Những Cô Gái Lạ Lùng Dưới Chân Núi Yên Tử

Vua Trần Nhân Tông, còn được gọi là Phật Hoàng. (Hình: phatgiao.org.vn)

Trong lịch sử nước ta, có một vị vua rất đặc biệt: vua Nhân Tông nhà Trần.
Ông là vua của một triều đại, ông còn là vị vua của một tôn giáo. Danh xưng của ông vừa là vua Trần Nhân Tông (Hoàng Đế Thiệu Bảo), vừa còn được gọi là Phật Hoàng, người sáng lập và đứng đầu một thiền phái vẫn thịnh hành cho đến ngày nay: Thiền phái Trúc Lâm.

Tại thế chỉ 51 năm (1258-1308), vị vua này đã làm được bao nhiêu điều lớn lao cho dân cho nước.

Ngài lãnh đạo toàn dân hai lần đánh thắng một kẻ xâm lược vào loại hung hăng nhất thế giới lúc bấy giờ là giặc Nguyên Mông. Chính ngài là vị vua đầu tiên và duy nhất đã tạo ra hai cuộc hội nghị chưa từng có ở nước ta cho đến tận ngày nay đó là Hội Nghị Bình Than (quý tộc) và Hội Nghị Diên Hồng (các bô lão từ các làng quê) để lấy ý kiến toàn dân về vận nước: “Quân giặc rất mạnh, nên hòa hay chiến?”

Sau đó là những lời thề còn vang đến muôn đời: “Quyết chiến! Quyết chiến! Rồi khắc vào cánh tay hai chữ: Sát Thát.”

Đến nay, hơn 700 năm đã qua nhưng nhắc lại chuyện này, vẫn muốn rơi nước mắt!

Từ Thế Kỷ 13, nước ta đã lập nên một thiết chế dân chủ đại nghị, mà người lập ra là một vị Hoàng Đế. Không ai khác, chính ngài là người giỏi thu phục nhân tâm đến mức khiến một ông vua Chămpa xin thụ lĩnh Phật pháp, xin mãi mãi hòa hiếu, tình nguyện dâng hai châu Ô-Ri để được làm con rể nhà vua Đại Việt.

Trị dân, ngài dùng tâm, dùng đức, để trị. Ngài thương dân, coi dân như con.

Từ Thăng Long, vua vào đến tận một xóm núi phía Nam dựng nên một am nhỏ để vừa phát huy Phật pháp, vừa giáo hóa cho dân biết cần cù làm ăn, biết yêu thương hiếu kính, biết giữ hòa hiếu nhưng kiên định để giữ yên cõi bờ. Cái am nhỏ ấy từng có tên là chùa Kính Thiên (chùa Trạm), ngày nay chính là ngôi chùa Hoằng Phúc thuộc huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình.

Sau khi hai cuộc kháng chiến đã giành được thắng lợi:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã
Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

(Xã tắc hai phen bon ngựa đá
Núi sông muôn thuở vững âu vàng)

Vua yên lòng trao ngôi báu cho con là Anh Tông để trở thành Thái Thượng Hoàng, cũng là để tập trung chăm lo cho việc tu tập và phát triển Phật Giáo thành một thứ tôn giáo đúng là của người Việt Nam. Đạo luôn luôn gắn với đời, với nước, giữ đạo cũng là giữ đời, giữ nước.

Năm 1299, tuổi 41, ngài yên lòng xuất gia, rời Thăng Long, hướng về phía Đông Bắc, trèo non cao Yên Tử, thực sự tập trung lo việc đạo.

Đến đây thì từ phần chính sử đã chuyển sang phần huyền sử với nhiều điều lạ kỳ.

Ngày đó, trước quyết tâm ra đi của Thái Thượng Hoàng, cả kinh thành Thăng Long trăm họ đều bùi ngùi. Tuy nhiên, đau đớn nhất chính là hơn một trăm nàng mỹ nữ đang ở lại kinh thành và được phép trở về quê cũ.

Đó là hơn một trăm cô gái trẻ thuộc hàng đẹp nhất nước. Không cam chịu ở lại hay hồi hướng, họ quyết đi theo những bước chân của Hoàng Đế, mong nếu không níu được bước chân của bậc quý hiển, thì cũng được đi theo ngài, được hầu hạ ngài như phận của kẻ tôi đòi cho đến hết đời.

Vậy mà ai ngờ, vừa đến chân núi Yên Tử, quân lính theo lệnh nhà vua, chặn đường, xua tất cả phải quay về.

Dưới chân núi Yên Tử là một dòng suối, không rộng lắm, không sâu lắm, nhưng cũng đủ rộng, đủ sâu để làm chết người. (Hình: Checkintravel.vn)

Không biết có bắt đầu từ ai không nhưng hầu như cùng một lúc, hơn một trăm người đẹp nhảy ào xuống dòng suối.

Gần 700 năm qua, tên con suối này là Suối Giải Oan!

Hầu như gần trăm người đẹp đã chết, chỉ có một ít người may mắn được người dân ở một ngôi làng gần đấy kịp cứu sống, rồi giúp họ trở lại với đời thường.

Tin vào số mệnh, cũng để tạ lòng những người đã cứu sống và cưu mang, dần dà những mỹ nữ ấy trở thành người làng, những người con thảo, rồi trở thành dâu thảo, mẹ hiền.

Gần 700 năm qua, những thế hệ trẻ con được sinh ra, những thế hệ người đẹp cũng được sinh ra, cháu chắt của những người đẹp một thời được sinh ra.

Có một điều đặc biệt như thế này: Con gái sinh ra ở làng này dù bây giờ chỉ là con thứ dân, nhưng vẫn được dạy dỗ bảo ban như con nhà quý hiển.

Siêng năng, cần cù nhưng lúc nào cũng phải ung dung thư thái.

Trong gia đình, ngoài họ mạc, khi đối xử cũng như lúc nói năng, phải biết trên kính dưới nhường.

Khi nhà có khách lạ thì phải thưa gửi dịu dàng, nhưng phải nghiêm trang kín đáo.

Khi có việc bực lòng thì không được cãi cọ ồn ào, không được khóc.

Nếu chẳng may không nén được thì phải vào buồng lau ngay nước mắt.

Mà lau nước mắt thì chỉ dùng dải lụa mềm chấm nhè nhẹ, không để cho mi mắt đỏ hoe!

Con gái đã có chồng thì trước sau chỉ một người ấy. Đã nhận lời ai thì suốt đời không thay đổi.

Thế mới biết cái gọi là “nếp nhà” ngày xưa như thế nào.

Qua 700 năm, không biết đã có cô gái nào dưới chân núi Yên Tử ấy ra khỏi làng chưa?

Nếu có cô gái nào đã ra khỏi làng thì không biết cô ấy bây giờ đang ở đâu nhỉ?

Hà Nhật
Theo Người Việt online ngày 24/10/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*