Nền dân chủ Mỹ và nước Mỹ đang lâm nguy và lâm nguy ở mức độ nghiêm trọng. (Hình minh họa từ thongluan.blogspot)
Mới đây, một ông Tây gốc Việt tị nạn đã có bài viết khá dài, nhận định về tình trạng chế độ dân chủ của Mỹ, đi đến kết luận là nền dân chủ của Mỹ lâm nguy rất nặng, đang dẫy chết!
Kết luận này khiến nhiều người hoang mang lo sợ, đặc biệt trước hành động thô bạo của tay độc tài Putin tại Ukraine. Câu hỏi là trước sự bộc phát của tham vọng độc tài này, Mỹ có chống cự được không? Nếu thể chế dân chủ Mỹ đang suy thoái và lâm nguy như bài viết khẳng định thì tương lai của thế giới tự do thật ảm đạm nếu không muốn nói bi đát.
Tuần này, ta bàn về bài viết này. Phải nhìn nhận bài viết có tính cách nghiên cứu, có vẻ có lý luận, không có tính chửi bới hạ cấp lung tung, thật ra nên đọc để biết ý kiến của tác giả, bất kể đồng ý hay không đồng ý. Riêng Vũ Linh này đã đọc đi đọc lại nhiều lần, rồi đi đến kết luận là… bài viết chẳng những chỉ phản ảnh quan điểm phe phái một chiều của tác giả mà còn chứng minh tác giả, giống như hầu hết các cụ tị nạn ‘nhiều chuyện’ bên Âu Châu, hiểu chính trị Mỹ rất lờ mờ tuy lại rất thích bàn.
Bài bình luận này của Vũ Linh không có mục đích công kích gì, chỉ có mục đích giúp mấy ông Âu Châu thích bàn chuyện nước Mỹ hiểu Mỹ rõ hơn trước khi họ công kích Mỹ theo luận điệu của báo chí thiên tả Tây Âu. Không hiểu tại sao, các cụ tị nạn bên Âu Châu, từ Pháp đến Đức tới Anh, luôn luôn thích xía vào bàn chính trị Mỹ dù chỉ hiểu chính trị Mỹ lờ mờ qua truyền thông thiên tả Âu Châu, đặc biệt thù ghét đảng CH Mỹ rất nặng, từ Nixon tới Reagan tới Bush con tới Trump, trong khi mê Kennedy, Carter, Clinton, Obama như điếu đổ. Bất cần biết chính sách đúng hay sai, cá nhân tổng thống giỏi hay dở, cứ DC là ô-kê, CH là không ngửi được.
Trước hết, xin phép được nói qua về bài viết và tác giả. Đó là bài “Nước Mỹ Lâm Nguy, Cải Tổ Hay Cách Mạng?” của ông Nguyễn Gia Kiểng đăng trên Thông Luận. Ô. NGK trước đây là sinh viên du học tại Paris, có bằng kỹ sư của một trong những trường lớn nổi tiếng của Pháp. Trong thời gian chiến tranh VN, ông thành lập nhóm Thông Luận, chủ trương kêu gọi hòa bình, chống chiến tranh, chống CSBV nhưng cũng chống VNCH luôn, theo phong trào khi đó gọi là ‘lực lượng thứ ba’ tuy nhóm này chẳng có gì đáng gọi là ‘lực lượng’ hết, vì chỉ gồm có vài ba anh sinh viên làm thầy bàn chính trị cuối tuần, tán gẫu qua vài ly rượu đỏ hay anis, chẳng có bao nhiêu hậu thuẫn ngay trong đám sinh viên du học, hay có một ‘đảng phái’ nào sau lưng.
Ông Kiểng năm 73 về VN làm việc trong chính quyền VNCH và hầu như chấm dứt mọi hoạt động chính trị, không chống VNCH nữa, sau đó kẹt lại với VC một thời gian, không chống VC nữa, rồi được cho qua Pháp, hiện sống ở Paris. Được yên thân, tự do nên hoạt động chính trị, chống lung tung lại, trong nhóm tự gọi là ‘Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên’, một tập hợp của một người cùng với vài ba người bạn đồng chí, không hơn gì nhóm Thông Luận. Ông NGK năm nay 80 tuổi.
——————-
Dưới đây là vài ý kiến chính của tác giả và lời bàn của VL. Phần chữ nghiêng là nguyên văn của tác giả, chữ thẳng là lời bàn của VL.
NGK: “Trước hết là định chế chính trị bệnh hoạn. Chế độ tổng thống tự nó đã không lành mạnh, cách bầu tổng thống bằng đại cử tri đoàn tại mỗi tiểu bang theo thể thức “được ăn cả” (winner takes all) còn gây chia rẽ và làm nẩy sinh nhiều nghịch lý. Thượng Viện có quá nhiều quyền lực và lạm dụng quyền lực đó để ngăn chặn ngay cả những điều đúng và cần thiết như những dự luật về bầu cử, dự luật an sinh xã hội, giáo dục và môi trường, hay việc bổ nhiệm những viên chức quan trọng. Thực là vô lý vì Thượng Viện Mỹ chỉ có rất ít tính chính đáng dân chủ, quá 2/3 số thượng nghị sĩ chỉ do 30% cử tri bầu ra. Hạ viện bầu lại hai năm một lần khiến các dân biểu vừa được bầu đã phải lo vận động tranh cử và vì thế luôn luôn lệ thuộc vào các nhà tài trợ. Rồi các trò gian lận hợp pháp như nói câu giờ (filibuster) và chắp vá đơn vị bầu cử (gerrymandering) v.v.”
VL: Ngay từ nhận định mở đầu đã cho thấy tác giả có hai điểm nổi bật: thứ nhất là người hiển nhiên không ưa Mỹ, có thành kiến với quan điểm bảo thủ, theo phe cấp tiến nhưng lại có tư tưởng độc tôn, và thứ nhì, có hiểu biết thô sơ hay sai lầm về nước Mỹ.
Ô. NGK mở màn bằng phán quyết nổ hơn kho đạn Long Bình về thể chế chính trị Mỹ: “định chế chính trị bệnh hoạn”, “chế độ tổng thống không lành mạnh”. Nghe khiếp đảm. Nước Mỹ nhờ thể chế dân chủ “bệnh hoạn” đó đã trở thành đại cường thống trị cả thế giới sau vỏn vẹn hơn 200 năm, thế thì ông kỹ sư NGK có ý kiến cao siêu nào đề nghị cho các nhà lập pháp Mỹ thay vì chê bai quá dễ? Thế thì theo ô. NGK, định chế chính trị nào mới là không bệnh hoạn, là lành mạnh? Định chế đa đảng đa nguyên như ô. NGK mong muốn, kiểu Bỉ là xứ ‘lành mạnh’ không có tổng thống, nhưng trong cả năm trời đã không có được thủ tướng vì tranh dành phe đảng? Hay Pháp là xứ quái dị có cả tổng thống lẫn thủ tướng, nhưng không có phó tổng thống, và người có quyền thay thế tổng thống lại là ông chủ tịch thượng viện hoàn toàn vô danh cả nước chẳng biết là ai, cũng chẳng hiểu ai bầu? Hay Anh Quốc là xứ có thủ tướng nhưng lại được cầm đầu bằng một gia đình hoàng tộc, sanh ra đã là vua chúa, không cần biết khả năng lãnh đạo hay tư cách đạo đức của hoàng tộc hay công trạng gì với đất nước? Hay Nga là xứ hai ông tổng thống và thủ tướng thay phiên nhau giữ hai chức trong cả hai chục năm trời? Hay Trung Cộng khi chủ tịch một đảng do một tá lãnh đạo ‘bầu’, cũng là chủ tịch cả nước, với quyền sinh sát tuyệt đối? Hay Bắc Hàn với chức ‘chủ tịch’ cha truyền con nối đã ba đời?
Về thủ tục “winner takes all gây chia rẽ và tạo nghịch lý”, thủ tục ‘winner take all’ là nền tảng của tất cả các thể chế gọi là ‘dân chủ’ trên thế giới từ ngày có thể chế dân chủ Hy Lạp, sao lại là nghịch lý? Tổng thống Pháp cũng đắc cử theo kiểu ‘winner takes all’ thôi. Tất cả các chức vụ được bầu trên thế giới cũng phải theo nguyên tắc ‘winner takes all’ hết. Ô. NGK nếu có được ‘bầu’ làm chủ tịch Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên thì có lẽ cũng đã thắng trên nguyên tắc ‘winner takes all’, trừ phi ông tự phong, chẳng ai bầu? Chứ chẳng lẽ mỗi tổ chức, hay cụ thể hơn trong trường hợp đang bàn, mỗi tiểu bang lại có hai ba hay thậm chí bốn năm ‘tổng thống’, mỗi ông có tiếng nói trong cử tri đoàn dựa trên tỷ lệ phiếu bầu?
Mặc dù có hình thức ‘winner take all’ để đại diện cho tiểu bang, nhưng mỗi tiểu bang cũng được chia phiếu cử tri đoàn theo dân số của tiểu bang, do đó, Cali có 55 phiếu trong khi Wyoming có 3 phiếu. Thắng 1 Cali tương đương với thắng 18 Wyoming! Chưa đủ tính cách đại diện sao? Nên nhớ Mỹ là một liên bang của 50 ‘nước’, và nếu nhìn vào các tổ chức liên hiệp, chẳng hạn như Liên Hiệp Quốc, thì sẽ thấy tính dân chủ cao của Mỹ, chấp nhận tiếng nói lớn của các tiểu bang lớn và đông dân, nhưng cũng rất tôn trọng tiếng nói của những tiểu bang nhỏ hay ít dân. Trong LHQ, Trung Cộng với một tỷ rưỡi dân có đúng một phiếu, ngang hàng với Vanuatu cũng một phiếu với vỏn vẹn 12.000 dân. Mỹ là liên bang, dân chủ hơn xa LHQ, phải không?
Ô. NGK viết những dự luật về bầu cử, an sinh xã hội, giáo dục và môi trường, luôn cả BBB mà đảng DC vừa đưa ra, là “những điều đúng và cần thiết”, cho thấy ông NGK có tư tưởng độc tôn và độc tài, tự cho những gì mình thấy đúng một cách chủ quan tất nhiên phải đúng một cách khách quan vô điều kiện, coi như chuyện đương nhiên “đúng và cần thiết”. Trong chính trị, thế nào là “đúng và cần thiết”? Xin ô. NGK vui lòng viết rõ hơn “đúng và cần thiết” ở những điểm nào, kẻ này sẽ hầu chuyện ông.
Về việc “thượng viện có quá nhiều quyền lực”, xin thưa ngay quyền lực lớn trao cho thượng viện, đó chính là nền tảng căn bản của thể chế dân chủ Mỹ, dựa trên nguyên tắc ‘tam quyền phân lập’. Nếu như thượng viện yếu sìu, chẳng có quyền gì, chỉ làm chậu kiểng (xin lỗi ô. NGKiểng!) hay làm ‘rubber stamp’ (con dấu cao su) như dân Mỹ thường nói, thì dĩ nhiên sẽ đưa đến tình trạng quốc hội bù nhìn như trong các chế độ CS, là chuyện các Cha Già Lập Quốc Mỹ không chấp nhận. Ở đây, kẻ này sống bên Mỹ, mù tịt về chuyện chính trị Âu Châu, dám hỏi ô. NGK chứ cái thượng viện của Pháp với con số khổng lồ 348 nghị sĩ, họ làm những việc gì mỗi ngày vậy? Có quyền hành tới đâu? Nếu ít quyền hơn thượng viện Mỹ thì sao cần nhiều người thế? Ai bầu và biểu quyết ra sao? Thay vì ô. NGK bỏ thời giờ chỉ trích Mỹ, nếu ông giải thích cho dân tị nạn bên Mỹ cái hay, cái tuyệt của thể chế chính trị Pháp thì hữu ích hơn nhiều.
Chuyện dân biểu hạ viện có nhiệm kỳ rất ngắn, có 2 năm, không sai. Tuy nhiên, trên thực tế hầu hết các dân biểu luôn được bầu trở lại trừ phi quá tệ, như bà Pelosi đã là dân biểu từ 1987, cách đây 35 năm, đã được bầu lại tới 13 lần. Trong chế độ đại nghị Âu Châu, các dân biểu có nhiệm kỳ lâu hơn, 4-5 năm, nhưng quốc hội lại có thể bị tổng thống giải tán bất cứ lúc nào, tùy theo nhu cầu chính trị của tổng thống cầm quyền, có thể đưa đến tình trạng bất ổn chính trị trầm trọng, trong khi tổng thống Mỹ không có quyền giải tán quốc hội, bất kể bị chống đối mạnh đến đâu cũng phải chịu.
Sau đệ nhị thế chiến chẳng hạn, các nước như Pháp và Ý, thay đổi quốc hội và thủ tướng như chong chóng, vài tháng một lần. Đã vậy, chế độ đại nghị có cả chục đảng lớn nhỏ, với guồng máy chính trị chạy trên những đổi chác, chia sẻ quyền hành vớ vẫn, khét lẹt mùi thông đồng chính trị. Tiêu biểu là chuyện cách đây không lâu, một ông chính khách Đức gốc Việt, xếp của một đảng muỗi, bất thình lình vì nhu cầu tìm đủ túc số trên 50% của bà Merkel, được làm phó thủ tướng cho bà Merkel, hoàn toàn ngồi ngáp có vài năm thì mất job.
Những nhận định của ô. NGK về quốc hội Mỹ chứng tỏ ô. không hiểu gì nhiều về thể chế chính trị căn bản của Mỹ, đặc biệt là về các thủ tục filibuster và gerrymandering là những hình thức không có bên Pháp hay Âu Châu.
Tại sao ô. NGK dám chụp cái mũ “gian lận” lên các thủ tục fillibuster và gerrymandering? Ô. NGK viết cho độc giả VN tại Pháp, Mỹ và VN, tuyệt đại đa số không hiểu nhiều về chính trị Mỹ, nên phóng tay tố filibuster và gerrymandering là “trò gian lận” mà không hề giải thích gian lận chỗ nào. Hiển nhiên là có ý mập mờ. Hay đó là vì ông chẳng hiểu gì mà thích chỉ trích bừa?
‘Filibuster’ là hình thức dân chủ cao nhất mà nhân loại có thể nghĩ ra. Trên căn bản, thể chế dân chủ dựa trên nguyên tắc đa số thắng thiểu số, các quyết định đều lấy theo số phiếu của đa số. Hình thức dân chủ giản dị này có cái nguy là phe đa số có thể ‘lấy thịt đè người’ dùng đa số 50% + 1 phiếu để đàn áp, bịt miệng khối thiểu số. Filibuster là hình thức chống nạn gọi là ‘độc tài của đa số’, cho phép phe thiểu số có tiếng nói, có quyền lên tiếng bào chữa và bênh vực quan điểm của mình một cách tự do, không sợ bị bịt miệng. Tuy nhiên, không phải là quyền đó vô hạn. Filibuster chấm dứt khi có 60 thượng nghị sĩ biểu quyết đồng ý chấm dứt. Nghĩa là đòi hỏi một đa số thực tế là 60%, khó hơn đa số 50% + 1 phiếu, hay 51 phiếu trong thượng viện Mỹ. Thủ tục này áp dụng bất kể đảng nào nắm đa số, đảng nào trong thiểu số, vậy “gian lận” chỗ nào, xin ô. NGK giải thích giùm? [Filibuster chỉ có trong thượng viện]
‘Gerrymandering’ cũng là một hình thức dân chủ cao nhất, là thể thức phân chia khu vực bầu cử theo tình trạng dân số, thực tế là theo tỷ số dân theo chủng tộc, bảo đảm khối dân thiểu số luôn luôn có tiếng nói. Ví dụ cụ thể: trong nước Mỹ, là một nồi cháo lòng của đủ loại sắc dân từ khắp thế giới, luôn luôn các sắc dân sống theo khu vực chủng tộc, chẳng hạn có khu dân da đen, khu dân da nâu, khu dân Tầu, dân Hàn, dân Việt,… , phần lớn lọt thỏm trong khu đa số là dân da trắng, là khối dân chiếm gần ba phần tư dân Mỹ. Gerrymandering là hình thức bảo đảm khối dân thiểu số có tiếng nói, có đại diện dân cử. Không có gerrymandering sẽ rất ít hy vọng có sự hiện diện của các dân biểu đại diện cho các khối dân thiểu số như da đen, da nâu và cả da vàng. [Gerrymandering chỉ có trong hạ viện]
Nhờ hình thức này mà hạ viện Mỹ hiện nay đã có được 58 dân biểu da đen, trong số 435 tổng số dân biểu, tính theo tỷ lệ, dân biểu da đen ở Mỹ chiếm 13,3% hạ viện, so với số dân da đen là 12% dân Mỹ. Pháp không có hình thức ‘gerrymandering’, hạ viện có đúng 2 dân biểu da đen (bà Laetitia Avia gốc Togo, và bà Daniele Obono gốc Gabon, cả hai đều thuộc khu vực Paris) trong tổng số 577 dân biểu, tính theo tỷ lệ, dân da đen chiếm 8% tổng số dân Pháp nhưng chỉ có 0,3% ghế trong hạ viện.
Mỹ có gerrymandering, Pháp không có. Dân da màu có nhiều đại diện và tiếng nói lớn hơn tại xứ nào? Gerrymandering là “trò gian lận” ở điểm nào?
NGK: “Khoảng 0,02% những người giầu nhất tuyển lựa trước qua một “sơ bộ tiền” (money primary). Sau đó khối 99,98% cử tri Mỹ chỉ được bầu trong số những ứng cử viên đã được họ chọn trước…. Xã hội Mỹ ngày càng phân hóa“.
VL: Nhận định này tiêu biểu cho lập luận của các nhóm thiên tả, luôn luôn nhìn xã hội, tất cả xã hội bất cứ nơi nào, nhất là xã hội Mỹ, đều là loại xã hội do đồng tiền tư bản thống trị. Lập luận đường mòn cũ mèm cả thế giới đã nghe do phe CS tung ra từ thời chiến tranh lạnh từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, chẳng phải là sáng kiến mới mẻ gì của ô. NGK. Hiểu theo ô. NGK thì xã hội Mỹ càng ngày phân hóa theo giai cấp giàu nghèo, một bên là 0,02% nhà giàu, và bên kia là 99,98% người nghèo. Bỏ qua chi tiết không ai biết ô. NGK lấy những con số này từ đâu, xin ô. NGK cho biết chi tiết hơn về tính phân hóa giàu nghèo này: đã có hậu quả tốt hay tai hại cụ thể nào cho Mỹ? Vì cá nhân kẻ này không nhìn thấy cái phân hóa, đấu tranh giai cấp giàu nghèo khủng khiếp đó tuy đã sống ở Mỹ gần nửa thế kỷ.
Về cái “money primary”, nhìn vào cuộc tranh cử tổng thống trong nội bộ đảng DC Mỹ năm 2020 vừa qua, một trong những ứng cử viên ‘nghèo nhất’ là ông Buttigieg đã lọt vào ‘vòng chung kết’ với hai ba ứng cử viên cuối cùng trong khi các tỷ phú Bloomberg, Steyer là những người rớt đài đầu tiên. Cụ Biden đắc cử trong nội bộ đảng DC phần lớn do lá phiếu của dân da đen nghèo nhất trong các tiểu bang đông-nam Mỹ, chứ không ai nghĩ nhờ các đại tài phiệt Gates, Bezos,…
Ở một cấp thấp hơn, dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez đang nổi đình nổi đám, dù chỉ là một cô cựu bán bar, chứ không phải là đại tài phiệt gì hay được đại tài phiệt nào “chọn trước”.
NGK: “Khủng hoảng đạo đức chính trị. Người Mỹ ngày nay không còn thấy cần phân biệt phải trái, đúng sai. Chỉ còn phe ta và phe địch. Đây là tâm lý nội chiến. Không một dân biểu hay nghị sĩ Cộng Hòa nào bầu cho dự luật Build Back Better dù thừa biết nó không chỉ có lợi mà còn cần thiết cho nước Mỹ ; họ chống lại chỉ vì nó do một tổng thống Dân Chủ đưa ra. Chỉ có một hay hai dân biểu và nghị sĩ Cộng Hòa biểu quyết tán thành việc luận tội Donald Trump dù thừa biết ông ta có tội nặng chỉ vì Trump là một tổng thống Cộng Hòa. Hơn 200 đạo luật tại các bang Cộng Hòa nhằm giới hạn quyền bầu cử hoặc gây khó khăn cho cử tri đi bầu v.v. Ít nhất từ ba thập niên qua người Mỹ hình như đã quên rằng khi chính trị đã rời xa đạo đức thì nó mất hết giá trị và chỉ có thể dẫn tới thảm kịch“.
VL: Chính cách nhìn của ô. NGK mới là cách nhìn phe đảng, không phân biệt phải trái, đúng sai gì nữa. Ô. NGK phán chắc như đinh đóng cột “BBB không chỉ có lợi mà còn cần thiết”, hiển nhiên đây là quan điểm phe đảng cá nhân của ông, không phải là chân lý tuyệt đối. Bỏ qua quan điểm chủ quan một chiều của ô. NGK, việc dự luật Build Back Better thất bại là do chính đảng DC không ủng hộ 100%, rớt đài vì hai thượng nghị sĩ DC chống. Nói phe CH chống vì đó là dự luật của đảng DC là thiếu khách quan cũng như thiếu hiểu biết, không hiểu rõ tại sao BBB bị chống. Tại sao tất cả phe CH cùng nhất trí chống là mắc tội phe đảng, không còn biết đúng sai là gì trong khi tất cả phe DC cùng nhất trí ủng hộ thì lại không phải là mắc tội phe đảng? Tại sao không tố cáo việc tất cả các nghị sĩ DC ủng hộ BBB chỉ vì “nó do một tổng thống DC đưa ra”?
Nói TT Trump “có tội nặng” mà phe CH không chịu trừng trị vì là tổng thống CH chỉ là một bằng chứng cụ thể khác về tính phe đảng một chiều chủ quan của ô. NGK. Tại sao không nói “tất cả các nghị sĩ DC đồng ý buộc tội ông Trump chỉ vì ông là một tổng thống CH”?
Ô. NGK vẫn nói chắc như đinh đóng cột là TT Trump “có tội nặng“, xin hỏi ô. có thể viết rõ tội gì không, để tôi giải thích cho ông?
Về luật bầu cử, ô. NGK viết khơi khơi “200 đạo luật tại các bang Cộng Hòa nhằm giới hạn quyền bầu cử hoặc gây khó khăn cho cử tri đi bầu” mà không đưa ra chi tiết nào, khiến tôi thắc mắc không hiểu ô. NGK thực sự có hiểu gì về các luật bầu cử đó không, và có biết tại sao bất thình lình có tới nhiều luật được đẻ ra như vậy không.
Tính phe đảng của ô. NGK lộ rõ khi trong đoạn đầu, ô. NGK công kích phe CH ngăn cản việc thay đổi luật bầu cử của phe DC, nhưng trong đoạn này lại công kích thay đổi luật bầu cử của các tiểu bang CH. Nghĩa là theo ô. NGK, DC thay đổi luật là “đúng và cần thiết”, CH thay đổi luật là “gây khó khăn cho cử tri đi bầu”.
Trên căn bản, không phải là có “200 đạo luật” mà chỉ có sửa đổi luật bầu cử đã có của khoảng 20 tiểu bang thôi, ô. NGK phóng đại hơi quá. Các sửa đổi đó được ban hành để kiểm soát chặt chẽ hơn các cuộc bầu cử, chẳng hạn muốn bầu thì phải tới phòng phiếu, và nhất là khi đi bầu phải có giấy chứng nhận lý lịch, có hình ảnh, có tên tuổi và địa chỉ chính xác, hay muốn bầu bằng thư thì cần có lý do chính đáng, cũng cần phải thị thực chữ ký, có nhân chứng, và bầu trong thời hạn ấn định trong Hiến Pháp. Tất cả những điều đó dĩ nhiên giới hạn số cử tri, để không cho bầu gian lận, kiểu một người bầu hai ba lần, hay không phải công dân cũng bầu được. Ô. NGK là dân Tây, xin cho biết luật bầu cử của Pháp có đòi hỏi giấy lý lịch, đòi hỏi phải là công dân Pháp, có cho tự do bầu bằng thư không, và nếu bầu bằng thư, phải có thị thực chữ ký và nhân chứng không? Xin ô. NGK cho biết chi tiết để chúng tôi biết và so sánh với luật Mỹ, có được không? Cái tựa lớn của AP dưới đây về bầu tổng thống mới đây của Pháp ghi “cast in person”, có phải nghĩa là Pháp KHÔNG cho bầu bằng thư không? Đó có phải là hình thức “gây khó khăn cho cử tri đi bầu” không?
Ô. NGK viết “khi chính trị đã rời xa đạo đức thì nó mất hết giá trị và chỉ có thể dẫn tới thảm kịch”, khiến kẻ này vẫn không hiểu tác giả nói chuyện đạo đức gì ở đây? Chẳng lẽ ý tác giả muốn nói làm theo quan điểm của đảng DC là đạo đức, còn làm theo quan điểm của đảng CH là vô đạo đức sao? Định nghĩa độc tôn kiểu này thì quả là chế độ dân chủ đang lâm nguy thật rồi.
NGK: “Khủng hoảng về tinh thần dân tộc. Quốc gia trước hết là một dự án tương lai chung nhưng người Mỹ không còn muốn sống chung và chia sẻ với nhau một tương lai chung. Theo một số thăm dò gần 40% người Mỹ muốn nước Mỹ bể ra thành năm hoặc sáu nước khác nhau trong đó nguyện vọng của họ được thể hiện. Thật là kinh hoàng. Trên thế giới hiện nay có bao nhiêu dân tộc như vậy ? Nếu ta hỏi ngay cả một dân tộc xấu số đang phải chịu ách độc tài như dân tộc Việt Nam thì tỷ lệ này cũng chưa chắc tới 1%. Đây cũng là dịp để nhìn lại Giấc Mơ Hoa Kỳ, the American Dream, mà các tổng thống Mỹ thường nhắc tới một cách hãnh diện. Giấc mơ này thực ra không thơ mộng như nhiều người nghĩ vì quá khâm phục nước Mỹ. Nó chỉ là giấc mơ thành công cá nhân chứ không hề chứa đựng một hoài bảo phục vụ cho một lý tưởng cao đẹp nào. Giấc mơ Hoa Kỳ là giấc mơ làm giầu cho cá nhân mình và chính là nguyên nhân sâu xa của tinh thần cô lập ích kỷ America First cố hữu của nước Mỹ. Nhưng lần này tinh thần cô lập quay lại chia rẽ chính nước Mỹ bởi vì nó đang được thể hiện giữa các tiểu bang và giữa những thành phần xã hội Mỹ và đe dọa làm tan rã nước Mỹ“.
VL: Vẫn là ý kiến hết sức chủ quan của một người hiển nhiên có tư tưởng thiên tả. Không sai là nước Mỹ đặt nền tảng trên sự thành công cá nhân, đặc biệt là tin tưởng vào sáng tạo của cá nhân, đối nghịch với tư tưởng xã nghĩa, chủ trương xã hội là của cả cộng đồng, cá nhân nào cũng ích kỷ, do đó cần phải có một nhúm công chức sáng sách ô đi, chiều vác cặp về, lãnh lương đủ mua hai ổ bánh mì một ngày, nhưng đầy lòng nhân đạo bác ái, xả thân sống chết lo cho thiên hạ, bảo đảm quyền lợi chung. Bất kể việc xã nghĩa hay kinh tế chỉ huy đã đưa cả thế giới CS đến chỗ phá sản kinh tế và chính trị, cũng như đưa cả lô các nước xã nghĩa Âu Châu đến bờ phá sản, như Hy Lạp cách đây không lâu. Giấc mơ Mỹ – American Dream – chính là giấc mơ thành công cá nhân, chứ không phải giấc mơ thành công của cả cộng đồng. Dùng tiêu chuẩn thiên tả xã nghĩa để đánh giá Mỹ, tất nhiên là chỉ thấy cái sai của Mỹ thôi.
Nói tinh thần “America First là ích kỷ” là nói càn không thực tế. Tất cả các nhà lãnh đạo tất cả mọi nước đều được bầu lên để bảo vệ quyền lợi xứ mình trước tiên. Không có một nhà lãnh đạo nào được bầu lên để bảo đảm quyền lợi của một nước khác, ngoại trừ Lê Duẩn tự nhận có trách nhiệm đánh Mỹ vì quyền lợi của Nga Tầu.
So sánh tính ‘chia rẽ’ của Mỹ với tính ‘đoàn kết’ của CSVN (“… dân tộc Việt Nam thì tỷ lệ này cũng chưa chắc tới 1%...”) nghe thật tiếu lâm, có lẽ ô. NGK muốn nói đùa cho bài viết có tính nhẹ nhõm hơn.
NGK: “Và khủng hoảng về dân trí. … Việc người Mỹ có thể bầu một tổng thống thô lỗ, vô đạo đức và vô trách nhiệm với kiến thức chính trị sơ sài như Donald Trump và sau 4 năm vẫn còn 74 triệu người bầu cho ông ấy chứng tỏ dân trí Mỹ đã xuống rất thấp, thấp một cách bi đát“.
VL: Chỉ một câu viết này cũng đủ cho thấy ô. NGK bình loạn dưới lăng kính phe nào rồi. Phải suy nghĩ theo quan điểm của ô. NGK thì mới chứng tỏ dân trí cao, nghĩ khác là dân trí thấp đến mức bi đát! 74 triệu người bầu cho ông Trump, trong đó có cả triệu nhân sĩ, bác sĩ, tiến sĩ, học sĩ, lung tung sĩ, …. Bất cần biết, đều “dân trí thấp một cách bi đát” hết. Ô. NGK phải là người đánh giá cá nhân mình thật cao. Kẻ này đã viết không biết bao nhiêu lần trên diễn đàn này: cái tật bất trị của giới trí thức cấp tiến là mục hạ vô nhân, tất cả thiên hạ, bất cứ ai khác ý mình đều là ngu dốt hết. Ô. NGK là điển hình cụ thể của giới trí thức cao ngạo khinh người.
Lý luận theo kiểu ô. NGK, xin cho tôi hỏi “việc hơn 80 triệu người Mỹ bầu cho một cụ lẩm cẩm bên bờ vực alzheimer, nói nhầm, nói sai về mọi chuyện, chuyên lấy quyết định sai lầm (theo cựu bộ trưởng Quốc Phòng của nội các Obama-Biden), bất tài (gần nửa thế kỷ trong chính trường mà không để lại một dấu ấn nào, không có tên trong bất cứ một luật nào), vô đạo đức (lấy vợ bạn, bị cả chục bà tố sách nhiễu tình dục, ủng hộ việc con trai ‘an ủi’ chị dâu vừa góa chồng bằng cách cùng nhau lên giường), tham nhũng (khi làm PTT, bay qua Ukraine ép TT Ukraine phải cách chức công tố đang điều tra về công ty của ông con, chấp nhận cho con giao dịch bạc tỷ với chính quyền TC mà chẳng ai biết rõ hai cha con lãnh bao nhiêu tiền cửa sau),… như vậy dân trí của 80 triệu người đó cao hay thấp?
Ô. NGK nêu lên vài lý do đưa đến tình trạng dân chủ lâm nguy, trong đó lý do chính là sự phát huy của chủ nghĩa ông gọi là “tân phóng khoáng” neo-liberalism đưa đến tình trạng toàn cầu hóa trên thế giới, trong đó giới tài phiệt tư bản thống trị cả thế giới.
Một mâu thuẫn không thấy giải thích rõ ràng, mà vì trình độ ‘dân trí thấp tới mức bi đát”, tôi đã không hiểu rõ: ông Trump là người chống lại chủ trương toàn cầu hóa rất mạnh qua chính sách America First cũng như qua chủ trương các quốc gia cần thiết lập những quan hệ ngoại giao, an ninh và mậu dịch trên căn bản tay đôi lưỡng lợi thay vì hòa đồng trong những tổ chức quốc tế bao đồng trong chính sách toàn cầu hóa. Vậy nếu toàn cầu hóa khiến dân chủ lâm nguy, thì như vậy có thể hiểu là ông Trump bác bỏ toàn cầu hóa, nghĩa là ông đang cứu nguy thể chế dân chủ của Mỹ không?
Bài viết của ô. NGK khá dài, không thể bàn từng chi tiết hay từng ý kiến, nên tôi chỉ bàn qua vài ý chính thôi.
Theo ý kiến cá nhân, bài viết của ô. NGK không phải là một bài nhận định khách quan mà chỉ là một bản cáo trạng, truy tố ông Trump, đảng CH và khối bảo thủ Mỹ, nhìn từ góc độ Tây. Mà lại là một bản cáo trạng đầy sai lầm, chỉ chứng tỏ dân Âu Châu, nhất là đám Mít tị nạn, bị truyền thông thiên tả Âu Châu tẩy não khá kỹ, hiểu chính trị Mỹ một cách rất lờ mờ, mà vẫn thích bàn dza bàn dzô, như mấy anh mù sờ rồi bàn về… voi.
Vũ Linh
Diễn Đàn Trái Chiều ngày 16/4/2022
ĐỌC THÊM:
Bài viết của ô. NGK:
https://www.thongluan.blog/2022/02/nuoc-my-lam-nguy-cai-to-hay-cach-mang.html
Be the first to comment