Nhóm cựu sinh viên University of Texas at Arlington (UTA)
Qua sự hỗ trợ của Nhóm Văn Hoá Việt DFW Texas, Nhóm Vận Động Đức Tin và Công Lý Cho Việt Nam và St. Ignatius College Preparatory, vài anh em cựu sinh viên University of Texas at Arlington (UTA) đã tổ chức chương trình văn học và văn nghệ chủ đề Chiều Hạnh Ngộ Mây Bay Về Ngàn vào ngày thứ Bảy 25 tháng Sáu, 2022 tại trường trung học St. Ignatius College Preparatory. Trường toạ lạc ngay ranh giới Fort Worth và Arlington, Texas.
Chương trình gồm ba phẩn: Chia sẻ bữa ăn tình thân, Giới thiệu các tác phẩm của nhà văn linh mục Lã Mộng Thường, và Hát cho nhau nghe. Dù nhiệt độ ngoài trời nóng tới 104 độ F hay 40 độ C, trên dưới 100 quan khách và cựu sinh viên UTA đã tham dự.
Khoảng 6:00 pm, không khí trong hội trường vang lên tiếng chào hỏi và tiếng nói cười của những người bạn lâu ngày chưa có dịp gặp nhau. Có người hàng chục năm mới gặp lại bạn bè thời sinh viên nên kỷ niệm cứ tuôn ra như mưa rào. Dường như những tà áo dài rực rỡ mầu sắc của các nữ lưu cựu sinh viên UTA và khách đã mang đến cho mọi người cảm giác tươi mát giữa chiều hè nóng như thiêu.
Hiệu trưởng Nguyễn Đức Thắng (hình trên) chào đón khách và trình bày đôi điều về lịch sử của ngôi trường nhỏ bé này. Có lẽ trên toàn Hoa Kỳ đây là trường trung học duy nhất do người gốc Việt sáng lập và điều hành.
Anh Trần Thu Miên đại diện ban tổ chức phát biểu sơ qua về mục đích rất khiêm nhường của chương trình. Anh nhấn mạnh sự quan trọng của việc phát triển văn hoá cho người Mỹ gốc Việt tại các cộng đồng bản xứ. Theo anh, người Mỹ gốc Việt không thể sống theo văn hoá của người Việt ở Việt Nam như ông bà ta đã nói “Nhập gia tuỳ tục, đáo giang tuỳ khúc.” Sinh hoạt văn học và văn nghệ là một trong các sinh hoạt cần thiết cho việc hình thành và phát triển Văn Hoá Việt tại Hoa Kỳ.
Anh Phạm Văn Dương, một thành viên ban tổ chức, trình bày sơ lược tiểu sử nhà văn Lã Mộng Thường. Được biết ông là linh mục Công Giáo đã phục vụ các giáo xứ người Mỹ 30 năm trước khi về hưu, nhưng lại đam mê sáng tác bằng tiếng Việt. Theo anh Dương, Lã Mộng Thường “về hưu năm 2018, ông tự dựng cho mình cái chòi nhỏ làm nơi tạm trú. Ông cầy đất quanh nhà trồng rau và mua cá về làm mắm dùng để ăn và nấu nướng hàng ngày… Ngoài viết văn ông còn sáng tác hàng trăm ca khúc đủ mọi thể loại.”
Cô Tuyết Mai và anh Trần Trọng Long cũng chia sẻ cảm nghĩ về tác phẩm của ông. Tiến Sĩ Phan Quang Trọng, nhà hoạt động cộng đồng, không tham dự được, nhưng đã chia sẻ: “Người ta nói Lão Tử là nhà tư tưởng vĩ đại, và là nhà văn hóa kỳ vĩ siêu phàm. Vì thoạt xem văn chương của Lão Tử, thường khiến người đọc mông lung không hiểu, lúc thật lúc giả, biến hoá khôn lường. Nhưng đi sâu vào bản chất để xem xét thì Lão Tử là bậc thầy của tu luyện nhân sinh, của văn chương. Đó cũng là cách diễn đạt, cách viết của LM Lã Mộng Thường trong tập truyện Linh Mục Nguời Là Ai chăng?”
Ngoài phần giới thiệu tác phẩm của Lã Mộng Thường, chương trình còn được vinh dự chào đón nhà thơ Vinh Sơn Trần (hình trên). Dù tuổi hạc đã cao và vừa bị cơn đột quỵ, ngài phải ngồi xe lăn, nhưng vẫn hân hoan mang tác phẩm của mình đến tặng khách tham dự.
Để đáp lại thịnh tình của khách, nhà văn Lã Mộng Thường chia sẻ: “Tôi thực sự đã được chứng kiến hồng ân do niềm vui được gặp gỡ quý vị.” Và ông còn nói tiếp: “Là con dân Việt, ai trong chúng ta có thể quên tâm tình yêu mến quê hương đất Việt tiềm ẩn nơi dòng máu, và niềm mơ dân tộc được khang an, thái hòa?” Thật ra thì việc ông tiếp tục sáng tác bằng tiếng Việt, dù thế nào đi nữa, đã nói lên tâm tình yêu mến cội nguồn Việt trong trái tim mình. Ông đã hát ca khúc “Tri Ân” sáng tác của mình một cách say sưa: “Ngài đã cho tôi ơn gọi làm người, Ngài đã cho tôi niềm tin đi vào thế giới…”
Xen kẽ trong phần giới thiệu tác giả là phần trình diễn ca khúc của nhạc sĩ Trần Quỳnh Lưu và Hà Nhật Linh. Trần Quỳnh Lưu đã khéo sử dụng điệu nhạc quen thuộc với thính giả Việt Nam như Tango và Bolero để làm sáng lên ca từ dạt dào tình cảm. Ba giọng ca điêu luyện trữ tình của Thanh Thu (hình trên), Mộng Thu, và Hữu Minh đã chuyên chở ca khúc Trần Quỳnh Lưu và Hà Nhật Linh vào lòng khán giả một cách say sưa. Chương trình nào cũng cần có một MC để các tiết mục được chuyển tiếp nhịp nhàng. MC Vũ Đức Duy, nhiều người đã biết qua các sinh hoạt văn nghệ cộng đồng, đã khéo léo lôi cuốn khán giả tham dự vào các tiết mục một cách rất thú vị.
Các anh chị ban tổ chức đã đãi khách bữa cơm tình thân dù không sang trọng, nhưng cũng đậm đà hương vị đồng hương. Bia rượu đầy đủ và dường như không ai phải ra về với cái bụng rỗng tuyênh. Một số khách cho biết rằng chương trình hơi dài nhưng thông cảm cho ban tổ chức và nán lại đến phút cuối.
Vài vị cao niên phàn nàn là địa điểm tổ chức không thuận tiện lắm. Có người đề nghị là những chương trình trong tương lai nên giảm bớt tiết mục phát biểu để thời giờ cho ca sĩ hát. Nhiều ca sĩ không có cơ hội hát hết các bài đã chuẩn bị.
Anh Đặng Đức Chính và phu nhân lái xe trên hai tiếng giờ để tham dự chương trình đã tâm sự dù trời oi nóng nhưng vừa bước vào hội trường anh đã cảm nhận được: “Niềm cảm hứng dâng trào trong tôi…”
Ông Đinh Chí Trung, người duy nhất chống gậy trong hội trường, đến từ Dallas, cho biết: “Chương trình rất thành công,” và “Mong rằng hàng năm đều có (chương trình) Mây Bay Về Ngàn và nên có một vị Thầy bên Chùa tới…”
Ông Nguyễn Xuân Dục, một cựu sĩ quan Hải Quân VNCH, chia sẻ: “Mong có nhiều lần gặp nhau để ôn lại, để tiếp tục cái truyền thống văn hoá phong tục dân tộc cho thế hệ Việt sinh tại quê hương thứ hai này… mong lắm thay.”
Nói chung, chương trình Hạnh Ngộ Mây Bay Về Ngàn đã được quý khách và thân hữu rộng tình ủng hộ dù việc giới thiệu tác phẩm tiếng Việt ở Hải Ngoại càng ngày càng thưa thớt và ít người quan tâm. Sáng tác và phổ biến tác phẩm bằng tiếng Việt tại Hoa Kỳ và Hải Ngoại là một cố gắng thật khó. Tuy nhiên, nếu chúng ta còn quan tâm đến tương lai người Mỹ gốc Việt thì đây là việc đáng làm và cần làm.
Trần Nhật Thực
Mong lại có dịp tham dự những buổi sinh hoạt có tính cách như đêm hội ngộ “Mây bay về ngàn “ do các bạn già trẻ trong tập thể xa sứ sau ngày 30/4/1975 .. để nối tiếp tinh thần của tiền nhân khi buộc phải rời quê hương trong các thời lịch sử đất Việt..”văn hoá Việt còn thì đất Việt còn tồn tại bền vững..”