Âu Châu Cấm Vận Dầu Thô Của Nga – Trung Cộng Không Ký Được Hiệp Ước Với 10 Đảo Quốc Thái Bình Dương

LIÊN HIỆP ÂU CHÂU CẤM VẬN DẦU THÔ CỦA NGA

Kết quả phiên họp thượng đỉnh bất thường tại Brussels hôm Thứ Hai 30 tháng 5 cho thấy Liên Hiệp Âu Châu (EU) đã đạt được thỏa thuận để tiến thêm một bước quan trọng trong việc chế tài Nga về cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine. Đây là đợt chế tài thứ sáu, nhắm vào việc cấm vận dầu thô xuất cảng từ Nga và chở bằng đường biển đến 27 quốc gia thành viên EU.

Ông Charles Michel, Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu (Council of the European Union) nói rằng đợt chế tài lần này sẽ “ngăn chận hơn hai phần ba khối lượng dầu thô do Nga xuất cảng, có nghĩa là cắt đứt một nguồn tài trợ khổng lồ cho bộ máy chiến tranh, nhằm tạo áp lực tối đa buộc Nga phải chấm dứt cuộc chiến”, đồng thời cũng là sự thể hiện tinh thần đoàn kết chặt chẽ của khối EU, bởi vì “hơn bao giờ hết, chúng ta cần phải cùng nhau chứng tỏ sự cương quyết trong vấn đề này”.

Theo lời bà Ursula Von der Leyen, Chủ tịch Ủy Ban Âu Châu (European Commission) phát biểu với báo chí thì mục tiêu của EU là “trước cuối năm 2022, sẽ tiến tới việc chấm dứt nhập cảng 90% dầu thô từ Nga”.

Cũng trong khuôn khổ đợt chế tài lần này của Liên Hiệp Âu Châu, ngân hàng lớn nhất của Nga là Sberbank bị loại ra khỏi hệ thống tài chánh quốc tế SWIFT, thêm một số giới chức chính quyền Nga bị cấm du lịch và “đóng băng” trương mục, và ba cơ quan phát thanh quốc doanh của Nga bị cấm truyền đạt tin tức tại Âu Châu.

Để tiến tới các biện pháp chế tài nói trên, đặc biệt là biện pháp cấm vận dầu thô, EU đã phải vượt qua rất nhiều khó khăn mới đạt được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên. Lý do: Âu Châu vốn là khách hàng lớn nhất của Nga về lãnh vực năng lượng. Theo thống kê Eueostat năm 2021 thì chỉ riêng dầu thô do Nga xuất cảng đã chiếm tới 27% tổng lượng nhập cảng của các nước châu Âu. Cơ Quan Năng Lượng Quốc Tế (International Energy Agency – IEA) phân tích thêm rằng mỗi ngày có 2.4 tỷ thùng dầu thô từ Nga rót sang châu Âu, trong đó khoảng 35% được chuyển qua hệ thống đường ống Druzhba. Ba quốc gia nhập cảng dầu nhiều nhất là Hung Gia Lợi (86%), Cộng Hòa Tiệp (97%) và Slovakia (100%).

Ngoài dầu thô, còn phải kể tới khí đốt do Nga xuất cảng, cũng chiếm tới 40% tổng lượng nhập cảng của các nước châu Âu. Riêng Hung Gia Lợi bị lệ thuộc nguồn khí đốt của Nga tới 85%.

Chính vì thế mà Nga đã không ngần ngại khai thác lợi thế năng lượng ngay lúc vừa phát động cuộc chiến tranh xâm lược, thoạt đầu là ngưng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, rồi đến tuần này lại tiếp tục hăm dọa cắt nguồn khí đốt của công ty Hòa Lan GasTerra, vừa để gây áp lực ngoại giao, vừa để gây chia rẽ trong nội bộ khối EU.

Và cũng chính vì thế, Thủ Tướng Hung Gia Lợi Viktor Orban khi đến dự phiên họp thượng đỉnh bất thường của Liên Hiệp Âu Châu đã tuyên bố chỉ có thể ủng hộ đợt chế tài mới nhất nếu EU bảo đảm rằng dân chúng nước ông sẽ không bị thiếu dầu thô và khí đốt. Thủ Tướng Orban nói rõ, nếu muốn thoát khỏi sự lệ thuộc vào nguồn cung ứng của Nga, Hung Gia Lợi cần một khoảng thời gian là 4 năm (thay vì 2 năm như EU đề xướng) và cần được EU hỗ trợ 800 triệu euro. Ông Orban giải thích mục đích ngân khoản này nhằm cải biến hệ thống lọc dầu để thích ứng với những nguồn dầu thô khác và để mở rộng hệ thống đường ống Adria từ Croatia.

Theo các bản tin thông tấn, tình trạng lệ thuộc về năng lượng của Hung Gia Lợi, Cộng Hòa Tiệp và Slovakia có thể gây bế tắc cho phiên họp thượng đỉnh của EU, nhưng may mắn là sự bế tắc đó đã được khai thông nhờ hai sự kiện trong ngày Thứ Hai 30 tháng 5.

Thứ nhất, các quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đồng thuận với giải pháp tạm thời là không cấm vận dầu thô do Nga cung ứng qua hệ thống đường ống Druzba mà chỉ áp dụng biện pháp cấm vận đồi với nguồn xuất cảng bằng đường biển.

Thứ hai, Tổng Thống Volodymyr Zelensky gửi video clip từ Ukraine để phát trực tiếp tại phiên họp, khẩn thiết kêu gọi mọi người “hãy chấm dứt các cuộc tranh luận nội bộ, vì sự bất đồng ý kiến giữa các quốc gia EU chỉ tạo cơ hội để giúp Nga gây thêm áp lực lên toàn thể châu Âu”. Qua video clip dài 10 phút, ông Zelensky nhấn mạnh rằng EU “cần phải đồng thuận về đợt chế tài thứ sáu này, nhất là chế tài về dầu thô, để chế độ cầm quyền ở Moscow cảm nhận được cái giá phải trả cho cuộc chiến tranh xâm lược Ukraine – cụ thể là mỗi ngày Nga sẽ bị thiệt hại hàng tỷ dollars vì không bán được dầu thô – và chỉ khi đó thì Nga mới bị đẩy tới chỗ phải tìm một giải pháp hòa bình, kết thúc cuộc chiến”.

Phát biểu với báo chí sau phiên họp thượng đỉnh hôm Thứ Hai, Chủ tịch Hội Đồng Âu Châu Charles Michel khẳng định quyết định không cấm vận xuất cảng dầu thô qua hệ thống đường ống Druzba “chỉ là một ngoại lệ có tính chất tạm thời”, và EU “sẽ tái cứu xét vấn đề trong thời gian ngắn nhất, để tiến tới biện pháp cấm vận toàn bộ nguồn xuất cảng dầu thô của Nga”.

Ngoài ra, ông Michel cũng cho biết các vị nguyên thủ của 27 quốc gia thành viên Liên Hiệp Âu Châu đã đồng ý hỗ trợ chính phủ Ukraine ngân khoản 9 tỷ euro (tương đương $9.7 tỷ U.S. dollars) để tái thiết đất nước và phục hồi kinh tế. Theo lời Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại phiên họp thì ngân khoản 9 tỷ euro này “là tiền cho vay chứ không phải là ngân khoản viện trợ, và qua đó, sẽ gửi một tín hiệu đến thị trường tài chánh về việc một đất nước, mặc dù đang bị chiến tranh tàn phá, vẫn tiếp tục thanh toán các khoản nợ của mình”.

CHIẾN CUỘC TIẾP DIỄN DỮ DỘI Ở MIỀN ĐÔNG

Trong khi Liên Hiệp Âu Châu tổ chức phiên họp thượng đỉnh tại thủ đô Brussels của Vương Quốc Bỉ, chiến cuộc vẫn diễn ra khốc liệt ở miền đông Ukraine. Các bản tin thông tấn cho biết, ngoài những trận oanh kích và pháo kích dồn dập mỗi ngày, còn có những đợt giao chiến xáp lá cà giữa các chiến sĩ Ukraine với đơn vị bộ binh của Nga, hai bên giành nhau từng con đường trong thành phố Sievierodonetsk.

Tính đến Thứ Ba 31 tháng 5, quân đội Nga đã kiểm soát được từ 1 phần ba đến phân nửa thành phố này, nhưng vì lực lượng Ukraine vẫn kiên trì giữ vững vị trí nên không thể dự đoán chiến cuộc sẽ ngã ngũ ra sao. Do địa thế khác biệt nên Nga khó lòng bao vây Sievierodonetsk như đã từng bao vây Mariupol, và bất cứ lúc nào lực lượng Ukraine cũng có thể rút qua sông Siverskiy Donets để cố thủ ở thành phố Lysychansk bên phía hữu ngạn.

Tưởng cần nhắc lại, hồi cuối tháng 2 Nga đã thất bại khi đưa 100,000 quân sang Ukraine với chiến thuật tấn công ồ ạt, tưởng rằng chỉ vài ngày hoặc vài tuần sẽ lật đổ được Tổng Thống Volodymyr Zelensky để dựng lên một chính phủ bù nhìn ở thủ đô Kyiv. Nhưng suốt 8 tuần lễ, vì vấp phải sự chống cự kiên cường của quân và dân Ukraine – cộng với sự giúp đỡ hữu hiệu về mọi mặt của các quốc gia Tây phương – quân đội Nga bị tổn thất nặng nề nên đành phải đổi chiến thuật và triệt thoái khỏi mặt trận miền bắc vào giữa tháng 4 để chuyển quân qua miền đông, nhằm phối hợp với lực lượng võ trang ly khai thân Nga trong hai tỉnh Luhanks và Donetsk ở vùng Donbas.

Sievierodonetsk, thành phố kỹ nghệ nằm về phía tây ngạn sông Siverskyi Donets, là một vị trí chiến lược rất quan trọng đối với Nga nếu muốn kiểm soát toàn bộ tỉnh Luhansk.

Cư dân sống tại Sievierodonetsk gồm 100,000 người, đa số đã di tản khi chiến cuộc bùng nổ, nhưng vẫn còn lại từ 12,000 đến 13,000 người đang ẩn núp dưới tầng hầm nhà hoặc hầm chống bom. Ông Thị Trưởng Oleksandr Striuk cho biết cả thành phố kể như tan nát vì bom đạn, 90% các cao ốc bị đổ sập, điện, nước, điện thoại đều bị cắt hết. Vẫn theo ông Striuk, số thường dân tử vong cho tới nay có thể lên tới 1,500 người.

Một cơ quan thiện nguyện là Norwegian Refugee Council đã từ Na Uy tới Sievierodonetsk để giúp đỡ dân chúng Ukraine. Ông Jan Egeland, tổng thư ký cơ quan tỵ nạn này nói rằng ông “hãi hùng” trước cảnh tàn phá, và ước tính “ít nhất 12,000 thường dân hiện đang bị mắc kẹt giữa hai lằn đạn, họ khó lòng thoát ra ngoài để di tản nên đành tạm trú dưới hầm trong cảnh thiếu thốn đủ mọi thứ – thức ăn, nước uống, thuốc men, điện sinh hoạt…”

Một phóng viên người Pháp, ông Frédéric Leclerc-Imhoff, 32 tuổi, trong lúc tường thuật cảnh những người dân Ukraine trốn khỏi thành phố Sievierodonetsk, đã không may thiệt mạng vì trúng mảnh đạn pháo kích. Theo lời Tổng Thống Zelenskyy thì ông Leclerc-Imhoff là ký giả thứ 32 đã hy sinh để thực hiện nhiệm vụ truyền thông trên chiến trường Ukraine.

Các chuyên viên quân sự nhận định rằng, đối với quân đội Nga, tấn công thành phố Sievierodonetsk là “một cuộc chạy đua với thời gian”, bởi vì nếu Nga không sớm chiếm được cứ điểm chiến lược này mà để cho Ukraine kịp thời nhận thêm tiếp viện quân cụ và khí giới từ các quốc gia Tây phương thì Ukraine sẽ đủ khả năng đẩy lui đợt tấn công hiện tại, như đã đẩy lui các đợt tấn công ở mặt trận miền bắc.

Liên quan đến vấn đề vũ khí, các bản tin thông tấn ghi nhận rằng tuy chính phủ Mỹ cam kết tiếp tục hỗ trợ Ukraine mọi phương tiện quân sự để chống lại làn sóng xâm lược, tuy nhiên hôm Thứ Hai 30 tháng 5 Tổng Thống Joe Biden tuyên bố sẽ không gửi cho Ukraine loại hỏa tiễn tầm xa MLRS (Multiple Launch Rocket System) như chính phủ Zelensky yêu cầu. Thay vì vậy, một loại hỏa tiễn khác là HIMARS (High Mobility Artillery Rocket System) – với tầm bắn trung bình từ 70 đến 150 cây số – đang được chuyển giao cho Ukraine.

Được biết Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ bày tỏ sự quan ngại là loại hỏa tiễn tối tân MLRS có thể được quân đội Ukraine dùng để bắn thẳng sang lãnh thổ Nga, và điều này nếu xảy ra, sẽ tạo cơ hội để Nga trả đũa, đưa tới tình trạng leo thang chiến tranh với nhiều hậu quả không thể lường trước.

Ngay sau lời tuyên bố của Tổng Thống Biden, một giới chức cao cấp trong Hội Đồng An Ninh Quốc Gia của Nga là Dmitry Medvedev lên tiếng nói rằng chính phủ Mỹ có quyết định “hợp lý”. Nhưng mặt khác, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov vẫn chỉ trích “Mỹ đang đổ dầu vào lửa” khi tiếp tục cung cấp thêm hỏa tiễn cho Ukraine.

Tính đến tuần này, chiến cuộc tại Ukraine đã bước sang tháng thứ tư. Theo ước tính của Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc, ít nhất 4,031 thường dân Ukraine đã thiệt mạng vì bom đạn (bao gồm gần 200 trẻ em), hàng triệu người phải bỏ nhà cửa chạy loạn từ thành phố này qua thành phố khác, và trên 6 triệu 700 ngàn người phải lìa bỏ đất nước sang tỵ nạn ở các nước láng giềng. Ngoài ra, 14,388 binh sĩ Nga bị tố cáo phạm tội ác chiến tranh do hành vi sát hại thường dân và lần lượt bị đưa ra xét xử trước tòa. Hai người trong số các binh sĩ này đã nhận tội và lãnh án tù chung thân.

TRUNG CỘNG KHÔNG KÝ ĐƯỢC HIỆP ƯỚC VỚI 10 ĐẢO QUỐC THÁI BÌNH DƯƠNG

Một hội nghị cấp Ngoại Trưởng vào đầu tuần này đã không mang lại kết quả như nhà cầm quyền Bắc Kinh mong muốn, là thuyết phục 10 đảo quốc Thái Bình Dương ký một hiệp ước hợp tác an ninh chung. Tuy vậy, các bản tin thông tấn ghi nhận rằng việc Trung Cộng công khai biểu lộ ý đồ lôi kéo các đảo quốc đã khiến cho Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Tân Tây Lan phải lên tiếng báo động.

Hội nghị nói trên diễn ra hôm Thứ Hai 30 tháng 5 tại khách sạn Grand Pacific ngay giữa thủ đô Suva của quần đảo Fiji. Ngoài Thủ Tướng Frank Bainimarama đại diện nước chủ nhà Fiji để tiếp đón Ngoại Trưởng Trung Cộng Vương Nghị (Wang Yi), hầu hết các nhân vật lãnh đạo ngành ngoại giao chỉ tham dự hội nghị qua hình thức trực tuyến vì đảo quốc của họ vẫn đang phải đối phó với đại dịch Covid-19.

Nhiều ngày trước đó, Bộ Ngoại Giao Trung Cộng đã gửi dự thảo hiệp định đến các Ngoại Trưởng để tham khảo, đồng thời soạn sẵn một bản lên tiếng chung, nhưng vì đề nghị ký kết bị hội nghị bác bỏ nên đến giờ chót bản lên tiếng chung không được phổ biến. Mặc dù Thủ Tướng Bainimarama giải thích rằng “các đảo quốc cần đạt sự thỏa thuận khoáng đại trước khi có thể ký kết bất kỳ hiệp ước mới nào”, kết quả hội nghị vẫn bị giới quan sát thời cuộc coi như một thất bại về mặt ngoại giao của Trung Cộng.

15 nước được công nhận là đảo quốc độc lập tại Thái Bình Dương (Pacific Island Nations) là Solomon Islands, Kiribati, Samoa, Fiji, Tonga, Vanuatu, Papua New Guinea, Cook Islands, Niue, Federated States of Micronesia, French Polynesia, Tuvalu, Palau, Marshall Islands và Nauru. Về diện tích cũng như dân số, các đảo quốc khác biệt nhau rất xa, thí dụ Papua New Guinea là nước lớn nhất, với diện tích các đảo trải dài trên 178,704 dặm vuông và có 8.9 triệu dân sinh sống; trong khi đó Nauru là nước nhỏ nhất, diện tích chỉ vỏn vẹn 8.1 dặm vuông và dân số chỉ có 10,800 người.

10 trong số các đảo quốc nói trên được mời dự phiên họp ngày 30 tháng 5 với Ngoại Trưởng Vương Nghị. Không có tên trong danh sách được mời là Tuvalu, Palau, Marshall Islands, Nauru, vì cả 4 đảo quốc này đều duy trì quan hệ với Đài Loan, là điều mà Trung Cộng không thể chấp nhận.

Đây là lần thứ hai Vương Nghị mời Ngoại Trưởng những đảo quốc Thái Bình Dương dự họp, kể từ sau phiên họp trực tuyến đầu tiên được tổ chức ngày 21 tháng 10 năm ngoái.

Theo ghi nhận của các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông thì qua bản dự thảo hiệp ước hợp tác an ninh mang tựa đề “Viễn Ảnh Phát Triển Chung” (Common Development Vision), Trung Cộng có vẻ muốn sắp xếp lại thứ tự ưu tiên tại Thái Bình Dương và mở rộng quan hệ với các đảo quốc về nhiều lãnh vực, từ cảnh sát biển cho đến an ninh mạng, từ tăng cường an ninh trong ngành đánh cả cho đến hợp tác phát triển thương mại, giao lưu văn hóa – bao gồm đề nghị đặt văn phòng đặc sứ của Bắc Kinh, huấn luyện các đảo quốc về nông nghiệp và ngư sản, thiết lập Viện Khổng Tử, v.v…

Có thể vì bản dự thảo hiệp ước chứa đựng một số điều khoản với nội dung khá mơ hồ, và do đó gây cảm giác nghi ngại, nên hầu hết các đảo quốc đã không bày tỏ phản ứng thuận lợi. Đáng kể nhất là trước khi hội nghị diễn ra, Tổng Thống David Panuelo của Liên bang Micronesia (the Federated States of Micronesia) đã gửi văn thư đến toàn thể những nhà lãnh đạo khác để báo động rằng đề nghị ký kết hiệp ước này “có thể đưa tới một cuộc Chiến Tranh Lạnh” giữa Trung Cộng và khối Tây phương tại Thái Bình Dương, thậm chí “có thể làm bùng nổ Thế Chiến Thứ Ba”. Ông Panuelo còn thẳng thắn nhận định là nội dung dự thảo “đầy vẻ thiếu thành thật”, chỉ nhằm “mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh để đi tới kiểm soát chính quyền các đảo quốc về mặt kinh tế”, do đó nếu ký kết hiệp ước, các đảo quốc sẽ bị lôi kéo vào quỹ đạo của Trung Cộng và đánh mất cả chủ quyền lẫn nền độc lập của mình.

Không rõ lời báo động của Tổng Thống Micronesia có ảnh hưởng đến mức nào, nhưng điều hiển nhiên là cuộc hội nghị ở Fiji đã không mang lại thành quả như nhà cầm quyền Bắc Kinh mong muốn. Vì vậy sau khi hội nghị kết thúc, Ngoại Trưởng Vương Nghị chỉ có thể gỡ thể diện bằng cách phổ biến thông cáo báo chí nói rằng “10 đảo quốc đã đồng ý qua các Biên Bản Ghi Nhớ (Memorandum of Understanding – MoU) về sáng kiến Vành Đai và Con Đường của Trung Quốc”, “chúng ta sẽ tiếp tục những cuộc thảo luận sâu rộng hơn, với sự tham vấn của các chuyên gia, nhằm đạt thêm sự đồng thuận trong vấn đề hợp tác”.

Bên cạnh đó, Vương Nghị cố gắng trấn an các nhà lãnh đạo đảo quốc: “Xin quý vị đừng quá lo lắng và đừng quá căng thẳng, bởi vì sự phát triển và thịnh vượng của Trung Quốc, cũng như của tất cả các nước đang phát triển nói chung, đều chỉ nhắm tới mục tiêu hoàn thiện hóa sự hòa đồng, công lý và tiến bộ trên toàn thế giới”.

Trước khi hội nghị diễn ra, Chủ Tịch Tập Cận Bình cũng đã gửi đi một thông điệp tương tự qua đài truyền hình quốc doanh CCTV, hứa hẹn rằng “Trung Quốc sẽ là anh em tốt và sẽ chia sẻ vận mệnh chung với các đảo quốc Thải Bình Dương”.

Những lời lẽ hoa mỹ của Tập Cận Bình và Vương Nghị bị các quốc gia Tây phương đáp lại bằng phản ứng khá mạnh mẽ. Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cảnh giác các đảo quốc “hãy thận trọng về những thỏa thuận mờ ám, mơ hồ, thiếu minh bạch”. Ông Blinken còn nói thêm: “Trung Cộng là quốc gia duy nhất vừa có ý đồ làm đảo lộn trật tự thế giới, vừa có khả năng càng lúc càng lớn mạnh cả về kinh tế, ngoại giao lẫn quân sự và kỹ thuật để thực hiện ý đồ của họ”.

Trong khi đó, tân Ngoại Trưởng Úc Penny Won ngay khi vừa nhậm chức đã bắt đầu chuyến công du đến thăm một vòng tất cả các đảo quốc. Tuy phát biểu rằng “những nhà lãnh đạo trong khu vực này có quyền đại diện cho dân chúng của họ để lựa chọn quyết định”, nhưng bà Won khẳng định: “An ninh của vùng Thái Bình Dương là trách nhiệm chung của tất cả các quốc gia Thái Bình Dương, như trong một gia đình, và Úc là một thành phần của gia đình ấy”. Đồng thời Ngoại Trưởng Úc báo động về “những hậu quả chắc chắn sẽ phát sinh” từ những thỏa ước mà Bắc Kinh đang đề nghị với các đảo quốc, vì mới đây Úc và ba quốc gia khác là Hoa Kỳ, Nhật Bản và Tân Tây Lan đã cùng lên tiếng bày tỏ sự quan ngại về một thỏa ước an ninh mà Solomon Islands vừa ký kết với Bắc Kinh hồi tháng trước, nói rằng thỏa ước an ninh này “có thể đưa tới sự hiện diện quân sự của Trung Cộng ở ngay sát lãnh thổ Úc và giúp Trung Cộng chiếm một vị trí chiến lược quan trọng tại Thái Bình Dương”.

Đài Phát thanh Quốc tế Pháp (RFI) trích dẫn nhận định của một chuyên gia về bang giao quốc tế thuộc Viện Công Giáo Lille (Institut Catholique de Lille) là ông Bastien Vandendyck nói rằng “Trung Cộng đang có ảnh hưởng càng ngày càng lớn trong khu vực”, “không đạt được một hiệp ước chưa hẳn đồng nghĩa với thất bại”. Theo chuyên gia này, chiến lược của Bắc Kinh “được tiến hành dài hạn, từng bước, chậm mà chắc”, trước tiên là về mặt kinh tế, tìm cách biến các đảo quốc thành con nợ (như trường hợp Samoa, Tonga) hoặc nắm giữ quyền khai thác những tài nguyên quan trọng (như trường hợp Papua New Guinea, Solomon Islands), rồi sau khi đã làm chủ được về kinh tế, sẽ chuyển dần sang các hiệp ước khác trong lãnh vực an ninh, chính trị và quốc phòng.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, ABC, CBS, NBC, ABC News Australia ngày 2/6/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*