Không Ai Ở Phía Trước

Đôi khi “người phía sau” chỉ mơ ước được một giấc ngủ trọn vẹn thôi – Facebook GiangHuynh Phạm

“Không để ai bị bỏ lại phía sau” – một câu tuyên truyền hay được các quan chức Việt nói mỗi lần Việt Nam có thiên tai, bệnh dịch, Tết nhứt…

Những người ở “phía sau” trong câu nói đó là ai? Dĩ nhiên là dân nghèo hoặc những người bất hạnh – ít nhận được sự quan tâm của số phận, thần may mắn và chính quyền sở tại ngày thường.

Gõ lên ô tìm kiếm của Google cụm từ trên, bạn sẽ thấy “không để ai bị bỏ lại phía sau” đã nằm ở trên báo rất nhiều năm mà không ai để ý, vì người ta coi đó như một món trang sức làm sang cho miệng lãnh đạo, làm đẹp các bài phát biểu, chắc không mấy ai tin. Nhưng qua mùa cúm Vũ Hán câu “không để ai bị bỏ lại phía sau” bỗng “vùng dậy” như xác sống trong phim viễn tưởng, được quan tâm quá trời. Nó chính thức trở thành một cú tát vào truyền thông, vào mặt những người tuyên bố câu nói đó trước toàn dân ngày dịch Tàu mới mon men gõ cửa mảnh đất hình chữ S. Bởi những người “ở phía trước” không những đã bỏ quên rất nhiều người dân ở phía sau, họ còn tạo ra những luật lệ khắt khe, thi hành luật cứng nhắc khiến ai cũng khổ sở trong mùa dịch, và quan trọng là họ còn tham ô thông qua các hợp đồng thiết bị y tế, kit test, các “chuyến bay giải cứu”… Ðiều đó khiến những người “bị bỏ lại phía sau” không chỉ là người nghèo, người bất hạnh ở tầng đáy xã hội, mà còn có cả người có cuộc sống bình thường, thậm chí là khá giả. Ngồi nhìn lại mùa dịch vừa qua, quả tình không thấy còn người dân nào “ở phía trước” nữa, vì tất cả đều “bị bỏ lại ở phía sau” rồi.

Thật ra, cũng có rất nhiều người lập tức phản ứng “chẳng lành” ngay khi nghe câu nói “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Ăn bánh vẽ hoài cũng tởn chứ bộ. Ví dụ như tôi, nghe người dính Cúm Tàu sẽ “được” đem vào các khu “điều trị” tập trung (khi cả thế giới chưa có thuốc trị, cũng chưa có vaccine ngừa cúm Vũ Hán chánh thức luôn), là tôi sợ hãi, không-dám bệnh luôn. Tôi đã nhiều lần nhìn vào mắt cô hàng xóm và đăm chiêu suy nghĩ, muốn hỏi cổ:
“Cô ơi, nếu con bị mắc dịch thì cô đừng kêu y tế phường bắt con dzô khu tập trung, con tự ở nhà uống thuốc được không?”

Vì tôi ở một mình, thức ăn/thuốc luôn trữ trong nhà. Nên tôi tin rằng nếu tôi bị con cúm Tàu “để ý”, theo đuổi thì sẽ có thể tự vượt qua hết thời gian virus đánh nhau với cơ thể (khoảng 2-3 tuần). Có lẽ do ăn ở hoặc được thần may mắn yêu thương nên tôi đã không bị cúm Tàu (hoặc bị rồi mà tôi không hay biết). Càng may mắn hơn, tôi đã không hỏi cô hàng xóm câu hỏi trên, vì có thể, tình cảm đôi bên sẽ sứt mẻ sau câu hỏi và câu trả lời. Ðâu phải lúc nào “rõ ràng, sòng phẳng…” là tốt. Bởi lúc đó, ai bị “mắc dịch” hay từng gặp người “mắc dịch” là người ta coi như hủi, không những bị bắt đi cách ly mà còn bị người đời chửi xối xả, đời tư bị moi móc đưa lên mạng xã hội làm mồi cho dân cư mạng nhắm, làm bia cho dân tình chửi. Không riêng người bệnh, cả cái đất Sài Gòn cũng bị chửi, vì dám có dịch nhiều hơn mấy chỗ khác. Rất ít người có suy nghĩ như bây giờ – coi cúm Tàu là một con sâu chút xíu, nó bu ai thì chịu khó cắn nhau với nó, thắng thì mừng, chết thì buồn. Tôi không biết, cô hàng xóm lúc đó có “nghĩ thoáng” hay không, hay cổ cũng nơm nớp “đề phòng” cô bé nhà bên – là tôi.

Hồi hổm, tự nhiên câu nói “không để ai bị bỏ lại phía sau” nảy lên trong đầu tôi, khi tôi nghe ông thủ tướng VN đương nhiệm qua Mỹ kêu Ðại sứ quán VN ở bển nhanh nhanh bắt chính quyền Mỹ công nhận dân Mỹ gốc Việt là người thiểu số ở bển. Trong khi đa số dân Việt ở bển ra đi hàng mấy chục năm, sanh con đẻ cái, lập nghiệp, thành danh – thành nhân ở đó, họ đã coi họ là người Mỹ luôn rồi. Trong khi Mỹ là hiệp-chủng-quốc, được tập hợp bởi rất nhiều sắc tộc…

Không biết dân Mỹ gốc Việt có cảm động khi không bị “bỏ lại phía sau” không? – vtc.vn

Rất khó lý giải theo góc nhìn của người thường trước hành động và lời nói trên của ông Thủ tướng VN. Nhưng nếu nghĩ theo lý thuyết “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thì lý do để có quyết định trên rất dễ giải thích. Ðó là do ông thủ tướng VN mình sợ dân và chính quyền Mỹ… ghét người dân gốc Việt! Tại truyền thông trong nước, ngay cả lãnh đạo và không ít người Việt Nam đã công khai chửi, mắng mỏ, chì chiết Mỹ liên tục ngót mấy chục năm ròng (dự báo là còn chửi nữa, dầu liên tục nhận viện trợ từ Mỹ). Năm 2021, cô Ðỗ Thị Hà – Hoa hậu Việt Nam 2020 – còn đòi biểu diễn nhạc phẩm “Cô gái vót chông” (nội dung là đòi “xiên thây” “diệt giặc Mỹ cọp beo”) ngay tại Puerto Rico nữa. Chắc ngài thủ tướng VN cũng áy náy, bởi ngoài các thuyền nhân và con cháu của VNCH, không ít con cháu lãnh đạo CSVN cũng chọn Mỹ là quê hương thứ 2 mà. Nói tới đây không biết bà con gốc Việt nào ở Hoa Kỳ rơi nước mắt cảm động không? Hay chắp tay cầu khẩn “hãy bỏ chúng tôi lại phía sau”?

Thật ra, có rất nhiều người không bao giờ nói câu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, nhưng họ luôn nhìn ra phía sau, và giúp đỡ người khác. Dầu chính họ, đôi khi cũng là kẻ ở phía sau, không sung sướng hơn ai. Không chỉ là thời dịch cúm Tàu, mà thời bình, thậm chí là thời chiến như chiến tranh Việt Nam xưa (hàng triệu dân Bắc Việt đã được chào đón vào Nam nhiều lần, sau họ đảo khách thành chủ luôn), chiến tranh ở Ukraine bây giờ (Qua 3 tháng chiến tranh ở Ukraine, riêng dân Ba Lan đã đón hơn 3 triệu người từ Ukraine sang tị nạn, đa số cùng ăn ở trong các gia đình người Ba Lan).

Hôm rồi, tôi có đọc về bà Corrie Ten Boom và gia đình bà đã xây dựng một căn phòng bí mật trong nhà để che giấu người Do Thái – và cứu họ khỏi thảm họa Holocaust, lúc Ðức Quốc Xã xâm lược Hòa Lan vào năm 1940.

Bà Corrie Ten Boom cạnh căn phòng bí mật của gia đình. – Facebook

Căn phòng bí mật trong này một lúc chỉ có thể chứa được 6 người. Khi họ trốn thoát, bà lại tiếp nhận những nhóm người Do Thái mới. Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn: nhà thì gần đồn cảnh sát, nhất là dân Hòa Lan khi đó được phát khẩu phần ăn hàng ngày, gia đình bà đã giúp cho 800 người Do Thái thoát khỏi cái chết. Trong số đó có rất nhiều người khuyết tật. Dầu bị tố cáo bởi một kẻ chỉ điểm và cả nhà bị bắt, nhưng không ai trong số những người Do Thái đang ẩn náu trong căn phòng bí mật tại nhà bà và những người giúp bà bị bắt cả. Vì cả gia đình bà giữ im lặng (Hai chị gái bà chết sau khi bị bắt. Cha bà cũng bị giam thời gian dài, bà bị buộc vào trại tập trung và ra tòa…)

Luôn có những tấm gương “lá rách đùm lá nát” đẹp đẽ, không chỉ ở các giai thoại hay ở quá khứ, mà ngay bây giờ, tại Nha Trang: “Tôi ngồi bên này đường nhìn sang bên kia đường. Người đàn bà đẩy cái xe đi mua ve chai đi ngang qua, rồi dừng lại nói chuyện với người bơm quẹt gas. Chợt người đàn bà có vẻ đi bán vé số đi tới (vẻ mặt khắc khổ), người mua ve chai gọi chị (bán vé số) lại và cho bị gạo (có lẽ bị gạo kia cũng của ai đó làm từ thiện đã cho người mua ve chai). Tôi bấm máy chụp kịp lúc người đàn bà khắc khổ mừng rỡ nhận bị gạo từ người mua ve chai, sau đó chị cười tươi và ôm bị gạo đi tiếp. Cuộc đời cũng còn những cái hành động đẹp lạ lùng. Ðúng nghĩa “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.” – Facebook Nam Paparazi

Cảnh “lá rách ít đùm lá rách nhiều” được Facebook Nam Paparazi chụp lại

Hay ở Sài Gòn, những câu chuyện tốt nho nhỏ luôn xảy ra mỗi ngày: “Chuyện là hôm nay mình ra tiệm cafe làm việc, ngồi từ 5 giờ chiều tới tận 10 giờ tối. Khoảng 9 giờ tối thì được bạn nhân viên đưa cho tờ giấy bảo là có người gửi mình. Tóc tai lúc đấy thì đang bù xù, đầu óc thì quay cuồng đọc xong là não như được dãn ra, tờ giấy ghi: “Khi bạn cố gắng, cả vũ trụ sẽ ủng hộ bạn. Cố lên nhé!”  Thực sự rất cám ơn người gửi, việc làm tích cực này cần được “kế thừa”, mình đã tự dặn lòng là nếu lần sau ra tiệm cafe, thấy bạn nào vùi đầu trong deadline thì mình sẽ gửi một tờ note như thế này cho họ.” – Facebook Ng Phương Linh.

Lá thư trích lại câu nói trong cuốn “Nhà giả kim” của Paulo Coelho – Facebook Ng Phương Linh

Thật ra, con người trong xã hội đều có thể là người “bị bỏ lại phía sau”, dầu họ có vẻ đầy đủ nhất, không chỉ riêng người thiếu vật chất. Bởi vì thiếu vật chất, thiếu giáo dục, thiếu kiến thức, thiếu tình cảm… thì còn có thể bù đắp, trau dồi và có thể lên làm người ở phía trước được – nếu may mắn hoặc có cơ hội. Chứ người thiếu… nhân tánh, thiếu làm nhưng hay nói sảng, thì sẽ rất khó để không bị cả xã hội quay lưng, dầu bây giờ là ông to bà lớn, thét ra đạn ra tên… lửa.

Chịu khó lướt bình luận của các bạn trẻ Việt Nam, bạn sẽ hiểu hậu quả của nền giáo dục “ăn to nói bự nhưng không làm” – Facebook

Cứ nhìn Vladimir Putin mà xem, dầu xưa giờ vẫn bị người ta ghét nhưng chưa lúc nào như bây chừ, khi hàng tỷ người dân trên cả thế giới (trong đó rất nhiều dân Nga) cùng hiệp lực mong ông ta được đăng hình ở trang nhất mọi tờ báo, mục cáo phó. Vì ông ta còn sống, còn tự do làm chuyện ác ngày nào, thì còn rất nhiều kẻ noi gương ông ta. Nhất là những kẻ học cùng “thầy” với ông ta. Tại vì:

Thầy giáo: Em hãy giải thích tại sao, các lỗi ở bài kiểm tra của em lại giống bạn ngồi cạnh.
Học trò: Thưa thầy, vì chúng em chung một giáo viên.

Du Uyên
Theo baotreonline.com ngày 2/6/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*