James Webb Và Giấc Mơ Vũ Trụ Của Con Người

“Thế giới đang lên đồng.”
“In Appreciation!” (Vì sự cảm phục)

Đó là phản ứng của những người “bình thường” lần đầu tiên nhìn thấy rõ nét một số thiên hà hình thành sớm nhất từ thưở sơ khai của vũ trụ qua những tấm ảnh NASA công bố hai ngày qua, những vì sao của… 13,8 tỷ năm trước.

Không sai! Thế giới đang “lên đồng” khi được nhìn thấy quá khứ của 13,8 tỷ năm về trước. Thế giới đang lên cơn sốt trước thành tựu vĩ đại của nhân loại. Đối với giới khoa học, kính viễn vọng không gian mới James Webb đã chứng minh sức mạnh vô song của khoa học kỹ thuật. Đối với giới điện ảnh, thì James Webb cũng chứng minh trí tưởng tượng của con người đã từng vượt ra khỏi hành tinh nhỏ bé là trái đất từ nhiều thập niên trước. Nghĩa là, con người từng cho rằng, có sự sống bên ngoài trái đất.

Từ phim giả tưởng

Hơn 40 năm trước, cứ độ 7 giờ tối, bọn trẻ con trong xóm lại tụ tập vào một gia đình có ti-vi màn hình màu, ngồi ngay ngắn, ngoan ngoãn chờ theo dõi cuộc du hành đến trái đất của “người ngoài tinh” – cô bé Maika. Bộ phim “Maika, cô bé từ trên trời rơi xuống” được chuyển thể từ tiểu thuyết Spadla z nebe (Cô bé từ bầu trời) của nhà văn, nhà viết kịch bản Václav Pavel Borovička, là một trong những sản phẩm điện ảnh về khoa học giả tưởng thành công và gây tiếng vang đến tận hôm nay.

Maika là ký ức tuổi thơ không thể quên của nhiều thế hệ người Việt từ những năm 80. Câu chuyện kể rằng, một ngày nọ, khu vực dãy núi phía sau làng Čabovce bỗng tối sầm lại rồi sáng bừng lên lạ thường. Từ trong ánh sáng đó, một cô bé có mái tóc vàng, ôm sát gương mặt xinh như thiên thần xuất hiện. Cô gặp bọn trẻ trong làng và kết bạn với họ, được họ gọi bằng cái tên Maika. Maika không biết nói, không có cảm xúc, không biết khóc, không biết cười.

Khả năng phi thường, nguồn năng lượng siêu nhiên, bộ đầm trắng có đôi cánh bay kỳ lạ của Maika và tình bạn chân thành của bọn trẻ đồng quê đã đi vào giấc mơ của biết bao thế hệ. Tụi nhỏ lớn lên, mang theo hồi ức về sự tồn tại của một hành tinh xa xôi nào đó bên ngoài vũ trụ. Nơi đó, có sự sống, có cô bé Maika ước ao một lần biết khóc như loài người. Nơi đó, một thế hệ, trong đó có tôi, ước ao một lần nhìn thấy.

Nhiều năm sau bộ phim lấy nước mắt của nhiều người “Titanic”, đạo diễn lừng danh James Cameron, lần nữa làm mãn nhãn khán giả khi mô tả vẻ đẹp lộng lẫy, hùng vĩ của hành tinh Pandora và sự sống của nó ở… 2014. Trí tưởng tượng siêu phàm của Cameron trong Avatar đã được ấp ủ từ những năm của thập niên 60. Ông tuyên bố “Avatar” là sản phẩm kết hợp của bốn phim ngắn thể loại khoa học viễn tưởng của ông là “Xenogenesis”, “Chrysalis”, “Mother” “Wind Warriors.”

Vào khoảng năm 1979, khi ấy Cameron 27 tuổi, ông đã vẽ một bức tranh lớn, chủ thể là một người phụ nữ cao, gầy với làn da xanh, mặc chiếc quần màu tím bó sát da… Hình ảnh này tái xuất hiện trong tác phẩm “Avatar” của ông, trở thành người bản địa Na’vi – kết quả của quá trình tiến hoá của một loài sinh vật.

Không biết có thể gọi James Cameron là người bị mê hoặc bởi sự kỳ bí của vũ trụ hay không, chỉ biết rằng từ năm 11 tuổi, từ những nét vẽ nguệch ngoạc, ông đã tạo ra cho mình một khu rừng của người ngoài trái đất. Khu rừng tuổi thơ đó được Cameron chuyển thể thành một Pandora – hành tinh phát sáng tuyệt đẹp đầy sức sống. Loài cây phát quang sinh học liên kết với nhau, lung linh huyền ảo. Trong khu rừng đó, con người “trần tục”, tham lam và quỷ quyệt từ trái đất phải “biến dạng” để thích nghi.

Hành tinh Pandora phát sáng, khu rừng phủ đầy xanh lam, xanh lục, những bông hoa huyền ảo, biết nói trong thế giới Avatar của James Cameron là giấc mơ của loài người về sự sống khác ở một hành tinh nào đó trong dãy thiên hà.

Con người còn một giấc mơ khác, đó là quay ngược về quá khứ. Bộ truyện tranh nổi tiếng về chú mèo máy Doremon của Fujiko Fujio chính là một trong những ví dụ của giấc mơ đó. Chỉ cần bước qua cánh cửa, hoặc nhảy vào ngăn kéo là (các nhân vật) có thể trở về thời gian đã qua, biết mình là ai, thậm chí thay đổi những gì đã xảy ra.

Avatar hay Doremon, chỉ là vài ví dụ trong rất nhiều tác phẩm nói về sự sống bên ngoài trái đất hoặc hành trình về quá khứ. Trong lúc con người nói chung và các tiểu thuyết gia, các nhà làm phim nói riêng dùng trí tưởng tượng của mình để tạo ra vũ trụ kỳ bí, thì các nhà khoa học, thiên văn học, đã miệt mài để khám phá sự thật về Thái dương hệ và nhiều hành tinh khác.

Đến James Webb – câu trả lời về nguồn gốc con người

Những hình ảnh đầu tiên từ kính viễn vọng không gian mới James Webb thật sự làm bùng nổ thế giới. Đây không chỉ là kết quả nghiên cứu của hàng ngàn khoa học gia, kỹ sư, kỹ thuật từ 14 quốc gia và 29 tiểu bang của Hoa Kỳ, mà còn chứng minh sức mạnh vô song của khoa học. Mục đích của họ không phải là “cứu sống trái đất, mang loài người đến hành tinh khác” như những phim giả tưởng vẫn đề cập, mà là mang đến cho loài người một kiến thức mới về lịch sử của vũ trụ.

Từ rất lâu, có thể nói từ nhiều thập niên, các nhà thiên văn học luôn bị ám ảnh bởi những câu hỏi về kỷ nguyên sơ khai của vũ trụ. Những ngôi sao đầu tiên ra sao? Từ tính và sự nhiễu sóng đóng vai trò gì trong việc hình thành những ngôi sao đó? Những lỗ đen của vũ trụ ra đời từ đâu? Phát triển trở thành trọng tâm của các thiên hà ra sao?…

Trang báo khoa học uy tín COSMO cho biết, sứ mệnh chính của kính viễn vọng James Webb là để trả lời những câu hỏi đó. James Webb trả lời về nguồn gốc và vị trí của loài người trong vũ trụ. Chúng ta có phải là duy nhất không? Trái đất chúng ta đang sống có phải là duy nhất không? Dải Ngân hà (Milky Way) có phải là duy nhất không? Nguồn gốc của loài người là gì?…

Nói một cách khác, James Webb ra đời là để viết lại lịch sử mênh mông của vũ trụ.

“Thế giới sẽ chiêm ngưỡng một bức tranh chưa từng có về sự hình thành và phát triển của các thiên hà, như Dải Ngân hà (Milky Way) của chúng ta,” Lisa Kewley, Giám đốc ASTRO 3D của Australia National University nói. “James Webb cũng sẽ tiết lộ cho chúng ta biết những yếu tố nào có trong bầu khí quyển xung quanh các hành tinh Hệ Mặt trời.”

Đúng, thế giới đang “lên đồng” trước những bức ảnh đầu tiên do Webb gửi về. Nhân loại được nhìn thấy các thiên hà đầu tiên được hình thành cách đây hơn 13.8 tỷ năm. Hành trình L2 của Webb vẫn tiếp tục trong khoảng 30 ngày nữa để đi vào quỹ đạo. Chuyến đi hứa hẹn có nhiều hình ảnh kỳ thú độc đáo khác nữa. Quyền lợi lớn nhất con người có được ngay lúc này, có lẽ là những tác phẩm viễn tưởng kinh điển khác sẽ xuất hiện, “xứng tầm” với siêu mắt thần James Webb.

Trong những ngày qua, có ai ngắm nhìn những hình ảnh lung linh, huyền ảo của dãi thiên hà mà nghĩ rằng, chúng ta đã ở đâu trong quá khứ? Và sẽ ở đâu trong… 13.8 tỷ năm nữa? Thôi thì hãy để cho trí tưởng tượng của con người bay cao, thật cao.

Tôi cũng như thế giới, đang “lên đồng” và ngã mũ chào trước thành tựu vĩ đại của lịch sử khoa học.

BB Ngô
Theo SGN News ngày 14 tháng 7, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*