Sinh hoạt Tết của cộng đồng Mỹ gốc Việt tại Tacoma, Hoa Kỳ – (Ảnh chỉ có tính chất minh họa- Nguồn: Võ Ngọc Ánh)
Ở Việt Nam lâu nay có chuyện bất kỳ ai không cùng giọng với Đảng Cộng Sản, với chính quyền là bị các cơ quan nhà nước, đài báo và một phần cộng đồng mạng dán cho cái nhãn “phản động”.
Nhưng ở hải ngoại, trong cộng đồng người Việt cũng không thiếu chuyện chụp mũ nhau “đồ cộng sản”, “cộng sản nằm vùng”, chỉ vì một cá nhân có suy nghĩ, hành động hoặc phát ngôn không giống họ.
Bị chụp mũ “đồ cộng sản” vì không ủng hộ Donald Trump
Cuối năm 2016, khi ký kêu gọi trả tự do tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh tôi đã để lại thông tin của mình. Qua đó, một anh người Việt sống cùng thành phố đã chủ động liên lạc. Sau đó chúng tôi gặp nhau vài lần, đến nhà nhau, nói chuyện khá cởi mở về nhiều vấn đề.
Từ khi tôi có các bài báo, bài đăng trên mạng xã hội không ủng hộ Donald Trump anh khuyên tôi, người Việt Nam phải ủng hộ Donald Trump. Chỉ có ông mới có khả năng mang lại dân chủ cho Việt Nam. Tôi không đồng ý. Anh xóa kết bạn và chụp mũ tôi là “thằng cộng sản” với người khác.
Mùa hè năm ngoái, tôi gặp một chị người Việt từ tiểu bang khác đến Tacoma. Câu chuyện có nói đến chính trường nước Mỹ. Một người giới thiệu, tôi quan tâm chính trị, có những bài viết không ủng hộ Donald Trump. Chị này kết luận ngay trước mặt tôi, “Không cần biết anh viết gì, nói gì, nhưng không ủng hộ Donald Trump thì là cộng sản rồi còn gì”.
Trên mạng xã hội, trong các bình luận, qua các tút, bài viết của người khác tôi bị vô số người chụp mũ là cộng sản chỉ vì không ủng hộ Donald Trump.
Có không ít người bị chụp mũ như tôi. Tù nhân lương tâm Nguyễn Ngọc Như Quỳnh đã rời khỏi Việt Nam sang Hoa Kỳ sống là một người như thế.
Tháng 3/2020, cô Quỳnh không đồng ý với việc ông Donald Trump nói dùng thuốc điều trị sốt rét chloroquine/hydroxychloroquine để trị Covid 19. Và trong đại dịch nước Mỹ cũng chưa phải vĩ đại, cũng thiếu thốn khẩu trang, nước diệt khuẩn. Cuối tút cô Quỳnh viết: “Trong đại dịch nên đọc theo lời cảnh báo của chuyên gia y tế, đừng nghe lời lãnh đạo”.
Vì điều này, vô số người Việt chụp mũ cô Quỳnh “cộng sản nằm vùng”, “an ninh cộng sản cài cắm”, “vô ơn”… Có người còn đăng thư ngỏ kêu gọi mọi người ký để trục xuất cô Quỳnh khỏi Mỹ. Thư ngỏ được công bố ngày 23/3/2020, đến ngày 30/3/2020 đã có gần 12 ngàn người ký.
Nói về phát triển ở Việt Nam, cũng bị gán là Cộng Sản
Hồi tháng 7 vừa rồi, Phạm Thanh Giao, một người Việt đang sống tại miền bắc tiểu bang California đã có loạt bài viết về sự phát triển của Việt Nam và những phân tích những mảng tối, hệ lụy… của sự phát triển đó.
Sau hai bài viết về sự phát triển của Việt Nam được đưa lên mạng xã hội, nhiều người cùng chiến tuyến với anh trong nhận định chính trị nước Mỹ quay sang quy chụp anh là “cộng sản nằm vùng”…
Với rất nhiều Việt Kiều tại Mỹ, Úc, Canada… họ không thể chấp nhận một người đấu tranh, hoặc ủng hộ dân chủ cho Việt Nam nói về sự thành công kinh tế ở Việt Nam.
Tôi có kinh nghiệm với nhiều người Việt đấu tranh cho dân chủ tại hải ngoại phủ nhận, gạt bỏ mọi thành quả về kinh tế của chính quyền Việt Nam. Họ chỉ xoáy vào sự thất bại, lên án cộng sản đem đến kết quả thậm tệ, gây ra bất công.
Họ làm lơ không thấy nhiều doanh nghiệp của Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản và cả Mỹ đang sản xuất tại Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới như Samsung, Intel… gần đây là Apple cũng đã chọn Việt Nam. Nhờ đó, đời sống của không ít người Việt Nam được cải thiện rõ nét.
Tôi sinh ra trong thập niên 70, sống trong thời không có cơm ăn đến nhìn thấy nhà máy, xí nghiệp mọc lên ở khắp nơi. Chứng kiến sự phát triển kinh tế rất rõ của Việt Nam.
Dù chưa được như Malaysia, Thái Lan nhưng cứ đà phát triển này, tôi tin rằng một vài năm nữa thu nhập bình quân đầu người (GDP per capita) Việt Nam sẽ vượt qua Phillipines, đạt mức của Indonesia và có thể đuổi kịp Thái Lan.
Chỉ đáng buồn, sự cởi mở về chính trị ở Việt Nam không giống như sự phát triển về kinh tế.
Thiết nghĩ, người ta chống Cộng mà không hiểu cộng sản đang ở mức nào thì khó có được kết quả.
Và chắc chắn, dù đảng nào nắm quyền thì phải giữ sự phát triển kinh tế như hiện nay mới có được lòng dân.
Luật sư đấu tranh cũng bị chụp mũ
Qua các bài viết trên mạng xã hội của luật sư Trần Kiều Ngọc, cũng là một người đấu tranh để Việt Nam có được dân chủ ở Úc cho biết, bà đang kiện một người Việt ở Úc có tên Cindy Huyen Vu “phỉ báng” mình.
Sự việc, hơn một năm trước tại Úc có vụ du học sinh Dương Đức Thịnh cùng nhóm bạn giật cờ vàng ba sọc đỏ, của người Việt tỵ nạn cộng sản ở Úc và giẫm đạp lên.
Thời điểm đó, bà Ngọc đã có ý kiến khác với nhiều người Việt tỵ nạn cộng sản. Bà phân tích có thể dựa vào pháp lý để giải quyết vấn đề của Dương Đức Thịnh.
Tuy nhiên, cô Cindy Huyền Vũ không nghĩ như thế. Cô cho rằng cho rằng luật sư Ngọc bênh vực cho du học sinh này. Đối mặt với vụ kiện của bà Ngọc, Cindy Huyen Vu đang kêu gọi cộng đồng đóng góp tài chính để trang trải pháp lý.
Dùng từ cộng sản?
“Ánh dùng từ cộng sản. Những người học hồi Việt Nam Cộng Hòa không dùng từ này”. Đây là lời của một người Việt sống ở Mỹ khá lâu chỉnh tôi trong một cuộc họp của một nhóm mà tôi là thành viên hồi tháng 6 vừa rồi. Tôi bị chỉnh vì dùng từ “cảnh báo” để nói lên nguy cơ của việc dễ dãi trong các nội quy được nhóm đề ra. Từ đó, người này quy tôi “chỉ có cộng sản mới dùng từ này”.
Khi viết, nói dù bất kỳ ở đâu tôi không dùng từ Hán – Việt, nếu thuần Việt có từ thay thế. Với tôi, đây là cách đề cao tiếng Việt. Vì điều này, mà nhiều lần tôi bị nói “dùng từ cộng sản”, “chưa thoát khỏi cộng sản”.
Đã có không ít người bắt bẻ tôi, ở Mỹ tại sao không dùng từ “Hàng không mẫu hạm” mà lại dùng từ “Tàu sân bay”. Không dùng từ “Phi trường” mà dùng từ “sân bay”… Họ cho rằng tôi đang dùng từ của những người cộng sản.
Sinh hoạt Tết của cộng đồng Mỹ gốc Việt tại Tacoma, Hoa Kỳ – (Ảnh chỉ có tính chất minh họa – Nguồn: Võ Ngọc Ánh)
Trước năm 1975, tại miền Nam từ Hán – Việt được dùng nhiều. Lý do, có thể là do chữ Quốc ngữ còn mới trong ngôn ngữ hành chính nên phải dùng nhiều từ Hán – Việt, xã hội thoát khỏi Nho học chưa lâu…
Mặt khác, tôi nghĩ việc đề cao từ Hán – Việt ở thời kỳ này như một cách níu giữ quá khứ, phản ứng lại việc xã hội bị Tây hóa nhanh trong sự ảnh hưởng của Âu – Mỹ.
Những người cáo buộc “từ cộng sản” quên mất bất kỳ ngôn ngữ nào đều có những từ mất đi, bị thay thế, nhiều từ mới xuất hiện. Đây là quy luật phát triển của mọi ngôn ngữ. Tiếng Việt cũng thế không tránh khỏi điều này.
Sự phát triển của tiếng Việt được quyết định bởi gần 100 triệu người Việt trong nước. Ngôn ngữ là tài sản chung của một dân tộc, quốc gia. Triều đại, thể chế, đảng phái… dù có mất đi, bị thay thế, nhưng ngôn ngữ của người Việt vẫn còn.
Tiếng Việt không phải được định đoạt của hơn bốn triệu người Việt tại hải ngoại, hoặc gần hai triệu người có thể nói được tiếng Việt tại Mỹ.
Thực tế, người Việt ở hải ngoại đang chật vật bảo tồn tiếng Việt để các thế hệ tiếp theo có thể nói, hiểu được tiếng của cha ông.
Những kiểu cáo buộc, “dùng từ cộng sản” không nên tiếp tục khi hiểu được sự quy luật phát triển của ngôn ngữ.
Dù các kiểu cáo buộc, chụp mũ trên cho thấy một phần người Việt sống tại các xã hội phương Tây vẫn thiếu một tinh thần dân chủ, tôn trọng sự khác biệt, thích chụp mũ, áp đặt quan điểm của họ lên người khác.
Nếu những người này thực sự có quyền lực thì sao? Liệu họ có hơn những người của Đảng Cộng Sản hiện đang nắm quyền ở Việt Nam?
Võ Ngọc Ánh
Ngày 3 tháng 9, 2022
Gửi cho BBC từ Tacoma, tiểu bang Washington, Hoa kỳ
Người Việt ở đâu chả kỳ thị sao chỉ phê bình hải mgoại?
Ngay cả chính quyền Mỹ, người dân Mỹ hiện tại cũng kỳ thị vì chính kiến như thế nhân trong cõi ta bà!