Có một câu chuyện tiếu lâm nói về cái mu con cua. Bạn rượu với nhau khi ngà ngà thường mang ra làm “mồi nhậu”. Mới nghe thì tục nhưng cái tục không đến nỗi khiếm nhã, làm người khác khó chịu hay nổi giận, vì mục đích chỉ để tếu vui…
Chuyện kể, có một cặp sui gia – bà thì mất chồng còn ông thì mất vợ, nói chung cả hai đều góa. Một hôm gặp nhau, anh sui hỏi thăm sức khỏe chị sui xem thế nào. Sau một lúc, chị sui thở dài đánh sượt: Từ lúc nhà tui mất, tui như con cua gãy càng không ngọ ngoạy gì được anh ơi… Anh sui có vẻ đau lòng nên thỏ thẻ: Càng gãy hết rồi cái mu để làm chi, hay chị cho tui cái mu được không?… Nghe xong người ta cười khì tự động nghĩ ngay đến cái ý khác…
Không biết có phải bắt chước câu chuyện mu cua hay không mà bọn quan lại trong cái Bộ 4T vừa làm cho cả nước đỏ mặt cũng từ cái chữ MU. Theo báo chí thì cuộc thi hoa hậu năm nay rất hoành tráng, mặc dù Covid vẫn còn lửng lơ trên đầu và giá xăng đang tiếp tay bọn đầu nậu thắt họng dân chúng không biết tới ngày nào mới nhả. Poster quảng cáo cho cuộc thi này viết là “Cuộc thi MUVN”! Chữ MU ở trên, còn chữ VN nằm phía dưới. Báo hại mấy bà mấy cô lồng lộn với chồng khi các ông đem chuyện “thi MU” ra làm đề tài tiếu lâm.
Ai đời cuộc thi hoa hậu mà ông nội vẽ poster lại đem cái ngàn vàng đè lên đầu hai chữ VN! Thằng con tui nghe tui phàn nàn mới cười nghiêng ngả nói, tía không biết thôi chứ hai chữ MU không phải là cái mu mà là viết tắt của chữ “Miss Universe”, tức là Hoa hậu Hoàn Vũ đó tía!
Tức mình quá, tui hỏi thằng Gugồ. Trong nháy mắt, nó trả lời rằng thằng con tui nói đúng. Cuộc thi năm nay tập họp nhiều “MU” trên khắp nước, từ Tây Ninh tới Tiền Giang, từ Hà Nội tới Quảng Ngãi, từ Lào Cai tới Lâm Đồng, từ Sài Gòn tới Dak Lak. Điều lạ là nhìn vào danh sách thí sinh không có nước nào khác ngoài Việt Nam. Vậy là “Hoàn Vũ” ư? Tui thiệt tình không hiểu. Tra Gugồ xem “hoàn vũ” là gì thì thấy học giả An Chi trả lời:
“Hoàn vũ” [寰宇] đồng nghĩa với “hoàn cầu” [寰球], có nghĩa là khắp cả Trái đất. Chữ “hoàn” [寰] có hai nghĩa chính là “vùng đất rộng lớn” (nghĩa một) và “tường bao quanh cung điện” (nghĩa hai). Với nghĩa một, ta còn thấy nó trong danh ngữ nay hầu như không còn dùng đến là “doanh hoàn” [瀛寰], cũng có nghĩa là “toàn thế giới”. Còn chữ “vũ” [宇] thì có hai nghĩa chính là “mái nhà” (nghĩa một) và “toàn thể không gian” (nghĩa hai). Với nghĩa một, nó có mặt trong “ốc vũ” là “nhà cửa”, “miếu vũ” là “đền miếu”. Với nghĩa hai, nó có mặt trong hai tiếng “vũ trụ” [宇宙] quen thuộc. Trong tiếng Việt hiện nay, hai tiếng “hoàn vũ” được dùng để dịch từ “Universe” trong danh ngữ “Miss Universe” (Hoa hậu Hoàn vũ), mà Tàu dịch thành “Hoàn cầu Tiểu thư” [环球小姐].
Vậy là hết thắc mắc nhưng từ “hoàn cầu” lại biến thành khắp nước Việt là sao ta? Tui đồ như vầy: Tuy không khác lãnh thổ nhưng khác giọng nói nên được “cất nhắc” thành “hoàn vũ” chăng? Này nhé, nói ngọng có Nam Định, lịu lưỡi có Quảng Nam, nói lắp có Hải Phòng, nói như gió thổi mưa sa có Huế, “nói” thành “nóa” có Đà Nẵng, nói “cá rô” thành “cá gô” có Trà Vinh, nói không cho người Kinh nghe có Dak Lak… Cũng khá nhiều, vậy “hoàn vũ” rồi còn gì! Nhưng vẫn chưa hết tức, tui mò vào Gugồ hỏi xem dân Thái Lan có làm như mình không thì nó trả lời có, nhưng hai chữ MU thì người Thái để dấu chấm chính giữa (M.U THAI), và giống như Việt Nam, các cô gái Thái từ khắp nơi trong nước cũng tập trung về Bangkok để lựa ra cô đẹp nhất dự thi Miss Universe 2022 trên toàn thế giới.
Và dĩ nhiên, với người Thái thì lỡ có viết “MU” (không dấu chấm) thì họ cũng thấy chẳng sao vì trong ngôn ngữ của họ, chữ này không gợi lên ý nghĩa nào khác. Nói vậy để thấy ban tổ chức Hoa hậu Hoàn Vũ Việt Nam cần thận trọng vấn đề “hành xử” với ngôn ngữ như thế nào để không bị chế nhạo là ẩu tả, bê bối và thiếu tế nhị trong việc dùng chính tiếng mẹ đẻ.
Mà dường như các cơ quan đoàn thể Việt Nam luôn thiếu thận trọng trong vấn đề chữ nghĩa. Nếu không thì làm sao có cái câu: “Chương trình khai màn Festival Huế 2022: Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Mấy ông chức sắc tổ chức Festival Huế muốn khác người, nên thay vì “khai mạc”, họ lại “khai màn”! Tui tò mò và cũng sợ mình ngu nên lật tự điển nhưng không thấy có chữ này. Tôi lại mò vào Gugồ check lần nữa, thấy rằng rõ ràng tiếng Việt không hề có chữ “khai màn”!
Hay đây là chiêu trò PR của UBND thành phố Huế? Gần như năm nào Huế cũng tổ chức festival, năm nào cũng ngần ấy thứ đem ra xào đi nấu lại thì thiên hạ cũng chán. Để thu hút sự chú ý của người dân nên các nhà “ngôn ngữ học” đất Thần Kinh nghĩ ra cái trò “gây tranh cãi” này chăng? Thưa các bậc thâm nho xứ Huế, người miền Nam lúc trước nghe câu Biệt kinh kỳ thì biết đó là bài ca diễn tả người đi xa Huế để chiến đấu cho tự do. Bây giờ, với hiện tượng diễn đạt ngôn ngữ kỳ lạ khác thường này, không khéo các vị lại liên tưởng đến vụ tiền mãn kinh thì khổ cho chị em phụ nữ.
Các ông đang phá tiếng Việt tàn bạo quá. Các ông dùng tiếng Việt một cách hư hỏng đến mức không còn gì để cảm thán nổi. Từ ngày các ông “khai màn” xuất hiện trên đất nước này, người dân toàn nghe… mùi khai của các ông!
Lâm Công Tử
Theo SGN News ngày 27 tháng 6, 2022
Be the first to comment