47 Năm Sau Ngày Mất Nước, Vẫn Mãi Nhớ Ơn Người Lính Cộng Hòa

SANTA ANA, California (NV) – Đã 47 năm trôi qua kể từ ngày Miền Nam Tự Do mất vào tay Cộng Sản Quốc Tế, trong khi các chính trị gia và nhà lãnh đạo, từ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu cho đến Tổng Thống Dương Văn Minh và Đại Tướng Cao Văn Viên, không nhiều thì ít, đều bị người dân miền Nam và dư luận quốc tế coi là những kẻ phải chịu trách nhiệm làm sụp đổ chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa.

Đài tưởng niệm Tháng Tư Đen 1975 tại thành phố Westminster, California, với hình ảnh và họ tên của những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã chọn cái chết uy dũng để đáp đền nợ nước. (Hình minh họa: Trà Nhiên/Người Việt)

Nhưng phải nói rằng có rất ít người đổ cái lỗi đó cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mặc dù ai cũng thấy quân đội này bỗng dưng không đánh mà tan, cứ rút lui hoài từ Cao Nguyên Trung Phần xuống tới duyên hải Vùng I và Vùng II Chiến Thuật, và sau cùng là Vùng III, để rồi lại bỏ luôn thủ đô Sài Gòn, mặc dù Vùng IV vẫn còn nguyên vẹn trước ngày 30 Tháng Tư, 1975.

Người lính Cộng Hòa không làm mất nước

Rõ ràng là các chiến sĩ Cộng Hòa, vị thần hộ mạng của dân chúng Miền Nam Tự Do, không thể nào bị coi là làm cho phần đất dân chủ, tự do ở phương Nam phải mất vào tay chế độ Cộng Sản độc tài sau hai thập niên anh dũng chiến đấu, đổ ra biết bao nhiêu là xương máu trong cuộc chiến tranh tự vệ chống lại kẻ thù xâm lược từ miền Bắc tiến xuống.

Lịch sử cho thấy số phận của phần lớn các quốc gia nhược tiểu tại Á Châu, Trung Đông, Phi Châu, Trung và Nam Mỹ sau Đệ Nhị Thế Chiến – đặc biệt là những nước vừa ra khỏi thời thuộc địa – không phải do chính các dân tộc đó định đoạt mà nằm trong tay các cường quốc ở hai bên bờ chiến tuyến thù địch nhau trong cuộc Chiến Tranh Lạnh, khởi đầu từ sau Đệ Nhị Thế Chiến cho tới khi Liên Xô và khối Cộng Sản Đông Âu tan rã hồi năm 1991.

Vậy thì, chuyện miền Nam Việt Nam bị mất vào tay Cộng Sản hồi năm 1975 không thể nào chỉ đơn giản là do các chính trị gia hoặc quân đội tại miền Nam Việt Nam gây ra, nếu không nói là do các cường quốc bên ngoài quyết định, bên thắng cuộc hay bên thua cuộc gì cũng thế. Nói như vậy để thấy rằng rõ ràng là người lính Cộng Hòa không hề làm mất nước, cho dù là vào tay Cộng Sản Việt Nam hay Cộng Sản Trung Hoa cũng thế.

Người chiến sĩ Cộng Hòa có thừa dũng khí

Các tài liệu lịch sử cho thấy Quân Đội Nhân Dân Việt Nam (Cộng Sản Bắc Việt) được thành lập hồi năm 1944, tức là cách nay 78 năm, trong khi Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mà tiền thân là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, ra đời năm 1950, tức là chỉ một năm sau ngày Quốc Gia Việt Nam được thành lập, khi thực dân Pháp đồng ý trao trả độc lập cho ba nước Đông Dương thuộc Pháp, là Việt, Cambodia và Lào.

So với Quân Đội Cộng Sản tại Bắc Việt, Quân Đội Cộng Hòa tại miền Nam vừa non trẻ hơn vừa không có mấy kinh nghiệm chiến trường như Quân Đội Cộng Sản Bắc Việt, kẻ từng thành công cướp chính quyền từ tay Vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim hồi năm 1945. Sau đó, quân đội này đã đánh thắng quân Pháp tại một số mặt trận tại miền trung du và biên giới ở Bắc Việt, rồi lên cao điểm là chiến thắng các lực lượng Liên Hiệp Pháp tại Điện Biên Phủ hồi Tháng Năm, 1954, dẫn đến Hiệp Định Geneva chia đôi đất nước Việt Nam, mặc dù mới đây, Cộng Sản Trung Hoa tiết lộ họ đã đưa hàng trăm ngàn chí nguyện quân và vô số võ khí sang giúp Việt Nam trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam.

Những cuộc chạm trán đầu tiên giữa Quân Đội Quốc Gia Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1965 cho thấy phía quân đội miền Nam lúc bấy giờ (chỉ được trang bị bằng súng trường Garand M1 và Carbine M1) không thể sánh được với quân đội miền Bắc (được võ trang bằng tiểu liên AK-47), tiêu biểu là trong các trận đánh lớn tại Ấp Bắc (Tháng Giêng, 1962), Bình Giả (Tháng Mười Hai, 1964), Đồng Xoài (Tháng Sáu, 1965), và Ba Gia (Tháng Bảy, 1965).

Trong những năm từ 1966 cho đến 1968 (năm diễn ra trận Tết Mậu Thân), Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa khởi sự hùng mạnh lên nhờ học hỏi kinh nghiệm từ các cuộc hành quân hỗn hợp với các lực lượng Hoa Kỳ – đã đổ bộ vào miền Nam Việt Nam từ Tháng Ba, 1965, để trực tiếp tham gia các trận bộ chiến với quân Cộng Sản tại miền Nam và oanh tạc các căn cứ của Cộng Sản tại miền Bắc.

Kể từ cuộc chiến Tết Mậu Thân 1968 trở đi, nhờ người lính Việt Nam Cộng Hòa thuộc các quân, binh chủng (kể luôn cả Địa Phương Quân và Nghĩa Quân) đều được trang bị bằng súng liên thanh M-16, trọng pháo 155 ly, chiến xa M-141 và M-148, hỏa tiễn chống chiến xa M.72, cùng các phản lực cơ B-57 Canberra và F-5 Freedom Fighter.

Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dần dà mạnh hẳn lên và đánh thắng quân Cộng Sản trong nhiều trận chiến lớn như tại mặt trận ngoại biên ở Cambodia (năm 1970-1971), trận Quảng Trị (năm 1972), trận An Lộc (năm 1972), trận Tống Lê Chân (năm 1973), trận Thường Đức (năm 1974), trận Xuân Lộc (năm 1975)…

Trong mọi trận chiến và trong mọi hoàn cảnh, dù rất nặng nợ gia đình và triệt để tôn trọng tính mạng và tài sản của thường dân, người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thường là những chiến binh dũng cảm, thiện chiến và có tinh thần kỷ luật cao, bất kể họ thuộc các lực lượng tổng trừ bị (như Nhảy Dù, Thủy Quân Lục Chiến và Biệt Động Quân) hoặc các đơn vị bộ binh (như Sư Đoàn 1, Sư Đoàn 5, Sư Đoàn 18…), hoặc họ là các đơn vị Địa Phương Quân và Nghĩa Quân cũng thế, tiêu biểu là trong trận Dak Seang hồi Tháng Tư, 1970.

Nước mất, nhà tan, người chiến sĩ Cộng Hòa lấy cái chết để tạ lỗi cùng quốc dân

Trong và sau ngày 30 Tháng Tư , 1975, các tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa, như Nguyễn Khoa Nam (tư lệnh Quân Đoàn IV), Lê Văn Hưng (tư lệnh phó Quân Đoàn IV), Lê Nguyên Vỹ (tư lệnh Sư Đoàn 5 Bộ Binh), Trần Văn Hai (tư lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh), và Phạm Văn Phú (tư lệnh Quân Đoàn II) cùng với Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Nguyễn Văn Long đã tự sát để tạ lỗi cùng quốc dân, mặc dù họ không trực tiếp chịu trách nhiệm về việc Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ vào tay quân Cộng Sản.

Tại Vùng IV Chiến Thuật, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Lê Phó đã không chịu đầu hàng và tiếp tục chiến đấu cho đến viên đạn cuối cùng để rồi bị Cộng Sản đem ra xử bắn.

Cũng trong và sau cái ngày định mệnh đó của đất nước, một số sĩ quan trung cấp cùng với nhiều binh sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và Cảnh Sát Quốc Gia cũng đã tự sát để bảo toàn danh dự người chiến sĩ Quốc Gia, và họ được coi là những người anh hùng không tên tuổi, luôn can đảm và tận tình giúp nước.

“Gặp thời thế, thế thời phải thế”…

Gần nửa thế kỷ đã trôi qua. Thời gian tuy dài nhưng không bao giờ người Việt Quốc Gia đang lưu lạc trên khắp thế giới có thể quên được cái ngày định mệnh của dân tộc, theo đó phần lỗi để xảy ra cái ngày đó chắc chắn không phải là vì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thiếu bổn phận và trách nhiệm với đất nước mà ra.

Khi tác giả Trần Lý, trong một bài viết trên trang mạng Dòng Sông Cũ (ngày 16 Tháng Ba, 2021), cho rằng “Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn súng nhưng… hết đạn” thì phải hiểu rằng quân đội đó thua trận không phải vì họ không chịu chiến đấu – khi so sánh với quân và dân Ukraine ngày nay. Nhưng là vì người bạn đồng minh chính yếu của họ (một cường quốc) đã thôi không cung cấp võ khí và tiền bạc để cho một nước nhược tiểu như họ có thể tiếp tục chiến đấu, trong khi đối phương vẫn nhận được đầy đủ sự yểm trợ cả về nhân lực lẫn vật lực để đạt được thắng lợi sau cùng trong cuộc chiến tranh giành độc quyền cai trị đất nước Việt Nam, núp dưới chiêu bài cuộc “chiến tranh giải phóng dân tộc.”

Câu nói “Thế Chiến Quốc, thế Xuân Thu, gặp thời thế, thế thời phải thế” của danh sĩ Ngô Thời Nhiệm thời Tây Sơn có lẽ ứng với vận nước của miền Nam Việt Nam khi Hoa Kỳ nhất quyết đem thí mạng Việt Nam Cộng Hòa để đổi lấy thị trường đông hơn một tỉ người của Cộng Sản Trung Hoa.

Thế nhưng, lợi đâu chưa kịp thấy, chỉ chừng vài ba mươi năm sau cuộc giao thương là Trung Quốc đã “phất lên” và trở thành mối đại họa cho nhân loại ngày nay, khiến Hoa Kỳ chỉ biết vừa giả điếc, làm ngơ trước những hành động hung hăng của Bắc Kinh đối với các lân quốc, vừa năn nỉ ỉ ôi Hà Nội để mong sao Cộng Sản Việt Nam rời bỏ đàn anh Trung Quốc mà về phe với mình, đặng hợp lực ngăn chặn mộng độc chiếm Biển Đông và bá chủ hoàn cầu của Trung Nam Hải.

Thay lời kết

“ngày về quê xa lắc lê thê” (mà phải được hiểu là ngày chế độ Cộng Sản không còn tồn tại trên đất nước Việt Nam nữa) chỉ vì thế giới đã “trót nghe theo lời u mê” – phát ra từ guồng máy tuyên truyền của phe Cộng Sản rằng chính nhân dân miền Nam đã nổi dậy lật đổ chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đặng thoát khỏi sự kềm kẹp của “bọn Mỹ-Diệm” “bọn Mỹ-Thiệu” – để rồi những kẻ phản chiến tại Hoa Kỳ và Âu Châu cùng hùa nhau mà “đánh hội đồng” chính phủ và nhân dân Việt Nam Cộng Hòa cho đến khi Sài Gòn sụp đổ vào tay Cộng Sản hồi Tháng Tư, 1975.

Các chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chiếm lại nhà thờ La Vang từ tay Cộng Sản trong trận Tết Mậu Thân 1968. (Hình minh họa: Getty Images)

Bốn mươi bảy năm sau ngày mất nước, dân chúng miền Nam Việt Nam, cả người dân trong nước lẫn kẻ đang sống lưu vong ở hải ngoại, vẫn mãi mãi nhớ ơn người lính Cộng Hòa về những hy sinh vô bờ bến và cao cả của họ để giữ cho quê mẹ yêu thương được sống trong tự do, dân chủ, cho dù chỉ vỏn vẹn có 21 năm, từ 1954 tới 1975 mà thôi.

“Dù rằng anh ở đâu, anh ở đâu, vẫn yêu anh hoài/ Vẫn yêu anh hoài, yêu suốt đời”… (nhạc phẩm “Giờ Này Anh Ở Đâu” của Khánh Băng).

Vann Phan
Theo Người Việt online ngày 30/4/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*