Vào Làng Gà Kể Chuyện Cà Kê

Cổng Tu Viện

“Làng Gà! Cái tên này là do em đặt đấy.” Bạn tôi nói một cách rất hãnh diện. Tôi đã vào thăm bạn đôi lần ở vùng mênh mông cánh đồng này, nơi có những trại nuôi gà công nghiệp nằm rải rác, ẩn mình trong những nông trại rộng hàng trăm mẫu đất. Làng gà ở miền Đông Texas, là một cộng đoàn di dân Công Giáo gốc Việt và cả những người không Công Giáo đã quy tụ về từ nhiều nơi xa xôi. Người đến từ miền Đông Bắc, người từ miền Tây Bắc, người từ Cali nắng vàng, hay cả Mississippi. Họ giống như những di dân gốc Âu Châu đã đến Texas lập nghiệp ở Thế Kỷ 19. Các di dân này đã phải đương đầu với thời tiết, phong thổ, đôi khi rất ngặt nghèo, để lập nghiệp. Từ đầu Thế Kỷ 21 đến nay một số di dân gốc Việt di cư đến Texas để lập nghiệp bằng cách gầy dựng những trại nuôi gà công nghệ. Ở Texas, các nông trại gà công nghiệp được tụ tập ở miền Trung và miền Đông của tiểu bang. Từ nông trại này đến nông trại khác, xa nhau hàng chục dặm.

Cuối tháng Sáu vừa qua, tôi tháp tùng linh mục nhà văn Lã Mộng Thường (đến từ Biloxi, MS) thăm Làng Gà và tham dự dâng Thánh Lễ chiều Chủ Nhật, gặp đúng ngày cộng đoàn mừng hai tân linh mục và chia tay một linh mục lên đường phục vụ nơi khác. Ngay sau Lễ, chúng tôi được hân hạnh dự tiệc với cộng đoàn tại tu viện An Phong Sô. Tôi đã nghe về cộng đoàn tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế gốc Việt Nam này rồi, nhưng đây là lần đầu được thăm viếng.

Linh mục Bề trên Tu viện

Nhân dịp viếng thăm này tôi cũng biết cộng đoàn sẽ tổ chức liên hoan mừng Lễ Độc Lập Hoa Kỳ trong khuôn viên tu viện. Trên đường về lại Arlington, tôi quyết định sẽ trở lại Làng Gà mừng ngày Độc Lập. Nửa vì tò mò muốn quan sát sinh hoạt đồng hương Làng Gà ra sao, nửa muốn đưa cô em Chủ Nhà vào làm quen với cộng đoàn để có dịp thu thập dữ kiện cho chương trình điều nghiên sức khoẻ người Mỹ gốc Việt cô đang thực hiện.

Một Ngày Vui Ở Làng Gà

U-Sa và tôi dậy sớm để vào Làng Gà kịp dâng Thánh Lễ Chủ Nhật vì cộng đoàn sẽ không dâng lễ ở nhà thờ vào buổi chiều Chủ Nhật như thường lệ. Từ nhà chúng tôi đến Winnsboro, địa chỉ tu viện An Phong Sô, nếu đường xá xuôi chảy, lái xe mất hơn hai giờ. Thống kê dân số mới nhất (2018) cho biết Winnsboro có khoảng 3,329 dân cư và trong số này chỉ có 61 cư dân gốc Á Châu, có lẽ hầu hết những cư dân Á Châu này gốc Việt.  Winnsboro cách Dallas 90 dặm Anh về hướng Đông. Ra khỏi biên giới thành phố Dallas, chúng tôi lái xe men theo những con đường làng bảng tên thường được bắt đầu bằng CR (County Road) trước những con số như CR 555 hay CR 405 vv. May mà hệ thống định vị phương hướng đường xá siêu việt của Thế Kỷ 21 đã dẫn chúng tôi đến đúng nơi đúng lúc. Lái xe quanh khuôn viên tu viện rợp bóng cây xanh cho mình cảm giác tươi mát dù thời tiết bên ngoài hừng hựng nóng. Năm nay cơn nóng kéo dài liên tục mấy tuần liền, chẳng có một giọt mưa.

Khi chúng tôi tiến vào trung tâm khuôn viên tu viện, xe của đồng hương đã đậu ngang dọc trên các sân cỏ dại. Gia đình nào cũng mang một món ăn đến chia sẻ. Tôi được cô Chủ Nhà giao cho trách nhiệm bưng nồi chè bắp đầu mùa, cô nấu đêm qua, góp phần vào bữa ăn trưa. Dạo này đi bộ nhiều nên bắp thịt và khớp xương bỗng trở chứng nhức mỏi nên việc bưng nồi chè đi ngang sân cỏ là việc phải cố gắng lắm. Đang loay hoay mở thùng giữ lạnh lấy nồi chè, bỗng thấy một thanh niên khoẻ mạnh đi ngang, tôi mau mắn chào rồi nhờ anh giúp bê nồi chè vào phòng ăn tập thể. Người thanh niên lạ mặt này tươi cười và nhanh nhẹn bưng nồi chè đi như là trách nhiệm của mình.

Ca đoàn

Hơn 200 đồng hương, đến từ các vùng lân cận và có người đến từ Houston đã tụ lại quanh bàn thờ được đặt giữa sân bên những gốc cây cao rợp bóng, có lẽ là cây sồi, sửa soạn dâng Thánh Lễ. Tôi đã ngạc nhiên thích thú lúc nghe ca đoàn, bất chợt, hát vang lên dưới bầu trời miền quê hoang dã. Các bài thánh ca tiếng Việt được bay lên rồi lan ra, hoà tan vào không gian miền thôn quê hẻo lánh, khiến người nghe cũng lâng lâng hồn trí.

Dâng Lễ ngoài trời

Trong bài giảng linh mục chủ tế nhắc giáo dân về giá trị của tự do độc lập ở đất nước Hoa Kỳ. Ngài còn đưa ra vài câu chuyện và câu hỏi liên quan đến bản tuyên ngôn độc lập  rất thú vị. Chẳng hạn như những tác giả bản tuyên ngôn độc lập đã làm tổng thống rồi lại qua đời vào ngày 4 Tháng Bảy. Ngay sau Thánh Lễ là bữa ăn tập thể, ca hát, và trò chơi.

Tôi ghé đến chỗ một vài giáo dân đang nướng các loại thịt vì đây cũng là chỗ các ca sĩ thay phiên nhau hát giúp vui.  Người bạn tôi mới thân quen đến gần nói nhỏ: “Anh chờ món ăn lạ sắp được mang đến”. “Món gì vậy?” Tôi hỏi. “Cà ri Rùa”, Anh trả lời. Nghe đến món thịt Rùa làm mình nhớ đến món Ốc Bưu giả Ba Ba cô em Chủ Nhà của tôi nấu cho bạn bè nhậu lúc còn ở Boston. Tôi có một kỷ niệm ăn thịt Rùa thời đầu đời tỵ nạn mà không bao giờ quên được.

Một đêm thứ Bảy, anh T và tôi từ Ocean Springs, Mississippi sang New Orleans chơi. Quá nửa đêm, chúng tôi còn la cà trên đường Bourbon, con đường nổi tiếng thế giới, dường như du khách nào đến đây cũng tìm đến con đường này vui chơi, nhất là về đêm. Lúc chúng tôi sửa soạn lên đường về, vô tình gặp hai thanh niên Á Châu đi ngang, tôi hỏi vội: “Việt Nam?” Họ dừng lại chào rồi biết chúng tôi sửa soạn về Ocean Springs, một anh đề nghị: “Đến nhà tụi này ngủ, sáng mai về được không?”. “Được chứ!” Anh T và tôi buột miệng trả lời cùng lúc. Bạn có thể thắc mắc tại sao người ta có thể rủ người lạ mặt về ngủ qua đêm dễ dàng như vậy. Bản thân tôi cũng đã từng làm như thế. Có một lần tôi rước hai sinh viên Thái Lan, gặp lần đầu ở chỗ chơi bi da, về nhà ngủ qua đêm, rồi sáng dậy chiên trứng, nướng bánh mì, và pha cà phê đãi khách lạ ăn sáng. Tôi vẫn thường nhắc lại “ở thời người Việt còn cần gần gũi nhau” mỗi khi kể chuyện đầu đời tỵ nạn. Thời ấy, những gã độc thân cô độc như tôi, gặp được người Á Châu ngoài đường là niềm hạnh phúc lớn, huống chi được gặp đồng hương Việt. Một trong hai người đề nghị đi chung xe với chúng tôi để dẫn đường. Anh chỉ đường đến khu chung cư có rất đông người Việt nằm ven xa lộ 90. Khu này có tên là Versailles, nay đã trở thành một khu nhà khang trang của người Việt, có nhà thờ, chùa, hàng quán và chợ. Hai người bạn vừa gặp, mời chúng tôi nhậu khuya, lấy báo cũ trải xuống nền nhà (thời ấy hầu hết người Việt họp nhau lại đều ngồi quanh thức ăn được bày trên nền nhà), và cho biết sẽ nhậu thịt Rùa nướng lò. Anh chủ nhà lấy gói giấy bạc từ tủ lạnh ra, cầm trên tay bảo: “Đây là con Rùa mới câu được ban chiều, bây giờ bỏ vào lò nướng khoảng nửa tiếng là chúng ta có món Rùa tái chấm muối tiêu chanh.” Trong lúc chờ, chúng tôi cứ liền tay mở bia, cụng lon, rồi kể chuyện đời tỵ nạn cho nhau nghe. Đến giờ đưa Rùa ra nhậu, anh chủ nhà vừa cười vừa chửi thề vì đã quên bật lửa. Con Rùa cuộn mình trong giấy bạc vẫn còn nhúc nhích muốn chui ra. Cũng vì kỷ niệm nhậu Rùa này mà từ mấy chục năm nay, mỗi lần đi dự hội nghị ở New Orleans, tôi đều tìm đến ăn ở các nhà hàng có món súp Rùa. Thật ra thì súp Rùa nấu theo kiểu Mỹ không ngon, dù là ở nhà hàng sang trọng.

Đầu bếp nấu món Rùa đã tới, anh ta khệ nệ bưng một chảo Rùa nấu cà ri đặt lên bếp gas kiểu dã chiến để hâm nóng lại. Màu sắc trong chảo cà ri rùa rất hấp dẫn. Chưa bao giờ tôi được thấy một chảo lớn toàn thịt và trứng Rùa. Anh đầu bếp chuyên nghiệp này mới di cư từ Massachussetts xuống đây để sửa soạn đầu tư vào nông trại nuôi gà. Anh hãnh diện mặc bộ y phục đầu bếp còn bảng tên của đại học vì đã làm đầu bếp lâu năm cho University of Massachussetts, Amherst. Anh bạn quý khách nhanh tay múc cho tôi một chén cà ri rùa có hai quả trứng to bằng hai trái chôm chôm cỡ lớn đã bóc vỏ.

Theo tài liệu của bộ công viên và dã thú (Texas Parks and Wildlife), Texas có 28 loại rùa, trong số này 1 loại được gọi là Tortoise và 1 loại là Terapin, 26 loại còn lại được gọi chung là rùa. Tortoise là rùa sống trên đất cạn, Terrapin là loại rùa nước mu có những ô hình thoi kim cương (diamond). Tôi nghĩ mình cứ gọi là rùa cho dễ nhớ dễ hiểu. Không ai cần biết con rùa trong chảo cà ri là loại nào. Kiến thức ấy chẳng cần thiết trên bàn nhậu, có chăng là trong lớp học.

(Hình trái:) Bát thịt rùa – (Hình phải:) Hâm nóng thịt trong mu rùa

Lần đầu tiên trong đời được thưởng thức trứng Rùa, béo ngậy. Món này được nấu với đậu phụng rang nên lúc ăn ta thưởng thức được thịt Rùa béo, mềm và khi cắn vào hạt đậu phụng ta có thêm được cảm giác dòn tan trong miệng. Cái cảm giác vừa béo vừa dòn tăng lên độ khoái khẩu trên đầu lưỡi. Nước sốt cà ri béo nên chấm bánh mì ăn kèm cũng ngon đáo để. Hầu như rất ít phụ nữ chiếu cố món này. Ngược lại, một nhóm quý ông ngồi quanh bàn cạnh nồi thịt Rùa, cụng lon bia liên miên. Một vị trong nhóm lấy ra chai rượu pha máu tươi cùa con Rùa trong chảo, rót cho một người một ngụm nhỏ. Tôi cũng được mời uống rượu pha máu Rùa, nhưng cầm chén rượu trên tay mà bụng dạ cứ thấy tơn tởn làm sao ấy. Bị mời nhiều lần lên đành liều, thí mạng cho thần Kim Quy. Người đàn ông mời tôi rượu pha máu Rùa là người đã làm thịt con Rùa này hôm qua. Anh bảo con Rùa nặng hơn 15 cân Anh, khoảng 7 kí lô. Với tôi, thịt và trứng rùa rất ngon. Tôi nhắn bạn D, nhớ để dành cho tôi ít thịt rùa mang về, và bạn tôi đã nhiệt tình để dành cho tôi một tô khá lớn. Lý cho chính là để em U-sa biến chế thành món nhậu mới với nguyên liệu và hương vị quen thuộc hơn là cà ri.

Thực phẩm, ở phòng ăn hay ngoài sân cỏ, món nào cũng ngon. Từ chả giò chiên giòn rụm, bún riêu, đến sườn nướng, và gà nướng. Tôi cảm nhận được tình đồng hương – tình xóm giềng khắng khít trong cộng đoàn Làng Gà hẻo lánh này. Làm sao ta có thể tưởng tượng được ở nơi tha hương hàng ngàn dặm lại có một nhóm người gốc Việt đến đây lập nghiệp bằng nghề nuôi gà công nghiệp. Trăm năm nữa, chắc chắn, sẽ có nhà nhân chủng học gốc Việt nghiên cứu về những ngôi làng gà gốc Việt như Làng Gà này.

Hát cho nhau nghe

Đang nghe các bạn quanh bàn nhậu tán gẫu về chuyện ăn thịt Rùa và uống rượu pha máu Rùa sẽ giúp các đấng mày râu lên tinh thần, tăng sức ra sao đêm nay, bỗng nghe có tiếng hát lôi cuốn vang ra từ một bàn gần đấy, nơi có hệ thống âm thanh Karaoke để bà con hát giúp vui. Đứng lên xem giọng hát lạ lùng lôi cuốn này là ai? Tôi giật mình ngạc nhiên khi nhận ra cô sinh viên Y Tá ở đại học tôi dạy trên Boston 20 năm trước. Có lẽ cũng lâu lắm rồi mới gặp lại cô, nhưng ai ngờ gặp lại ở một nơi không tưởng được. Bây giờ cô sinh viên ngày xưa đã trưởng thành từ vóc dáng, phong độ đến giọng hát. Tôi vẫn nhớ lần tổ chức văn nghệ ở đại học, cô mặc áo ba tà, khăn đóng, cầm nón lá, nhí nhảnh hát bài Em Đi Chùa Hương thu hút được chú ý của cả hội trường.

Văn nghệ giúp vui

Chương trình mừng lễ Độc Lập Hoa Kỳ ở trại gà kéo dài đến tối và sẽ chấm dứt bằng cuộc bắn pháo bông, nhưng chúng tôi phải ra về sớm. Các bạn tôi và ngay cả những người vừa gặp đều chân tình rủ chúng tôi nghỉ lại qua đêm, nhưng đành hẹn lần sau.

Chuyện Của Gà

Theo tài liệu mới nhất đăng trên tờ Smithsonian Magazine, các dữ kiện khảo cổ gần đây cho biết gà được cư dân ở Ban Non Wat,  miền Trung Thái Lan (Central Thailand) thuộc Đông Nam Á, nuôi như gia cầm ít nhất cũng 3 ngàn 500 năm rồi. Việt Nam nằm trong khu vực  Đông Nam Á nên có lẽ gà cũng đã được nuôi làm gia cầm lâu đời từ thời thượng cổ. Theo bài viết của tác giả Anh Hùng trên mạng Báo Dân Sinh, hình thù gà đã được khắc trên trống đồng Đông Sơn khoảng 21-27 thế kỷ trước.

Trong truyện cổ tích Sơn Tinh – Thuỷ Tinh có câu chuyện về vua Hùng Vương thứ 18 tìm rể cho con là công chúa Mỵ Nương. Sau nhiều lần diện kiến với các rể tương lai, vua Hùng Vương vẫn không tìm được chảng rể nào cho xứng. Sau cùng có hai chàng trai, Sơn Tinh là Thần Núi, và Thuỷ Tinh thần Biển đến xin cưới Mỵ Nương. Hai vị thần này khôi ngô tuấn tú tài giỏi ngang nhau nên vua Hùng Vương phân vân không biết chọn ai. Cuối cùng ngài thách ai tìm được ba lễ vật: “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao,” và mang đến trước sẽ được làm phò mã hay con rể vua. Cả ba sính lễ này thuộc mặt đất nên Sơn Tinh đã thắng Thuỷ Tinh.

Trong cổ tích Thành Cổ Loa, vua An Dương Vương cũng phải nhờ thần Kim Quy (Thần Rùa) giúp triệt hạ con tinh Bạch Kê (gà trắng) để hoàn thành công trình xây cất thành. Như vậy cả gà và rùa đều đã được nhắc đến từ thời huyền sử Việt Nam. Trong văn hoá và phong tục Việt, gà có một vị trí rất đặc biệt nhất là vào ngày Tết. Tác giả Tuyết Lan viết: “Trước Tết cả tháng, gia đình nào cũng chuẩn bị những chú gà trống đẹp nhất, hùng dũng nhất để chuẩn bị cho mâm cúng đêm giao thừa với ngụ ý “gọi mặt trời”, mang lại ánh sáng đầy đủ cho cả năm và đánh dấu thời khắc năm cũ chuyển mình sang năm mới tốt lành.” Thật ra thì Công Giáo Việt đã bị các đấng truyền giáo từ Âu Châu cấm kỵ việc thờ cúng truyền thống, nên ít gia đình Công Giáo nào giữ được truyền thống cúng ông bà trong các dịp lễ nên việc gia đình Công Giáo giết gà cúng đầu năm coi như đã bị tận tuyệt mấy thế kỷ rồi.

Nói về chuyện gà trong văn hoá Việt thì còn vô số những chuyện hấp dẫn kỳ bí trong dân gian, từ công thức nấu ăn trong nhà đến cách chửi rủa nhau ngoài đường. Thí dụ như “con gà cục tác lá chanh,” hay “thằng cha này gà rù quá!”

Gà Ở Hoa Kỳ

Câu chuyện về gà ở Hoa Kỳ cũng đầy những điều dị kỳ hấp dẫn từ văn hoá thực phẩm đến khoa học nông nghiệp, và sự phát triển kinh tế. Ở Mỹ có Hội Đồng Quốc Gia chuyên quan tâm đến kỹ nghệ nuôi và phân phối gà, hội đồng nay có tên National Chicken Council. Thông tin từ hội đồng cho biết trong trận Super Bowl LVI (thứ 56) năm 2022 vừa qua, dân mỹ đã nhậu 1.4 tỷ cánh gà chiên. Nếu lấy một tỷ bốn cánh gà này nối lại thành dây thì có thể cuốn vòng quanh chu vị địa cầu ba lần. Ghê gớm chưa!

Hình của National Chicken Council

Từ đầu thế kỷ 20 (1910-1920) một số đại học ở Hoa Kỳ đã thành lập phân khoa chuyên dạy và nghiên cứu về gia cầm, nhất là gà.  Hiện nay đại học Texas A&M có chương trình đào tạo hai bằng cử nhân chuyên về gia cầm (Poultry). Một bằng chuyên về kỹ nghệ (B.S. degree in the industry), và một bằng chuyên về kỹ thuật (B.S. degree in the technical). Theo thống kê về thu nhập canh nông của Texas, việc kinh doanh nuôi gà ăn thịt (Broilers) đóng góp 2.9 tỷ mỹ kim vào kinh tế tiểu bang hàng năm, đứng hàng thứ hai sau kinh doanh nuôi bò (12.3 tỷ). Kỹ nghệ nuôi gà ở Hoa Kỳ là một trong những kỹ nghệ kinh doanh thành công hàng đầu trong các ngành đầu tư và sản xuất nông nghiệp (Agriculture).

Ở thế kỷ 18 sang đến đầu thế kỷ 20, người Mỹ chỉ nuôi gà quanh vườn nhà để cung cấp trứng cho gia đình hay thỉnh thoảng vặt lông một con ăn thịt vào những dịp đặc biệt. Cách nuôi gà này thịnh hành khắp thế giới, kể cả Việt Nam. Thế chiến Thứ Nhất và Thứ Hai góp phần vào việc phát triển kỹ nghệ nuôi gà ở Hoa Kỳ. Trong hai cuộc chiến này, vì thiếu hụt lương thực, chính chủ Hoa Kỳ khuyến khích dân nuôi gà và trồng rau cỏ quanh nhà.  Ở thế chiến thứ hai, dân Mỹ còn được khuyến khích mỗi gia đình nên làm một thửa vườn Chiến Thắng (Victory Garden) để sản xuất lương thực cho gia đình, dành lương thực trên thị trường để nuôi quân đội, và đương nhiên là bên cạnh những miếng vườn Chiến Thắng này người dân cũng nuôi thêm gà.

Đến thập niên 1920-1930, việc nuôi gà ăn thịt bắt đầu phát triển. Có lẽ tổ mẫu của kỹ nghệ nuôi gà ăn thịt ở Hoa Kỳ là bà Wilmer Steele ở hạt Sussex, bang Delaware. Năm 1923, bà kinh doanh nuôi thử 500 gà ăn thịt (Broiler) để bán và chỉ 3 năm sau, 1926, bà đã tăng số gà trong chuồng lên 10,000 con để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Sáng kiến nuôi gà bán của bà khơi mào cho kỹ nghệ nuôi gà ở Hoa Kỳ bùng phát.

Từ thập niên 1940 đến 1960, việc sản xuất thực phẩm gia cầm, ấp trứng, nuôi gà, và làm gà để bán chưa được kết hợp nên người sản xuất thực phẩm độc lập với người nuôi gà và người nuôi gà độc lập với người ấp trứng gà. Đến cuối thập niên 1960, các nhà kinh doanh đã thiết lập mô hình kinh doanh kết hợp toàn diện theo đường dọc (Vertical Integration), có nghĩa là việc ấp trứng gà, sản xuất thực phẩm, nuôi gà, xử lý thịt gà, và phân phối thịt gà đến người tiêu thụ hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của một đại công ty. Người tiên phong mô hình kinh doanh kết hợp toàn diện cho kỹ nghệ nuôi gà là ông John Tyson, sáng lập đại công ty Tyson Foods Inc. Từ một chủ nhân xe vận tải phân phối gà, ông đã có sáng kiến kết hợp toàn diện các dịch vụ liên quan đến nuôi và sản xuất gà thành một đại công ty về thực phẩm tại Hoa Kỳ và thế giới. Các nghiên cứu, khám phá và phát minh về kỹ thuật chăn nuôi, sản xuất thực phẩm đủ tiêu chuẩn dinh dưỡng, phương pháp ngăn ngừa dịch bệnh, và phương tiện giao thông đã giúp kỹ nghệ gà trở thành một trong những kỹ nghệ thành công nhất ở Hoa Kỳ. Kỹ nghệ nuôi gà được phát triển nhanh ở một số tiểu bang miền Nam Hoa Kỳ vì các vùng đất này đã có truyền thống về canh nông lâu dài.

Tài liệu của National Chicken Council cho biết là ở thập niên 1925, nuôi được con gà ăn thịt, phải mất ít nhất 112 ngày thì gà mới lớn đủ, cân nặng khoảng 2.5 lbs (1.13 kg), và để nuôi con gà nặng 1b, phải tốn 4.7 lbs thực phẩm. Ngày nay, chu kỳ nuôi gà công nghiệp là 47 ngày để gà cân nặng 5.7 lbs (2.5 kg), đủ để bán ra thị trường, và chỉ tốn 1.9 lbs thực phẩm cho mỗi 1 lb gà. Như vậy kỹ thuật nuôi gà giúp các chủ trại gà rút ngắn thời hạn nuôi, tăng trọng lượng gà, và giảm bớt thực phẩm. Đến năm 2012, mỗi năm các trại gà ở Hoa Kỳ đã cung cấp cho thị trường 8.44 tỷ con gà ăn thịt. Nếu lấy số lượng gà này chia cho từng người trên khắp mặt đất, từ sơ sinh đến già, mỗi người một con thì vẫn còn dư gần một tỷ con.

Những Thử Thách Của Người Nuôi Gà Công Nghiệp

Có thể nói ở thế kỷ 20, kỹ nghệ thẩm mỹ móng tay đã giúp nhiều di dân gốc Việt ở Hoa Kỳ ổn định kinh tế gia đình. Rất nhiều kỹ sư, bác sĩ, dược sĩ gốc Việt đã được nuôi dưỡng và lớn lên trong các gia đình chuyên sinh sống bằng nghề làm Nail. Sang đến thế kỷ 21, nhiều di dân gốc Việt di cư về miền Nam như Georgia, Alabama, Arkansas, North Carolina, Mississippi và Texas để đầu tư vào kỹ nghệ nuôi gà, từ sản xuất trứng đến gà ăn thịt. Nhiều di dân xây cơ sở nuôi gà được vì việc mượn tiền ngân hàng dựng chuồng gà có phần dễ dàng hơn mượn tiền mua nhà ở. Các ngân hàng cho thân chủ vay tiền kinh doanh nuôi gà được chính phủ liên bang bảo đảm, có nghĩa là nếu chủ nợ phá sản, ngân hàng không bị thiệt hại nhiều.

Một trong những thử thách của người kinh doanh nuôi gà là đương đầu với sự cô độc. Các trại nuôi gà nằm xa phố thị vì nhiều lý do. Trại nuôi gà cần đất rộng, và xa phố chợ vì mùi phân gà. Đã có những vụ kiện tụng chủ nhân các trại nuôi gà vì cư dân quanh vùng phản đối mùi phân làm ô nhiễm không khí, thiệt hại giá trị địa ốc của cư dân không nuôi gà; vì thế các trại nuôi gà thường ở những miền quê hoang dã.

Chủ nhân trại nuôi gà chỉ làm chủ chuồng và đất. Tất cả các dịch vụ khác nằm trong tay của các đại công ty, từ việc ấp trứng đến phân phối gà ra thị trường. Như vậy những con gà nuôi trong chuồng là sở hữu của công ty. Chủ chuồng gà phải thiết kế chuồng theo điều kiện chỉ định của công ty. Thực phẩm nuôi gà do công ty cung cấp. Chủ chuồng gà có trách nhiệm thu dọn chuồng gà và giải quyết sự ứ đọng của phân gà. Giám thị của công ty thường xuyên kiểm soát các chuồng gà xem chủ trại có làm theo đúng quy định của hãng không. Hợp đồng nuôi gà không có thời hạn rõ ràng. Hãng có quyền huỷ bỏ hợp đồng bất cứ lúc nào. Đến thời điểm thu gà, hãng trả tiền cho chủ chuồng gà dựa theo tổng số cân nặng của gà, số thực phẩm tiêu thụ, số gà bị chết v… v… Nhưng không có nghĩa là hãng trả tiền cho chủ trại dựa theo những điều kiện trên. Hệ thống trả tiền cho chủ trại gà là hệ thống tranh đua (tournament) với các chủ trại gà lân cận. Nếu bạn làm tốt nhưng người hàng xóm làm tốt hơn, bạn sẽ bị trả tiền thấp hơn dù đã đạt chỉ tiêu. Công ty giữ bí mật về việc tiền trả cho các chủ trại gà. Bạn là chủ nhân chuồng gà, nhưng nếu công ty muốn sửa đổi hay nâng cấp chuồng gà, bạn phải tự bỏ tiền ra làm theo chỉ định của công ty, nếu không làm, hợp đồng của bạn sẽ bị huỷ bỏ. Việc bảo trì chuồng gà là trách nhiệm của chủ chuồng gà. Công ty có quyền bắt chủ chuồng làm theo quy định mới của công ty nhưng không bỏ tiền ra.

Sự Mạo Hiểm và Cần Cù của Đồng Hương Làng

Rời bỏ phố thị nhộn nhịp đến miền quê xa xôi hẻo lánh kinh doanh nuôi gà là một mạo hiểm lớn. Bạn cứ tưởng tượng đang ở Little Saigon, Cali mà quyết định di cư đến một nơi hàng xóm cách hàng chục dặm, không chợ, không tiệm ăn, và xa nhà thương thì chắc chắn là buồn khủng khiếp lắm. Mỗi di dân Việt đang làm chủ một trại gà, chắc chắn, phải có một câu chuyện cuộc đời đầy can đảm và cũng dư kinh nghiệm bi tráng.

Tôi gặp chị H xin chị chia sẻ hành trình lập nghiệp làm chủ trại nuôi gà ra sao. Lúc đầu chị ngập ngừng không muốn chia sẻ, nhưng dần dà, sau vài lời thăm hỏi gần xa, chị cho biết vợ chồng đã khởi nghiệp nuôi gà hơn chục năm rồi. Những ngày đầu gặp bao nhiêu thử thách cam go. Gia đình chị đinh cư ở một thành phố lớn miền Tây Bắc, gần một cộng đồng Việt Nam khá lớn. Vì sinh nhai, vợ chồng quyết định di cư để lại bầy con, đứa bé nhất còn học tiểu học và đứa lớn nhất vừa lên đại học. Các con chị tự lo cho nhau từ ăn uống đến học hành. Cứ mỗi lần gà ra, có nghĩa là đúng kỳ công ty đến lấy gà khỏi chuồng, chị lo nấu ăn để tủ đông cho chồng rồi bay về ở với con hai tuần. Thời gian này chị cũng lo đi chợ nấu ăn để tủ đông cho các con rồi khi công ty đưa gà con đến, chị vội vã trở lại trại gà phụ chồng làm việc. Lúc chị kể về các con trong mắt chị vừa có niềm hãnh diện vừa có chút gì nuối tiếc. Chị hãnh diện vì các con chị dù phải xa bố mẹ, nay đã thành tài. Các cháu đều đã xong đại học. Có cháu làm bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư, hay các ngành nghề khác. Chị bảo nhiều khi nghĩ về con, chị thấy lòng hối tiếc vì không được thường xuyên ở bên các con lúc các cháu đang lớn. Nhưng trong cuộc đời chuyện gì cũng có giá phải trả!

Công việc trong trại gà đòi hỏi sự chuyên cần và chịu đựng. Mỗi ngày chủ trại và người giúp việc (nếu thuê người làm phụ) phải thức dậy sớm, kiểm soát các hệ thống điều hoà không khí, thực phẩm, nước, và quan trọng là đi thu lượm những con gà chết hay sắp chết mang đi thủ tiêu. Nếu điện bị mất bất ngờ, phải kiểm soát hệ thống phát điện cấp cứu xem có phát điện không. Công việc ở trại gà đòi hỏi chủ trại phải sẵn sàng giải quyết những bất trắc 24 giờ mỗi ngày từ lúc công ty đưa gà con đến tới lúc đến thu gà đi. Anh P, một chủ trại có nhiều năm trong nghề chia sẻ: “Mỗi ngày tôi bắt đầu vào chuồng gà thu lượm gà chết và làm những việc cần làm từ lúc 4 giờ sáng.” Bạn là người ham ngủ trễ thì đừng nên đầu tư vào việc nuôi gà.

Tình Người ở Làng Gà

Câu tục ngữ “bán anh em xa, mua láng giềng gần” rất đúng và cần thiết cho cư dân trong Làng Gà. Không gì quý hơn tình đồng hương khi ta sống ở những nơi xa xôi hẻo lánh. Tôi được nghe kể lại câu chuyện về một phụ nữ chủ trại gà, dù chồng đã qua đời, chị vẫn can đảm một mình thay chồng tiếp tục trông nom trang trại nuôi gà. Có lẽ chị làm được như vậy vì nhiều đồng hương xung quanh đã tận tình nâng đỡ chị. Họ thay nhau đến nhà chị hàng đêm để an ủi chị. Chuyện này khó xẩy ra ở nơi đông người. Văn hoá chủ nghĩa cá nhân (individualism) ở Hoa Kỳ hay ở những quốc gia có đời sống kỹ nghệ và kinh tế cao khiến con người sống xa cách nhau. Mỗi cá nhân và mỗi gia đình là mỗi thế giới riêng biệt. Gia đình hàng xóm có người qua đời nhiều khi cả năm sau mới biết, hay sẽ không bao giờ biết. Lúc ngồi uống bia với một số cư dân trại gà, tôi cũng đã chứng kiến được mối thân tình của họ đối với nhau qua cử chỉ và những câu chuyện quanh bàn. Hoàn cảnh đời sống và địa lý khiến các cư dân trong trại gà đến gần với nhau. Tôn giáo cũng cho cư dân Làng Gà cơ hội liên kết với nhau dễ dàng hơn. Mỗi tuần họ đều tụ tập lại dự Thánh Lễ Chủ Nhật ở một ngôi nhà thờ rất nhỏ bé. Thời gian đầu không có linh mục Việt nên các Thánh Lễ Chủ Nhật được cử hành bằng Anh Văn. Và dù cộng đoàn Làng Gà vỏn vẹn vài chục gia đình, nhưng giáo dân vẫn tổ chức ca đoàn hát thánh ca Việt trong các Thánh lễ. Vài năm gần đây, một nhóm tu sĩ dòng Chúa Cứu Thế dọn vào sống với cộng đoàn nên đã có Thánh Lễ tiếng Việt thường xuyên.

“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh.” Bố tôi lúc còn sống đã lập đi lại câu tục ngữ này nhiều lần để dạy các con. Nghề nào làm tốt và làm hết mình cũng có thể tạo cho mình và gia đình kinh tế ổn định và trở nên giầu có là khác. Nhưng không phải nghề nào, việc nào cũng thích hợp cho mọi người. Theo tôi, nghề nuôi gà có nhiều thử thách vì công việc cần những người có khả năng hội nhập nhanh vào hoàn cảnh và sinh hoạt mới. Nghề này đòi hỏi đức tính cần cù, chịu đựng để vượt qua thử thách lúc ban đầu. Có nhiều người Da Trắng cũng thử đầu tư vào việc nuôi gà công nghiệp, nhưng thất bại trong vòng thời gian ngắn vì họ tưởng việc trông coi một trại nuôi gà không đòi hỏi nhiều công sức. Tôi ngả mũ ngưỡng mộ đồng hương gốc Việt đã can đảm khắc phục các thử thách từ nhiều phương diện để tạo cho bản thân và gia đình đời sống kinh tế ổn định và đóng góp vào việc xây dựng nền kinh tế Hoa Kỳ.

Nếu bạn đọc bài này, mỗi lần ăn miếng gà chiên giòn, bát cháo gà, hay tô phở gà, bạn cứ tưởng tượng là mình đang ăn thịt gà do chính bàn tay đồng hương gốc Việt của mình đã chăn nuôi ở những trại gà giữa miền quê hoang dã xa xôi.

Riêng tôi, từ nay tôi biết mình còn nhiều dịp để vào làng gà làm quen rồi làm bạn với những đồng hương tử tế dễ thương, và để được nghe thêm những chuyện đời tha hương chất chứa đầy dẫy những kinh nghiệm bi hùng ở miền đất lạ hoang dã nên thơ.

Trần Thu Miên bút hiệu của Trần Thành, nguyên giáo sư Nhân Xã Vụ Học, Đại Học Dòng Tên Boston College

Nguồn Tài Liệu:

https://www.smithsonianmag.com/smart-news/researchers-pinpoint-date-when-chickens-were-first-domesticated-180980212/

https://baodansinh.vn/ga-trong-doi-song-van-hoa-viet-nam-51061.htm

https://truyencotich.top/doc-truyen/son-tinh-thuy-tinh

https://truyencotich.top/doc-truyen/truyen-thuyet-thanh-co-loa

https://quavang.vn/blogs/tin-thi-truong/hinh-tuong-ga-trong-van-hoa-va-doi-song

https://www.texasagriculture.gov/about/texasagstats.aspx

https://www.austintexas.gov/blog/bawk-future-how-backyard-chicken-keeping-began-war-effort

https://onlinelibrary.wiley.com/doi/abs/10.1111/basr.12170

https://www.pewtrusts.org/~/media/legacy/uploadedfiles/peg/publications/report/businessofbroilersreportthepewcharitabletrustspdf.pdf

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*