Các bê bối liên quan đến tình dục đang thực sự khiến Vatican rơi vào khủng hoảng (Ảnh: Franco Origlia/Getty Images)
Đằng sau bức màn niềm tin, người ta đang che giấu những gì?
Ngày Chủ nhật 24/2/2019 vừa rồi, Giáo hoàng Francis đã khép lại “Hội nghị thượng đỉnh” kéo dài bốn ngày của Giáo hội Công giáo La Mã tại Vatican bằng tuyên bố lên án các hành vi lạm dụng tình dục trong giáo hội.
Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, gần 200 nhân vật đứng đầu các chi nhánh Công giáo trên thế giới tập hợp lại cho một chủ đề duy nhất: nạn lạm dụng tình dục, đặc biệt là xâm hại trẻ em, diễn ra suốt một thời gian dài trong các giáo hội. Họ đã ở đó nghe các nạn nhân tường thuật lại những trải nghiệm kinh khủng của mình. Trong suốt nhiều thập niên, những nạn nhân này hoặc chưa bao giờ được cất tiếng nói, hoặc tiếng kêu cứu của họ không được bất kỳ ai trong giáo hội lắng nghe.
Cuộc gặp lần này được xem là “Hội nghị Diên Hồng” của giáo hội Công giáo để cứu lấy niềm tin đang rạn vỡ sau hàng loạt scandal bị phơi bày trên khắp thế giới, từ Mỹ, Canada, Úc, Ireland, Đức, Áo đến Chile, Ấn Độ, Philippines… Hàng chục ngàn Giáo sĩ, Linh mục, Giám mục và cả Hồng y khắp nơi bị buộc tội, nhận tội, hoặc kết tội xâm hại tình dục các nạn nhân trong một thời gian dài, và bao che một cách có hệ thống cho các hành vi tội ác này.
Dù lên án các hành vi nói trên, nhưng thông điệp kết thúc hội nghị của Giáo hoàng Francis vẫn bị nhiều nạn nhân chỉ trích là mơ hồ, vẫn có tính bao biện cho nhà thờ và thiếu hành động thực tế. Họ chờ đợi các hành động cụ thể, “không dung thứ” (zero-tolerance) cho bất kỳ kẻ nào phạm những tội ác này.
“Không dung thứ” là một từ đã được Giáo hoàng và các chức sắc sử dụng trước đây khi đề cập đến trách nhiệm và phản ứng của giáo hội. Nhưng có vẻ cách hiểu của họ khác với cách hiểu của các nạn nhân.
Kể từ khi loạt phóng sự điều tra động trời của tờ Boston Globe được tung ra vào năm 2002, lần lượt các vụ việc khác bị phanh phui trên khắp nước Mỹ, và trên toàn thế giới. (Câu chuyện điều tra của các phóng viên dũng cảm này đã nhận được giải thưởng Pulitzer vào năm 2003, và được chuyển thể thành bộ phim Spotlight, theo tên của nhóm điều tra. Bộ phim sau đó đoạt giải Oscar cho Phim xuất sắc nhất vào năm 2015).
Ngoài việc sốc và giận dữ vì các hành vi lạm dụng tình dục, trong đó đa phần nạn nhân là trẻ em, diễn ra “đầy rẫy” (endemic) như chính sự thừa nhận trong báo cáo của nhà thờ, người ta còn phẫn nộ gấp bội trước các hành vi che giấu một cách “có hệ thống” (systematic) của những bậc đạo nhân.
Những kẻ lạm dụng tình dục, phạm tội ấu dâm thay vì bị đuổi cổ khỏi nhà thờ lại được che chở, điều chuyển qua những chỗ khác, nơi không ai biết đến thành tích bất hảo của mình, để rồi lại có cơ hội tiếp cận với các “con mồi” mới, và tiếp tục phạm tội. Một linh mục nhận tội lạm dụng ở Los Angeles được chuyển qua Philippines. Một linh mục ở Canada bị kết án vì xâm hại tình dục được chuyển qua Pháp, nơi không lâu sau đó ông ta lại tiếp tục phạm tội và bị kết án. Một linh mục khác dù bị biết rõ là mắc chứng loạn dâm nhưng vẫn được điều chuyển qua lại giữa Anh và Ireland.
Loạt phóng sự điều tra của Boston Globe không phải là lần đầu tiên các cáo buộc về lạm dụng tình dục của giáo hội xuất hiện công khai. Từ những năm 1980, truyền thông Mỹ đã bắt đầu chú ý đến những vụ việc đơn lẻ, nhưng hầu hết đều được giới chức sắc nhà thờ ém nhẹm, thỏa thuận bồi thường với các nạn nhân. Tính đến năm 2005, các nhà thờ Công giáo La Mã ở Mỹ đã phải chi trả hơn 1 tỉ USD tiền bồi thường cho các nạn nhân bị lạm dụng. Con số đó vẫn chưa bao gồm vài trăm vụ kiện chưa được giải quyết vào thời điểm trên.
Khi các cuộc điều tra ở Mỹ được mở rộng, nhiều người còn tự an ủi rằng “chuyện đó chỉ diễn ra ở nước Mỹ”. Đến khi Úc, Canada, Ireland, Đức, Chile, và cả những nước xưa nay yên ắng như Philippines cũng đồng loạt thừa nhận các hành vi tội ác, người ta không còn nghi ngờ gì về vấn đề nghiêm trọng trong các tổ chức giáo hội.
Nhưng đây không phải là chuyện riêng của nhà thờ Công giáo. Những người nhanh tay chỉ trích đạo đức hành xử của Công giáo hẳn sẽ phải suy nghĩ lại khi biết các nhà tu hành đạo Phật cũng không đứng ngoài cuộc chơi. Thích Học Thành (Shi Xuecheng), Hội trưởng Hội Phật giáo Trung Quốc đã phải từ chức vào tháng 8/2018 khi các cáo buộc ông lạm dụng tình dục nữ tu sĩ được công khai.
Shambhala International, một tổ chức chuyên truyền bá Phật giáo Tây Tạng với hơn 200 trung tâm tu thiền trên khắp thế giới, đã phải thừa nhận công khai các hành vi lạm dụng tình dục tồn tại trong tổ chức của mình cùng cam kết chấn chỉnh nghiêm khắc. Sogyal Rinpoche, một trong những vị Lạt Ma (Đạo sư) nổi tiếng nhất của Tây Tạng, tác giả viết sách với hơn ba triệu bản in (đã được xuất bản ở Việt Nam) bị tố cáo là một kẻ lạm dụng tình dục, bạo hành, những hành vi mà ngay cả vị Đạt Lai Lạt Ma nổi tiếng cũng thừa nhận là “đã biết từ lâu, không có gì mới”.
Không khó để tìm những ví dụ tương tự của đạo Hồi, đạo Do Thái, bất kỳ đạo gì, kể cả những nơi tưởng chừng vô hại như trung tâm huấn luyện Yoga.
Một đặc điểm chung dễ nhận ra của tất cả các tổ chức trên là mọi thứ ở đó đều được quản lý dựa trên niềm tin.
Những người tham gia đều được yêu cầu phải tin tưởng những gì được dạy, tin tưởng vào người dạy mình, tin tưởng vào cấp trên của mình. Sự tin tưởng này dẫn đến hành vi tuân phục. Làm trái với lời dạy, không theo ý người đứng đầu, sẽ bị xem là bất tuân, bất kính. Không muốn trở thành “con cừu đen” bất kính, người tham gia bắt buộc phải ngoan ngoãn nghe lời. Khi bị lạm dụng, tấn công, các nạn nhân dễ dàng bị chính những kẻ xâm hại mình dẫn dắt, áp đặt, lừa phỉnh trong một thời gian dài. Ngay cả khi bản năng mách bảo mình đang bị hại, họ lên tiếng với những người khác trong tổ chức, những người không may cũng chia sẻ thứ văn hóa tin tưởng và tuân phục đó, lời tố cáo rất thường xuyên bị gạt đi, hoặc bị xem như chuyện vặt vãnh. Đến những “bậc đại đức” đứng đầu các tổ chức cũng không tránh khỏi lối hành xử xem thường nạn nhân này.
Đạt Lai Lạt Ma biết đến những hành vi lạm dụng của đồng nghiệp mình từ hàng chục năm trước nhưng không hề lên tiếng công khai. Giáo hoàng Francis khi hay tin các nạn nhân bị xâm hại ở Chile tố cáo các giáo sĩ địa phương và cả Hồng y về tội che giấu, đã thẳng thừng phản bác gọi họ là “những kẻ vu khống” (slanders), để rồi sau đó vài tháng phải muối mặt xin lỗi về “sai lầm tệ hại” của mình.
Mô tuýp này cũng xuất hiện trong những trường hợp nạn nhân bị lạm dụng xâm hại trong gia đình, trường học, khi rất nhiều tội ác đều diễn ra trong một thời gian dài. Sự tin tưởng mù quáng vào những người thân, người thầy; quyền uy không bị chất vấn của những người đứng đầu; văn hóa tuân phục “nghe lời sẽ được khen thưởng, trái ý là bị trừng phạt”; tất cả tạo nên một môi trường lý tưởng để những con virus tội phạm mặc sức tung hoành.
Cần phải nói rõ, niềm tin, cho dù mù quáng, không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến các hành vi tội ác. Theo các thống kê khác nhau, chỉ có dưới 10% các giáo sĩ Công giáo là có vấn đề (bị tố cáo, nhận tội, kết tội). Có nghĩa đa số vẫn là những người tốt (ít nhất theo các số liệu được công bố cho tới thời điểm hiện tại). Niềm tin (mù quáng) chỉ là chất kích thích, khi gặp tội ác, nó sẽ trở thành kẻ đồng phạm lý tưởng.
Quản lý một tổ chức và những con người trong đó bằng niềm tin, bằng sự ngoan ngoãn nghe lời, bằng yêu cầu tuân phục, giống như tham gia một trò chơi may rủi. Nếu may thì “trúng” được người tốt. Nếu rủi gần như cầm chắc tai họa. Vấn đề là, ai sẽ chịu phần rủi đó? Và quan trọng hơn, hà cớ gì lại có người phải chịu đựng thứ rủi ro vô lý đó, nhất là khi đó lại là những đứa trẻ vô tội?
Người ta luôn luôn có lựa chọn khác, đó là minh bạch hoàn toàn. Mỗi khi có tố cáo nào xuất hiện, công khai xử lý, trao cho người tố cáo lẫn người bị tố cáo cơ hội công bằng để bảo vệ mình, phối hợp kịp thời với cơ quan điều tra để truy tận gốc rễ. Làm như vậy, sẽ không ai phải chịu thứ rủi ro áp bức nào.
Nhưng công khai, minh bạch có vẻ là yêu cầu quá khó với nhiều người, đặc biệt là các vị lãnh đạo.
Đến hiện tại, vẫn còn rất nhiều giới chức sắc tôn giáo địa phương giấu nhẹm danh sách những “người nhà mình” bị tố cáo. Ngay cả yêu cầu của Giáo hoàng là phải ghi nhận tất cả những đơn thư tố cáo gửi về Vatican, thì cũng bị một bộ phận quan chức cấp cao chống đối.
Yêu cầu phải “tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo sáng suốt”, trù dập những người tố cáo, phủ nhận các hành vi sai trái, mua chuộc sự im lặng, hay thậm chí tiêu hủy các chứng cứ văn bản có liên quan, tất cả những điều này không hề gói gọn trong các tổ chức tôn giáo, và không hề xa lạ với những người có theo dõi tình hình của Việt Nam.
Đó là đặc trưng của mọi tổ chức, thể chế mà ở đó Sự thật không được gắn liền với Minh bạch.
Ở đó người ta luôn cố sống cố chết ép gả Sự thật cho một thứ Niềm tin thiêng liêng nào đó.
Và bằng cách ấy, họ từ từ siết cổ Sự thật.
Y Chan
Theo Tạp chí Luật khoa ngày 26/2/2019
Nguồn: https://www.luatkhoa.org/2019/02/khi-su-that-bi-ep-ga-cho-niem-tin/
Be the first to comment