Có Thật Chữ Quốc Ngữ Chỉ Phục Vụ Truyền Giáo ?

Lâu nay một số nhà nghiên cứu vẫn cho rằng chữ Quốc ngữ ban đầu được sáng tạo chỉ để phục vụ cho nội bộ Công giáo và công cuộc truyền giáo. Họ đưa ra nhận nhận định này với ý đồ không muốn thừa nhận những đóng góp của các nhà truyền giáo cũng như chữ Quốc ngữ cho văn minh dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, qua nghiên cứu các tài liệu, chúng tôi lại phát hiện trong số các cuốn sách viết bằng chữ Quốc ngữ thuở ban đầu chỉ có cuốn Phép giảng tám ngày [1] của Linh mục Đắc Lộ là sách Công giáo. Tất cả các sách bằng chữ Quốc ngữ khác, ngay cả cuốn Từ điển Việt–Bồ–La [2] cũng là sách dành chung cho người Việt.

Các sách Quốc ngữ đầu tiên

Trước khi cho xuất bản hai cuốn sách bằng Quốc ngữ đầu tiên (Từ điển Việt–Bồ–La, Phép giảng tám ngày), các nhà truyền giáo đã soạn những cuốn sách Quốc ngữ sau:

Chính tả Việt ngữ [3], do Cha Francisco de Pina viết tại Hội An, khoảng năm 1622.
Ngữ pháp tiếng Việt [4] cũng do cha Francisco de Pina viết tại Hội An hoặc Thanh Chiêm khoảng năm 1623.
Từ vựng tiếng Việt [5], do G. Luís soạn lúc ông ở Đàng ngoài, từ 1625-1639.
Diccionário Anamita–Portugês–Latim [6] do Gaspar d’Amaral soạn ở Thăng Long khi ông ở đây, từ 1631–1638.
Diccionário Portugês–Anamita [7] do António Barbosa ở Đàng Ngoài 1636–1642.

Qua các bản tường trình mà các tu sĩ gửi về cho bề trên, mà chúng ta biết các ngài đã biên soạn những cuốn sách này. Thời ấy, các tu sĩ Dòng Tên khi tới Đàng Trong và Đàng Ngoài cũng như các nước khác phải thường xuyên viết bản tường trình về Macao, Roma. Tên các cuốn sách được các tu sĩ kể ra trong các tường trình này.

Chẳng hạn, trong thư Cha Pina gửi cho Cha Jerómio Rodriguez ở Macao năm 1622-1623 viết: “Phần tôi, đã soạn một tập nhỏ về chính tả và các dấu thinh của tiếng này [Việt], và tôi đang bắt tay vào việc soạn ngữ pháp. Dù tôi đã thu thập được nhiều truyện thuộc các loại khác nhau giúp cho những trích dẫn thêm giá trị, hầu xác quyết được ý nghĩa các từ ngữ và quy luật ngữ pháp…” [8].

Tiếc rằng, những cuốn sách này do chưa được xuất bản nên đã bị thất truyền. Linh mục Đỗ Quang Chính, SJ trong quá trình nghiên cứu đã lục tìm khắp các thư viện bên châu Âu nhưng không thấy.

Lịch sử nước Annam [9]
Đây là cuốn sách bằng chữ Quốc ngữ đầu tiên do Thầy giảng người Việt Bento Thiện viết năm 1659. Tài liệu viết tay này Linh mục Đỗ Quang Chính đã tìm thấy tại Văn khố Dòng Tên ở Roma.

Cuốn Lịch sử nước Annam được chia làm hai phần: Phần thứ nhất, thuật lại lịch sử chính trị nước Việt xưa từ đầu tới thời Trịnh Nguyễn. Phần hai, tác giả viết về phong tục, xã hội, địa lý hành chính và số chùa cùng nhà thánh (nhà thờ Công giáo). Phần hai của cuốn sách giúp chúng ta hiểu rõ hơn bộ mặt Việt Nam thời đó.

Như vậy, tính từ thời các giáo sĩ Dòng Tên đầu tiên sáng tạo ra chữ Quốc ngữ và Cha Pina viết cuốn sách đầu tiên năm 1622, cho đến giai đoạn ra đời Gia Định báo năm 1865, các tác phẩm bằng chữ Quốc ngữ chỉ có một cuốn sách duy nhất viết về Công giáo (HMH nhấn mạnh)Phép giảng tám ngày của Linh mục Đắc Lộ.

Cuốn Tự điển Việt–Bồ–La do Cha Đắc Lộ xuất bản ở Roma cùng với sáu cuốn sách được biên soạn và viết tay kể trên hoàn toàn không dính dáng gì đến đề tài Công giáo. Thay vào đó, các linh mục và thầy giảng người Việt đã cống hiến cho nước Việt chúng ta những tài liệu vô cùng quý giá về lịch sử, ngôn ngữ… Trong đó, các giáo sĩ đã đưa môn ngữ pháp học vào tiếng Việt. Điều này trước đây chưa từng có. Hay nói cách khác, tiếng Việt trước đó không có môn ngữ pháp.

Sách Công giáo vẫn sử dụng Hán – Nôm

Mặc dù năm 1651, Cha Đắc Lộ đã xuất bản và chính thức làm “giấy khai sinh” cho chữ Quốc ngữ, nhưng ở giai đoạn đó đến mãi sau này, các tài liệu trong đạo Công giáo vẫn sử dụng chữ Hán–Nôm. Điều này lại càng chứng minh những nhận định cho rằng chữ Quốc ngữ sinh ra chỉ để phục vụ việc truyền giáo là vô căn cứ.

Một số người Việt đầu tiên biết chữ Quốc ngữ là thầy giảng Bento Thiện, tác giả cuốn Lịch sử nước Annam kể trên. Ngoài ra là thầy Igesico Văn Tín. Năm 1659 hai vị thầy giảng này đã viết thư bằng chữ Quốc ngữ gửi về Macao cho Linh mục Filippo Marini [10].

Trong mấy chục năm đầu, các thầy giảng vẫn phải tuân thủ quy định phải học chữ Hán, vì chữ Hán là văn tự chính thức của cả nước gồm Đàng Trong và Đàng Ngoài. Ba thầy giảng đầu tiên ở Đàng Ngoài đều thạo chữ Hán vì các thầy đã được học từ trong nhà chùa, nhất là thầy Phanxicô Đức. Còn ở Đàng Trong thì thầy I Nhã có bằng cấp lại “sinh đồ, tú tài” chữ Hán.

Tường trình của Cha Gaspar d’Amaral gửi về Áo Môn năm 1637 ghi rõ là các thầy phải học giáo lý và chữ Hán, không thấy nói việc học chữ Quốc ngữ [11].

Một số chứng cứ cho thấy từ đầu thế kỷ XVII đến giữa thế kỷ XVIII, Giáo hội Công giáo vẫn chính thức dùng Hán–Nôm thay vì chữ Quốc ngữ:

– Tháng 5-1630, bổn đạo ở Thăng Long để lên Đức Thánh cha Urbano VIII một tờ biểu gồm 205 chữ Hán. Nhóm này cũng gửi Bề trên Cả Dòng Tên Mutio Vitelleschi ở Roma một thư cũng bằng chữ Hán, gồm 183 chữ [12].

– Ngày 15-7-1640 ba vị đại diện bổn đạo Đàng Trong viết một tờ biểu tại Thanh Chiêm bằng chữ Hán đệ lên Đức Thánh cha Urbano VIII được cha Alexandre de Rhodes dịch sang tiếng La Tinh [13].

– Ngày 16-8-1750, Linh mục Phanxicô Than ở Giáo phận Tây Đàng Ngoài đặt tay lên sách Phúc âm và trước mặt Giám mục bản quyền thề theo bản đã viết bằng chữ Nôm [14].

Đến mấy chục năm đầu thế kỷ XX, trong các giáo phận Bắc Kỳ và Trung Kỳ dùng sách đạo một phần bằng chữ Nôm, phần kia bằng chữ Quốc ngữ [15].

Ở trên là nói đến việc sử dụng chữ Hán–Nôm trong giới linh mục, tu sĩ. Còn phía giáo dân vẫn dùng sách chữ Nôm nhiều hơn quốc ngữ. Những năm 1903, 1920, 1922, 1926, 1927 các nhà in Công giáo như Nazareth Hongkong, Kẻ Sặt, Kẻ Sở, Trung Hoà Thiện Bản Hà Nội, Phú Nhai, Qui Nhơn, Tân Định vẫn in sách đạo và sách đời bằng chữ Nôm, Hán, La Tinh, Pháp và cả chữ Quốc ngữ [16].

Chính các giáo sĩ Dòng Tên đã sáng tạo ra chữ Quốc ngữ, đóng vai trò như “kẻ trồng cây”. Cây vẫn sống bình thường như thế, cho đến đầu thế kỷ XX, các trí thức Việt Nam đã có công vun trồng để cây Quốc ngữ ấy sinh sôi trổ bông.

Hoàng Mạnh Hà
Theo SGN News ngày 25 tháng 10, 2022

Chú thích:

[1] Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620–1659, Đỗ Quang Chính SJ, NXB Tôn Giáo, trang 118. Tên gốc cuốn sách là Cathechismus. Linh mục Đắc Lộ viết cuốn này dành cho người dạy giáo lý, chia ra tám ngày học nên sau này chúng ta hay gọi nôm na là cuốn Phép giảng tám ngày.

[2] Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620–1659, trang 115.

[3], [4], [5], [6], [7] Tản mạn lịch sử Giáo hội Việt Nam, Đỗ Quang Chính SJ, NXB Tôn giáo 2008, trang 145

[8] Tản mạn lịch sử Giáo hội Việt Nam, Đỗ Quang Chính SJ, NXB Tôn giáo 2008, trang 133.

[9] Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620–1659, Đỗ Quang Chính SJ, NXB Tôn Giáo, trang 148

[10] Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620–1659, Đỗ Quang Chính SJ, NXB Tôn Giáo, trang 117

[11], [12], [13], [14], [15], [16] Tản mạn lịch sử Giáo hội Việt Nam, Đỗ Quang Chính SJ, NXB Tôn giáo 2008, trang 179–183

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*