Bần là một loại cây ngập mặn, có thể cao đến 20 thước và đường kính đến 5 tấc. Bần mọc trên các bãi bùn, thủy triều lên xuống, nước lớn nước ròng. Cây bần làm củi bán cho lò đường. Trái bần hái về cho má nấu canh chua. Rễ dùng làm nút chai, gọi là “cặc bần”.
Hồi nhỏ, tui thấy ở hai đầu cù lao Rồng, ngang thị xã Mỹ Tho bần nhiều lắm. Mấy lần đi chơi với em yêu, lúc còn mèo chuột, tui kêu em ghé xuồng vô, hái bần chín, chấm muối ớt ăn chơi. Em lè lưỡi. Cắm đầu vô, ong bần nó quánh hai đứa mình thấy mẹ.
Còn mận Trung Lương có mận hồng đào sọc, hồng đào đá (Bắc gọi là roi).
Mận Hồng Ðào trồng nhiều nhất ở miệt Ðạo Thạnh, Trung An, gần bến đò Nhà Thiếc, ngã ba Trung Lương, cách chợ Mỹ Tho chừng 5 cây số.
Mận hồng đào sọc thì trái tròn, có sọc trắng hồng chạy dài từ cuống đến đít trái mận. Rỗng ruột. Mận hồng đào đá cứng nên gọi là đá, da hồng. Cả hai loại mận này ăn đều giòn, ngọt, không chua. Lấy tay tách trái mận ra làm hai, chấm nước mắm đường có vài lát ớt sừng trâu cay cay nhai rốp rốp thì ngon bá chấy bù chét.
o O o
Tại sao ngang xương mà tui lại nhắc tới cây bần và trái mận quê mình chi vậy? Chẳng qua tui vốn thiệt tên Bần và em yêu của tui tên Mận. Tên hai vợ chồng tui dẫu có vẻ quê mùa như vậy nhưng cũng ướt đẫm dầm dề văn học lắm đó nhe.
Nhớ mùa Hè đỏ lửa, năm 1972, đi lính ra trường, tui chọn về Mỹ Tho để gần nguyên quán. Tiểu khu Ðịnh Tường kêu tui về đại đội 402 ông Ðịa (Phương Quân) biệt lập, thuộc Chi khu Sầm Giang, đóng tại xã Vĩnh Kim.
Ðại đội tui hay lội qua Hốc Ðùn, từ ngã ba Trung Lương nhìn qua sông Bảo Ðịnh để bảo vệ Quốc lộ 4.
Mà nói tới Trung Lương có thể bà con cả miền Nam mình ai cũng đều biết mận Trung Lương. Dà, em yêu của tui được tía em đặt tên là Mận là vậy đó.
Sau nầy, em thường hay càm ràm sao tía em đặt tên em là Mận? Nó quê mùa quá đỗi. Mận Hồng Ðào thì bỏ chữ mận đi, lấy Hồng Ðào đặt tên cho em. Biết đâu chừng em nổi tiếng không thua gì diễn viên Hồng Ðào bên Mỹ đâu nhe.
Tên Mận, quê mình, mà chê cái gì chớ! Như anh, nhà ở đầu cù lao Rồng, nên tía anh đặt tên Bần. Anh rất thích em tên Mận. Tại vì Mận nó ngon. Cắn nó đã chớ sao!
Mận Hồng Ðào có màu da hồng nhạt, có sọc dưa giống da em nè. Mận hình tròn, có nhiều trái bề ngang lại lớn hơn cả bề dài. Giống tướng em nè!
Ôi nhớ tình xưa, một thời dắt lính lội ngang nhà em. Sao nghe đứa nào hát ru con thiệt là mùi, như nhắn gởi với tay chuẩn úy sữa mới ra trường vầy cà?
“Ầu ơ… bánh canh trắng, cọng vắn cọng dài.
Bánh tằm xe, cọng dài cọng vắn
Xứ Mỹ Tho gạo trắng nước trong
Gái Mỹ Tho tuy dang nắng.
(Mà) má vẫn hồng như điểm phấn tô son.
Anh ơi, muốn chơi hoa thì kiếm gái Sài Gòn.
Còn (như) muốn tìm người vợ hiền dâu thảo
Thì anh hãy xuống miệt vườn Trung Lương…”
Ngó vô nhà thấy có một đứa còn kẹp tóc, ngồi đưa võng ru con. Thằng “tà lọt” bỏ nhỏ: “Ông Thầy, con Mận ru em nó đó. Không phải ru con đâu. Nó chưa chồng. Em tính xáp vô mà nó chê em dốt. Tía Mận làm hương sư, là thầy giáo làng đó. Con gái khoái quan chê lính. Chắc nó chịu đèn ông Thầy rồi. Ủi tới đi ông Thầy. Chắc ăn như ăn Mận. Em de ra nhường cho ông Thầy ủi vô. Hu hu! Ðể em dắt ông Thầy đi mua mận. Xong, ông Thầy kiếm cớ ngồi đàm đạo, tụi em rút ra ngoài canh chừng Việt Cộng”.
Nghe xúi bậy, tui cũng khoái; bèn y như kế mà làm.
Em Mận hái cho thằng đệ tử của tui một giỏ mận đầy nhóc; nó vác ra vườn ngồi chung với mấy đứa khác, ăn mận chấm nước mắm đường có giằm ớt hiểm. Miệng nhai nghe rốp rốp.
Còn trong nhà, tui và em Mận đàm luận chuyện văn chương. Hi hi! Mới quen, tình lính tính liền… đâu có tiện hè.
Tui mới ướm em vầy:
“Chim buồn tình, chim bay về núi.
Cá buồn tình, cá lủi xuống sông.
Anh buồn tình, anh dạo chốn non bồng.
Dạo miền sơn cước, xuống chốn ruộng đồng mới gặp em”
Thưa bà con, con trai yêu bằng con mắt. Con gái yêu bằng cái lỗ tai. Em Mận cũng không là ngoại lệ. Nghe tui tán có kinh có kệ… nên em có vẻ chịu đèn.
Nên Mận “nổ” lại rằng:
“Sông Cửu Long chín cửa, hai dòng.
Người thương em vô số, nhưng chỉ một lòng với anh”
Tình đang nồng thắm được vài tháng thì sập tiệm. Lúc đó tui đang đóng đồn ở xã Hữu Ðạo, quận Long Ðịnh. Ðại đội tui hổng chịu đầu hàng (vì hồi đó tới giờ chưa làm bao giờ nên hổng biết). Cho dù Dương Văn Minh đã lên Ðài phát thanh Sài Gòn kêu buông súng để bàn giao. Buông súng nó bắn mình sao? Tụi du kích địa phương nói đại đội của tui ngoan cố. Nên lính thì nó thả hết cho về; còn có hai thằng sĩ quan là tui với một tay chuẩn úy đàn anh làm đại đội trưởng, tụi nó dắt tuốt vô trong bưng nhốt để cải tạo. Ba tháng sau mới thả tui về lại Mỹ Tho.
Tui buồn như dế kêu vì thua tụi nó. Tủi thân phận mình, tui hổng muốn gặp lại người nào nữa kể cả Mận. Xưa mình là quan. Giờ là tù mới về.
Thì nhận được thơ Mận viết vầy:
“Cúc mọc dưới sông sông kêu rằng cúc thủy.
Sài Gòn xa, chợ Mỹ không xa.
Gởi thơ thăm hết mọi nhà.
Trước thăm phụ mẫu sau là thăm anh”
Tui vẫn còn biết Mận tưởng tới tình tui; nhưng nghĩ phận mình giờ trụi lủi, tương lai không còn gì nữa; nên tui tính gài số de. Vì ủi tới người ta, nhứt là tía má em không chịu gả thì tội nghiệp cho mặt mũi tía má tui!
Giờ thời thế đã đổi thay, ông xuống làm thằng; thằng lại lên ông. Nên tui thoái thác là:
“Sông kia bên lở bên bồi.
Một con cá lội mấy người buông câu”
Nhưng em vẫn ngoan cố tình ta:
“Phượng hoàng đậu nhánh vông nem
Phải dè năm ngoái (anh) cưới em cho rồi”
Nhưng giờ cũng chưa có muộn nếu Bần muốn. Cứ dắt tía má Bần xuống nói một tiếng cho phải lễ. Phần còn lại để Mận lo. Thôi thì Mận không tham phú phụ bần… thì Bần sẽ lấn tới vậy.
Ngày coi mắt, bà con chòm xóm của Mận đông như ruồi. Trong đó có một thằng Hai Mít (hồi trước trốn lính) giờ được làm chủ tịch Hội nông dân Xã, ra vẻ hương chức, hội tề của cách mạng.
Chắc thằng Hai Mít nầy cũng thèm ăn Mận của tui, nên nó cà khịa với tui rằng: “Nghe nói chuẩn úy Bần là người có ăn học. Tui là nông dân, làm ruộng nên ít học (làm ruộng, đâu phải ai cũng ít học đâu. Tại thằng Hai Mít nầy nó làm biếng học). Tui, tức thằng Hai Mít xin ra câu đối như vầy:
“Sóng vỗ c… bần run bây bẩy”
Ý thằng Hai Mít muốn cười cái tên Bần của tui, lúc phải tuân lịnh Dương Văn Minh đầu hàng mà sợ đến run bây bẩy.
Hai Mít cố tình làm nhục tui, làm nhục sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa trước mặt Mận và bà con quyến thuộc của em đó mà.
Tui giận xanh râu luôn, bèn đối chan chát lại rằng:
“Sóng vỗ c… bần run bây bẩy
Gió đưa d… mít giẫy tê tê”
Bà con cô bác ai nấy cũng tấm tắc khen hay. Làm thằng Hai Mít quê quá, mặt xám lại rồi chuyển sang xanh chành như đít nhái vì sợ chữ của tui.
Chưa kịp làm đám cưới thì tía má tui kiếm được đường dây vượt biên. Tui hẹn Mận ra bến nước rồi cả hai xuống “taxi” ra thuyền lớn, dông luôn.
Bốn mươi lăm năm tình lận đận cùng Mận (Trung Lương)! Tháng Tư đen lại về.
“Lạc loài cách bến xa sông,
Gió Thu hiu hắt chạnh lòng cố hương”.
Tui nhớ tới câu đối ngày xưa, ngồi phè, nhâm nhi ly rượu whiskey, tui cười khè khè! Ai bảo là những chữ dùng nghe không được thanh tao là không có tánh văn chương đâu nè?
Đoàn Xuân Thu
Theo baotreonline.com
Be the first to comment