Gió Nam

(Hình trái) Liễu Trương khi còn là sinh viên Văn khoa Sàigòn. Mười nhà văn miền nam đến với độc giả Pháp – Liễu Trương (Paris tháng 7-2022)

Tháng 6/2022, nhà xuất bản La Frémillerie ở Pháp cho ra cuốn VENT DU SUD (Gió Nam), một tuyển tập truyện ngắn của mười nhà văn miền Nam, do Liễu Trương dịch ra tiếng Pháp.

Ðể giúp độc giả Pháp hiểu biết sự hình thành của nền văn học miền Nam, và khám phá một số nhà văn của nền văn học này, dịch giả đã viết một bài Tựa nội dung như sau.

Lịch sử Việt Nam ở thế kỷ 20 mang dấu vết sâu đậm của hai cuộc chiến: cuộc chiến chống Pháp và cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn. Cuộc chiến chống Pháp kết thúc bằng cuộc bại trận của quân đội Pháp ở Ðiện Biên Phủ, năm 1954, tiếp theo là việc ký kết Hiệp định Genève, chia đôi lãnh thổ Việt Nam ngang vĩ tuyến 17. Kể từ đó, hai nước Việt Nam, miền Bắc cộng sản và miền Nam cộng hòa, chống đối nhau trong một cuộc chiến về hệ tư tưởng, một cuộc chiến huynh đệ tương tàn, cho đến ngày miền Nam sụp đổ, năm 1975.

Vậy nền Cộng hoà miền Nam tồn tại được hai mươi mốt năm. Lịch sử của sự tồn tại ngắn ngủi này được phong phú hóa bởi cuộc di cư của gần một triệu người đã từ bỏ quê cha đất tổ ở miền Bắc, để vào sinh sống ở miền Nam. Những đảo lộn chính trị, xã hội đã làm rung chuyển đời sống ở miền Nam. Chính trong bối cảnh đó một nền văn học mới đã được hình thành.

Hẳn trong những năm 30-40 của thế kỷ trước, Tự Lực Văn Ðoàn và Thơ Mới đã khởi đầu một thời đại mới của văn học Việt Nam, hoàn toàn cắt đứt với văn học truyền thống được các nhà nho học ca tụng. Năm 1954, trong một đất nước bị phân chia về lãnh thổ cũng như về hệ tư tưởng, một nền văn học mới xuất hiện ở miền Nam. Ðó là sự cắt đứt lần thứ hai với quá khứ. Kể từ đây, những tác phẩm của Tự Lực Văn Ðoàn và của Thơ Mới được dân chúng thưởng thức như những tác phẩm của một thời đã qua. Các nhà văn, nhà thơ từ mọi chân trời, tập hợp trên dải đất miền Nam, đều ý thức rằng rồi đây họ sẽ xây dựng một nền văn học hiện đại. Do đó sáng tạo văn chương có được một nguồn sinh lực đặc biệt. Ðối diện với nền văn học miền Bắc bị trói cứng trong hệ tư tưởng cộng sản, văn học miền Nam có tính nhân bản và mở ra với những trào lưu của Tây phương, chứng tỏ một tính năng động phong phú. Ðông đảo là những người cầm bút đã thấy trong nền văn học này một cơ hội may mắn để tự do viết, xa mọi hệ tư tưởng cực quyền, một lối viết có khả năng phản ánh tâm hồn người Việt Nam trước sự bi thảm của chiến tranh và sự tiến hóa của xã hội.

Nhưng cuối cùng, chính lịch sử đã phán quyết: sự thất thủ của miền Nam, năm 1975, làm biến mất một nền văn học đang trong tình trạng sung mãn. Tuy nhiên, chỉ là một sự biến mất tạm thời, bởi vì mặc dù bên phía cộng sản, từ nay làm chủ đất nước, có ý muốn bôi xóa, tiêu diệt văn học miền Nam, nhưng nền văn học này vẫn mạnh mẽ tái hiện trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại cũng như ở trong nước. Vậy văn học miền Nam sẽ có một chỗ đứng vững vàng trong văn học sử Việt Nam.

Tuyển tập truyện ngắn này tập hợp mười nhà văn tiêu biểu của văn học miền Nam. Bên cạnh hai nhà văn nữ: Túy Hồng Nguyễn Thị Hoàng, có tám nhà văn nam: Dương Nghiễm Mậu, Mai Thảo, Nhật Tiến, Nguyễn Thụy Long, Thanh Nam, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường và Phan Nhật Nam. Trong số các tác giả trên đây, Mai Thảo là người đã tích cực góp phần vào việc cách tân văn học. Ðứng đầu tạp chí Sáng Tạo, mà một nhóm nhà văn, nhà thơ cùng chung tinh thần xây dựng cái mới hợp tác, Mai Thảo kêu gọi các thế hệ trẻ cắt đứt với quá khứ để lên đường đi đến một văn học hiện đại.

Sự chọn lựa các tác giả trên đây có vẻ võ đoán, tuy nhiên đáng được độc giả lượng thứ, bởi vì khuôn khổ giới hạn của cuốn sách không cho phép chúng tôi giới thiệu thêm nhiều tác giả khác của miền Nam.

Trong những truyện đầu, chủ đề chiến tranh nổi bật. Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, Dương Nghiễm Mậu, Phan Nhật Nam là những người ở trong quân ngũ, như những thanh niên cùng thế hệ; vì bị xoáy vào cơn lốc sinh tử, họ là những chứng nhân trực tiếp của những cảnh khủng khiếp của chiến tranh. Thanh Tâm Tuyền nổi tiếng vì đã làm mới thơ miền Nam với những vần thơ tự do, độc đáo, cũng là một tác giả tiểu thuyết và truyện ngắn; trong truyện Dọc Ðường, ông đã tạo nên một không khí lo sợ đến cùng. Thảo Trường, tác giả truyện Trong Hầm Trú Ẩn, diễn tả sự bất lực và nỗi nhục nhã của một thương phế binh. Nguyễn Thụy Long và Dương Nghiễm Mậu thì hướng về cái chết của người lính. Ngày tháng buồn hơn của Nguyễn Thụy Long kể cái chết của một người lính trẻ sắp lập gia đình. Chuyến trở về sau cùng của Dương Nghiễm Mậu cho thấy mối đe dọa của tử thần chờn vờn trên một đám đông dân chúng đầy khiếp sợ, với chiếc quan tài của một người lính trẻ mà người ta không tìm ra được gia đình để trao lại. Về phần Nhật Tiến, nhà văn của tuổi thơ bất hạnh, ông kể trong truyện Ðường Vào Trần Gian cảnh lang thang của một đứa bé trong chiến tranh. Những cuộc hành quân bất ngờ đẩy Phan Nhật Nam đến mảnh đất quê hương của mình, khiến ông viết Những Ngày Dài Trên Quê Hương gồm những suy tưởng xót xa về sự tàn bạo và phi lý của chiến tranh.

Rời xa chiến tranh, một chủ đề thứ hai tiết lộ một khía cạnh của xã hội Việt Nam: chủ đề người phụ nữ. Người phụ nữ bị giam cầm trong những lề thói của truyền thống, trong truyện Buồn Ga Nhỏ của Thanh Nam, người phụ nữ chống đối truyền thống trong Nhìn Xuống của Túy Hồng và Một chút Ðời Người của Nguyễn Thị Hoàng, và người phụ nữ ý thức về nhân phẩm của mình trong Bàn Chân Tưởng Tượng của Mai Thảo. Những gương mặt phụ nữ trên đây thuộc hai thế giới: thế giới của quá khứ, của truyền thống và thế giới hiện đại với sự tìm kiếm tự do, tự chủ.

Gió Nam là tựa đề chung cho mười truyện ngắn, tạo nên cái nhìn toàn diện về văn học miền Nam từ 1954 đến 1975. Gió Nam là biểu tượng của nền văn học này, dù bao tai họa do chiến tranh gây nên, ngọn gió huyền thoại từ phương Nam vẫn đem lại cho dân tộc Việt Nam niềm hy vọng, sự tự do và tinh thần nhân bản.

* * *

Liễu Trương là cựu học sinh trường Couvent des Oiseaux Đà Lạt, từng là sinh viên Đại học Văn khoa Sàigòn trước khi làm giáo sư Pháp văn trường nữ trung học Bùi Thị Xuân Đà Lạt. Sống ở Pháp từ 1963, bà tốt nghiệp Tiến sĩ Văn học Đối chiếu, Đại học Paris III – Sorbonne Nouvelle.

Đã xuất bản:

– Les Canons tonnent la nuit, bản dịch truyện Đêm nghe tiếng đại bác của Nhã Ca, Nxb Philippe Picquier, Pháp, 1997.

– Một cuộc đi chơi ở đồng quê, bản dịch 16 truyện ngắn của Guy de Maupassant, Nxb Đà Nẵng, 2007.

– Tiếp cận Văn học Pháp, Nxb Văn Học, Hà Nội, 2007.

– Phân tâm học và Phê bình văn học, Nxb Phụ Nữ, Hà Nội, 2011.

– Un été embrasé, bản dịch bút ký Mùa hè đỏ lửa của Phan Nhật Nam, Nxb L’Harmattan, Pháp, 2018.

– Kẻ Ngoại Cuộc, bản dịch tác phẩm L’Étranger của Albert Camus, Nxb Dân Trí, 2021.

Trần Vũ
Theo baotreonline.com ngày 22/9/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*