Năm Lý Do Vì Sao Nga Sẽ Thắng Tại Ukraine

Ngay từ những ngày đầu tiên, nhà lý luận quân sự Martin van Creveld đã chỉ ra các yếu tố dẫn đến thất bại chiến lược của Nga trong cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Trong một thời gian dài, ông từng cho rằng thành công của Ukraine ít nhất là điều có thể hình dung được. Nhưng tình hình đã thay đổi. Việc đánh giá lại là cần thiết. Sau đây là những phân tích và đánh giá của van Creveld.

Khi cuộc chiến tranh Nga-Ukraine bùng nổ vào tháng Hai năm 2022, như hầu hết các nhà quan sát phương Tây, tôi đã tin rằng người Nga sẽ thất bại, sẽ không thể đạt được hầu hết các mục tiêu mà họ đã đề ra, và Nga sẽ thua trong cuộc chiến tranh này. Nếu gạt các chi tiết sang một bên, thì niềm tin này dựa trên ba trụ cột vững chắc.

Thứ nhất, kể từ năm 1945, nhiều quân đội do các nhà nước lãnh đạo đã thất bại trước các cuộc nổi dậy, bạo loạn, bất ổn, các cuộc chiến tranh du kích, khủng bố, chiến tranh phi đối xứng và các hình thức xung đột vũ trang khác tương tự. Các bạn hãy nghĩ tới Malaysia, nơi thường được hiểu lầm là một thắng lợi của người Anh. Các bạn hãy nghĩ đến Algeria, nghĩ đến Việt Nam, đến Iraq, nghĩ đến hàng chục cuộc xung đột tương tự ở châu Á và châu Phi. Hầu như không có ngoại lệ, những kẻ chiếm đóng đã bị thua và những người bị chiếm đóng mới là những người chiến thắng thực sự.

Thứ hai, diện tích và dân số của Ukraine khiến tôi và những người khác tin rằng Nga đã liều lĩnh quá sức mình. Kết quả sẽ là một cuộc xung đột kéo dài, cực kỳ đẫm máu và hết sức tàn khốc, nó sẽ ít được quyết định trên chiến trường mà chủ yếu là sự mất tinh thần, ý chí chiến đấu của cả lực lượng quân sự Nga cũng như nhân dân Nga.

Cũng giống như hồi năm 1981 đến 1988, khi Liên Xô xâm lược Afghanistan và tham gia vào một cuộc chiến chống nổi dậy, cuối cùng không chỉ dẫn đến thất bại quân sự trên chiến trường, mà còn khiến Liên Xô sụp đổ. Một kịch bản như vậy cũng đã được ủng hộ khi người Nga phải đối mặt với rất nhiều khó khăn trước khi cuối cùng mới thành công trong việc chinh phục Chechnya, một lãnh thổ nhỏ bé hơn Ukraine rất nhiều.

Thứ ba, đó chỉ là một ước mơ đơn thuần, điều mà tôi đã chia sẻ với hầu hết các nhà quan sát phương Tây, trong đó có các nhà lãnh đạo quốc gia, các bộ trưởng, giới quân sự, cơ quan mật vụ và các phương tiện truyền thông.

Từ đó, bốn tháng đầy biến cố đã trôi qua. Trong quá trình đó, các yếu tố sau đây đã buộc tôi phải đánh giá lại tình hình:

Thứ nhất, không diễn ra một cuộc chiến tranh du kích

Người Ukraine đã không tiến hành một cuộc chiến tranh du kích. Thay vào đó, theo danh sách vũ khí mà họ yêu cầu phương Tây cung cấp, có thể thấy họ đang nỗ lực tiến hành một cuộc chiến tranh thông thường: tăng chống tăng, pháo đọ pháo, máy bay chống máy bay. Tất cả những điều đó dường như cho thấy người Ukraine không chỉ muốn chống cự quân Nga xâm lược mà còn muốn tống cổ họ ra khỏi toàn bộ lãnh thổ của đất nước mình. Nếu xét hỏa lực của Nga gấp mười lần của Ukraine, một chiến lược như vậy chỉ có thể là công thức dẫn đến thất bại.

Thứ hai, Nga thay đổi chiến thuật

Người Nga đã thay đổi chiến thuật của họ. Do chủ quan, đánh giá sai đối thủ quá nhiều, quân Nga đã bước vào cuộc chiến với ý nghĩ sẽ bất ngờ và nhanh chóng đánh dập đầu trung tâm quyền lực Ukraine ở Kiev. Khi không đạt được điều đó, họ đã mất một thời gian khá dài để thay đổi quyết định; thậm chí họ đã buộc phải thay ngựa giữa dòng đối với một số tướng lĩnh cấp cao. Tuy nhiên, sau đó họ tập hợp lại và nỗ lực làm suy yếu một cách có hệ thống các thành phố và đô thị của Ukraine. Có thể so sánh việc làm này với các hành động của Stalin và các tướng lĩnh của ông ta ở Phần Lan hồi năm 1939-1940.

Cũng giống như thời đó và tương tự như những gì đã diễn ra trong suốt Thế chiến 2, họ đã sử dụng vũ khí truyền thống mạnh nhất của mình, đó là huy động một số lượng lớn pháo binh. Hiện tại, có vẻ như họ đã giảm được tổn thất đủ để tồn tại trong một thời gian dài. Có lẽ lâu hơn người Ukraine, những người mà như chính Tổng thống Zelensky đã thừa nhận, đang mất mỗi ngày từ ​​một trăm đến hai trăm chiến binh giỏi nhất.

Thứ ba, các vấn đề về hậu cần

Công nghệ quân sự phương Tây, đặc biệt là các hệ thống phòng không, vũ khí chống tăng và thiết giáp, và máy bay không người lái, có thể rất nổi bật. Nhưng số lượng các loại vũ khí này chỉ hạn chế, năm này qua năm khác người ta đã quá tiết kiệm, với niềm tin rằng giữa châu Âu ngày nay không thể xảy ra chiến tranh. Công tác đào tạo, huấn luyện binh lính Ukraine sử dụng các loại vũ khí này bị sao nhãng. Khi hữu sự thì những vũ khí này đã chậm đến những nơi cần đến chúng nhất.

Một yếu tố cũng đóng một vai trò quan trọng là người Nga chiến đấu ngay trước cửa ngõ nhà mình, trong khi đường dây vận chuyển của NATO kéo dài hàng trăm km, suốt từ biên giới Ukraine với Ba Lan, Slovakia và Romania ở phía tây đến Donbass ở phía đông. Hầu như tất cả khu vực này đều là đồng bằng trống trải, không có nơi ẩn nấp và dân cư thưa thớt. Nói cách khác, nó phù hợp để phát huy lực lượng không quân, và đây chính là binh chủng mà quân Nga có ưu thế hơn hẳn.

Thứ tư, khả năng phục hồi của kinh tế Nga

Kiểm duyệt nghiêm ngặt ở Nga khiến việc đánh giá hiệu quả của các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đối với người dân Nga trở nên khó khăn. Nếu có sự phản đối trong dân chúng thì những lời kêu ca đó sẽ bị dập tắt ngay lập tức. Trong khi đó, xét về khía cạnh kinh tế vĩ mô, Nga dường như đang tỏ ra bền bỉ hơn nhiều so với dự đoán của phương Tây. Dự trữ vàng tăng lên, điều này đã cho phép Putin gắn đồng tiền của mình với vàng. Nga là nước đầu tiên làm như vậy kể từ khi Thụy Sĩ đi theo chiều ngược lại năm 1999.

Đồng rúp, vốn trên bờ vực sụp đổ ngay sau khi bùng nổ cuộc chiến, nay đã lên đến mức cao nhất trong 7 năm gần đây so với đồng đô la, và xu hướng này đang tăng lên. Do nhập khẩu giảm và giá năng lượng tăng cao, tiền đang chảy nhiều hơn bao giờ hết vào kho bạc của Nga. Phần lớn số tiền đó đến từ việc bán năng lượng, thực phẩm và nguyên liệu thô cho các nước như Trung Quốc và Ấn Độ. Ngược lại, Trung Quốc hiện là cường quốc công nghiệp số một; một khi giải quyết được các vấn đề bởi Covid-19, nước này có thể cung cấp cho Nga tất cả các mặt hàng công nghiệp cần thiết trong một thời gian dài.

Thứ năm, hậu quả chiến tranh đối với phương Tây

Hậu quả kinh tế của chiến tranh đối với phương Tây nghiêm trọng hơn nhiều so với dự đoán trước đó. Giữ Ukraine khỏi nanh vuốt của Nga khó hơn nhiều so với sứ mệnh Afghanistan. Lạm phát ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương tăng lên mức cao nhất kể từ năm 1980. Đặc biệt, khi nói đến năng lượng, thứ mà Nga ngày càng từ chối bán cho châu Âu, thì mối đe dọa không chỉ là sự bất ổn ngày càng tăng mà còn là những khó khăn thực sự cho người dân.

Nếu điều này tiếp tục diễn ra, điều gần như chắc chắn là khó tránh khỏi, sẽ ngày càng có nhiều người dân phẫn nộ, đòi nhà nước giảm cam kết, thậm chí ngừng hỗ trợ Ukraine, cho dù việc đó đồng nghĩa với việc bỏ rơi Ukraine và để mặc cho Putin tự tung tự tác.

Cuối cùng, bắt đầu từ thời Khai sáng, châu Âu đã tự hào là một pháo đài của tự do, pháp quyền và công lý. Giờ đây, việc tịch thu công khai, lặp đi lặp lại tài sản của những kẻ được gọi “tài phiệt thân hữu” (oligarch) đang khiến một số người phải suy ngẫm. Trước hết, không ai biết “tài phiệt” là cái gì. Sau đó, thực tế rằng một số nhà tài phiệt ít nhiều có liên hệ chặt chẽ với Putin trong nhiều năm không thể tự động biến họ thành tội phạm. Cuối cùng, nếu họ có là tội phạm, không rõ tại sao họ lại không bị đụng đến trong một thời gian dài mà chỉ trở thành đích ngắm sau khi chiến tranh bùng nổ. Phải chăng phương Tây đang tự phá hoại chính nghĩa của mình trong vấn đề này?

Để làm rõ, tất cả những điều đề cập ở trên chưa có gì là chắc chắn. Nhưng khi ngày càng có nhiều tiếng nói cho rằng cuộc chiến này sẽ là một cuộc chiến lâu dài, ai là người có khả năng hít thở sâu nhất và có sức chịu đựng lâu dài nhất sẽ có khả năng tồn tại. Xét về khía cạnh đó, cơ hội của Nga là không tồi.

Von Martin van Creveld
“Krieg gegen die Ukraine: Fünf Gründe, warum Russland gewinnt”, WELT, 28/06/2022

Martin van Creveld, sinh năm 1946 tại Rotterdam, là Giáo sư Lịch sử Hồi hưu tại Đại học Hebrew ở Jerusalem. Ông đã xuất bản nhiều đầu sách, trong đó có một cuốn bàn về tương lai của chiến tranh. Ông hiện sinh sống sống gần Jerusalem.

Biên dịch: Nguyễn Xuân Hoài

Nguồn: https://nghiencuuquocte.org/2022/07/03

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*