Vương Quốc Của Loài Vật: Quần Đảo Galapagos

Hải âu chân đỏ, mắt đỏ. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Từ lâu tôi thường có ước mơ được một lần ghé thăm quần đảo Galapagos cho thoả chí tang bồng hồ thỉ. Bỗng dưng một sáng mùa Xuân chị bạn quen gọi điện thoại, rủ tôi cùng đi ngao du vùng Nam Mỹ, đến thăm quốc gia Ecuador, thám hiểm và chụp hình cuộc sống động vật trên quần đảo Galapagos.

Chim cốc biển trống. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Mừng quá tôi nhận lời liền, nhưng không quên hỏi kỹ giá cả và lịch trình chuyến đi hy hữu ngàn năm một thuở này, vì giá đi thăm vùng đảo này rất đắt. Thường thì tổng cộng chi phí phải trên 8, 9 ngàn đô một chuyến, bao gồm Ecuador và chuỗi quần đảo trong vòng 10 ngày.

Sở dĩ chuyến đi có giá cao vì muốn đi Galapagos, phải đi bằng du thuyền nhỏ (họ không cho du thuyền lớn vào các đảo) mà giá ăn và ở trên du thuyền nhỏ rất đắt. Thăm Ecuador không thì rẻ hơn nhiều. Sau khi thảo luận với người dẫn đường và công ty du lịch chúng tôi được giảm giá chút đỉnh do hoạt động du lịch mới mở cửa trở lại, tôi đóng tiền, mua vé máy bay và quyết định lên đường.

Nếu bạn đã từng đi du lịch các vùng Nam Mỹ, bạn sẽ thấy chi phí cao ngất ngưởng vì phần lớn bạn phải di chuyển bằng máy bay từ nơi này đến nơi khác do địa lý toàn là núi non hiểm trở, hiếm có đường bộ xuyên núi. Chuyến đi của tôi dài 14 ngày, năm ngày ở đảo và chín ngày ở Ecuador. Tôi phải bay đến Quito là thủ đô của Ecuador rồi mới lấy máy bay nhỏ bay qua các đảo của vùng Galapagos, khi trở về lại Quito, tôi sẽ thăm viếng thành phố và chụp hình các động vật ở Ecuador sau.

Chim cánh cụt Galapagos. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Du thuyền nhỏ Montserrat Yacht có 10 phòng cho du khách với đầy đủ mọi tiện nghi, ăn uống, ngủ nghỉ trong vài ngày. Tôi từng đi du thuyền lớn và du thuyền nhỏ nhưng chưa từng ăn ở trên du thuyền nhỏ bao giờ nên cũng sợ say sóng và mang theo thuốc phòng hờ khi cần. Thật vậy ban đêm du thuyền nhỏ chạy nhanh kinh khủng để tới các đảo, ai cũng chạy nhanh về phòng nằm cho đỡ say sóng. Ban ngày, họ đi chậm lại để du khách ngoạn cảnh và đổ bộ lên các đảo cho du khách thăm viếng.

Quần đảo Galapagos là một tập hợp gồm 13 đảo chính, sáu đảo nhỏ và 107 khối đá nằm ở phía Tây ngoài khơi bờ biển Ecuador, thuộc Thái Bình Dương. Theo National Geographic, đây vườn quốc gia đầu tiên của Ecuador, được thành lập vào năm 1959 và bắt đầu hoạt động vào năm 1968. Hệ sinh thái ở Galapagos phong phú cả trên cạn, trên không lẫn dưới nước.

Booby chân đỏ. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Vào thế kỷ 16, những nhà thám hiểm Tây Ban Nha đã phát hiện ra quần đảo này rồi đặt tên là Galapagos, theo tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “Con rùa”. Thế kỷ 19, nhà sinh vật học Charles Darwin đã nghiên cứu thuyết tiến hóa trên hòn đảo này, và từng cho rằng hệ thống động, thực vật ở đây như từ một thế giới khác do quá đa dạng và lạ lẫm. Năm 1979, UNESCO công nhận quần đảo Galapagos là Di Sản Thiên Nhiên của nhân loại,  cũng là di sản đầu tiên của Ecuador nhận được vinh dự này.

Galapagos hiện là một trong những nơi đa dạng sinh học nhất thế giới, với khoảng 600 loài thực vật, 400 loài cá, 58 loài chim, 22 loài bò sát và 6 loài động vật có vú, trong đó có nhiều loài động vật không thể tìm thấy ở bất kỳ nơi nào khác và nhiều loài động vật đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Chỉ có bốn hòn đảo là nơi sinh sống lâu dài của con người. Phần còn lại của các hòn đảo chỉ có thể được tham quan tại các địa điểm trên cạn và biển được chỉ định khi có hướng dẫn viên.

Booby chân xanh. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Những ngày tôi sống trên du thuyền và lang thang từ đảo này đến đảo khác phải gọi là như lạc vào một thế giới khác, một nơi không dành cho sinh vật hai chân là con người!!! Nơi đây với sự gìn giữ vô cùng cẩn thận và kỹ lưỡng, thiên đường của loài vật này được tôn trọng tối đa tới mức có thể. Bạn không thể đi riêng lẻ mà chỉ có thể đi với hướng dẫn viên du lịch chuyên nghiệp có huấn luyện của các công ty theo những lịch trình định sẵn.

Họ không cho bạn xả bất cứ cọng rác nào trên các nơi sinh vật sống. Khi nhìn thấy một chiếc muỗng ai đó đánh rơi dưới nước ven ghềnh đá, người hướng dẫn viên đã lặn xuống vớt lên và bỏ vào túi mang về vất đi. Họ sợ sinh vật nuốt phải. Bạn phải đi theo những con đường vạch sẵn, không được làm ồn hay nói chuyện to, không đụng tới, hay làm thú vật trên đảo hoảng sợ.

Bởi thế thú vật nơi đây không sợ con người. Phải nói thế giới này vô cùng hoang dã được con người bảo tồn và nâng niu tuyệt đối. Quả vậy quần đảo này là tài sản hiếm quý của Ecuador mà xứ này thu được bao nhiêu tiền của du khách, nếu họ không biết gìn giữ, thú vật bỏ đi hết, họ sẽ mất một tài sản quốc gia to lớn.

Rùa biển khổng lồ. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Thích nhất là những buổi sáng khi mặt trời vừa lên, tôi ra boong tàu ngắm bình minh và chào anh thuyền trưởng đang ngồi lái tàu suốt đêm để tới các đảo khác nhau. Tôi đem máy hình ra chụp những con chim đang bay lượn và nhào xuống nước bắt cá trong làn sương mỏng. Những loài chim nơi này vừa khác lạ, vừa đẹp và đủ mọi màu sắc mà bạn khó tìm được ở đâu ngoại trừ ở đây.

Ngay cả loài hải cẩu biển (Seal) cũng vậy, hải cẩu tôi thấy ở Cali da trơn láng, trong khi hải cẩu ở đây có loại lông mượt như nhung. Loài chim cánh cụt (Penguins) thì đặc biệt hơn cả. Bạn chỉ có thể tìm và nhìn thấy chúng ở vùng băng giá Nam cực, thật ngạc nhiên khi tôi thấy chúng ở đây. Chúng đã thiên cư, thay đổi lối sống và thích ứng với khí hậu mát mẻ sinh tồn và lưu lại mà sống trên phía Bắc đường xích đạo. Tuy nhiên chúng nhỏ hơn và không có lông chân. Dân số của chúng ngày càng nhỏ dần vì chúng thường bị làm mồi cho nhiều con vật to lớn hơn nên chim cánh cụt vùng Galapagos dần đi vào tuyệt chủng.

Kỳ đà Galapagos. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Chúng tôi được dẫn đi thăm loài rùa biển khổng lồ trên đảo Santa Cruz. Chúng cư ngụ trong khu El Chato. Đây là một khu bảo tồn thiên nhiên nằm ở vùng cao nguyên mà rùa Galapagos là loài đặc trưng nhất trên đảo. Với trọng lượng trên 500 cân Anh và dài trên 5 feet, đây cũng là loài rùa cạn còn sống có kích thước lớn nhất. Trung bình chúng sống trên 100 năm. Con sống lâu nhất là 177 năm. Ước tính tại Galapagos hiện có 20 đến 25 ngàn con rùa biển khổng lồ.

Đối với tôi thú vị nhất là cuộc đổ bộ lên đảo Genovesa còn có biệt danh là “Đảo chim”. Phần lớn các cuộc đổ bộ lên đảo phải bằng tàu speed boat, là một loại phao bơm hơi có động cơ chỉ có thể chở khoảng 10 người. Khi vào bãi nước vẫn còn cao khoảng 3, 4 feet, bạn phải xuống tàu và lội nước vào, bạn phải giữ đồ cá nhân và máy ảnh, không khéo nước vào thì hư hết. Khi rời đảo cũng vậy, bạn phải lội nước ra. Tàu không thể vào sát bờ được.

Có khi tàu đổ bộ vào các vách đá nhọn lởm chởm, bạn phải men theo vách đá mà vào đảo. Thành ra du lịch kiểu này bạn cần phải có thể lực, và kinh nghiệm leo trèo hay đi bộ hoặc leo núi nhiều. Tôi thấy phần lớn những người đồng hành đều từ trung niên trở xuống.

Một cảnh đảo buổi hoàng hôn. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Phải nói đây là thiên đường cho những ai yêu thích chụp hình và ngắm chim. Vịnh Darwin này là nơi sinh sống của bao nhiêu là loài chim. Chúng làm tổ, sinh sôi và bay ngợp trời. Bạn bị choáng ngợp bởi những con chim to dị thường, màu sắc nổi bật bắt mắt. Lũ chim nhỏ thì bay tới bay lui tha mồi, tha rơm làm tổ, tán tỉnh và sinh con.

Tôi ghi nhận có chim hải âu, chân đỏ đuôi én (Swallo-tailed Gull), chim bìm bịp (Coucals), Booby chân xanh, chân đỏ, chân vàng. Những con diệc nâu, xám và xanh, và nhiều loài chim khác. Tên Booby mỏ xanh, chân đỏ bắt nguồn từ chữ ‘Bobo’ trong tiếng Tây Ban Nha, có nghĩa là ngu ngốc hoặc chú hề – ám chỉ sự di chuyển vụng về của chúng trên cạn. Tụi nó đi lạch bạch trông mắc cười lắm các bạn.

Dạo chơi bằng tàu phao Speet Boat. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Trông đến lạ mắt là chàng cốc biển (Frigate). Anh chàng đang phùng cái bướu cổ màu đỏ bay tới bay lui, để quyến rũ các nàng mái trong mùa yêu đương. Charles Darwin gọi chúng là ‘Thủy thủ đại dương’ vì chúng có thể sống cả ngày lẫn đêm trên cánh và có thể sải cánh rất rộng. Người Tây Ban Nha gọi chúng là ‘Chim cướp biển’ do thói quen ăn trộm thức ăn của các loài chim khác.

Cái hay của loài này là hai vợ chồng thay nhau ấp trứng, nàng ấp mỏi, chàng thế liền không cho tụi chim khác a vào cướp và ăn trứng. Chúng làm tổ lộ thiên trên các cành cây ngay trên đảo không che đậy dấu diếm gì cả nên chúng phải thay nhau bảo vệ trứng và chim con tối đa. Chàng thay nàng ấp trứng rất chuyên cần. Lâu lâu mỏi quá chàng giang hai cái cánh sải rộng ra cho đỡ mỏi giống như đang tập Yoga vậy .

Trên không thì chim chóc, dưới đất thì bao nhiêu loài bò sát dị hình nằm lúc nhúc trên đảo Fernadiana. Đây là hòn đảo trẻ nhất ở Galapagos. Dòng dung nham từ núi lửa đang hoạt động của nó tiếp tục hình thành hòn đảo, vì vậy thảm thực vật rất thưa thớt chỉ có rừng ngập mặn và các loài xương rồng đặc hữu, bao gồm cả xương rồng dung nham.

Dạo chơi trên đảo lúc hoàng hôn. (Ảnh: Trịnh Thanh Thủy)

Punta Espinosa là một dải đất mỏng nơi những con kỳ đà biển (Iguanas) nằm dài trên những tảng đá nham thạch đen. Chúng rất nhiều, to có, nhỏ có, lúc nhúc quy tụ vào một khu, đè chồng lên nhau mà nằm. Kể cũng lạ, trời sinh có con đẹp, có con xấu, vì có xấu nên mới có đẹp. Có con lớn ăn hiếp đè chồng lên con nhỏ, nhưng với luật sinh tồn, con nhỏ phải vươn lên mà thở, mà tồn tại. Loài cua đỏ Sally Lightfoot chuyên ăn xác sinh vật hiện diện trên các ghềnh đá khoe sắc lấp lánh trong ánh nắng mai rực rỡ đẹp vô cùng.

Thú vị nhất là những buổi sớm mai hay chiều xuống, trước khi hoàng hôn bắt đầu buông, bạn được ngồi Speed boat đi vòng quanh hay tới các hòn đảo xem những con Penguin, Blue Footed Boobies hay Brown Pelicans đứng đầy ở các hốc đá ven biển. Có nơi nước trong như lọc, cá nhảy tung tăng buổi sớm tung toé nước lên không. Những con cá đuối (Stingrays), rùa biển, cá mập Hammerhead Sharks đi từng đàn mà bạn có thể thấy rõ chúng bên dưới qua làn nước trong từ Speed boat. Đây chính là thiên đường của loài vật.

Trịnh Thanh Thủy
Theo SGN News ngày 16 tháng 11, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*