Thu Phạm Và Câu Chuyện Càphê Roasters – Cà Phê Việt Duy Nhất Ở Philadephia

Đối với Thu Phạm, cô gái sinh năm 1993 – hạnh phúc chỉ tồn tại khi nó gắn liền với thành tựu chung của một tập thể và vinh danh bản sắc nguồn cội của mình. Điều này thể hiện rất rõ trong sự ra đời của cơ sở rang Càphê Roasters năm 2018 và nhà hàng Càphê Roasters năm 2021.

Khi tôi vừa đến góc đường J Street, Thu đã ra tận cửa đứng chờ. Nhìn thấy cô từ xa, suy nghĩ thoáng qua rất nhanh trong tôi là “đây phải cô gái có rất nhiều nội lực.” Trông Thu quá bé nhỏ so với không gian của Càphê Roasters – nhà hàng cà phê Việt Nam đầu tiên và duy nhất ở Phildadelphia. Thế nhưng, trái ngược với dáng vẻ gầy gò, nhỏ bé là những bước chân thoăn thoắt, năng động. Làn da ngăm đen của cô gái tôn thêm vẻ linh hoạt trên gương mặt ngời sáng đầy thiện cảm.

Lúc đó khoảng 10 giờ sáng. Càphê Roasters đã kín chỗ. Bất cứ vị trí bàn nào cũng có thể nhìn thấy một căn phòng đặc biệt bằng kính, nơi dùng để rang cà phê.

Thu dẫn tôi vào căn phòng đó. Đến nay, chỉ có cô là “nhân công” chính trong khu vực này. Hôm đó, không phải ngày rang cà phê, nhưng Thu đã cho tôi được mục kích sở thị những công đoạn chuyên nghiệp trước khi Càphê Roasters đóng gói thành phẩm. Thu kéo bịch cà phê hơn 30 lbs, đổ hạt cà phê nguyên chất “green bean” ra từng thùng, trèo luôn lên cầu thang, cho vào chiếc máy rang thương mại (commercial machine), rồi thuần thục chỉnh, cân đo nhiệt độ để có được màu cà phê rang như ý.

Trong lúc chờ máy ấm lên, Thu bắt đầu câu chuyện của thương hiệu Càphê Roasters bằng nguồn gốc Á châu của mình.

Đi tìm hạnh phúc đích thực

Trên chuyến bay từ Việt Nam sang Mỹ định cư năm 1992, mẹ của Thu gặp phải cơn đau bụng dữ dội. Khi đó, bà đang mang thai Thu ở những tháng cuối. May mắn, máy bay quá cảnh ở Philippines. Thế là bà phải ở lại đó cho đến ngày Thu ra đời.

“Em lớn lên ở Olney, thành phố duy nhất sát với Phildelphia có người Việt nhập cư. Nhà thờ cách nhà em chỉ một ngã tư đường nên em chứng kiến rất nhiều người đi lễ. Cả tuổi thơ em là thế giới của khu dân cư đa dạng. Em học trường đạo và sau đó học Tâm Lý học và Marketing của Drexel University,” khoảng thời gian 20 năm được Thu tóm gọn như thế.

Thu đã mất một năm để định hình ước mơ, hoài bão của mình. Sau một năm làm việc cho công ty xây dựng của một cựu quân nhân, cô nhận ra: “làm việc một mình không thích hợp với em. Đó không phải là nơi em tìm thấy hạnh phúc.”

Trong một năm đó, cô cố gắng tìm ra mục đích cuộc sống. Cho đến ngày nọ, Thu biết về 12PLUS, một tổ chức giáo dục phi lợi nhuận của cộng đồng địa phương, tư vấn và hướng nghiệp cho học sinh sau lớp 12. Cô nói về 12PLUS như nói về chính lý tưởng của mình:

“Trách nhiệm của em là hiểu họ muốn chọn những trường học nào hoặc việc làm gì, hướng dẫn họ vay tiền học từ chính phủ. Hệ thống trường công lập ở Philadelphia thiếu kinh phí trầm trọng. Học sinh không được tiếp cận với các nguồn tài liệu cần thiết. Em muốn dành thời gian và hỗ trợ các em bằng mọi cách có thể.”

Thu đến với 12PLUS như một cách nhìn lại những năm tháng loay hoay với cánh cửa cuộc đời. Cô muốn cống hiến, dành thời gian của mình để hỗ trợ các bạn trẻ bằng tất cả khả năng. Để từ đó, Thu giúp họ cách tìm ra chiếc chìa khoá phù hợp nhất để họ mở cánh cửa của chính mình.

“Nhìn thấy đôi mắt của các em ấy rực sáng lên sau khi nghe những lời giải thích, định hướng kế hoạch ngành học, nghề nghiệp tương lại, thực sự em thấy rất thú vị.” Đến đây, thì tôi hiểu “hạnh phúc” mà cô gái muốn nói đến là gì.

Thu gắn bó với 12PLPUS ba năm với vai trò là cố vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh của Kensington Health Sciences Academy. Cho đến một buổi tối của năm 2018, khi đang cùng bạn chơi bowling, cô và cộng sự, anh Raymond John – CEO của 12PLUS, nhìn thấy tờ quảng cáo về cuộc thi Kensington Avenue Storefront Challenge do Shift Capital tổ chức. Cuộc thi tìm kiếm thành viên trong cộng đồng, doanh nghiệp nhỏ, nhà thiết kế, doanh nhân, hoặc bất kỳ ai có thiện chí tái cấu trúc, phát triển cộng đồng Kensington.

“Kensington từng là một thành phố chịu nhiều kỳ thị chủng tộc. Một thời gian dài Kensington là nơi của thuốc phiện, ma tuý, người vô gia cư. Rất nhiều phim tài liệu nói về nạn thuốc phiện ở Kensington. Nhưng có một vấn đề không được nhắc đến, đó là những người dân trong cộng đồng và các cơ sở thương mại ở Kensington đã phải chịu ảnh hưởng của vấn nạn đó như thế nào. Họ phải ngừng kinh doanh. Thành phố không đủ thực phẩm. Những ngôi trường 12PLUS đang làm việc chung đều ở Kensington nên tôi muốn làm điều gì đó cho cộng đồng ở đây, đặc biệt là cộng đồng Việt,” Thu nói.

Thế là, Thu và Raymond quyết định tham dự cuộc thi. Họ giành chiến thắng với kế hoạch Càphê Roasters. Giải thưởng của Shift Capital là miễn phí tiền thuê mặt bằng một năm cùng với hỗ trợ chi phí xây dựng hậu cần. Cơ sở rang, phân phối cà phê Việt đầu tiên và duy nhất ở Philadelphia ra đời từ đó.

Rang cà phê từ… máy làm popcorn $20

Ba năm trước, Thu chỉ tập trung vào công việc rang và phân phối cà phê thay vì mở một nhà hàng cà phê. Cô tìm hiểu, nhờ gia đình ở Việt Nam liên lạc với những nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng. “Em dự tính chỉ dùng hạt cà phê ở Việt Nam. Nhưng sau đó nhận ra còn có nhiều loại hạt cà phê ở các nước Đông Nam Á khác cũng rất ngon,” Thu nói.

Thời gian đầu, sản phẩm của Càphê Roasters không phải làm từ chiếc máy chuyên dụng bên cạnh chúng tôi lúc đó. Thu cười kể lại những ngày đầu tiên: “Chúng em cần một máy rang thương mại chuyên dụng để làm số lượng nhiều. Trong lúc tìm hiểu sản phẩm nào phù hợp, vì không muốn tiến độ bị gián đoạn, em mua những máy làm bắp rang hiệu Whirley Pop với giá $20 một cái. Rang cà phê không khác lắm với làm bắp rang.”

Thu Phạm bên máy rang cà phê chuyên dụng

Càphê Roasters được nhóm của Thu mang đi giới thiệu khắp các khu phố của Kensington và các thành phố lân cận. Họ pha cà phê trực tiếp từ phin để bán cho khách. Họ làm đủ loại, từ cà phê truyền thống như cà phê đen đá, cà phê sữa đá cho đến cà phê “lai” như cà phê bơ (avocado).

Thu là con út trong một gia đình có năm anh chị em. Người chị cả, hơn cô 16 tuổi, có trách nhiệm chăm sóc các em. “Ngày xưa, chị hai hay để em ngồi lên bàn rồi chị pha cà phê. Xong, chị hay cho em thử một muỗng nhỏ. Em biết về văn hoá pha cà phê phin Việt Nam là từ lúc đó,” cô gái nhỏ nhắc lại “kinh nghiệm” uống cà phê của mình.

Định hình bản sắc nguồn cội

Trong thời gian ở đại học, cô bị thu hút bởi quá trình pha cà phê phin. Thu tìm hiểu nhiều cách pha khác nhau. Nhưng chỉ thật sự dành nhiều thời gian tìm hiểu về một văn hoá phía sau nó sau khi cô tốt nghiệp đại học. Thu nói, đó cũng là lúc cô nghĩ nhiều đến việc biết thêm về nguồn gốc, bản sắc Việt Nam của mình.

Càphê Roasters ra đời càng thôi thúc cô gái thế hệ 9X thực hiện điều đó. Cô lao vào tra cứu, tìm hiểu hình ảnh, cách ngồi uống cà phê của người Việt trong nước. Cô gọi “facetime” với người nhà ở Việt Nam để được nhìn cảnh người ta uống cà phê ngoài đường phố như thế nào.

Hình ảnh đại diện của Càphê Roasters là chiếc ghế đẩu được Thu nghĩ ra từ đây. Và cô quyết định dùng câu nói quen thuộc “Đi uống cà phê” làm khẩu hiệu phía sau bao bì của sản phẩm, được in hoàn toàn bằng tiếng Việt.

Thu nhận xét: “Người Việt Nam uống cà phê hầu như cả ngày. Năm giờ sáng cũng có người uống. Đến năm, sáu giờ chiều họ vẫn uống. Nó đã thấm sâu vào văn hoá Việt Nam.”

Đồng hồ trên máy rang cà phê báo thời gian đã đủ. Thu nhanh nhẹn điều khiển các bộ phận thử màu, mùi vị, kiểm tra nhiệt độ, rồi mới cho cà phê đã rang xong ra khỏi máy. Mùi cà phê thơm lừng, béo ngậy cả căn phòng.

Thu kiểm tra hương vị cà phê.

Cứ thế, cho đến Tháng Mười 2021, Càphê Roasters được phát triển rộng thêm, trở thành nhà hàng Càphê Roasters.

Thiết kế nội thất của Càphê Roasters như một studio với tường gạch sơn trắng, trần thô. Không gian mở tạo ra cảm giác thân thiện và gần gũi cho người bước vào. Bộ ghế sofa đủ màu đặt ở hướng ra vào, gợi cảm giác như một phòng khách ấm cúng của gia đình. Trên mảng tường trắng gồ ghề sáng tạo, thay cho tranh phong cảnh, tĩnh vật thường thấy, là những tấm ảnh gia đình có giá trị thời gian. Những người trong ảnh đều là nhân viên của Càphê Roasters và người thân yêu của họ. Đó là bà ngoại, là anh chị em, là bạn thân, là người mẹ đứng cạnh cửa hàng tạp hoá ở Sài Gòn. Mỗi tấm ảnh là một khoảnh khắc đáng nhớ trong cuộc đời của mỗi người.

Tôi hiểu mình đang đứng trước một câu chuyện hay, đậm bản sắc gia đình, nguồn cội.

Thu đưa tôi dạo một vòng khu vực pha chế và bếp. Như đã dự đoán, tất cả nhân viên ở đây đều là các bạn trẻ tuổi ngoài đôi mươi. Trong đó, có những bạn vừa từ Việt Nam mới sang, có những bạn như Thu Phạm – là thế hệ thứ nhất ở Mỹ. Họ có cùng một điểm chung, đó là thích nói tiếng Việt với người Việt. Những câu chào với cách gọi ngô nghê, dễ thương làm cho người đối diện cảm nhận sự ấm áp ở các bạn trẻ.

Cậu bếp trưởng – Jacob Trịnh, phấn khởi khoe một món ăn mới vừa có mặt trong thực đơn của Càphê Roasters: Món bánh khọt. Jacob nói cậu học được món này từ bà ngoại, và dĩ nhiên, khách hàng đầu tiên nếm thử bánh khọt của Jacob chính là bà ngoại. “Bà của con khen ngon, good rồi” – Jacob nói bằng tiếng Việt ngọng ngịu.

Jacob Trinh và món bánh xèo do bà ngoại hướng dẫn. (Ảnh: Kalynh)

Jacob Trịnh là người được Thu mời về phụ với cô trong thời gian chuẩn bị ra đời nhà hàng Càphê Roasters. Thực đơn hoàn toàn là ý tưởng của anh. Khách đến đây sẽ để ý, vài món ăn ở nơi này chất chứa một tình cảm rất chân tình. Đó là món “Cháo Bà Ngoại – Ba Ngoai’s Poridge” của Jacob. Thử hỏi có người khách Việt Nam nào khi bước vào, nhìn thực đơn mà không muốn một lần thử món Cháo Bà Ngoại? Chỉ cần gọi tên món ăn, cũng cảm thấy lòng ấm áp.

Bánh mì thì trong nhiều loại, có “Bánh Mì Đặc Biệt Của Khang – Khang’s Special Banh Mi.” Thu tự hào giới thiệu Khang là người “giỏi” tiếng Việt nhất ở Càphê Roasters, được giao trách nhiệm dạy tiếng Việt cho mọi người.

Khang là người “giỏi” tiếng Việt nhất ở Càphê Roasters, được giao trách nhiệm dạy tiếng Việt cho mọi người.

Nhìn nụ cười hồn nhiên của các bạn trẻ ở Càphê Roasters – cà phê Việt duy nhất ở thành phố Philadelphia, tôi tin rằng Thu Phạm thật sự tìm được hạnh phúc và mục đích cuộc sống của mình. Quan niệm “Hạnh phúc là cho đi” và lý tưởng của 12PLUS vẫn được cô giữ lại trên trang web Càphê Roasters của mình.

Gần ba giờ chiều, vẫn còn rất nhiều khách bước vào nhà hàng Càphê Roasters ở góc đường J Street, Philadelphia.

Kalynh Ngô
Theo SGN News ngày 17 tháng 5, 2022

Đây là loạt bài viết của Saigon Nhỏ nhằm vinh danh Tháng Di Sản Người Mỹ gốc Á.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*