Bầu Cử Sơ Bộ Bắt Đầu Sôi Nổi Khắp Nước Mỹ – Tối Cao Pháp Viện Sẽ Đảo Ngược Án Lệ Về Phá Thai?

BẦU CỬ SƠ BỘ BẮT ĐẦU SÔI NỔI KHẮP NƯỚC MỸ

Còn tới nửa năm nữa, ngày Thứ Ba 8 tháng 11 mới là dịp cử tri toàn quốc Hoa Kỳ dùng lá phiếu để lựa chọn 469 nhà lập pháp của Quốc Hội liên bang (gồm 435 Dân Biểu, 34 Thượng Nghị Sĩ), cùng với 39 Thống Đốc của 36 tiểu bang, 3 vùng lãnh thổ – và hàng trăm chức vụ khác trong guồng máy lập pháp và hành pháp tại địa phương. Thế nhưng ngay từ bây giờ không khí chính trị ở hầu hết mọi tiểu bang đã bắt đầu sôi nổi, bởi vì vòng bầu cử sơ bộ vừa khởi sự, và đây là lúc các ứng cử viên phải tranh nhau thu hút sự tín nhiệm của cử tri với hy vọng trở thành đại diện đảng Dân Chủ hoặc đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử giữa kỳ (mid-term elections) năm 2022.

Theo các hãng thông tấn và cơ quan truyền thông thì tháng 5, tháng 6 và tháng 8 là những thời điểm quan trọng nhất:

– Trong tháng 5 sẽ có 13 tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ, gồm Indiana, Ohio, Nebraska, West Virginia, Idaho, Kentucky, North Carolina, Oregon, Pennsylvania, Alabama, Arkansas, Georgia, Texas.

– Trong tháng 6 sẽ có 17 tiểu bang tổ chức bầu cử sơ bộ, gồm California, Iowa, Mississippi, Montana, New Jersey, New Mexico, South Dakota, North Dakota, Maine, Nevada, South Carolina, Virginia, Colorado, Illinois, New York, Oklahoma, Utah – chưa kể các cuộc bầu cử vòng hai (run-off) nếu không có ai hội đủ túc số quá bán, và bầu cử sơ bộ để chọn Dân Biểu đại diện thủ đô Washington D.C. (tuy không được quyền biểu quyết).

– Riêng tháng 7 sẽ chỉ có một cuộc bầu cử sơ bộ ở tiểu bang Maryland.

– Trong tháng 8 sẽ có 14 tiểu bang tổ chức sơ bộ, gồm Arizona, Kansas, Michigan, Missouri, Washington, Tennessee, Connecticut, Minnesota, Vermont, Wisconsin, Hawaii, Alaska, Wyoming, Florida – chưa kể các cuộc bầu cử vòng hai (run-off).

– Trong tháng 9 sẽ có 4 tiểu bang tổ chức sơ bộ, gồm Massachusetts, Delaware, New Hamshire, Rhode Island.

– Riêng với tiểu bang Louisiana thì Thứ Ba 8 tháng 11 là ngày bầu cử giữa kỳ trên toàn quốc và cũng là ngày bầu cử sơ bộ. Lý do: Louisiana chọn hình thức “jungle primaries”, có nghĩa là tất cả các ứng cử viên đều có tên trên lá phiếu của cử tri, sau đó hai người đạt được số phiếu cao nhất và hội đủ túc số quá bán sẽ đắc cử để trở thành Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, nếu không đủ túc số thì sẽ bầu vòng hai vào ngày 10 tháng 12.

– Cũng cần phải nói thêm, tiểu bang Texas đã tổ chức bầu cử sơ bộ từ ngày 1 tháng 3, nhưng vì có những ứng cử viên Dân Biểu và Chánh Biện Lý không hội đủ túc số quá bán nên sẽ phải bầu sơ bộ vòng hai vào ngày 24 tháng 5. Hai người đã hội đủ túc số là Thống Đốc đương nhiệm Greg Abbott (ứng cử viên đảng Cộng Hòa) và ông Beto O’Rourke (ứng cử viên Thống Đốc của đảng Dân Chủ).

MỘT SỐ DỮ KIỆN ĐÁNG CHÚ Ý

Cuộc bầu cử giữa kỳ 2022 mang tầm mức quan trọng đặc biệt vì có thể làm thay đổi cục diện chính trị nước Mỹ sau khi kết quả kiểm phiếu cho thấy đảng nào sẽ nắm đa số tại Quốc Hội liên bang.

Hiện nay đảng Dân Chủ vừa làm chủ Tòa Bạch Ốc vừa kiểm soát lưỡng viện Quốc Hội nhờ hai cuộc bầu cử 2018, 2020, nhưng với thế đa số rất mong manh: 221/209 tại Hạ Viện (5 ghế bỏ trống chưa điền khuyết) và 50/50 tại Thượng Viện (bao gồm hai Thượng Nghị Sĩ độc lập nhưng thường biểu quyết theo đảng Dân Chủ là Bernie Sanders và Angus King).

Thế đa số này sẽ bị thử thách nghiêm trọng vào tháng 11 tới đây. Thứ nhất là vì hầu hết các cuộc bầu cử giữa kỳ từ nhiều thập niên qua đều mang đến thất bại cho đảng của vị Tổng Thống đương nhiệm, thứ hai là vì năm nay tại Hạ Viện có tới 31 Dân Biểu đảng Dân Chủ đã quyết định không tái tranh cử (22 người rời khỏi chính trường, 9 người tranh cử các chức vụ khác như Thượng Nghị Sĩ, Thống Đốc…), cộng thêm yếu tố bất lợi về mặt dư luận do ảnh hưởng lạm phát làm vật giá leo thang khiến dân chúng bất mãn và tỷ lệ ủng hộ Tổng Thống Joe Biden xuống rất thấp.

Giữa bối cảnh đảng Cộng Hòa có nhiều ưu thế tại cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới, vòng bầu cử sơ bộ hiện đang diễn ra vô cùng sôi nổi với hàng loạt sinh hoạt dồn dập như vận động cử tri, gây quỹ, tranh luận giữa các ứng cử viên… Một vài dữ kiện đáng chú ý được ghi nhận như sau:

Trước hết là hôm Thứ Ba 3 tháng 5, cử tri tại hai tiểu bang Ohio và Indiana đã đến phòng phiếu để lựa chọn những nhân vật đại diện hai đảng lớn ra tranh cử Dân Biểu, Thượng Nghị Sĩ, Thống Đốc…

Buổi tối cùng ngày, dựa theo kết quả kiểm phiếu sơ khởi, hãng thông tấn AP dự đoán: Bình luận gia J.D. Vance (tác giả cuốn hồi ký “Hillbilly Elegy”) sẽ trở thành ứng cử viên đại diện đảng Cộng Hòa để tranh ghế tại Thượng Viện, thay thế Thượng Nghị Sĩ Rob Portman, vì hồi tháng 1 ông Portman đã tuyên bố không tái ứng cử sau hai nhiệm kỳ.

Ông J.D. Vance thắng phiếu các đối thủ gồm Josh Mandel (cựu bộ trưởng tài chánh tiểu bang), Mike Gibbons (doanh gia ngân hàng), Jane Timken (cựu chủ tịch đảng Cộng Hòa Ohio), Matt Dolan (cựu Nghị Sĩ tiểu bang) và hai doanh gia Mark Pukita, Neil Patel. Tin tức cho biết ông Vance nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng Thống Donald Trump vào ngày 15 tháng 4.

Đối thủ của ông Vance sẽ là Dân Biểu Tim Ryan, ứng cử viên đại diện đảng Dân Chủ, sau khi ông Ryan thắng phiếu hai đối thủ là luật sư Morgan Harper và chuyên viên kỹ thuật Traci Johnson. Ông Tim Ryan, một cựu luật sư, đã đắc cử liên tiếp 10 nhiệm kỳ Dân Biểu kể từ năm 2003. Theo đài NPR nhận xét, mặc dù thắng vòng sơ bộ dễ dàng và được Thượng Nghị Sĩ Sherrod Brown tích cực ủng hộ nhưng ông Ryan sẽ phải vận động rất mạnh mẽ nếu muốn chiếm ghế Thượng Nghị Sĩ tại Ohio, là tiểu bang mà những năm gần đây có khuynh hướng càng lúc càng nghiêng về đảng Cộng Hòa.

Cũng dựa theo kết quả kiểm phiếu sơ khởi, các cơ quan truyền thông loan báo đương kim Thống Đốc Mike DeWine thắng phiếu các đối thủ Joe Blystone, Jim Renacci, Ron Hood tại vòng sơ bộ để tái tranh cử vào tháng 11 tới đây với tư cách đại diện đảng Cộng Hòa.

Ứng cử viên đối đầu Thống Đốc DeWine có thể sẽ là bà Nan Whaley, cựu Thị Trưởng thành phố Dayton, hiện đang dẫn trước cựu Thị Trưởng thành phố Cincinnati là ông John Cranley. Nếu về nhất trong cuộc chạy đua gay go này của vòng sơ bộ và nếu tiếp tục chiến thắng vào tháng 11 thì bà Whaley sẽ làm nên lịch sử vì là người phụ nữ đầu tiên được bầu làm Thống Đốc tiểu bang Ohio.

Trong khi đó tại tiểu bang Indiana, kết quả kiểm phiếu sơ khởi của cuộc bầu cử sơ bộ ngày 3 tháng 4 cho thấy đương kim Thượng Nghị Sĩ Todd Young thắng phiếu và sẽ tái tranh cử vào tháng 11 tới đây với tư cách đại diện đảng Cộng Hòa. Ứng cử viên đối đầu ông Young sẽ là ông Thomas McDermott, Thị Trưởng thành phố Hammond, đại diện đảng Dân Chủ.

Một số kết quả sơ khởi khác cho thấy: Hai ứng cử viên Dân Biểu tại Địa Hạt 9 sẽ là ông Matthew Fyfe (đại diện đảng Dân Chủ) và bà Erin Houchin (đại diện đảng Cộng Hòa), hai ứng cử viên Dân Biểu tại Địa Hạt 6 sẽ là bà Cynthia Wirth (đại diện đảng Dân Chủ) và ông Greg Pence (đại diện đảng Cộng Hòa, bào huynh của cựu Phó Tổng Thống Mike Pence), ứng cử viên Dân Biểu tại Địa Hạt 55 sẽ là bà Lindsay Patterson (đại diện đảng Cộng Hòa), ứng cử viên Dân Biểu tại Địa Hạt 1 sẽ là bà Jennifer-Ruth Green (đại diện đảng Cộng Hòa)…

Trong những tuần lễ sắp tới, chắc chắn sự chú ý của giới quan sát thời cuộc sẽ tập trung vào những sự kiện sau đây:

– Bầu cử sơ bộ tại tiểu bang North Carolina (ngày 17 tháng 5) để chọn đại diện hai đảng tranh ghế tại Thượng Viện, thay thế Thượng Nghị Sĩ Richard Burr (nghỉ hưu).

– Bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Pennsylvania (ngày 17 tháng 5) để chọn đại diện hai đảng tranh ghế tại Thượng Viện, thay thế Thượng Nghị Sĩ Pat Toomey (nghỉ hưu).

– Bầu cử sơ bộ tại tiểu bang Georgia (ngày 24 tháng 5) để chọn đại diện hai đảng tranh ghế tại Thượng Viện. Thượng Nghị Sĩ Raphael Warnock (đảng Dân Chủ) mặc dù vừa đắc cử năm 2021 để thay thế Thượng Nghị Sĩ Johnny Isakson nhưng vẫn phải tái tranh cử, vì nhiệm kỳ của ông Isakson kết thúc năm 2022. Nếu tái đắc cử, nhiệm kỳ kế tiếp của ông Warnock sẽ là từ 2023 đến 2029. Đối thủ vòng sơ bộ của Thượng Nghị Sĩ Warnock là bà Tamara Johnson-Shealey. Về phía đảng Cộng Hòa hiện có 6 ứng cử viên là Gary Black, Josh Clark, Kelvin King, Jonathan McColumn, Latham Saddler và Hershel Walker.

BẦU CỬ THỐNG ĐỐC NĂM 2022

Năm nay cử tri của 36 tiểu bang và 3 vùng lãnh thổ sẽ bỏ phiếu chọn Thống Đốc, sau khi các vị Thống Đốc đương nhiệm kết thúc nhiệm kỳ 4 năm (hoặc hai nhiệm kỳ 8 năm). Trong số các Thống Đốc mãn nhiệm, có 21 vị thuộc đảng Cộng Hòa và 18 vị thuộc đảng Dân Chủ.

36 tiểu bang sẽ bầu Thống Đốc là: Alabama, Alaska, Arizona, Arkansas, California, Colorado, Connecticut, Florida, Georgia, Hawaii, Idaho, Illinois, Iowa, Kansas, Maine, Maryland, Massachusetts, Michigan, Minnesota, Nebraska, Nevada, New Hampshire, New Mexico, New York, Ohio, Oklahoma, Oregon, Pennsylvania, Rhode Island, South Carolina, South Dakota, Tennessee, Texas, Vermont, Wisconsin và Wyoming.

Ba vùng lãnh thổ là Đảo Guam, Northern Mariana Islands và U.S. Virgin Islands.

Theo kết quả thăm dò dư luận của công ty tư vấn chính trị Morning Consult thì cả vòng bầu cử sơ bộ lẫn cuộc bầu cử giữa kỳ sắp tới sẽ rất gay go, mặc dù hầu hết các vị Thống Đốc đương nhiệm đều được dân chúng trong tiểu bang ủng hộ. Thí dụ, Thống Đốc Brian Kemp (Cộng Hòa) của Georgia được 50% cử tri ủng hộ (bao gồm 76% cử tri đảng Cộng Hòa), Thống Đốc Jared Polis (Dân Chủ) của Colorado được 57% cử tri ủng hộ, Thống Đốc Laura Kelly (Dân Chủ) của Kansas được 55% cử tri ủng hộ, Thống Đốc Steve Sisolak (Dân Chủ) của Nevada được 51% cử tri ủng hộ… Trường hợp bấp bênh nhất là Thống Đốc Tony Evers (Dân Chủ) của Wisconsin, chỉ có 45% cử tri tán thành đường lối lãnh đạo của ông so với 48% không tán thành.

Do đó, trước khi nói đến chuyện tái đắc cử, Thống Đốc Brian Kemp cần phải thắng vòng bầu cử sơ bộ vào ngày 24 tháng 5 tới đây. Trong số 6 ứng cử viên, đối thủ đáng ngại nhất của ông Kemp là cựu Thượng Nghị Sĩ David Perdue, hồi tháng 3 đã nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng Thống Donald Trump. Nếu thắng vòng sơ bộ, ông Kemp cũng sẽ vẫn phải tiếp tục dồn nỗ lực vận động cử tri để đối đầu với một chính trị gia rất “ăn khách” của đảng Dân Chủ là bà Stacey Abrams, Dân Biểu tiểu bang, người mà hồi năm 2018 đã chỉ thua khít khao trong cuộc bầu cử Thống Đốc vô cùng sôi nổi tại Georgia.

TỐI CAO PHÁP VIỆN SẼ ĐẢO NGƯỢC ÁN LỆ VỀ PHÁ THAI?

Chiều Thứ Hai 2 tháng 5, một sự kiện vừa xảy ra đã lập tức thu hút sự quan tâm đặc biệt của cả giới truyền thông lẫn chính giới Hoa Kỳ và đưa tới những cuộc biểu tình sôi nổi trên khắp nước Mỹ. Đó là vụ tiết lộ một dự thảo phán quyết của Tối Cao Pháp Viện, cho thấy các vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ (hiện chiếm đa số) có thể đang chuẩn bị đảo ngược phán quyết Roe v. Wade năm 1973 công nhận quyền tự do phá thai của phụ nữ.

Tờ báo mạng Politico là cơ quan truyền thông đầu tiên loan tin về dự thảo phán quyết, và ngay sau đó vào buổi tối Thứ Hai đã có những nhóm người kéo đến biểu tình trước trụ sở Tối Cao Pháp Viện để kêu gọi bảo vệ quyền tự do phá thai. Ngày hôm sau nhiều cuộc biểu tình tiếp tục diễn ra và lan rộng từ thủ đô D.C. đến nhiều thành phố lớn khác.

Hai nhà lập pháp đảng Dân Chủ là Thượng Nghị Sĩ Elizabeth Warren và Thượng Nghị Sĩ Amy Klobuchar phát biểu trước đoàn biểu tình, khẳng định tiếp tục ủng hộ phong trào tranh đấu bảo vệ quyền lợi của phụ nữ. Ngay cả hai nhà lập pháp đảng Cộng Hòa là Thượng Nghị Sĩ Susan Collins và Thượng Nghị Sĩ Lisa Murkowsky cũng nói với báo chí là không tán đồng việc lật ngược án lệ Roe v. Wade. Bà Collins nhắc đến hai Thẩm Phán Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh thuộc khuynh hướng bảo thủ, chỉ trích rằng nếu hai vị này đồng ý với quan điểm nêu trong dự thảo phán quyết thì họ đã làm ngược lại lời nói của chính họ (khi ra điều trần để được Thượng Viện chuẩn thuận) là “Tối Cao Pháp Viện cần tôn trọng các tiền lệ”.

Tổng Thống Joe Biden phát biểu: “Nếu quả thật án lệ Roe v. Wade bị Tối Cao Pháp Viện lật ngược thì trách nhiệm sẽ thuộc về tất cả các đại diện dân cử trên toàn quốc để bảo vệ quyền tự do phá thai, và đến tháng 11 này cử tri nước Mỹ sẽ có trách nhiệm phải bầu lên những người theo quan điểm bênh vực quyền phá thai của phụ nữ (pro-choice). Ở cấp liên bang chúng ta sẽ cần thế đa số cho những Thượng Nghị Sĩ Dân Biểu ủng hộ quyền phá thai, để họ có thể soạn thảo dự luật chính thức hóa án lệ Roe v. Wade. Tôi sẽ thúc đẩy thông qua dự luật và ký ban hành thành luật”.

Thẩm Phán John Roberts, Chủ Tịch Tối Cao Pháp Viện, phổ biến thông cáo báo chí xác nhận dự thảo phán quyết là tài liệu thật, không phải giả mạo, đồng thời nghiêm khắc lên án vụ tiết lộ tài liệu, gọi đó là “một sự phản bội” nguyên tắc bảo mật trong hệ thống tư pháp, và cho biết ông đã chỉ thị mở cuộc điều tra để truy tầm kẻ tiết lộ. Thông cáo cũng nói rõ đây chỉ mới là dự thảo chứ chưa phải là phán quyết tối hậu của Tối Cao Pháp Viện, và không phản ánh quan điểm chính thức của bất cứ vị Thẩm Phán nào.

Thượng Nghị Sĩ Mitch McConnell (Trưởng Khối Thiểu Số đảng Cộng Hòa) đưa ra lời phát biểu tương tự, lên án vụ tiết lộ tài liệu là “một hành vi vô pháp luật, phải được điều tra để nghiêm trị”, “Bộ Tư Pháp nên cứu xét hồ sơ để truy tố hình sự kẻ tiết lộ”. Ngoài ra ông McConnell còn cho rằng đây là “một phần trong chiến dịch của phe cấp tiến khuynh tả”, mặc dù không đưa ra bằng chứng nào.

Trong khi đó Thượng Nghị Sĩ Chuck Schumer (Trưởng Khối Đa Số đảng Dân Chủ) phổ biến thông cáo chung với Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi, viết rằng: “Nếu tài liệu mà bài báo [Politico] nêu ra là xác thực thì rõ ràng Tối Cao Pháp Viện đang có ý định xâm phạm một cách nghiêm trọng hơn bao giờ hết những quyền căn bản không riêng gì của phụ nữ mà là của mọi người dân Mỹ”.

Hai vị Thống Đốc đảng Dân Chủ là bà Kathy Hochul của tiểu bang New York và ông J. B. Pritzker của tiểu bang Illinois phát biểu với giới truyền thông hôm Thứ Ba, khẳng định sẽ ban hành luật bảo vệ quyền tự do phá thai, và các phụ nữ cư ngụ ở những tiểu bang hạn chế hoặc ngăn cấm phá thai có thể tới New York và Illinois để được hưởng các dịch vụ an toàn và dễ dàng.

TÀI LIỆU BỊ TIẾT LỘ NÓI GÌ?

Dự thảo phán quyết mà Politico có được là một tài liệu dài 98 trang, ghi rõ “Dự Thảo Số 1”, do Thẩm Phán Samuel Alito – một trong 6 vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ – viết từ ngày 10 tháng 2, liên quan đến vụ tranh tụng mang tên “Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization”, mà Tối Cao Pháp Viện dự trù sẽ công bố phán quyết vào tháng 6 hoặc đầu tháng 7 năm nay.

Vụ tranh tụng nêu trên bắt nguồn từ việc tiểu bang Mississippi ban hành đạo luật “Gestational Age Act” hồi tháng 3 năm 2018, cấm không cho phá thai sau 15 tuần lễ thai kỳ vì đó là lúc thai nhi bắt đầu có sự sống – nghĩa là đi ngược lại nguyên tắc 24 tuần lễ thai kỳ theo án lệ Roe v. Wade (1973) và án lệ Planned Parenhood v. Casey (1992). Hai tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai liền nộp đơn kiện, và thắng kiện tại tòa tiểu bang cũng như tại tòa phúc thẩm liên bang. Bộ Y Tế Mississippi nộp đơn kháng án, đến ngày 17 tháng 5 năm 2021 thì được Tối Cao Pháp Viện đồng ý thụ lý.

Trong dự thảo phán quyết, Thẩm Phán Samuel Alito viết “Án lệ Roe sai lầm rõ ràng ngay từ đầu” vì đã dựa trên “những luận cứ rất yếu ớt”. Dự thảo cho rằng trong Hiến Pháp không có điều khoản nào quy định quyền thực hiện dịch vụ phá thai, do đó mỗi tiểu bang đều có thể ban hành luật để quy định những hạn chế đối với các dịch vụ này, hoặc cấm hẳn việc phá thai. Dự thảo viết rõ “Theo quan điểm của chúng tôi thì án lệ Roe v. Wade phải bị lật ngược”, “đã đến lúc cần tuân thủ Hiến Pháp và đưa trả lại vấn đề phá thai cho những vị đại diện dân cử để họ quyết định”.

Tưởng cần nhắc lại, án lệ nổi tiếng Roe v. Wade mang số hồ sơ 410 U.S. 113, được công bố ngày 22 tháng 1 năm 1973 và trở thành một khúc quanh lịch sử, vì Tối Cao Pháp Viện khẳng định rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ công nhận quyền tự do phá thai của phụ nữ, tuy nhiên cũng ấn định các nguyên tắc – dựa trên ba tam cá nguyệt của thời kỳ thai sản – để chính phủ có thể hạn chế quyền tự do đó. Đến năm 1992, qua án lệ Planned Parenhood v. Casey, Tối Cao Pháp Viện vẫn công nhận quyền tự do phá thai của phụ nữ, nhưng bỏ nguyên tắc ba tam cá nguyệt để chấp nhận tiêu chuẩn về sự sống của thai nhi vào tuần lễ thứ 23 hoặc 24 của thời kỳ thai sản.

DƯ LUẬN TIẾP TỤC CHIA RẼ

Kể từ khi án lệ Roe v. Wade ra đời, hai quan điểm “pro-life” “pro-choice” đã gây chia rẽ trầm trọng xã hội Mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trị và trở thành một đề tài tranh luận trong các cuộc vận động tranh cử, mặt khác đã châm ngòi cho những vụ tranh tụng sôi nổi trước tòa án cấp liên bang và nhiều lần trở lại Tối Cao Pháp Viện (1976, 1989, 1992, 2000, 2007, 2016) nhưng đều không được giải quyết ngã ngũ.

Cũng suốt trong 49 năm qua, những người chủ trương chống phá thai để bảo vệ quyền sống của thai nhi (pro-life) vẫn kiên trì thực hiện chiến dịch biểu tình tuần hành “March for Life” hàng năm với mục đích kêu gọi Tối Cao Pháp Viện đảo ngược án lệ Roe v. Wade.

Đầu năm nay, giữa bối cảnh Tối Cao Pháp Viện đang thụ lý vụ tranh tụng “Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization”, cũng như với việc tiểu bang Mississippi ban hành đạo luật “Gestational Age Act” và tiểu bang Texas thông qua dự luật “Texas Heartbeat Act”, cuộc biểu tình “March for Life” hôm 21 tháng 1 tại thủ đô Washington D.C. đã diễn ra trong không khí lạc quan hơn nhiều năm trước. Bản tin thông tấn Reuters trích dẫn thống kê của tổ chức Guttmacher Institute, theo đó trong năm 2021 phe “pro-life” đã vận động mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đưa tới việc 19 tiểu bang ban hành 108 sắc lệnh hoặc đạo luật hạn chế quyền phá thai của phụ nữ.

Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tối Cao Pháp Viện đảo ngược án lệ Roe v. Wade?

Tin tức ghi nhận, ngay hiện giờ đã có một số tiểu bang chuẩn bị đối phó bằng cách thông qua luật bảo vệ tính chất hợp pháp của quyền tự do phá thai (bao gồm California, Washington, Connecticut, Hawaii, Maine, Maryland, Nevada). Ngược lại, một số tiểu bang khác cũng chuẩn bị thông qua luật cấm phá thai và chỉ chờ khi án lệ Roe v. Wade bị đảo ngược là ban hành (bao gồm Arkansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, North Dakota, South Dakota). Ngoài ra cũng phải kể tới nhiều tiểu bang từ trước năm 1973 vốn đã có sẵn luật cấm phá thai, do đó một khi án lệ Roe v. Wade bị đảo ngược là có thể mang áp dụng trở lại ngay tức khắc.

Dân chúng Mỹ nghĩ sao về quyền tự do phá thai của phụ nữ? Nói chung thì dư luận vẫn chia đôi giữa hai phe bênh và chống. Tuy nhiên, giữa năm 2021, cuộc thăm dò của Viện Gallup cho thấy đa số cử tri (58%) nghĩ rằng Tối Cao Pháp Viện không nên đảo ngược án lệ Roe v. Wade, so với 32% nghĩ rằng nên đảo ngược, và 10% không có ý kiến. Cuộc thăm dò của Pew Research Center cũng ghi nhận đa số cử tri (59%) nghĩ rằng nên hợp pháp hóa việc phá thai trong hầu hết các trường hợp, so với 39% nghĩ ngược lại. Trước đó, cuộc thăm dò do hãng thông tấn AP và tổ chức độc lập NORC thực hiện năm 2020 cho thấy có tới 69% cử tri cho rằng Tối Cao Pháp Viện nên giữ nguyên án lệ Roe v. Wade, so với 29% trả lời ngược lại.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, Ballotpedia, Politico ngày 5/5/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*