden đã không sang Việt Nam như dự kiến. Sau nhiều lần hy vọng, rồi lại thất vọng, gần đây nhất, ngày 12/11 – có lẽ là lần thứ ba hay thứ tư gì đấy – Thủ tướng Phạm Minh Chính, một lần nữa, trong cuộc tiếp xúc bên lề hội nghị ASEAN, đã chuyển lời mời của TBT Nguyễn Phú Trọng tới TT Joe Biden, mời ông thăm chính thức Việt Nam. Hiển nhiên là ông Biden, theo báo chí trong nước, chỉ vui vẻ nhận lời nhưng chưa có cam kết gì cụ thể…
Nhưng thật thật hẫng hụt cho truyển thông quốc tế khi Phát ngôn viên Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói bà “không có gì để chia sẻ” khi hồi đáp yêu cầu của VOA xác nhận về một cuộc điện đàm khả dĩ giữa ông Biden với ông Trọng.
Trong các tiếp xúc cấp cao Việt – Mỹ những năm vừa qua, không dưới một lần, Washington đã phát đi tín hiệu về việc mong muốn đưa quan hệ song phương lên tầm cao mới. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 8/2021, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris đã đề xuất nâng từ quan hệ “Đối tác toàn diện” lên “Đối tác chiến lược”.
Những lời đề nghị liên tục này được đưa ra từ hàng chục năm nay về việc nâng cấp quan hệ, nhưng từ hai năm trở lại đây có vẻ như dồn dập và bức thiết hơn, nhìn từ góc độ chiến lược Indo-Pacific (IPS), khiến Việt Nam không khỏi lúng túng.
Bởi vì, từ chiến tuyến bên kia, Trung Quốc cũng không dưới một lần yêu cầu VN cam kết rõ ràng với “Cộng đồng chung vận mệnh” (hoặc với tên khác là “Cộng đồng tương lai chung”).
Tức là cam kết phải đi theo “Trật tự” do Trung Quốc cầm chịch, theo một đánh giá trên The Diplomat tháng này.
Tưởng cũng cần nhắc lại là trong chuyến thăm Trung Quốc vừa qua, TBT Nguyễn Phú Trọng đã đánh giá tích cực đối với ba trụ cột chủ yếu của “Trật tự Trung Hoa’ (Pax Sinica) là Vành đai & Con đường (BRI), Sáng kiến Phát triển Toàn cầu (GDI) và Sáng kiến An ninh Toàn cầu (GSI).
Phân tích chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng sang Trung Quốc từ 31/10 đến 1/11, Tiến sĩ Alexander L. Vuving từ Hoa Kỳ khẳng định trong bài viết trên trang The Diplomat:
“Chuyến thăm của TBT Nguyễn Phú Trọng đến Bắc Kinh nhằm cam kết với Trung Quốc, nhưng không báo hiệu bất kỳ sự thay đổi nào trong cách tiếp cận cơ bản của Hà Nội đối với nước láng giềng phương Bắc này”.
Tôi hiểu niềm tin của Giáo sư Alexander L. Vuving từ Trung tâm Nghiên cứu An ninh Châu Á – Thái Bình Dương, Hawaii. Tuy nhiên, do đã định vị mối bang giao Trung – Việt từ truyền thống đến hiện đại theo paradigm “vận hành bởi ý thức thức hệ và giao thoa bởi trật tự thế giới”, nên ông tin rằng, “mô thức” này khó thay đổi qua một chuyến thăm. Còn tôi cho rằng lịch sử sẽ chứng minh chuyến thăm là một bước ngoặt trong quan hệ Trung – Việt.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm Bắc Kinh được truyền thông hai bên cơ ngợi là “thành công tốt đẹp” và mang “tính lịch sử”
Ngoại giao Việt Nam đang đứng ở đâu?
Đứng “giữa hai dòng nước”, nền ngoại giao Việt Nam nay đang vào thế kẹt trước các biến đổi lớn trên thế giới. Về tư duy, họ vẫn chưa tìm ra được một đối sách khả dĩ nào trước một ban Lãnh đạo Bắc Kinh phần lớn bao gồm nhóm Chiết Giang. Những yếu nhân này vừa là lớp trí thức cao thủ, vừa là đội ngũ tinh hoa của “Đế chế Trung tâm” mà ý thức hệ cao nhất là bá chủ Đại Hán, với tâm thức tất cả vì Thiên tử.
Ngành ngoại giao nước nhà, thật đáng buồn đã hủy hoại những giá trị của thế hệ Nguyễn Cơ Thạch, Trần Quang Cơ để có tư duy độc lập khỏi sự kiểm soát của các bộ ngành… không ngoại giao.
Thế hệ các nhà ngoại giao trẻ hiện nay có ngoại ngữ, có kiến thức từ “các lò ấp” Âu Mỹ, nhưng bị nhốt trong một cái lồng quyền lực hạn hẹp, nặng về tư duy phòng thủ, bảo vệ hệ thống. Người dân hỏi đây là nền ngoại giao cây tre mềm dẻo, quật cường hay là ngoại giao cây sậy đung đưa trước gió? Chưa kể, các cuộc điều tra mới nhất cho thấy không ít quan chức ngoại giao chỉ lo cạnh tranh nhau đoạt ghế, hoặc tổ chức các cuộc làm ăn, nổi bật là đợt vé “giải cứu giá cao”.
Cội rễ của niềm tin không dựa vào công pháp quốc tế, các nguyên lý nhân văn, hay yêu chuộng hòa bình, mà chỉ dựa trên thành kiến chính trị và các nhóm khu vực truyền thống được trang trí bằng các khẩu hiệu trung lập cũ rích.
Một thế hệ vàng của ngành ngoại giao vừa kháng chiến vừa kiến quốc đã “cuốn theo chiều gió”.
Khoảng cách giữa năng lực minh triết đối ngoại và đòi hỏi giải các bài toán quá khó trong thực tiễn là hai bờ vực mà thế hệ ngày nay không có cách nào có thể nhảy qua.
Nếu rồi đây, đất nước chứng kiến những đổ vỡ tiếp theo trong ngoại giao với châu Âu, với Hoa Kỳ và với Trung Quốc thì không có gì là lạ. Cũng không nên trách các nhà ngoại giao vì suy cho cùng, họ cũng chỉ vừa là tác nhân, vừa là nạn nhân của thế chế.
Mai Luân
Theo BBC tiếng Việt ngày 17 tháng 11, 2022
Gửi bài tới Diễn đàn BBC từ TPHCM
Be the first to comment