‘Tình Thư Của Lính,’ Nhạc Tình Mùa Chinh Chiến Của Trần Thiện Thanh

Bản nhạc “Tình Thư Của Lính” của Trần Thiện Thanh (Anh Chương & Trần Thiện Thanh Tâm). (Hình: Tài liệu)

SANTA ANA, California (NV) – “Tình Thư Của Lính” do chính nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác nhưng lấy bút danh là Anh Chương và Trần Thiện Thanh Tâm, nguyên là tên của một người con và một người em của tác giả.

Có thể nói rằng đây là một trong những bản “nhạc lính” đa tình và lãng mạn nhất trong kho tàng “nhạc lính” của Miền Nam Tự Do từ thập niên 1950 cho tới tới thập niên 1970. Bởi vì cuộc Chiến Tranh Việt Nam khốc liệt trên quê hương cứ kéo dài gần như vô tận, người lính Cộng Hòa đóng quân nơi các tiền đồn heo hút hoặc đang hành quân diệt thù chốn xa xăm rất hiếm khi có được ngày phép về thăm gia đình và thăm lại những “người yêu của lính” nơi hậu phương.

“Tình Thư Của Lính” ra đời chính là nhịp cầu yêu thương thiết yếu, nối liền những cuộc tình đầy trắc trở, cách ngăn nhưng cũng rất lãng mạn, thiết tha của các anh chiến binh nơi tiền tuyến gởi về nơi quê nhà xa xôi ấy cho những người yêu bé nhỏ hay mơ, mà anh thì cứ vắng nhà hoài làm lòng em thấy nhớ.

Từ khi anh thôi học, và từ khi anh thích áo treilli. Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây. Ngại trăng đêm di hành và thường khi dừng bước giữa hoang vu. Một thằng ước ao… để một thằng khát khao, còn mình thì nằm đếm sao.”

Như em biết đó, chính màu áo trận của các anh chiến sĩ hiên ngang ngoài trận tuyến đã thúc giục anh xếp bút nghiên theo việc đao binh. Đã ba năm qua rồi trong đời quân ngũ, với cả ngàn đêm chợt nghe quyện nhớ nhung về người em gái nhỏ thành đô. Những người lính chiến như anh vẫn thường e ngại ánh trăng sáng trong đêm di hành và ngại luôn cả những khi dừng bước giữa chốn hoang vu, để rồi cõi lòng trống vắng của mình tràn ngập những nhớ thương, mơ ước ngày gặp lại em yêu. Và em ơi, anh nhớ ngày xưa chúng mình thường bên nhau nhìn sao rơi.

“Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ưa tắm đáy sông thơ. Nhiều ‘tên’ trong đơn vị gọi đùa anh ‘chiến sĩ của mộng mơ.’ Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung. Một thằng nhớ ‘em’… để một thằng nhớ thêm… một thằng tìm hình lấy xem.”

Đồn anh đóng bên bờ một con sông luôn gợi nhớ biết bao kỷ niệm xa xưa của chúng mình, nhất là khi ngồi nhìn cảnh hoàng hôn rơi xuống đáy dòng sông thơ mộng này. Những khi vừa xong phiên gác chiều, tụi anh thường rủ nhau ra bờ sông, thơ thẩn một hồi rồi dường như đứa nào cũng nhớ về người em gái hậu phương, rồi cố lục lọi trong túi để tìm lại chút kỷ niệm của ngày nao em đến chơi tặng anh một chiếc hình, ghi nhớ ngày chúng mình vừa quen nhau.

“Thư của Lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em. Thư của Lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình. Thư của Lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay. Nhưng thư của Lính… ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.”

Từ chốn xa xăm, anh đang viết thư cho người yêu bé nhỏ của anh đây. Nhưng xin em biết cho rằng thư của anh chỉ chuyên chở tấm lòng chân thật chứ không màu mè như màu xanh biển trời trong một ngày xinh rất xinh đâu nhé. Đây cũng không phải là cánh thư ướp hoa rừng thơm ngát, với nét bút đa tình, lả lơi của một chàng thư sinh gối mộng ôm chồng sách đâu mà được viết bằng mấy dòng chữ không ngay hàng thẳng lối, kê trên chiếc ba lô đơn sơ giữa rừng cây với lòng nhung nhớ dâng tràn về người em yêu nơi chốn cũ.

“Chiều hôm kia thăm làng, tiểu đội anh ra đứng gác ven ranh. Một cô đi trên đường… đẹp tựa như em khóc lúc giận anh. Để cho anh nghe thèm, đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh. Thèm một nét môi, một lần về phép thôi, và mình thì lại có đôi.”

Để anh kể em nghe, chiều hôm qua, lúc hành quân qua một ngôi làng, tụi anh đang chia nhau ra đứng gác tại vòng đai an ninh thì bắt gặp một thiếu nữ xinh đẹp đang đi trên đường, với vẻ đẹp giống y như lúc em đang giận khóc mà anh lại vụng về quên lau mắt Thu mưa đó em. Ôi! Không hiểu sao lúc ấy anh lại thấy thèm đôi vành môi thơm ngát hương đời của em quá đi, rồi đâm ra ước mơ tới ngày mình được về phép, để đôi mình lại có nhau, và tay chinh nhân đan năm ngón tay mềm khi đôi mình cùng dạo phố.

“Thư của Lính, thư không được dài như mong nhớ đâu em! Thư của Lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ… hôn em.”

Thôi nhé em, đừng buồn làm gì khi lá thư người lính chiến không viết được dài như em hằng mong ước những khi nhận thư anh. À, tí nữa thì quên, anh có viết thêm hai chữ “hôn em” thật to nơi cuối lá tình thư của lính dành cho em đó…

* * *

Trần Thiện Thanh sáng tác nhạc phẩm “Tình Thư Của Lính” vào đầu năm 1968, ngay trong biến cố Tết Mậu Thân khi quân Cộng Sản bất ngờ mở cuộc “tổng tấn công, tổng nổi dậy” trên khắp bốn Vùng Chiến Thuật của miền Nam Việt Nam, ngay vào những ngày Tết Nguyên Đán thiêng liêng của dân tộc, với mưu đồ giành chiến thắng sau cùng trong cuộc Chiến Tranh Việt Nam kéo dài từ cả thập niên rồi.

Nhưng trước sức chống trả mãnh liệt của liên quân Việt-Mỹ trên khắp các chiến trường gai lửa từ Huế đến Sài Gòn, Cộng Quân đành phải rút khỏi các đô thị và tỉnh lỵ mà họ đã chiếm được nhân lúc các đơn vị Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đang tạm ngưng các cuộc hành quân để tuân thủ lệnh hưu chiến nhân dịp Tết Nguyên Đán như thông lệ từ những năm trước đây, để rồi chiến tranh từ đó lại tiếp diễn ngày càng khốc liệt hơn.

Trong suốt cuộc Chiến Tranh Việt Nam, ngoài những bản nhạc mang tính chiến đấu, cả hai miền Nam và Bắc Việt Nam đều có những bản nhạc tình và “nhạc lính” để xoa dịu bớt đi những căng thẳng của người lính trong cuộc tương sát không khoan nhượng mà Thần Chiến Tranh đã định đặt. Một bên thì quyết tâm giành lấy quyền cai trị toàn bộ đất nước Việt Nam dưới chiếu bài “giải phóng dân tộc,” và bên kia thì chỉ thực hiện cuộc chiến tranh tự vệ để bảo vệ lãnh thổ và quyền tự do, dân chủ của mảnh đất phương Nam, theo như các điều khoản của Hiệp Định Geneva 1954 đã quy định.

Nhưng các tác phẩm thuộc loại nhạc tình và “nhạc lính” của miền Bắc Cộng Sản, tính ra, thì lại khá nghèo nàn so với các ca khúc tình cảm của đời thường và đời linh tại miền Nam Việt Nam, có lẽ vì xã hội Cộng Sản thường khô khan tình cảm, chỉ biết đi đánh chiếm miền Nam mà thôi; đồng thời các nhà lãnh đạo miền Bắc không hề coi trọng tình cảm con người mà chỉ biết quyết tâm giành lấy độc quyền cai trị đất nước vào tay đảng Cộng Sản.

Bồ câu đưa thư. (Minh họa: Gordon Johnson/Pixabay)

Trong khi đó, “nhạc lính” của Miền Nam Tự Do thì hết sức phong phú, với hàng chục tác giả và hàng trăm bài hát chứ không phải chỉ riêng bản “Tình Thư Của Lính” của Trần Thiện Thanh. Phải nói rằng, ngoài giai điệu nồng nàn, tình tứ, lời ca trong “Tình Thư Của Lính” lúc nào cũng bay bướm và tràn ngập những tình người, tình lính, cùng tình yêu đôi lứa, dù giữa cảnh chiến tranh, máu lửa ngập tràn: “Một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây,” “hoàng hôn ưa tắm đáy sông thơ,” “chiến sĩ của mộng mơ,” “thư của Lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em,” “nhưng thư của Lính ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy,” “đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh,” “thèm một nét môi”…

Điều lý thú là, vì “nhạc lính” của Trần Thiện Thanh quá lả lướt, quá tình tứ, và quá mùi mẩn, nên nhiều quân trường và đơn vị quân đội của Cộng Sản Việt Nam tại miền Nam vào giai đoạn sau năm 1975, và đặc biệt là vào thời kỳ chiến tranh biên giới Việt Nam-Cambodia (1978-1989), vẫn không ngớt vang lên những câu hát nghêu ngao từ ca khúc “Tình Thư Của Lính” trong những lúc rảnh rỗi hay những phút nghỉ “giải lao” của những anh bộ đội trẻ. Hẳn là vì các anh chàng này vừa mới có chút tình yêu đâu đó ngoài đời thì bị kêu đi “nghĩa vụ!”

Vann Phan
Theo Người Việt online ngày 16/4/2022

* * *

Nhạc phẩm “Tình Thư Của Lính” của Trần Thiện Thanh
(Anh Chương & Trần Thiện Thanh Tâm)

Từ khi anh thôi học, và từ khi anh thích áo treilli.
Từ khi anh xa nhà, một ngàn đêm nhung nhớ giữa trời mây.
Ngại trăng đêm di hành và thường khi dừng bước giữa hoang vu.
Một thằng ước ao… để một thằng khát khao, còn mình thì nằm đếm sao.

Đồn anh bên sông cạn, và hoàng hôn ưa tắm đáy sông thơ.
Nhiều “tên” trong đơn vị gọi đùa anh “chiến sĩ của mộng mơ.”
Thường khi hai ba thằng, chiều chiều ra bờ vắng ngắm mông lung.
Một thằng nhớ “em”… để một thằng nhớ thêm… một thằng tìm hình lấy xem.

Đ.K.:
Thư của Lính không xanh màu trời như mơ ước đâu em.
Thư của Lính không thơm nồng hương, không nét hoa đa tình.
Thư của Lính ba lô làm bàn nên nét chữ không ngay.
Nhưng thư của Lính… ghi giữa rừng cây khi nhớ em thật đầy.

Chiều hôm kia thăm làng, tiểu đội anh ra đứng gác ven ranh.
Một cô đi trên đường… đẹp tựa như em khóc lúc giận anh.
Để cho anh nghe thèm, đường chiều xưa ngời sáng áo em xanh.
Thèm một nét môi, một lần về phép thôi, và mình thì lại có đôi.

Thư của Lính, thư không được dài như mong nhớ đâu em!
Thư của Lính chấm dứt ở đây, sau khi đề thêm hai chữ… hôn em.

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*