Ảnh chụp tụi mình đi thăm Angkor Wat. Siem Reap ồn ào hơn, nhưng sạch sẽ hơn Phnom Penh, là nơi mọi người nên tới nếu đã đặt chân lên đất Chùa Tháp.
Trong chuyến đi hơn 2 tuần vừa rồi, sở dĩ tụi mình dành hết 10 ngày, đi qua 5 tỉnh/thành ở Campuchia, là vì:
1- Nghe nhiều người nói Việt Nam đã bị Campuchia bỏ lại đằng sau, rằng Campuchia đã qua mặt VN, nên mình muốn biết đất nước láng giềng này hơn VN những gì.
2- Mình muốn ông xã trải nghiệm thực tế cuộc sống của người dân ở đất nước thuộc thế giới thứ ba ra sao, bởi ổng chỉ biết những nước này qua TV. Mà TV thì khác xa với ngoài đời, bởi khi xem TV, ổng không có những trải nghiệm thực tế, như không hít bụi, không ngửi được mùi rác nơi người dân sống chung hàng ngày.
3- Tuổi thơ của mình những năm trước năm 1975 sống ở biên giới Việt-Cam, chỉ cần bơi qua con sông mà mình tắm hàng ngày, tới bờ bên kia là đất Campuchia. Dù chưa một lần bước qua đất Cam, nhưng mình có cảm giác gần gũi với người dân ở xứ Chùa Tháp.
* * *
Sau 10 ngày trải nghiệm thực tế, có thể nói, Campuchia đã thật sự qua mặt Việt Nam nhiều mặt, nhất là về mặt đạo đức con người.
Bước xuống phi trường Phnom Penh, Siem Riep, hay Sihanoukville, mình không có cảm giác bất an như đã đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất 17 năm trước. (Mình về VN chỉ 1 lần duy nhất là năm 2002, từ đó tới nay đã không về nữa).
Khi xuống các phi trường ở Campuchia, mình không phải sợ bị rọc hành lý, không lo bị mất đồ (không thấy hành lý ở các phi trường này bị băng bó như hành lý ở phi trường Tân Sơn Nhất). Tụi mình không phải lo lót hối lộ như kẹp 5-10 đô vào hộ chiếu (như những người đi trước chỉ bảo), để “lo lót” cho những người làm thủ tục nhập cảnh.
Tụi mình không nộp đơn xin visa trước ở trên mạng, mà bay tới phi trường mới làm “Visa on Arrival”. Lệ phí $30 và mình trả đúng $30, không trả thêm đồng nào và cũng không bị hoạnh hẹ, không bị bắt phải chờ đợi vì phân biệt, mà chỉ xếp hàng chờ tới lượt mình như bao nhiêu người khác. Người làm thủ tục nhìn hồ sơ, biết mình gốc Việt, họ nói “cám ơn” tiếng Việt với mình (là điều mà mình hiếm khi nghe công an di trú ở VN nói với người dân).
Trên đường phố không thấy công an thổi còi, chặn xe lại để đòi tiền mãi lộ từ các tài xế. Cũng không thấy công an đứng chốt tại các ngã tư đường như ở VN. Nhưng ở những nơi đông người, bị kẹt đường, thấy có công an xuất hiện, chặn dòng xe cộ để giúp các tài xế de xe ra.
Trong suốt thời gian ở đây, mình chưa từng thấy công an chặn xe lại đòi tiền bất kỳ người nào. Mình có hỏi người quen về chuyện ăn hối lộ của công an ở đây, họ nói có, nhưng ít hơn và không phải chuyện gì cũng đòi ăn, trắng trợn như ở VN.
Người dân Campuchia hiền lành, chất phác, không thủ đoạn, lường gạt… nên mình luôn có cảm giác an toàn. Ngoại trừ TP Sihanoukville là nơi đã bị người Tàu gần như chiếm đóng, nên mình được khuyến cáo là không nên ra đường vào ban đêm, tất cả các TP khác mình không phải lo sợ bị giựt dọc, trộm cướp… mỗi khi ra đường.
Hôm tụi mình tới Siem Reap khi trời đã tối, người lái taxi ra phi trường đón tụi mình, đưa về khách sạn, nhận phòng xong cũng đã gần 10g tối. Tụi mình hỏi tiếp tân khách sạn, rằng tụi mình muốn đi ra phố, liệu có an toàn không? Người tiếp tân bảo: An toàn, cứ đi, không vấn đề gì, nếu đi bộ chỉ mất 5 phút, còn kêu xe tuk tuk thì tốn chỉ $1.
Tụi mình thả bộ ra Pub Street và Night Market ở gần đó, để có cảm giác đi bộ vào ban đêm ở đất nước này như thế nào. Lần này và cũng như bao nhiêu lần sau đó, tụi mình không hề lo sợ bị cướp giật, trộm cắp, móc túi, và cũng chẳng hề chứng kiến cảnh cướp giật ở đây lần nào.
Có lần, để trò chuyện với người dân ở đây, mình ghé vào tiệm lề đường làm móng tay ở Siem Reap. Khi thấy người khách trước mình trả tiền, tờ giấy $20, không có tiền lẻ nên cô thợ chạy đi đổi, bỏ mình với người khách kia ngồi lại ở shop ven đường. Tủ đựng những chai nước sơn bằng kính, cũng là nơi để tiền, cô ấy để ở lề đường, có chìa khóa dính vào, nhưng cô ấy không mang chìa khóa đó theo. Bên trong có những tấm giấy bạc $10-20 đô (Campuchia xài tiền đô la Mỹ và tiền Riel song song), nhưng cô ấy cứ bỏ đó, chạy tới chạy lui mà không sợ bị mất. Điều này cũng làm cho mình an tâm hơn, vì nghĩ rằng không có người tham ở đây nên cô ấy mới dám bỏ đi như vậy.
Trên đường phố, tụi mình không hề chứng kiến cảnh người dân lớn tiếng với nhau, cũng chưa từng chứng kiến cảnh đánh lộn trên đường. Ở đây không có nạn bóp kèn xe inh ỏi. Các tài xế thường chào nhau bằng hai tiếng kèn tik tik, chứ không bóp kèn để chửi nhau. Cũng không có cảnh các tài xế tranh giành khách, đánh nhau. Nói chung là người dân họ nhường nhịn nhau, giúp đỡ nhau, chứ không phải đạp lên nhau mà sống.
Ở những ngôi chùa, đền thờ mà tụi mình đã đi qua, hiếm thấy những hòm công đức, hay những nơi để tiền vào. Họ không hối lộ Phật pháp, không đặt tiền vào tay Phật (Nhưng tới những ngôi chùa có đông người Việt và người Tàu tới, như ở núi Bokor, thì thấy có cảnh này). Có những ngôi chùa trên núi cao như chùa Samathi ở Krong Kaeb, khi bước vào mình không hề thấy người, vì các sư tu tập ở các am gần đó, chứ họ không có mặt ở trong chùa.
Mình hỏi chuyện người dân ở đây, họ cho biết, đa số người dân Khmer theo đạo Phật (hơn 95%). Tới tuổi nào đó, họ phải vào chùa tu 3 năm để học làm người và để trả hiếu cho cha mẹ. Có lẽ vậy, nên người dân Campuchia thấu hiểu Phật pháp, nhân quả, nên họ sống hiền lành, lương thiện hơn, không có những mưu mô như người dân mình? Cũng có thể họ chưa từng bị cộng sản cai trị (ngoại trừ giai đoạn Khmer Đỏ), nên họ chưa bị nhiễm những tật xấu như một số người VN mình?
Một điều nữa mà mình nhận ra rằng, suốt những con phố đi qua, không thấy những bảng cảnh báo như “coi chừng móc túi” hay “khóa xe cẩn thận”… ở nơi công cộng. Điều này cũng làm cho mình có cảm giác an toàn hơn lần về VN. Nhìn chung, đạo đức của nhiều người ở đây còn khá tốt, chưa bị băng hoại như được biết ở trên quê hương mình.
Nếu không thể sống ở nơi nào khác ngoài VN, có lẽ Campuchia là nơi mà mọi người cân nhắc, vì nơi đó con người vẫn còn là con người. Chỉ có điều rất khó nhập quốc tịch ở đây, cũng như khó làm kiếm tiền vì đất nước này chủ yếu sống nhờ nông nghiệp và du lịch. Thu nhập hàng năm của người dân Campuchia thấp hơn dân VN, nhưng có nhiều điểm họ hơn người dân VN.
Thu Ngoc Dinh
Theo Facebook ngày 22/2/2019
Chào chị Thu Ngoc Dinh,
Em rất cảm ơn bài viết review của chị. Tuy nhiên, theo em để có cái nhìn toàn cảnh và so sánh 2 đất nước một cách tương đối nhất, em mời chị quay lại Việt Nam vào năm 2019 chị nhé! So sánh Việt Nam năm 2002 và Campuchia năm 2019 có vẻ không phù hợp lắm ạ.
Thân mến,
Nguyễn Thanh Nguyệt