Dù Đã Đổi Chiến Thuật, Nga Vẫn Bị Sa Lầy Trong Cuộc Chiến Ukraine

Tính đến Thứ Ba 24 tháng 5, cuộc chiến tại Ukraine đã kéo dài đúng 3 tháng – kể từ khi Tổng Thống Vladimir Putin phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” vào ngày 24 tháng 2 để xâm lược nước láng giềng Ukraine – và hiện nay quân đội Nga vẫn đang tiếp tục bị sa lầy dù đã rời bỏ mặt trận miền bắc để dồn lực lượng qua tấn công vùng Donbas ở miền đông.

Theo nhận định của giới quan sát thời cuộc, Nga thất bại với chiến thuật đưa 100,000 quân sang Ukraine và mở cuộc tấn công ồ ạt, tưởng rằng chỉ vài ngày hay vài tuần sẽ lật đổ được Tổng Thống Volodymyr Zelensky để dựng lên một chính phủ bù nhìn ở thủ đô Kyiv. Nhưng sau 8 tuần lễ, vì vấp phải sự chống cự kiên cường của quân và dân Ukraine, cộng với sự giúp đỡ hữu hiệu về mọi mặt của các quốc gia Tây phương, quân đội Nga bị tổn thất nặng nề và đến giữa tháng 4 phải triệt thoái khỏi mặt trận miền bắc.

Chiến thuật chuyển quân qua miền đông nhằm phối hợp với lực lượng võ trang ly khai thân Nga cũng không giúp thay đổi tình thế, vì khối Tây phương đã kịp thời tiếp viện thêm hàng loạt vũ khí cho Ukraine để chống lại cuộc xâm lược, khiến quân đội Nga chẳng những bị hao hụt nghiêm trọng về quân số mà còn phải vất vả đối phó với các đợt phản công mãnh liệt của Ukraine. Phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ John Kirby trích dẫn nguồn tin tình báo cho biết quân đội Ukraine đang lần lượt tái chiếm nhiều cứ điểm mà Nga từng chiếm đóng ở vùng Donbas.

Hôm 24 tháng 5, Bộ Tổng Tham Mưu Ukraine (AFU) nói rằng khoảng 29,350 binh sĩ Nga đã tử trận trong ba tháng vừa qua, ngoài ra Nga còn bị thiệt hại 1,302 xe tăng, 3,194 chiến xa, 606 khẩu trọng pháo, 201 bệ phóng hỏa tiễn, 93 súng phòng không, 205 phi cơ, 170 trực thăng, 2,213 quân xa, 13 tàu chiến, 480 máy bay không người lái, 43 hệ thống trang bị đặc biệt và 112 hỏa tiễn tầm nhiệt.

MẶT TRẬN MIỀN ĐÔNG SẼ QUYẾT ĐỊNH CUỘC CHIẾN

Cho tới nay thành tích duy nhất của Nga vẫn chỉ là chiếm được thành phố cảng Mariupol phía đông nam (ở ven biển Azov), trong khi đó vùng Donbas có hai khu vực lớn thì Nga đã kiểm soát được khoảng 90% tỉnh Luhansk mà vẫn không chiếm nốt được phần còn lại, đồng thời cũng không thể tiến được vào các thành phố quan trọng của tỉnh Donetsk như Sloviansk và Kramatorsk.

Hồi tuần rồi quân đội Nga toan vượt sông Seversky Donets để chiếm điểm chiến lược ở Luhansk Oblast, nhưng bị đẩy lui vì quân đội Ukraine phá sập cây cầu, triệt hạ gần 500 binh sĩ Nga và tịch thu được hai chiến xa cùng một xe tăng T-72 còn nguyên vẹn.

Ngay chính các giới chức lãnh đạo của Nga – như Tổng Thư Ký Hội Đồng An Ninh Nikolai Patrushev và Bộ Trưởng Quốc Phòng Sergei Shoigu – cũng phải nhìn nhận rằng chiến dịch tấn công vùng Donbas diễn tiến chậm hơn dự liệu, và đành phải gỡ gạc bằng luận điệu “chúng ta không nhắm đến thời hạn chót nào cả”, hoặc “sở dĩ chúng ta không vội vã tiến quân là để cho các thường dân có thì giờ di tản”.

Nhưng thực tế cho thấy, vì quân số bị hao hụt quá nhiều nên chiến thuật tấn công của Nga hiện nay chỉ tập trung vào việc bao vây và pháo kích dữ dội vào thành phố Sievierodonetsk (ở đông ngạn sông Siverskiy Donets) và thành phố Lysychansk (ở tây ngạn), là hai cứ điểm cuối cùng mà chính phủ Ukraine còn kiểm soát trong tỉnh Luhansk.

Chính vì vậy, phát ngôn viên Oleksandr Motuzyanyk của Bộ Quốc Phòng Ukraine nói rằng tình hình chiến sự tại hai khu vực miền đông này “vô cùng gay go” “có thể sẽ quyết định cho số phận của cả đất nước”.

Ukraine cần tiếp tục được các quốc gia Tây phương viện trợ những vũ khí tối tân để có thể đương cự với đợt tấn công này, hầu giữ vững các cứ điểm chiến lược, và nếu thành công sẽ chuẩn bị phản công tại mặt trận phía đông nam. Theo chuyên gia Mykola Sunhurovskyi tại Trung Tâm Chiến Lược Razumkov ở thủ đô Kyiv thì nhu cầu vũ khí của Ukraine đặt trọng tâm vào hệ thống phóng hỏa tiễn di động HIMARS của Mỹ (High Mobility Artillery Rocket System) cũng như tăng cường hỏa tiễn chống chiến hạm và hỏa tiễn phòng không.

Trong khi đó về phía Nga, câu hỏi đặt ra là liệu chính phủ Putin có dám đi tới kế hoạch bổ sung quân số bằng cách động viên thêm binh sĩ hay không, bởi vì chắc chắn điều này sẽ gặp phản ứng bất lợi của dân chúng Nga và có thể gây ảnh hưởng tai hại về mặt chính trị. Dù vậy, tin tức cho biết các nhà lập pháp trong Quốc Hội Nga đã được chỉ thị soạn thảo dự luật nâng số tuổi động viên (hiện nay được giới hạn ở mức 40 tuổi). Một số nhân vật “diều hâu” ở Moscow thậm chí còn đi xa hơn khi đề nghị Tổng Thống Putin ban hành lệnh tổng động viên để có thêm lực lượng thanh toán chiến trường Ukraine.

Liên quan đến dư luận, bản tin Reuters ghi nhận kết quả cuộc thăm dò dư luận tại Ukraine hôm Thứ Ba 24 tháng 5 cho thấy có tới 82% dân chúng kiên quyết cho rằng Tổng Thống Volodymyr Zelensky không nên nhượng cho Nga bất cứ phần đất nào trên lãnh thổ Ukraine để đổi lấy một thỏa ước đình chiến.

Cuộc thăm dò nói trên được thực hiện giữa bối cảnh khoảng 6 triệu rưởi người dân Ukraine đã phải rời bỏ quê hương đi sang các nước láng giềng để tỵ nạn chiến tranh, hàng chục ngàn người (hoặc có thể hơn nữa) đã bỏ mình vì bom đạn và rất nhiều thành phố bị phá hủy tan tành vì các đợt oanh kích pháo kích triền miên trong ba tháng vừa qua.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, RFI, BBC, Al Jazeera ngày 26/5/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*