Hà Nội 1985 (Ảnh: Christopher Pillitz/Getty Images)
Sau 1975, ai cũng biết, đa số người miền Bắc ồ ạt vào Nam hơn là dân miền Nam ra Bắc. Ngoại trừ những nhân vật đặc biệt với công tác đặc biệt có giấy phép, còn hầu hết thường dân bị cấm, nhất là đối với thành phần “ngụy quân, ngụy quyền” như tôi.
Chỉ có ở miền Bắc XHCN!
Cho đến khoảng năm 1979-1980, lịnh cấm ra Bắc vẫn còn hữu hiệu. Tôi, do một nhân duyên, bà con phía chồng cũng như nhà mình đều ở ngoài Bắc. Tôi có người anh họ bên chồng sau 1975 vào Sài Gòn làm cơ quan nhà nước. Anh lại là trưởng đoàn trong chuyến công tác ra Bắc năm đó. Nhờ vậy mà tôi xin quá giang anh (xe tải) ra Bắc thăm chồng cải tạo. Anh làm cho tôi một giấy công nhân gõ rỉ của nhà máy theo đoàn công tác.
Để có bạn, tôi rủ thêm chị Nga, con dâu nhà văn Hoàng Đạo (Tự Lực Văn Đoàn). Chị có chồng cải tạo Hà Nam Ninh, và cũng mang giấy giả mạo như tôi do người nhà tôi giúp chị. Chuyến xe dong duổi cả tháng trời ngoài đường như du mục từ Sài Gòn ra tới Hà Nội. Tôi và chị trải một cuộc sống bụi đường lẫn… bụi đời, ngủ trên tấm ván kê trên những thùng phuy, hay lủng lẳng đu đưa trên chiếc võng máng móc vào thành xe.
“Xe điện” ở Hà Nội, 1983 (Ảnh: Alex Bowie/Getty Images)
Dọc đường, để tiết kiệm chi phí, và cũng để tỏ lòng cám ơn cho quá giang xe, tôi và chị tình nguyện làm “chị nuôi” nấu ăn cho đoàn (bảy người). Tôi làm sẵn một xô dưa cải muối mang theo. Ngoài những lúc bất đắc dĩ vào quán ăn, xe tắp vào một thị trấn, ghé chợ mua tí thịt, cà chua, củi lửa… rồi tìm một sân vườn nhà dân xin bắt bếp nấu ăn. Bếp chỉ là ba viên gạch hoặc kiềng sắt ba chân. Thế là chúng tôi có bữa cơm ngon: Một nồi canh dưa cải chua vàng vàng lẫn màu đỏ của cà chua, tí xanh xanh của hành ngò; ăn kèm rau sống. Vậy cũng là sang trọng, ở cái thời gạo châu củi quế.
Ra tới miền Bắc, sau khi tôi và chị hoàn thành xong việc thăm nuôi chồng, cả hai tự túc đi xe lửa ra Hà Nội, hẹn với đoàn tại nhà một giáo sư đại học, bà con chị Nga. Hai chúng tôi tạm ở đó. Trong khi chờ đoàn xe công tác Hải Phòng, Bắc Ninh xong trở lại đón, chúng tôi lại có công tác mới do đoàn giao phó. Số là khi ra Bắc, để kiếm tí tiền trang trải ăn tiêu, anh em trong đoàn mua dừa xanh giấu ở lòng xe tải; với một số khá lớn rổ rá bằng nhựa. Toàn là những tay bất đắc dĩ không biết làm ăn, không rành thương mại. Dừa xanh ra tới Bắc hư gần hết phải đổ đi. Rổ rá kềnh càng bán chả được bao nhiêu lời. Số vốn thu được, anh em nhờ tôi và chị Nga ra chợ Đông Xuân mua khoai tây để khi về mang vào Nam bán. Nhưng rồi khoai tây về đến nơi, thúi gần hết, lại đổ!
Một góc Hà Nội 1983 (Ảnh: Alex Bowie/Getty Images)
Suốt thời gian ở Hà Nội, trong nhà bà con chị Nga, tôi có dịp chứng kiến cuộc sống dân miền Bắc dưới chế độ XHCN. Vợ chồng anh chị Vĩnh, người mà chúng tôi xin tá túc, được đánh giá là thành phần trí thức của Hà Nội. Anh là giáo sư đại học; chị là giáo viên tiểu học. Anh chị được cấp một căn phòng ở tầng trệt trong căn nhà tập thể có hai tầng. Căn nhà không lớn lắm, cũ mèm, dành cho bốn hộ. Tầng trên hai hộ, tầng dưới hai hộ.
Căn phòng anh chị chỉ kê được một sofa nhỏ, một bàn con, vài chiếc ghế đẩu vừa tiếp khách vừa dùng ăn cơm. Anh chị bắc ván gỗ làm thêm gác xép, thấp lè tè, làm phòng ngủ. Lên đó chỉ có thể ngồi mà không đứng được. Anh chị trải chiếu gần chỗ anh chị nằm dành cho tôi và chị Nga. Sát vách phòng anh chị là mẹ con bà Huých, hàng xóm, được ngăn bởi liếp tre. Cứ ở trên căn gác nhìn xuống và qua cái liếp tre là nghe thấy hết mọi sinh hoạt của hai mẹ con bà.
Một buổi sớm tinh mơ, trời miền Bắc sắp vào Xuân se lạnh. Nằm cuộn mình trong chiếc chăn ấm, lòng nhẹ thênh thang, nghe tiếng rao lanh lảnh của người bán rong, tôi cảm nhận được nét sinh hoạt thực mà bao lâu nay chỉ đọc qua trong sách vở, trong Tự Lực Văn Đoàn. Bây giờ mới thực sự được thưởng thức: Ai bánh khúc nào? Ai xôi vò nào? Ai bánh cuốn nào? Ai… Tiếng rao ngọt ngào, trầm bổng, mời gọi như hót, dễ thương làm sao. Chỉ nghe đã thấy ruột gan lăn tăn réo gọi…
Dưới sự dẫn dắt của (những) con bò. (Một góc Hà Nội, Tháng Năm 1983 – Ảnh: Alex Bowie/Getty Images)
Giữa lúc tôi và chị Nga còn nằm nướng, xeo xéo ở góc gác, vợ chồng anh chị Vĩnh hình như cũng đang ngủ vùi, bất chợt giọng bà Huých cất lên, lanh lảnh: “Tiên sư bố nhà chúng nó. Cứ dòm… dòm… dòm…! Nhà bà chỉ có mỗi thằng bé. Lâu lâu nó đưa bạn gái về nhà chơi. Chúng có ‘làm ăn’ gì thì cũng như chúng mày làm, có khác gì nào, mà cứ rình mò?!”. Tôi giật mình đưa mắt nhìn quanh quất xem bà chửi ai. Vẫn không nghe động tịnh. Chỉ có tiếng bà tiếp tục hung dữ cất lên, phá tan sự tĩnh mịch.
Vẫn điệp khúc: “Tiên sư bố”… và “dòm… dòm… dòm…”, bà lặp đi lặp lại dai dẳng. Tuy chửi nhưng âm điệu lên bổng xuống trầm, có vần có điệu. Bỗng nhiên, có tiếng sột soạt chiếu kế bên. Chị Vĩnh ngồi dậy, quay mặt nhìn xuống nhà hàng xóm: “Này, tôi nói cho mà biết nhá. Mới sáng sớm hãy để cho mọi người ngủ nhá. Nhà chúng tôi không rỗi hơi đi dòm con bà đâu nhá. Bà có câm mồm đi không nào?”.
Lời nói của chị Vĩnh như dầu đổ thêm vào lửa. Bà Huých nổi xung thiên, chửi xối xả một hơi dài: “Tiên sư bố nhà chúng mày. Chúng mày vễnh tai lên, cái tai dài và cao như tai lừa ấy mà nghe bà chửi đây này. Con mắt nhà chúng mày là mắt cú vọ. Cú vọ chỉ một tròng chứ mắt nhà chúng mày đến bốn tròng cơ. Các tròng ấy để mày liếc, mày xéo, mày xiên, mày soi, mày rọi, mày chiếu vào nhà bà. Mày dòm từ hòn cát, mày liếc tới hòn than, mày rọi từng hòn sỏi, mày chiếu tới hòn gạch, mày soi tới cả hòn… thằng con bà…”.
Đến lúc này tôi chưng hửng, mới biết từ nãy giờ bà chửi nhà anh chị Vĩnh trong khi anh chị qua nay không đụng chạm gì tới bà. Tôi thở dài nghĩ tới viễn ảnh cái “thế giới đại đồng” mà nhà nước đang vẽ vời cho miền Nam mình…
Trẻ mồ côi lăn lóc ở đường phố Hà Nội (Phố cổ, Tháng Năm 1983 – Ảnh: Alex Bowie/Getty Images)
“Thế giới đại đồng”
Trước khi ra Hà Nội, tôi vô cùng háo hức, phần được thăm lang quân sau ba năm không gặp kể từ khi anh bị tống ra Bắc, phần sắp thưởng thức nền văn minh XHCN như thế nào mà mỗi tối, sau giờ cơm, tôi cùng lối xóm “được” nhà nước thúc hối mời đi học nếp sống văn minh mới XHCN. Nhưng tới nơi, tôi chưng hửng, đặc biệt khi chứng kiến cái nhà xí tập thể của thủ đô ngàn năm văn vật tại nhà anh chị Vĩnh.
Nhà xí nhỏ như một cái chòi canh bằng gạch, nằm một bên sát tường sân sau, cao tầm một chiếc bàn, có tam cấp để bước lên. Một khoanh cửa nhỏ thấp lè tè phủ một tấm vải thô làm cửa vào nhà xí. Khi bước vào phải cúi gập xuống. Mỗi khi vé tấm màn lên để bước vào thì ruồi xanh, ruồi đen con nào con nấy to bằng móng tay cái bay ào ra. Bên trong là một ụ tro lớn trải rộng, chừa một cái lỗ vừa đủ để…! Hai bên có hai viên gạch để người hành sự đặt chân. Những con giòi mập ú trắng hếu bò lúc nhúc miệng lỗ. Mùi hôi thối nồng nặc. Không hề có nước dội cầu. Mà nhà xí như vậy cũng không cần phải dội. Lại nữa, nước vốn không đủ cho bốn hộ tập thể sống với nhau. Phải tiết kiệm tối đa. Một cái vòi nước khiêm nhường, đặt trước buồng tắm giữa lối đi song song với nhà xí, nhỏ một cách yếu ớt xuống bốn cái thùng của bốn hộ xếp chờ sẵn, cứ đầy thùng này thì đẩy sang thùng khác. Ai muốn tắm phải lo hứng nước trước.
Trở lại cái nhà xí. Bên dưới cái lỗ, có một thùng lớn hứng phân nằm trong hầm cầu, có một cửa nhỏ để mở lấy thùng phân. Khi thùng phân đầy sẽ có ban vệ sinh đến lấy đem làm phân bón. Đường phố Hà Nội thỉnh thoảng gặp những chiếc xe chở phân vung vãi dọc đường. Phân là một trong những “sản phẩm” quí nộp cho hợp tác xã, nhờ đó được tăng thêm điểm để nhận thóc, do vậy, khi một con bò hay trâu phóng uế, người “có duyên” gặp thì hốt ngay bằng tay, chứ chạy về nhà tìm cuốc xẻng, chạy ra là mất.
Một ngày, tôi tìm thăm người cô ruột, em út của ba, mà tôi chưa hề biết mặt trước đó. Cô tôi ở phố Khâm Thiên. Cùng huyết thống nên dù lần đầu mới gặp, hai cô cháu đã cảm thấy gần gũi thân thiết, nhất là cả nhà luôn nói, tôi có khuôn mặt giống cô út. Chồng cô là cán bộ từng du học Liên Xô. Cả hai được cấp một căn nhà riêng diện tích độ 30 mét vuông nằm trong khu tập thể, tên gọi “Khu tập thể đường sắt Khâm Thiên Hà Nội”. Nhà cô tôi, không chung chạ như nhà anh chị Vĩnh, nhưng giếng nước và nhà vệ sinh thì chung với nhiều nhà trong khu.
Hà Nội 1985 (Bettmann/Getty Images)
Dãy nhà xí gồm bốn căn cho khu tập thể nằm chính giữa một khu đất rộng. Gần đó có một giếng nước chung, cách nhà cô tôi khoảng 50 mét. Từ sáng sớm, tôi đã nghe tiếng lào xào của mọi người quanh giếng, kẻ múc nước gánh về, người giặt giũ, tắm rửa… Ì xèo cả lên. Tôi bước về hướng nhà vệ sinh. Trước mắt tôi, trên hành lang nhỏ dẫn vào nhà xí, phân đầy lối đi. Mùi khai thối nồng nặc. Nhà xí này “văn minh” hơn, đúc bằng xi măng, ngồi xổm. Tôi nhìn qua cả bốn nhà xí. Không cái nào khá hơn. Tôi bịt mũi, nhắm mắt… Chao ôi, không thể tả nổi, thế giới đại đồng là đây sao?
Nhà cô tôi diện tích không lớn, nhưng để thực thi chính sách “lao động là vinh quang” và để thêm thu nhập, cô còn nuôi heo. Hai con heo trong chuồng gần sát giường tôi và cô nằm (khi tôi tới, chồng cô… di cư nơi khác, sáng mới về; như anh chị Vĩnh vậy – anh chị phải gởi đứa con duy nhất về nhà ông bà nội, ngoại). Con heo ụt ịt cả ngày lẫn đêm. May mắn là cô tôi tắm rửa heo và chuồng sạch sẽ nên không nghe mùi hôi lắm. Tuy nhiên, tiếng ụt ịt của heo thì chẳng bao giờ ngưng. Tôi thiếp đi trong “tiếng ru” của nó, và lại hãi hùng khi nghĩ về cái “thế giới đại đồng” mà tôi cũng như người miền Nam sắp đón nhận!
Ai “giải phóng” ai?
Niềm háo hức khi sắp ra Hà Nội là được ngắm “36 phố phường” của Thạch Lam với những quán ăn mệnh danh “đệ nhất Bắc Hà” mà Thạch Lam khẳng định… xém là đệ nhất Đông Dương; và những cô gái Hà Thành thanh lịch… Nhưng trước mắt tôi, quán ăn đâu không thấy, chỉ toàn những căn nhà nhỏ hẹp tối tăm nhiều năm không sơn phết. Rồi vài tiệm tạp hóa bán lèo tèo vài thứ gia dụng. Người đẹp Hà Thành cũng chẳng thấy đâu. Không có cảnh “Dập dìu tài tử giai nhân. Ngựa xe như nước áo quần như nêm”. Trên đường toàn xe đạp, lâu lâu mới thấy vài chiếc Honda được mang từ Nam ra. Nam thanh nữ tú đâu cả rồi? Sao vắng bóng?
Đến năm 1991 thì Hà Nội bắt đầu xuất hiện nhiều xe gắn máy (Ảnh: Vittoriano Rastelli/CORBIS/Corbis via Getty Images)
Trước mắt tôi, tất cả, là những chiếc áo cộc (tập thể mà!) màu trắng hay xanh lơ, cổ bẻ, với quần vải đen. Hầu hết các cô đều thắt bím. Không một ai mặc áo dài (áo dài như trong Nam, với hai tà áo “dư thừa”, đã bị kết án là phí phạm, là tư sản). Đã thế, sự dinh dưỡng không đầy đủ, còn phải “lao động vinh quang”, nên chiều cao đa số rất khiêm nhường.
Đến năm 1995 thì phố xá Hà Nội bắt đầu ngập quạt máy, thứ hàng điện tử gia dụng có mặt ở Sài Gòn nhiều thập niên trước (Ảnh: Wenzel-Orf/ullstein bild via Getty Images)
Một ngày, khi dạo phố, gặp người ngoại quốc, anh họ tôi nhắc: “Đừng đến gần họ, sẽ bị qui là CIA, công an đến còng ngay đấy”. Anh nói thêm: “Ra đây, muốn yên thân, câm mồm là thượng sách”. Trên đường trở về Nam, chị Nga thủ thỉ với tôi: “Thiên đường Cộng sản là vậy sao? Đời sống như thế mà… ‘giải phóng’ miền Nam trù phú nghe sao nghịch lý quá! Đúng là một cuộc chiến ‘chén kiểu đụng chén sành’! Thà trong Nam tụi mình cứ để ‘Mỹ Ngụy kềm kẹp”.
Ngày nay, sau gần 50 năm, thực tế càng chứng minh rõ hơn bao giờ hết. 30/4 chẳng là ngày “giải phóng miền Nam” gì cả. Gần nửa thế kỷ nay, người Bắc vẫn vào miền Nam chứ chẳng “ma” nào trong Nam muốn ra xây dựng sự nghiệp và tìm kiếm cơ hội “đổi đời” ở đất Bắc. Không chỉ vậy, bọn con ông cháu cha bây giờ thèm được Mỹ “kềm kẹp” hơn bất kỳ ai khác. Gần 50 năm qua, miền Nam VNCH đã dạy miền Bắc XHCN vô số bài học. Gần nửa thế kỷ qua, miền Nam đã giải phóng miền Bắc hoàn toàn ra khỏi cuộc sống tối tăm…
TTNH
Theo SGN News ngày 24 tháng 4, 2022
Be the first to comment