Mỹ Quy Định ‘Gánh Nặng Xã Hội’ Mới, Giải Tỏa Lo Âu Cho Người Nhập Cư

Người được nhập tịch Hoa Kỳ là những người không vi phạm quy định “gánh nặng xã hội.” (Hình minh họa: Kevin Dietsch/Getty Images)

HOUSTON, Texas (NV) – Bộ Nội An Mỹ vừa ban hành quy định “công phí” (public charge) mới nhất. Từ ngữ “public charge” được dịch sát nghĩa là “công phí” nhưng được dùng phổ biến là “gánh nặng xã hội”.

Những người bị xếp vào diện “gánh nặng xã hội” là những ai “phụ thuộc chủ yếu vào chính phủ để sinh sống, thể hiện qua việc nhận trợ cấp tiền mặt để duy trì thu nhập hoặc để chăm sóc sức khỏe dài hạn bằng chi phí của chính phủ.”

Để hiểu rõ hơn về quy định mới này, tổ chức Dịch Vụ Truyền Thông Thiểu Số (EMS) mời Luật Sư Zenobia Lai, giám đốc điều hành Houston Immigration Legal Services Collaborative, trình bày hôm Thứ Ba, 27 Tháng Chín.

Không được xin trợ cấp tiền mặt hay y tế dài hạn

Quy định “gánh nặng xã hội” mới nhất được Bộ Nội An ban hành ngày 9 Tháng Chín và có hiệu lực từ ngày 23 Tháng Mười Hai, 2022.

Theo đó, người nhập cư chưa có thẻ xanh có thể vi phạm quy định “gánh nặng xã hội” khi hưởng trợ cấp tiền mặt như phụ cấp an sinh (SSI), hay trợ cấp tiền mặt hằng tháng (TANF) hay cần Medicaid dài hạn vì nằm bệnh viện (hay cơ sở y tế khác).

Bà Lai nói: “Xin những phúc lợi xã hội mà không phải tiền mặt như SNAP, thường được gọi là ‘food stamp,’ bảo hiểm sức khỏe trẻ em (CHIP), ‘housing’ đều rất an toàn.”

“Ngay cả khi xin Medicaid ngắn hạn cũng vẫn được,” bà nhấn mạnh.

Trong thời gian đại dịch COVID-19 bùng phát, nhiều người không dám thử nhiệm hay chích ngừa vì sợ quy định “gánh nặng xã hội,” theo bà Lai.

“Thử nhiệm, chích ngừa và ngay cả xin trợ cấp tiền mặt vì khó khăn do COVID-19 gây ra, hay chương trình đặc biệt (như trợ cấp tiền thuê nhà) đều được miễn quy định ‘gánh nặng xã hội.’ Xin mọi người cứ an tâm,” bà Lai trấn an.

Trong thời gian cựu Tổng Thống Trump còn tại chức, ông ra lệnh tung ra những quy định nhập cư không công bằng. Nhưng kể từ ngày 9 Tháng Ba, 2021, những quy định này đã bị chính quyền của Tổng Thống Joe Biden vô hiệu hóa vĩnh viễn ở bất cứ nơi nào trên Hoa Kỳ.

Hiện tại, người nhập cư có thể nhận được các phúc lợi công cộng hỗ trợ sức khỏe, dinh dưỡng và nhà ở một cách an toàn mà không sợ bị ảnh hưởng đến tình trạng nhập cư.

Theo bà Lai, một trong những lý do của buổi hội thảo là để nhắc nhở rằng nhiều người nhập cư được miễn quy định “gánh nặng xã hội.”

Luật Sư Lai cũng cho biết là học bổng đại học thường do cơ quan tư nhân hay tổ chức bất vụ lợi trao tặng nên không dính líu gì đến chính phủ và hoàn toàn an toàn.

Không đụng đến trợ cấp tiền mặt là không vi phạm quy dịnh “gánh nặng xã hội.” (Hình minh họa: Kevin Dietsch/Getty Images)

Không lạm dụng nhưng đừng quá rụt rè

Bà nói: “Hầu hết những người nhập cư hội đủ điều kiện nhận phúc lợi công cộng đều được miễn quy định ‘gánh nặng xã hội’ và đa số các phúc lợi mà con cái của họ hoặc các thành viên khác trong gia đình nhận được đều không bị tính trong quá trình kiểm tra công phí.”

Ngoài ra, một số diện nhập cư được miễn trừ và không cần lo lắng về “gánh nặng xã hội” (miễn là họ không rời khỏi Hoa Kỳ lâu hơn sáu tháng) là người tị nạn, người tị nạn chính trị, người có thẻ xanh, người xin đơn VAWA (đạo luật chống bạo lực đối với phụ nữ).

Nhìn chung, theo bà Lai, từ thời tổng thống cũ, nhiều người hoang mang và ngộ nhận về quy định “gánh nặng xã hội” nhưng thực sự, quy định này không đến nỗi đáng sợ như vậy.

“Ngay cả trong thời ông Trump, có 455,000 hồ sơ cần thay đổi tình trạng vì ‘gánh nặng xã hội’ mà chỉ có năm trường hợp bị từ chối thôi,” bà nói. “Nhưng rất nhiều người phải sống trong lo âu, sợ hãi.”

Cũng trong thời đó, có hơn 22 triệu người nhập cư và 5 triệu công dân Hoa Kỳ bị ảnh hưởng vì quy định “gánh nặng xã hội” không công bằng.

Giấc mơ Mỹ là mục đích tối hậu của người nhập cư lo sợ vi phạm quy định “gánh nặng xã hội.” (Hình minh họa: John Moore/Getty Images)

EMS phục vụ từ 1981

Tổ chức EMS phục vụ cộng đồng qua phương tiện truyền thông trong 40 năm qua, với đối tượng là dòng người nhập cư từ khắp nơi trên thế giới.

Đến năm 2009, có khoảng 60 triệu người Mỹ trưởng thành dựa vào truyền thông như báo in, trực tuyến, TV, radio… để biết tin tức, thông tin và giải trí.

Mục đích của EMS là thúc đẩy giao tiếp giữa các sắc tộc thông qua các dự án biên tập hợp tác và tiếp thị xã hội, đồng thời mở rộng con đường sự nghiệp cho các phóng viên truyền thông dân tộc thông qua báo cáo học bổng và đào tạo chuyên nghiệp, bảo đảm phân phối công bằng tiền quảng cáo cho vai trò của truyền thông dân tộc trong việc thu hút và thông báo cho khán giả về các vấn đề quan trọng.

EMS không ngừng tăng cường liên lạc giữa các phương tiện truyền thông dân tộc và vận động phi lợi nhuận và các tổ chức dịch vụ cơ sở.

Đằng Giao
Theo Người Việt online ngày 28/9/2022

Liên lạc tác giả: ngo.giao@nguoi-viet.com

1 Comment

  1. ” Gánh nặng xã hội không công bằng ” là sao mà luật sư không giải thích nhỉ?
    Rồi lại còn ” 5 triệu công dân Hoa-kỳ bị ành hưởng ” nữa?
    Đả là công dân Hoa-kỳ mà bị ảnh hưởng là sao?

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*