Người Bắc không hề kỳ thị dân Nam nhưng dân buôn bán vặt ngoài Bắc có xu hướng chặt chém người ngoại tỉnh, không cứ gì dân Nam mới bị chém, cứ lơ ngơ là dính, nhưng người miền Nam là dễ nhận biết hơn cả và lại hiền lành và hào phóng, nên dễ làm thịt. Dân miền Trung cũng dễ nhận biết qua giọng nói, nhưng đố mà thịt được họ.
Hôm nọ có bạn miền Nam đã viết cẩm nang cho người miền Bắc vào Nam cho dễ hòa nhập, mình tuy dặt dẹo ở trỏng lâu, chả lạ gì, nhưng vẫn cảm kích muốn đáp lễ bằng cẩm nang tương tự cho dân miền Nam ra Bắc.
Vấn đề cốt lõi là các bạn phải biết che giấu thân phận, nguồn gốc của mình và phải biết tránh những nơi lang sói trú ngụ, tránh kích động lòng tham và tính húng chó của thương gia cũng như bần nông miền Bắc. Khoản chặt chém thì kinh điển nhất là ở Thanh Hóa (Sầm Sơn) nghe đồn là đỡ nhiều rồi, HN cũng chém ác, nói chung là cứ chỗ nào có khách du lịch là có đao phủ. Có nhiều bạn dị ứng với du lịch chặt chém ở Bắc, nhưng theo mình thì du lịch mạo hiểm cũng là 1 thú vui tao nhã, nên có trải nghiệm.
Các bạn phải cố gắng học 1 số từ miền Bắc để giao tiếp cơ bản, giống đi du lịch nước ngoài thôi, từ vựng chủ yếu để giao dịch thương mại. Cố gắng học được cả âm điệu tiếng Bắc (HN). Chẳng hạn, bạn gọi “thanh toán” chứ đừng “tứn tiềng” hay “thăn toáng”. Nếu không học nổi tiếng HN thì cũng phải cố học tiếng Thanh Nghệ hay Hải Phòng nhé. Kỹ năng này rất là khó, nhưng rèn luyện thì sẽ được. Nếu trình độ “ngoại ngữ” kém thì bạn đừng nên nói nhiều, chỉ cần chỉ chỏ các món hàng, nói vài câu cơ bản thôi, cho đỡ lộ.
Nên chọn quán nào sang trọng chút, hoặc các chuỗi cửa hiệu có trên toàn quốc, thì sẽ có dịch vụ tốt hơn, an toàn hơn, không bị chém, cũng gần như quán trong Nam thôi. Nhưng nếu không có lựa chọn đó thì khi vào quán bình dân bạn đừng “đòi hỏi”, chẳng hạn như ăn uống 4 người thì đừng có đòi 2 bát nước chấm, vì người Bắc tiết kiệm, chỉ có 1 mà thôi, chấm chung cho nó đoàn kết. Bạn đòi 2 bát trở lên có thể bị ăn chửi. Nếu muốn có bát thứ 2, bạn cứ bảo chủ quán là thằng ăn cùng em bị ho lao, viêm gan B, cho em xin bát nước chấm nữa.
Người Bắc vốn dễ nổi nóng, hay chửi và dễ chửi hơn người Nam, nếu chủ quán hay người phục vụ chửi ĐMM, chưa chắc họ đang chửi bạn, họ chửi ai đó thôi và họ cũng chưa nóng lắm đâu, bạn vẫn an toàn. Khi họ nhìn thẳng vào bạn chửi ĐCMM, lúc đó cần cảnh giác hơn, tìm đường chạy nếu không muốn lĩnh chai bia vào đầu.
Từ khi cách mạng thành công, giai cấp công nông làm lãnh đạo, vào quán bạn phải kính trọng, lễ phép với người phục vụ, đừng có vẫy tay, gõ thìa, hất hàm hạch xách đòi hỏi người phục vụ, bạn tự phục vụ là tốt nhất. Chẳng hạn như tự đi lấy đũa, bát, giấy ăn, tự rót nước mắm, tự bê bát phở (thậm chí bê hộ bát phở cho khách bên cạnh), trả tiền thì tự đi ra quầy. Khi đó chủ quán sẽ có thiện cảm với bạn hơn, đỡ bị ăn chửi. Ra Bắc bạn sẽ rèn luyện được tính tự giác, không ỉ lại vào người phục vụ, rất tốt để giáo dục trẻ em!
Khi mua đồ, tuyệt đối phải mặc cả trước và tránh đi mua vào buổi sáng nếu muốn mua được rẻ, nếu bạn mặc cả vào buổi sáng mà không mua hàng, bạn sẽ bị chửi sml và đốt vía (phong long). Nếu mua đồ ở Sầm Sơn – Thanh Hóa thì cần mặc cả chi tiết hơn. Chẳng hạn, ngoài việc hỏi giá các món ăn chính thì nhớ hỏi giá cả các thứ phụ như bát nước mắm, công phục vụ, rau thơm, giấy ăn… Nếu bạn có điều kiện 1 chút thì tốt nhất là đừng mặc cả, cùng lắm chỉ bị chém gấp 3 thôi, ít khi bị chém gấp 5-10 lần lắm, người bán vẫn có lương tâm. Khi đó bạn chỉ cần nghĩ đến câu “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung 1 giàn”, coi như làm từ thiện cho đồng bào ngoài Bắc, ở đây bạn không mất tiền bo mà.
Khi đi xe ôm hay taxi, cố gắng chọn Grab hay Uber, nếu phải dùng hàng truyền thống thì phải dùng Google maps đo khoảng cách và để biết đường đi. Tài xế taxi sẽ hay bảo bạn là “em mới đi làm, không biết đường, anh chỉ giúp em”. Nếu bạn thật thà bảo “Anh ở SG ra, không biết đường, em chủ động đi”, thì coi như bạn đã bo cho tài xế gấp 2-3 lần tiền. Trong trường hợp đó, bạn lén nhìn vào điện thoại để chỉ đường cho tài xế, khi anh ta thấy bạn biết đường thì anh ta cũng sẽ thạo đường hơn cả bạn. Đòn này bây giờ SG, Cần Thơ cũng đầy, tiếng lành đồn xa.
Khi đi du lịch, cần mua đặc sản địa phương, chưa chắc bạn đã mua được đúng đặc sản. Chẳng hạn, mua trà ở Thái Nguyên có thể gặp trà Thanh Hóa, mua bưởi Đoan Hùng thì gặp bưởi Tuyên Quang, kể cả bà con dân tộc bán hàng cũng lừa như thường. Vụ này mình cũng bị lừa, cách tốt nhất là chọn loại đắt nhất, vì đắt thì đỡ giả hơn (không chắc chắn lắm).
Khi nói chuyện với đồng bào miền Bắc, khi chưa rõ họ là ai, bạn đừng có ĐMCS, đừng xúc phạm bác Hồ, bác Giáp và ca ngợi Mỹ Ngụy, sẽ rất rủi ro.
Ra đường chẳng may bị ai đó tông xe, nếu bạn còn chưa bất tỉnh, thì nên xin lỗi họ ngay lập tức với giọng thành khẩn nhất có thể, đền tiền luôn càng tốt. Nếu không muốn mất tiền hoặc xin lỗi thì nên giả vờ bất tỉnh giống như gặp gấu, đừng có trình bày.
Tham gia giao thông ở HN rất phức tạp, bạn sẽ gặp thiên la địa võng những biển phân làn nhỏ nhỏ, khuất khuất, tóm lại là rất dễ dính lỗi, CSGT thì toàn anh hùng núp, sẽ xuất hiện rất bất ngờ khi cần tiền. Ở SG, bạn rẽ phải khi gặp đèn đỏ vô tư, CSGT không bắt, nhưng ở HN, AE CSGT lại hay nấp ở những chỗ mà bạn thích rẽ phải khi đèn đỏ. Tốt nhất là bạn đừng nên tự lái xe ở HN, sẽ rất căng thẳng để theo dõi các biển chỉ dẫn.
Khi bị CSGT bắt, bạn search Google hoặc hỏi giá tiền phạt rồi trả cho các đồng chí ấy 50% nếu muốn được đi ngay. Giá ngoài Bắc cao hơn giá miền Nam 1 chút đấy. CSGT HN cũng hay có thói quen chặt chém dân ngoại tỉnh đấy, giá phạt thông thường là 50% giá nhà nước, nhưng nếu bạn là người ngoại tỉnh, đặc biệt là miền Nam thì có thể bạn vẫn bị chém 100%, bởi vì họ biết là bạn không thể để bị giữ bằng, giữ giấy tờ, đến kho bạc HN nộp phạt. Vì thế, bạn nên nhanh chóng đưa 50% và xin xỏ làm thân (đại khái là em ở miền Nam ra thăm lăng bác).
Tạm thời mình mới nhớ tới đây thôi. Tóm lại là dân Bắc không hề kỳ thị dân Nam, ngược lại là khác, họ rất yêu quý bạn. Các bạn là cừu cho thương gia làm thịt thì sao họ lại phải kỳ thị bạn? Ngoài những vấn đề liên quan đến tiền bạc và lợi ích kể trên thì dân Bắc rất hiếu khách, họ không làm hại bạn đâu, nếu điều đó không ra tiền! Đây là mình cứ cảnh báo chung vậy thôi, chứ không phải đi quán nào cũng bị vặt tiền, nhưng cảnh giác vẫn tốt hơn.
Xin nhắc lại, du lịch mạo hiểm cũng là trải nghiệm thú vị, đừng nên bỏ qua.
Theo Fb Chính Quốc Dương
Đăng lại theo Fb Bác sĩ Nhàn Lê
Be the first to comment