Có Những Ví Dụ

Yêu trong những cung nhạc trầm – Tranh Đặng Mậu Tựu

Thế kỷ trước, truyện Ví Dụ Ta Yêu Nhau* của một nhà văn trẻ đã làm bao nhiêu “kẹp tóc”, “húi cua” say mê một thời. Thế kỷ này, các cô, các cậu ngày xưa, giờ đây là những bà, những ông với mái tóc mặn mà, ít tiêu nhiều muối, có phút chạnh lòng chăng, khi nghe những ví dụ dưới đây?

Ví Dụ Một: Ví Dụ Họ Gặp Nhau Vài Thập Niên Trước

Văn phạm Việt ngữ chẳng thể làm nổi bật sự không tưởng của trường hợp này. Tuy nhiên, người ta có thể cho trí tưởng tượng bay bổng, để bắt gặp những hình ảnh rất dễ thương. Hai nhân vật ấy gặp nhau, cậu bé mười tuổi, cô bé tám tuổi. Cậu bé đọc sách, đọc thơ rất sớm. Cậu nắn nót chép mấy câu thơ của thi sĩ Xuân Diệu:

Thư thì mỏng như suốt đời mộng ảo,
Tình thì buồn như tất cả chia ly
Xếp khuông giấy mang hoài trong túi áo,
Mãi trăm lần viết lại mới đưa đi.

Cô bé lờ mờ hiểu “thư thì mỏng” nghĩa là gì. Mà, “suốt đời mộng ảo”, cô bé đành chịu thua. Nhưng cô bé thấy những vần thơ hay quá chừng (có lẽ vì do cậu bé chép cho cô). Hình như thi sĩ viết “Giấy phong kỹ mang thầm trong túi áo”. Mặc kệ thi sĩ, cô bé thích vần thơ nhớ nhầm của cậu bé hơn. Cô bé tìm trong tự điển Việt Nam không có chữ “khuông”. Không sao, cô bé vẫn giấu tờ thơ trong tập vở, lâu lâu mở ra đọc, dù cô đã thuộc lòng rồi.

Cô bé kể cho cậu nghe, rằng, cô thích bài hát Kiếp Nào Có Yêu Nhau, dù cô chẳng hiểu gì cả. Cậu muốn “nghiên cứu” lời của bài hát để cắt nghĩa cho cô bé nghe. Cậu do dự, cô bé còn nhỏ xíu, bài hát lại quá buồn. Thôi, cậu chỉ thích nghe tiếng cô bé cười trong trẻo, như khi cậu hái hoa ngọc lan, hoa phượng tặng cô. Cô bé mân mê vuông giấy trắng, có cánh phượng ép hình con bươm bướm. Đôi mắt cô bé sáng rỡ, vui sướng.

Có những trưa, cậu bé đi bắt cá đây kia, bỏ cá vào những hũ chao, cho cá đá. Cô bé dặn nhỏ cậu, chỉ đá cá, chớ đừng lăn dưa. Lúc cả gan, cậu đến nhà cô, bắt cá từ bể tròn to trong vườn. Nhà có con chó mực giữ vườn. Ai lạ mặt lảng vảng, con mực um sùm lên tiếng. Khi biết “ý đồ” của cậu với mấy con cá lia thia nhà cô, cô vuốt đầu con mực, năn nỉ nó đừng sủa, để yên cho cậu bắt cá thật nhanh. Kẻo anh cô bắt gặp, không chừng có ẩu đả. Cô bé không muốn cậu bé bị ăn đòn.

Cậu bé vào Trung Học. Cậu thông minh, học giỏi, mà phá nghịch quá. Cậu mê chơi bi-da. Thấy những bước chân của khách bộ hành, cậu tưởng tượng đến những đường banh. Tối nào, Ba cậu cũng kiên nhẫn chờ cậu về để đóng cửa ngõ. Thỉnh thoảng trốn học, cậu say sưa với cơ, banh, phấn ở tiệm bi-da nào đó. Một buổi sáng cuối tuần, cậu đang ngủ ngon. Ba cậu vào phòng, đánh thức, “Dậy đi con, tới giờ đi chơi bi-da rồi”. Cậu chợt tỉnh, không bỏ học, không chơi bi-da nữa.

Cô bé phụng phịu kể cậu nghe, mấy đứa bạn chọc ghẹo cô, tóc bum-bê chê chồng. Cậu phồng mang, trợn mắt, nổi máu du côn, hỏi đứa nào, để cậu lấy ná bắn. Cậu thấy tóc bum-bê của cô bé ngắn thiệt, nhưng trông ngồ ngộ. Cậu nói, cho dù tóc cô chỉ còn một chỏm như chú tiểu trong chùa, cậu vẫn thấy cô dễ thương như thường. Cô yên tâm, cười toe.

Lên Trung Học Đệ Nhị Cấp, cậu chọn ban văn chương. Suy nghĩ của cậu lớn dần theo thời gian. Chiến tranh lan rộng. Cuộc sống ở tỉnh lỵ chìm trong không khí nặng nề. Cậu cảm thấy bài vở chữ nghĩa phù phiếm, xa rời cuộc sống bấp bênh, trắc trở bấy giờ. Nhiều giáo sư của các trường Trung Học tham gia phong trào đấu tranh. Có những xung đột giữa chính quyền và những người “đứng dậy”. Cậu hăng hái góp mặt vào hoạt động đang bừng bừng ở các trường Trung Học. Cô bé ngưỡng mộ hồn văn, lòng thơ của cậu.

Nhưng cô lộ vẻ bất an, khi nghe cậu sôi nổi về những sinh hoạt của cậu và các anh chị Trung Học Đệ Nhị Cấp. Bao người xôn xao khi rạp xi-nê trong phố trình chiếu phim Mối Tình Romeo và Juliette. Rạp xi-nê đã có lần bị đặt chất nổ. Vì thế, cô bé chưa bao giờ được phép đi xem chiếu phim. Cô chỉ biết len lén đọc lời bài hát của phim, Giây phút êm đềm ngày ta gặp nhau… Cô bâng khuâng. Cô mơ màng. Cậu nghĩ, tội nghiệp cô bé. Phải bù đắp cho cô. Cậu đọc cho cô nghe bài thơ Guốc Gỗ của người bạn thi sĩ cùng trường. Cô sẽ Guốc gỗ trưa về khe khẽ nhịp, để cậu nghe khua động xáo tâm hồn.

Sau những biến động của cuộc sống, cậu bé, cô bé từ giã tỉnh lỵ, vào sống ở chốn phồn hoa đô hội. Bây giờ họ đã thành chàng và nàng. Chàng vào Đại Học. Nàng tiếp tục Trung Học. Chàng thường chờ nàng ở con đường nhỏ gần trường, đầy cây xanh, đón nàng đi học về. Rủ nàng đi ăn chè đậu xanh, đậu đỏ ở cạnh ngôi chùa nổi tiếng. Chàng lóng ngóng chờ nàng tan trường. Chàng và nàng có nhau. Tưởng như tự nhiên của đất trời:

Trời sinh mưa nắng hôn nhau
Gió hôn ngọn cỏ, ao sâu hôn bèo
Cớ sao em chẳng làm theo
Mình hôn nhau ấy là theo lẽ trời

(Hôn Nhau, Văn Viết Lộc)

Nàng nguýt chàng một cái sắc lẻm. Rồi cúi đầu, nhìn chằm chằm mặt đất. Có lẽ nàng thấy trái đất thật đẹp, vì có chàng. Hay nàng đang mím môi nói thầm, sao chàng quỷ quái quá vậy. Chàng tính toán, nếu mình theo lẽ trời, nàng sẽ phản ứng thế nào. Chàng biết, nàng rất hiền, không bao giờ dùng võ lực. Chàng chẳng cần bận tâm trường hợp năm ngón tay đỏ hồng lên má chàng. Nhưng chàng cũng biết, nàng rất “nghiêm”. Hình như nàng đã kể, có lúc nàng thích đi tu. Trời ơi, sư sãi nào yên lòng tụng niệm, khi thấy cặp mắt đầy tục lụy của nàng. Nếu nàng nhất định xuống tóc, chàng sẽ thành tâm lui tới chốn cửa Phật. Chàng cảm hứng:

Có chàng đội gạo lên chùa,
Theo o sư nhỏ học nghề làm tương.
Chao ui, tiếng Huế dễ thương,
Một, hai, ba, bốn là thành tương tư…
Mà sao tâm tính của sư,
Cũng mang tục lụy của người trần gian.

Sư cô tính giống Nghi Lâm,
Cắt dây chuông đứt, bỏ chùa đi chơi

Ủa, chàng lạc đề xa lắc, xa lơ rồi. Bịnh lạc đề chàng lây của nàng tự hồi nào không hay. A, nàng không dùng võ lực. Nhưng “văn lực” của nàng thâm hậu lắm. Chàng trấn an mình, nàng nhất định không giận chàng. Vì chàng có làm gì nên tội, ngoài tội thương nàng. Nếu nàng cứng đầu, bảo đó là tội, chàng sẽ hùng hồn cho nàng biết, nàng cũng có tội, tội thương chàng.

Chàng chưa bao giờ hỏi. Nàng chẳng bao giờ chịu nói, mà chỉ hát nhỏ… niềm thương không nói nên lời… Chàng nghĩ, chàng sẽ không bao giờ hỏi. Không khí hạnh phúc chàng thở, những thương yêu chật cứng trong tim chàng, đã là câu trả lời đầy đủ nhất. Dù nàng chưa là sinh viên, chàng sẽ rủ nàng đi dạo trên… con đường Duy Tân cây dài bóng mát… chàng sẽ mời nàng… uống ly chanh đường…

Nàng ở tỉnh lỵ suốt tuổi thơ của nàng, mà rất mù mờ về địa lý của nơi ấy. Khi bé tí ti, nàng nghe lóm bài thơ tả về những con đường. Nàng nhớ lõm bõm mấy câu:

Con đường Trần Thúc Nhẫn hoa thơm,
Hoa thơm hay tóc em thơm ngát,
Anh muốn hôn lên đôi mắt hay hờn……

Nàng hỏi chàng con đường đó ở đâu. Chàng vênh mặt lên lớp. Càng cắt nghĩa, nàng càng rối rắm. Nàng cho sông này chảy nhầm qua hồ kia, cho núi này che mất đồi nọ. Chàng bèn sáng tác ra Bến Thương Thương. Nàng nghĩ mình dốt, nên đứng dựa cột mà nghe, hỏi, “Bến đó nằm ở đâu?” Chàng sung sướng, nhìn nàng trúng kế. Bến đó ở trong mộng tưởng của hai đứa mình đó. Nàng không háy chàng, chỉ bẽn lẽn. Chàng mời nàng dạo thuyền ở bến mơ. Nàng ngoan ngoãn nhận lời. Nhưng lo lắng, nàng không biết bơi. Chàng trấn an, nhỡ nàng té xuống nước, chàng sẽ nhảy ùm theo xuống, cứu nàng, cõng nàng lên lưng, đưa nàng vào bờ bình an. Hình ảnh tưởng tượng đó làm chàng cười tủm tỉm. Nàng vờ như không nghe.

Nàng chưa bao giờ đọc một trang sách kiếm hiệp. Dù vậy, chàng thấy nàng khôn lanh như những nhân vật nữ trong Cô Gái Đồ Long. Nàng thủ thỉ, chàng đôi lúc giống lãng tử. Chàng lim dim tưởng tượng chân dung của mình… Người nghệ sĩ lăn lóc gió sương. Tơ đàn say đắm quên sầu thương. Bỗng, giật bắn người, nghe nàng dịch tiếng Việt ra tiếng Việt, lãng tử là chết lãng xẹt. Chàng nhận xét, khả năng “tư duy” của nàng ngang hàng với Châu Bá Thông.

Chàng và nàng nói chuyện với nhau trên cùng tần số. Các xưởng sản xuất pháo bông sẽ phải dần dà đóng cửa. Vì, những đối thoại của chàng và nàng là những bông pháo rực rỡ, biến mỗi ngày thành một sự kiện tươi đẹp, thăng hoa cuộc sống trần gian. Các nhà sinh vật học vinh danh con cóc, như một biểu tượng của ngôn ngữ tình yêu. Những bài thơ con cóc, chàng và nàng làm cho nhau, ngân vang như những giai điệu tuyệt vời làm chàng yêu nàng và yêu cả nhân loại.

Những câu lục bát ngúc ngắc lại dìu dặt như những cung bậc du dương làm nàng yêu chàng và yêu cả thế gian. Các tự điển của hàn lâm viện càng lúc càng dày thêm. Vì trong mỗi lá thư chàng và nàng viết cho nhau, họ luôn sáng chế thêm chữ mới. Các sách viết về thần giao cách cảm thu hút sự chú ý của cả loài người. Y học, tâm lý học, triết học… đưa ra nhiều giả thuyết, lý luận, nhưng không có sự giải thích thỏa đáng cho hiện tượng này. Chỉ chàng và nàng và những người yêu nhau mới có đầy đủ chứng cớ.

Có lần chàng sơ ý viết nhầm dấu hỏi, ngã. Như một cô giáo tận tâm, nàng cắt nghĩa rành mạch sự khác biệt, rồi nhắc nhở chàng:

Trời sinh tiếng Việt thiệt hay,
Hỏi ngã lộn xộn, có ngày chết tươi.

Thỉnh thoảng, chàng giả vờ lộn xộn, xem thử chết tươi dưới tay nàng như thế nào. Thật ra, với giọng Huế của nàng thì huyền, sắc, hỏi, ngã gì cũng thành nặng ráo trọi. Dù vậy, chàng thấy nàng quyến-rủ mảnh-liệt. Chàng thích thú tưởng tượng vẻ lúng túng, cuống quít của nàng. Chắc nàng sẽ không sửa chàng rằng, rủ là rủ rê, mảnh đi chung với mai… Nhằm nhò gì ba lỗi chính tả, chàng nói sao nàng cũng hiểu cả.

Cứ thế, chàng và nàng cùng nhau viết những dòng, những chữ, ngay cả dấu chấm, dấu phẩy cũng đong đầy hạnh phúc trong câu chuyện cổ tích thật đẹp. Như kết cục của chuyện thần tiên, hoàng tử và công chúa sẽ bên nhau, thương yêu nhau, hạnh phúc cho đến trăm năm, ngàn năm sau, và, sẽ giữ đời cho nhau đến muôn kiếp…

Ví Dụ Hai: Ví Dụ Họ Gặp Nhau Thế Kỷ Này

Xét về văn phạm, trường hợp này có thể xảy ra. Nhưng suy xét những yếu tố khách quan, liên hệ thực tại, câu chuyện vô cùng rắc rối, phức tạp, những khúc mắc dường như vô phương tháo gỡ.

Chàng và nàng đang từng bước đi vào mùa thu cuộc đời. Mỗi người đều có đời sống đúng với chuẩn mực xã hội. Đã là những người lớn, xem như trưởng thành, mà đâu đó trong tâm hồn, họ vẫn như trẻ thơ. Do vài tình cờ đưa đẩy, họ gặp nhau. Họ thấy vui, vì nói cùng ngôn ngữ, phát thanh trên cùng làn sóng. Câu văn cuộc đời của cả hai đều đã trọn vẹn với dấu chấm tròn trĩnh. Full stop, full và stop. Như thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên đã tỉ tê, Nếu mình chọn đời nhau làm dấu chấm, Mỗi câu văn đâu được chấm hai lần.

Cả hai không mảy may nghĩ đến một cuộc phiêu lưu nào cả. Khoa học kỹ thuật hiện đại đã tạo điều kiện cho họ gặp gỡ nhau trên liên mạng. Chàng và nàng công nhận rằng máy điện toán là phát minh kỳ diệu nhất của loài người. Họ cười đùa, chọc ghẹo nhau, mà không hề nhận ra sinh hoạt dần thành một thói quen. Ban đầu, là những trao đổi rất bình thường trên liên mạng. Chuyển tiếp thông tin vô thưởng, vô phạt. Những dược tính thần kỳ của cây nha đam. Những bài tập thể dục, để tinh thần được minh mẫn, để thể xác được tráng kiện, vân vân và vân vân. Dần dà, họ mong ngóng những điện thư gởi cho nhau. Họ dường như nhung nhớ tác giả của những lá thư. Tình không chủ ý: tình cờ. Tất nhiên, khởi đầu là trò chơi nhỏ, vô hại (chứ biết có hại, thì ai lại bắt đầu).

Nàng yêu thích giọng ca của một nam ca sĩ. Chàng vờ chê, ông ca sĩ hát, mặt mày nhăn nhó như bị táo bón kinh niên. Nàng binh ông ca sĩ chằm chặp. Phải diễn tả với cả tâm tình như vậy mới tuyệt vời chứ. Chàng bỗng đâm ghen với ông ca sĩ. Bởi ông hay “ru” nàng, những khi nàng khó ngủ… đừng bao giờ em hỏi vì sao ta yêu nhau… Lời ru đã làm trái tim nàng nhũn ra. Nàng cắt nghĩa, khi xưa đi học, thầy dạy phân biệt chữ ghen và ganh. Jealous là lo bị mất những gì đang có. Envious là tức bực vì mình chưa có được. Chàng tỉnh bơ, chàng đích thị là jealous, chứ không phải envious.

Vì ý nghĩ của chàng đã đi trước một bước. Nàng bối rối, phản đối kịch liệt. Nghe những băn khoăn của nàng, chàng thương nàng hết sức. Dù đôi khi chàng cũng bực cái tính “khó”“dữ” của nàng. Chàng không thích thấy nét lo lắng nơi nàng. Nhưng chàng buồn rầu hiểu rằng, cả hai đang trong một jeux interdit. Tội nghiệp nàng, nàng quýnh quáng tìm nhiều cố vấn gỡ rối tơ lòng. Từ những cố vấn cao niên người Âu, cho đến những cố vấn đồng niên người Á. Chàng đồng ý để nàng và các vị cố vấn dùng trái tim chàng cho những nghiên cứu về tiềm năng và hệ lụy của đam mê.

Nàng trách mình, trách tình cờ oái oăm, trách lung tung, trách tất cả những gì có liên quan đến sự gặp gỡ muộn màng. Bao nhiêu hàng rào, tường thành nàng dựng lên không cản được những tín hiệu con tim chàng gởi đến nàng. Nàng lắng nghe bản nhạc quen why don’t you come to your senses, come down from your fences – open the gate… You’d better let somebody love you before it’s too late… Có lẽ, nàng sẽ liên lạc với những trung tâm sản xuất băng nhạc, nhờ họ tìm một nhạc sĩ viết bài Tương Tư 8 tặng cho chàng và nàng. Dù chàng đã có lần ê a:

Rằng xưa có gã Từ Quan,
Lên non thấy tháp chuông vàng kéo chơi
Rằng nay có gã gan trời,
Hát Tương Tư 4 tặng người vô tâm.

Nàng chỉ còn biết phản công yếu ớt:

Vô tâm nhắn nhủ gan trời:
Hát hò cắc cớ, gan thành… pa-tê.

Nàng cám ơn tạo hoá đã sắp xếp trái đất có năm châu, bốn bể. Ít ra, yếu tố không gian có thể giảm bớt nhiệt lượng của ngọn lửa đam mê.

Ví Dụ Ba: Ví Dụ Họ Xa Nhau

Ví dụ này đúng ra là hệ luận của ví dụ hai. Nghĩa là phải xem giả thuyết thứ hai có giá trị, thì mới xét tiếp trường hợp này.

Chàng đã bao lần thuyết phục nàng hãy đón nhận những khoảnh khắc hạnh phúc như những ân sủng quý giá của cuộc sống. Chàng nghe tiếng dạ ngọt ngào của nàng, tưởng như thấy được đôi mắt nàng rạng ngời yêu thương. Chàng nhắm mắt, tận hưởng những xao xuyến rất mực đằm thắm. Bỗng chàng giật mình vì tiếng thở dài của nàng. Chỉ mới tưởng tượng đến những giọt nước mắt của nàng, chàng cảm thấy hụt hẫng, như đang rơi, rơi đến đâu chàng không biết, chỉ biết sâu lắm.

Sao chàng ghét vị quan tòa trong nàng kinh khủng. Chàng càng nghĩ, càng thương nàng hơn. Tội nghiệp nàng quá sức. Tại sao nàng sợ xuống địa ngục. Ở đó, nàng mới mong hát bài ca hạnh ngộ với chàng chứ. Chàng hát khẽ, Em, rơi vào đời tôi, tình yêu em khôn lớn trong dịu dàng…

Có lần chàng thắc mắc tại sao tiếng Anh lại dùng động từ fall in love. Có biết bao động từ khác vô hại hơn nhiều, chứ chữ fall hàm ý là tai họa, là… rơi.

Chàng vỗ về, Dù ta có đi trên nghìn thu đắng cay, trên từng nỗi khốn cùng nhưng tình ta biết bao giờ nguôi… Chàng có nhiều nỗi đoạn trường. Nàng có lắm mối vấn vương. Cách xa vạn dặm, nhưng dường như cả hai cùng xót xa với những bản nhạc tình buồn ray rứt, cùng cố giấu quanh, giấu quẩn nỗi buồn của nhau. Chàng cố quên, như lại càng nhớ. Nghe nhạc, chàng buồn nẫu người. Tưởng như nhạc sĩ diễn tả nỗi niềm của chàng:

Nếu không có người cuộc đời trôi về đâu
Nếu không có người mặt đất quá hoang vu

Và ta biết một điều thật giản dị
Càng xa em ta càng thấy yêu em

Nàng tránh không làm điều gì nhắc nàng liên tưởng đến chàng. Nhưng hình ảnh chàng vẫn đây kia trong trí nàng. Cố nghĩ như một trường hợp đơn giản, chàng sẽ nói với nàng… Xin gửi em một lời chào, một lời thương, một lời yêu, lần cuối cùng.

May thay, có một liều thuốc mầu nhiệm: thời gian. Như một định luật bất di, bất dịch, thời gian có thể chữa lành mọi vết thương. Với một thời lượng tương tự như chuyện Tình Già của cụ Phan Khôi, tính theo tuổi tác khách quan, họ đã thành cụ ông, cụ bà. Nhưng xét theo tuổi tác trái tim, vẫn có thể gọi họ là chàng, nàng.

Một chiều nào đó, khi nắng sang sông, nàng bỗng rộn ràng lục lạo ký ức của mình. Nhớ tới mùa thu năm xưa gởi nhau phong thư… Trong trí nhớ của nàng, mã số của từng “bộ hồ sơ” là nét chữ.

Để coi, ngày xưa chàng chỉ dùng điện thư. Nét chữ thông dụng là arial. Nan giải! Rất nhiều hồ sơ có mã số loại này. Một tên đồng nghiệp, đã mấy lần thâm hiểm tìm cách đâm sau lưng chiến sĩ. Ô, không phải thư tình hắn gởi cho nàng, mà những dòng chữ gay gắt, hắn chụp mũ nàng, rằng nàng làm việc dẫm chân hắn. Chỉ nghe tên hắn thôi, cũng đủ bực mình cả ngày. Nàng phải cố tìm cách ném hồ sơ của tên này ra khỏi trí nhớ của mình. Hay là thư này, cũng mã số arial.

Mới liếc qua mấy hàng, nàng toát mồ hôi hột. Đây là cảnh cáo của lão phù thủy kiểm toán nội bộ. Nàng đã linh động trong công việc. Ký giấy đồng ý giải ngân mấy chục ngàn đô-la từ hợp đồng tín dụng hàng trăm triệu. Có vậy thôi, lão hoạch họe, bắt nàng “phê và tự phê”, lằng nhằng kinh khủng. Ủa, muốn tìm ra mấy đoạn viết ngắn của chàng, mà chỉ thấy toàn thấy món mắc dịch. Sự bất quá tam, nàng mở bộ hồ sơ tiếp.

Đây rồi, mở đầu thư, Thương ơi, Nhớ ơi. Chữ ư và ơ “dã chiến” đến bây giờ vẫn còn làm nàng bồi hồi. Sau chữ u và o có dấu hoa thị xinh xinh. Nàng thắc mắc, trí nhớ chàng có vấn đề hay sao mà chàng gọi sai tên nàng. Chàng cắt nghĩa vòng vo. Rằng khi trái tim chàng nghe tên nàng, “hắn ta” tự động chuyển ngữ thành thương, thành nhớ. Cặp chữ nào cũng êm tai, nàng liên tưởng đến bài hát… Thương ơi, Nhớ ơi… ma belle, those are words that go together well. Nàng đọc tiếp thư. Ủa, trình độ tiếng Việt của chàng chỉ gói ghém trong mấy chữ đó thôi.

Còn lại, chàng viết tiếng Anh. Chàng còn cà tửng rằng, chàng viết tiếng Anh, nàng viết tiếng Em. Thiệt là hợp lý! Nàng có nghề tay trái là thông dịch. Nàng thường đi thông dịch cho tòa án và cảnh sát. Chủ yếu là các trường hợp bị khước từ đơn tỵ nạn, hoặc rút giấy phép cư trú, giấy phép làm việc… Trong bao nhiêu năm hành nghề thông dịch, nàng chưa gặp trường hợp nào liên quan đến tình cảm. Bởi thế, văn dịch của nàng mang nặng tính hình sự.

Không chừng, những love letters ướt át của chàng, trở thành… blackmail qua bản dịch của nàng. Coi như mới “nhất sao” đã “thất bổn”. Vậy, làm sao mà đọc lá thư xưa, một trời luyến tiếc được.

Đó, phải chi hồi xưa, chàng thấy thiện chí của nàng, giúp chàng tập viết. Chàng chỉ quanh quẩn ngụy biện rằng, viết tiếng Anh cho nhanh, cho tiện. Xài bàn phím riết, không biết cầm cây viết ra sao… Nàng đã chẳng đề nghị chàng ghi danh chung với mấy đứa cháu nội, ngoại vào các lớp Mẫu Giáo để tập viết. Có công mài sắt có ngày nên… kẽm gai (đó là tục ngữ của chàng. Nàng không có văn chương cà khịa như vậy).

Nàng rất muốn cho yêu thương đó, em còn được giữ trong tâm hồn rất lâu. Mà chàng không tạo điều kiện cho nàng nhận diện “hồ sơ đặc biệt”. Trí nhớ của nàng lại dở, cứ cứng nhắc theo những nguyên tắc có sẵn, không có ngoại lệ nào cả. Uổng chưa, nàng cứ tưởng những lá thư “điên nặng” gồ ghề đó sẽ có chỗ đứng đáng kể trong ký ức của nàng. Biết làm sao hơn. Chàng ơi! Lười một ly, đi một dặm.

Ví Dụ Bốn: Ví Dụ Họ Không Bao Giờ Gặp Nhau

Quả là một giải pháp tối ưu. Thật ra, trường hợp này xác suất xảy ra cao nhất. Cả hai đã sống bao nhiêu năm trong tỉnh lỵ nhỏ xíu. Nơi mà, đi hai, ba phút đã về chốn cũ. Khi còn nhỏ, chị thường đi ngang qua nhà anh, mỗi khi đến trường. Chị biết nhiều bạn bè của anh. Anh cũng nhẵn mặt nhiều bạn bè của chị. Lớn lên, anh hay lảng vảng tìm bóng hồng gần góc trường của chị. Anh thường xuyên có mặt ở khuôn viên Đại Học của chị. Bao nhiêu cơ hội như vậy, vẫn không thấy nhau, quả đúng là vô duyên. Thế thì làm sao tương ngộ được.

Chị cùng gia đình đi du lịch xứ xa. Buổi sáng, gia đình chị cùng gia đình người bạn ngồi trong nhà hàng, chờ những bún bò, bánh bèo đầy hứa hẹn cho buổi điểm tâm tuyệt hảo. Gia đình anh bước vào tiệm. Anh đưa vợ con an vị nơi bàn bên cạnh. Người bạn vẫy vẫy, chạy đến anh, bảo, tuần này bận, hẹn tuần sau. Khách khứa về, sẽ qua nhà anh uống bia, tán gẫu. Chị lơ đãng nhìn những thực khách bàn bên cạnh. Thấy họ có vẻ dễ mến, nhưng hoàn toàn xa lạ. Chị tự hỏi, phải chăng đó là hình ảnh tiêu biểu của một American dream. Ít ra là giấc mộng vàng của những người Việt tha hương nơi xứ này. Chị nhìn bâng quơ tấm thực đơn to tướng trên tường. Nghĩ thầm, ăn phở xong mình sẽ tráng miệng ly chè ba màu. Rồi thôi.

Chị tận hưởng những ngày hè thật vui với gia đình. Chị bớt thành kiến với những người dân xứ hợp chủng. Trước đây, chị dám láo lếu, cho rằng đời sống văn hóa của họ không phong phú bằng dân lục địa chị ở. Hết nghỉ phép, chị trở lại với công việc chăm chỉ, năng động. Chị tính toán, hoạch định chương trình du lịch vào lễ phục sinh và vào mùa hè sắp tới…

Cuộc sống của hai thành viên trong số mấy tỉ người sống trên trái đất giữ nhịp bình thường. Bên này của trái đất, chị đều những bước vững vàng trong dòng đời phẳng lặng bên chồng con. Chị dành thì giờ không ngừng tăng cường kiến thức, để làm gì, chị không rõ lắm. Mọi giấc mơ, đúng hơn, mọi dự định cho tương lai, sẽ được thực hiện tuần tự. Không có sự kiện gì làm chị bối rối, bần thần. Chị là trường hợp kiểu mẫu của phụ nữ thế kỷ 21. Khi người khác trầm trồ về sự toàn hảo của đời chị, chị vờ khiêm nhường cám ơn. Nhưng nói thầm, tôi mà, đâu phải ai.

Chị vẫn thường nghe nhạc như một thói quen đã ăn rất sâu vào xương tủy của chị. Nhưng nghe nhạc luôn là hoạt động song song với xếp áo quần, rửa chén, nấu cơm… Chị nghĩ, chỉ ngồi nghe nhạc hoặc xem phim là… phi sản xuất. Người chị đa đoan, trăm công, ngàn việc, phải sử dụng thời giờ thật hữu hiệu. Chị đã học được tính tốt (?) này của người Âu châu. Đôi lần hiếm hoi trong dòng đời bận rộn, chị có lúc nghĩ vẩn vơ… mình nhớ ai mà buồn chi lạ…, như lần chị đi dự đêm nhạc thính phòng. Lòng chị xôn xao, khi nhạc sĩ trình bày một nhạc phẩm tâm đắc nhất của ông, giấc mơ tình yêu vĩnh cửu. Chị “cảm” bài hát, mà chỉ nhớ mỗi câu đầu tiên. Nhưng chị không có ý định tìm hiểu thêm về bài hát. Giấy phép hoạt động của con tim đã hết hạn từ lâu. Chị chẳng nghĩ đến việc gia hạn giấy phép. Phút bồi hồi nhanh chóng đi vào quên lãng.

Chị ra khỏi xe buýt, cùng với dòng người, đều chân tràn vào các khu văn phòng gần công viên Xanh và hồ Băng Giá. Trời đã lập đông, cây trụi lá. Chị đi vòng qua cây cầu nhỏ, nhìn hàng cây, tự dưng chị nhớ đến câu hát chị rất thương, có lẽ do đã được sửa đi một chút… những cây ghi dấu ngày em đến, đã cằn khô vì nỗi nhớ thương… Chị chợt muốn đi dạo một vòng trong công viên, ngắm trời đất chuyển mùa. Chị nhìn đồng hồ. Mười phút nữa chị có buổi họp qua điện thoại, chuẩn bị cho chuyến công tác dài ngày sắp tới. Sợ trễ, chị hối hả rảo bước vào khu văn phòng. Thầm nhủ, đến tháng Tư, cây sẽ đâm chồi nẩy lộc. Chị không để ý ngọn gió đầu đông đã về, báo tin mùa buốt giá sẽ đến, rất nhanh…

Bên kia của trái đất, anh là mẫu người lý tưởng của thời đại. Tiếp tục thăng tiến trong công ăn, việc làm, đạt được những kế hoạch, mục tiêu đáng kể, bao người trầm trồ. Sự nghiệp vững chắc, gia đạo yên vui. Trái tim anh thỉnh thoảng lỗi một nhịp. Ví dụ như khi anh thấy cô ca sĩ xinh xinh, có răng khểnh ca những bài hát về Hà Nội. Nhưng tim anh nhanh chóng vãn hồi trật tự.

Anh thường nghe nhạc Việt. Lâu lâu thay đổi, anh mở radio nghe country music. Anh không thích những loại nhạc ồn ào, quá phô trương kỹ thuật âm thanh. Anh không lắng nghe mấy câu trong bài Desperado để nói với ai, Give love a chance. Anh càng không thể tưởng tượng rằng một nhạc sĩ hard rock như Gary Moore lại có những lời ca tuyệt vời, I’m always gonna love you, if loving means forever, I don’t think I could ever just forget the love we had…

Anh không có khái niệm nhiều về cây cỏ. Có thể anh sẽ liên lạc các nhà vườn chuyên nghiệp, yêu cầu họ thiết trí vườn cho anh, như mọi khu vườn bình thường của đất nước anh đang ở. Anh không biết rằng hortensie là hoa cẩm tú cầu, hay còn gọi là hoa mâm xôi. Anh cũng chẳng hề nghĩ là bụi azalea màu xác pháo bên nhà láng giềng có tên thật đẹp: hoa đỗ quyên.

Anh phải còn cày cấy hai chục năm nữa. Con đường trước mặt anh, rất bận rộn, nhưng xem ra thẳng tắp. Anh rẽ xe vào bãi đậu. Trời đã vào thu, một chiếc lá phong mắc kẹt nơi cây quạt nước. Anh bước ra, gỡ chiếc lá, cầm trên tay. Anh chợt nhớ đến bài hát anh từng yêu thích… xin chiếc lá vàng làm bằng chứng yêu em… Không phải là trường hợp của anh. Anh buông chiếc lá, tất tả vào hãng. Ngày hôm nay có mấy cuộc họp quan trọng. Anh không còn thì giờ để nhìn xem chiếc lá còn bay là đà, hay đã nằm chơ vơ đâu đó trên mặt đường?

Hoàng Quân
Ngày 2 Tháng Bảy 2022

*Ví Dụ Ta Yêu Nhau của Nguyễn Thanh Trịnh

Trích lời ca trong các nhạc phẩm:

– A Time for Us by Andy Williams

– Trả Lại Em Yêu của nhạc sĩ Phạm Duy

– Lỡ Chuyến Đò của nhạc sĩ Anh Việt

– Thuở Ban Đầu của nhạc sĩ Phạm Đình Chương

– Như Ngọn Buồn Rơi của nhạc sĩ Từ Công Phụng

– Điều Giản Dị của nhạc sĩ Phú Quang

– Bài Không Tên Cuối Cùng của nhạc sĩ Vũ Thành An

– Lá Thư của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn

– Michelle by The Beatles

– Lệ Đá lời của thi sĩ Hà Huyền Chi nhạc của nhạc sĩ Trần Trịnh

– Tương Tư 4 của nhạc sĩ Mặc Thế Nhân

– Khi Người Yêu Tôi Khóc của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh

– K Khúc Của Lê thơ của thi sĩ Du Tử Lê nhạc của nhạc sĩ Đăng Khánh

– Khúc Thụy Du thơ của thi sĩ Du Tử Lê nhạc của nhạc sĩ Anh Bằng

– Desperado by The Eagles

– Always Gonna Love You by Gary Moore

– Em Đến Thăm Anh Đêm Ba Mươi của nhạc sĩ Vũ Thành An

Nguồn: https://www.diendantheky.net/2022/07/hoang-quan.html#more

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*