Giá Phải Trả Cho Sự Hợp Nhất Công Giáo Trung Quốc

Loạt bài “Vì Tình Yêu Dành Cho Dân Tôi, Tôi Sẽ Không Im Lặng: Về Tình Hình Của Giáo Hội Tại Trung Quốc”, được xuất bản bằng tiếng Anh năm nay, là tám bài giảng của Đức Hồng Y Trần Nhật Quân. Ngài đã giảng loạt bài này tại Hồng Kông vào năm 2017, là những câu chuyện kể về tình trạng của quan hệ giữa Giáo hội trong nước và Giáo hội ngoài Trung Quốc từ năm 2000 đến 2017, tập trung vào một bức thư của Đức Giáo Hoàng Benedict viết cho Giáo Hội Công Giáo tại Trung Quốc năm 2007 và về quan hệ ngoại giao giữa Vatican và Giáo hội tại Trung Quốc.

Mặc dù hoàn cảnh của các giáo dân ở Trung Quốc hiện có thể bị che khuất bởi nhiều vụ bê bối lạm dụng tình dục ồn ào trong Giáo hội, nhưng cuộc đàn áp mà người Công Giáo phải đối mặt ở đất nước vô thần công khai này cũng không nên bị gạt qua một bên. Nhưng điều mà Đức cha Quân tập trung vào không phải là sự áp bức của chính phủ Trung Quốc đối với các nhóm giáo dân thiểu số. Trong các bài giảng của mình, Đức cha nói chi tiết về sự bất tài và tham nhũng của các lãnh đạo Giáo hội trong việc xử lý mối quan hệ phức tạp và căng thẳng giữa các giới chức của Vatican với các nhà ngoại giao, Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc (gọi tắt là PCA) và Giáo Hội Công Giáo hầm trú ở Trung Quốc.

Hội Công Giáo Yêu nước Trung Quốc ( PCA) có lịch sử hoạt động dưới sự bảo trợ của đảng Cộng sản cầm quyền chứ không phải là Toà Thánh La Mã, họ tự bổ nhiệm giám mục riêng của mình mà không cần có sự chấp thuận của Vatican, dẫn đến tình trạng các giám mục này trở thành những người tự động bị vạ tuyệt thông latae sententiae. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI năm 2006 đã chính thức tuyên phạt vạ tuyệt thông cho hai giám mục do PCA chỉ định và cả hai giám mục đã truyền chức cho họ. Giáo Hội Công Giáo hầm trú ở Trung Quốc có vị thế tốt và có hiệp thông trọn vẹn với Toà Thánh ở La Mã nhưng không được sự chấp thuận của chính phủ Trung Quốc và do đó phải chịu nhiều đàn áp.

Nhiều người Công Giáo Trung Quốc ghê tởm Giáo hội nhà nước như một bộ máy trống rỗng nhằm mục đích kiểm soát hơn là tận hiến chân thành, một số tín đồ chỉ tin tưởng Giáo hội bị nhà nước trừng phạt, và một số khác không bận tâm phân biệt giữa hai rổ chức này, vì sự khác biệt không phải là ở nghi thức hay thần học mà là trong cách quản lý giáo hội. Đức cha Quân, người luôn thẳng thắn nói lên sự bất đồng của ngài đối với thỏa thuận tạm thời được ký ngày 22 tháng 9 năm ngoái, ngài chỉ trích luận điệu quanh co của Vatican trong cách xử sự với Giáo hội tại Trung Quốc trong cuốn Vì Tình Yêu Dành Cho Dân Tộc của mình. Ngài lên án chiến lược “thỏa hiệp và đầu hàng” và nói rằng giáo triều Rôma luôn cố gắng làm vừa lòng chính phủ Trung Quốc.

Năm 1988, Toà thánh Vatican đã ban hành tám điểm về Giáo Hội Công Giáo ở Trung Quốc. Thỏa thuận tạm thời được ký năm ngoái đã gây ra bất hòa với giáo hội tại đây. Trong số tám điểm, Thánh Bộ Truyền Giáo thuộc Toà thánh Vatican đã ra sắc lệnh rằng việc phong chức của PCA là hợp lệ nhưng không phải là cam kết. Nhưng theo thỏa thuận, trong điều mà Đức Giáo Hoàng Phanxicô tuyên bố là một nỗ lực thúc đẩy việc hàn gắn và hiệp nhất giữa những người Công Giáo Trung Quốc, sự khác biệt giữa PCA và các giám mục Công Giáo lại bị xóa bỏ. Đức Phanxicô đã công nhận tám giám mục (một người đã qua đời) được PCA bổ nhiệm tại Bắc Kinh như một sự hiệp thông toàn vẹn với Rôma, mặc dù họ đã được bổ nhiệm với sự coi thường trắng trợn đối với Vatican, và trong một số trường hợp, có những người trước đó đã bị vạ tuyệt thông.

Mặc dù thỏa thuận này là một bước tiến nhằm hàn gắn sự rạn nứt trong Giáo hội tại Trung Quốc, nhưng nó đã khiến cho những người Công Giáo từ lâu vẫn tranh đấu cho Giáo hội hầm trú ở Trung Quốc cảm thấy bị lật đổ và phản bội. Đức Giáo Hoàng Phan Xi Cô thừa nhận rằng thỏa thuận sẽ không nhất thiết chấm dứt sự chịu đựng của người Công Giáo tại Trung Quốc. Ngài cũng đã than thở về “sự khốn khổ của những người không hiểu, hoặc những người đã có quá nhiều năm sống trong sự giấu diếm”. Những người Công Giáo như Hồng Y Quân người đã từng can đảm chống đối PCA bất ngờ khi thấy Toà thánh Vatican bỗng tìm sự thoả thuận với tổ chức này.

Sự hiệp nhất của các tín hữu là một mục tiêu xứng đáng và chủ yếu, nhưng hình thức thích hợp và uy quyền của Giáo hội không nên bị hy sinh để đạt được mục đích ấy. ĐHY Quân đã công khai chỉ trích thỏa thuận cả trước và sau khi nó được ký kết, coi đó là một nỗ lực của Giáo hội để hoà hoãn với đảng cầm quyền Trung Quốc thay vì bảo vệ các tín đồ thực sự. ĐHY đã đúng khi lưu ý các giới chức Vatican rằng “nếu hôm nay họ (Vatican) đi với chế độ này, ngày mai Giáo hội chúng ta sẽ không được chào đón trong công cuộc tái tạo dựng một đất nước Trung Hoa mới.”

ĐHY Quân nhắc đến vô số thí dụ về sự bất tài gây tai họa cho Giáo hội. Một trong số này là Đức Giám Mục Pietro Parolin, quốc vụ khanh toà thánh do Đức Phanxicô bổ nhiệm, đã để cho ủy ban Công Giáo của Giáo hội Trung Quốc tiêu tan mà không còn tạo điều kiện cho các cuộc họp của họ nữa. ĐHY Quân cũng đề cập đến việc Cha Federico Lombardi, cựu giám đốc Văn phòng Báo chí của Tòa thánh tự cho phép mình được phỏng vấn bởi đài truyền hình Phoenix là một trong số ít các đài truyền hình tư nhân được chính phủ Hồng Kông cho phép hoạt động chính thức. Theo ĐHY Quân, Phoenix không phải là một đài trung lập. Đài này đã bị chỉ trích trong những năm gần đây vì để cho chính quyền (Trung cộng) ảnh hưởng đến các chương trình của đài. Năm 2016, đài đình chỉ việc phát sóng một số chương trình bình luận chính trị phổ biến với lý do “tư tưởng sai lầm” của người dẫn chương trình.

ĐHY Quân cũng kể về Đức Giám Mục Marcelo Sánchez Sorondo, người đã mời Tiến sĩ Huang Jiefu, cựu thứ trưởng bộ y tế Trung Quốc làm khách mời danh dự tại một hội nghị chuyên đề của Vatican về cấy ghép nội tạng. Huang đã được biết đến một cách công khai về nỗ lực cải cách cộng đồng y tế Trung Quốc trong suốt một thập niên. Năm 2005, với tư cách là thứ trưởng bộ trưởng y tế, ông thừa nhận rằng hơn 90% các bộ phận cấy ghép ở Trung Quốc đã được thu hoạch từ các tù nhân bị xử tử, nhưng ông hứa sẽ cải tổ hệ thống y tế.

Bất kể tài hùng biện cao độ của mình, ông Huang dường như không thể tác động lên nhiều thay đổi. Vào tháng 6 năm 2016, Quốc hội Hoa Kỳ đã nhất loạt lên án việc “thu hoạch nội tạng được nhà nước chuẩn thuận” của Trung Quốc, trong một nghị quyết tố cáo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang tiếp tục bí mật cho thực hiện việc này và họ đã giết chết “những tù nhân lương tâm không cho phép họ làm” gồm cả các thành phần tôn giáo và dân tộc thiểu số.

ĐHY Quân là một người Công Giáo chính thống, tận tụy và ông tỏ ra có sự bất tuân nào đối với Đức Giáo Hoàng bằng những lời chỉ trích của mình. Trong bài giảng cuối của ngài, ĐHY Quân nói, tôi sẽ không bao giờ cầm đầu một cuộc nổi loạn chống lại Đức Giáo Hoàng, nếu ngài ký một thỏa thuận với chính phủ Trung Quốc. “Tôi sẽ lặng lẽ rút về đời sống đan viện để cầu nguyện và sám hối”. Nhưng một Giáo hội yếu ớt và vô hiệu quả, không sẵn sàng chiến đấu một cách cứng rắn vì chân lý sẽ không truyền cảm hứng cho những chứng nhân trong tương lai như ĐHY Quân. Một Giáo hội khi không tận hiến cho giáo lý của chính mình chỉ là một tổ chức trống rỗng.

ĐHY Quân không để chúng ta mất hết hy vọng cho Giáo hội, hoặc cho Giáo hội ở Trung Quốc. Ông chính là niềm hy vọng của chúng ta. Ông ta là tiếng kêu trong sa mạc, không chấp nhận để cho những sự thật nửa vời hoặc sự nhân nhượng hèn nhát làm ông thoả mãn. Cũng giống như Kitô hữu ở những quốc gia thù địch với Kitô giáo, ĐHY Quân bằng sự tận hiến không nao núng của mình dành cho Thiên Chúa, chính là một tấm gương và chứng nhân cho tất cả các Kitô hữu.

ĐHY Quân thừa nhận rằng có niềm tin thực sự vào cả Giáo hội hầm trú của giáo hội quốc doanh ở Trung Quốc. Ngài nói “Chúng tôi nhận ra rằng các phạm trù của chúng tôi quá chia rẽ, khi trên thực tế có rất nhiều thế lực lành mạnh.”

Ngài không ngần ngại vạch ra sự thất bại của Giáo hội trong việc tiếp xúc đúng mức với tín hữu Công Giáo tại Trung Quốc. Năm 2007, Đức Giáo Hoàng Benedict đã viết một bức thư với mục đích tạo sự minh bạch với Giáo hội tại Trung Quốc. Bức thư, ĐHY Quân nói lẽ ra được phổ biến vào dịp Lễ Phục sinh, nhưng bản cuối cùng lại không được công bố cho đến cuối tháng Sáu. Thêm vào đó, bản tiếng Trung mang nhiểu lỗi và có những câu dịch sai. ĐHY Quân than thở “Thật là một sự xấu hổ khi một lá thư gởi cho chính người Trung Hoa lại có quá nhiều sai sót trong bản dịch tiếng Hoa.”

Trong tám bài giảng cuối của mình, được phổ biến vào ngày 28 tháng 6 năm 2017, ĐHY Quân đã so sánh việc người Công Giáo sống tại Trung Quốc cũng như ở trong một cái cũi. Ngài nói rằng thỏa thuận tạm thời giữa Trung Quốc và Đức Giáo Hoàng dù chưa được ký vào thời điểm ngài viết những bài giảng trên, vẫn sẽ tiếp tục kìm hãm quyền được thờ phượng Chúa của người Công Giáo Trung Quốc: “Đối với chúng tôi, một bối cảnh đang được vén màn, đó chính là cảnh bán đứng giáo hội! Không phải là để tái lập sự thống nhất, mà là một sự chung đụng bắt buộc trong cùng một cái cũi. Theo quan điểm đức tin, chúng tôi chẳng thấy gì là có lợi cả.”

Nếu người Công Giáo đã học được bất cứ điều gì từ những tội phạm gần đây hiện đang lan truyền trong Giáo hội, thì lẽ ra không nên rủ lòng thương xót nếu không có công lý. Sự thụ động và thoả hiệp giữa các giáo sĩ khi đối mặt với sự bất công hoặc bắt bớ không nên được dung thứ; và không có bất cứ chính quyền hay tổ chức nào, kể cả bộ máy quan liêu rối rắm của hệ thống giáo quyền Công Giáo, được miễn chước sự khiển trách.

Sự chỉ trích về những van nài của Giáo hội với Trung Quốc không phải của kẻ chống giáo sĩ khốn khổ mà là từ một Hồng Y có uy tín. Các bài giảng của ĐHY Quân không phải là để lên án giáo quyền mà là một lời kêu gọi Giáo hội hành động trong tư cách một quyền lực mạnh mẽ và một đạo binh nhân đức không khoan nhượng. Các giáo sĩ không nên né tránh sự dấn thân của mình đối với việc truyền giảng giáo lý Kitô giáo. Họ nên được củng cố bởi giáo lý ấy.

Niềm hy vọng cho đạo Công Giáo tại Trung Quốc hiện nằm trong tay của ĐHY Quân và những người như ngài, sẵn sàng bảo vệ đức tin ngay cả khi không có sự hỗ trợ mạnh mẽ từ Vatican. Giáo hội trên trái đất sẽ được bảo tồn không phải bởi luận điệu lập lờ nước đôi và sự quan liêu bất tài mà bởi thành phần Chiến sĩ Giáo hội. ĐHY Quân nhắc nhở chúng ta rằng chính những người Công Giáo kiên định trong sự tận hiến của họ với các bí tích thánh thể và học thuyết sẽ là những người giữ gìn Giáo hội, và không khác gì các vị tử đạo, dù là đỏ hay trắng, chính là những hạt giống của Giáo hội.

Mary Spencer – Mân Côi dịch
Nguồn: National Review – The Price of Catholic Unity
Ngày 15/3/2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*