Cả Thế Giới Lên Án Quân Đội Nga Tàn Sát Dân Ukraine – Mặt Trận Ukraine Chuyển Qua Miền Đông

Sau 5 tuần lễ giao tranh dữ dội, lực lượng quân sự Nga triệt thoái khỏi vùng ven biên thủ đô Kyiv vào ngày 30 tháng 3, và khi quân đội Ukraine trở lại tiếp thu các thị trấn hoang tàn đổ nát vì bom đạn, họ thấy trên đường phố hàng trăm xác chết, với dấu hiệu cho thấy đó là những thường dân vô tội đã bị lính Nga xử tử trong thời gian chiếm đóng.

Tổng Thống Volodymyr Zelenskiy đến thăm thị trấn Bucha hôm Thứ Hai 4 tháng 4, lúc quân đội Ukraine vẫn đang thu lượm các thi hài để mai táng. Ông nói với báo chí “đây là bằng chứng để cho cả thế giới thấy rõ tội ác chiến tranh của Nga”, và nói thêm “chúng tôi tin rằng trong những ngày tới sẽ còn tìm thấy thêm nhiều người dân bị tra tấn và xử tử”.

Bucha là thị trấn ở cách thủ đô Kyiv 25 miles (40 cây số) về hướng tây bắc, dân số khoảng 37,000 người. Thị Trưởng Anatoliy Fedoruk và Phó Thị Trưởng Taras Shapravskyi cho biết đã tìm được 421 thi hài.

Theo phóng viên các hãng thông tấn Reuters và Associated Press ghi nhận khi quan sát tại chỗ, có ít nhất 21 xác chết là đàn ông mặc quần áo thường dân, tay bị trói quặt ra sau lưng, cả người không có vết thương nào khác ngoài phát đạn bắn vào giữa trán, chứng tỏ rõ ràng là họ bị hành quyết. Tay họ bị trói bằng loại vải trắng mà lính Nga đã bắt tất cả cư dân ở những vùng bị chiếm đóng phải đeo trên cánh tay để xác nhận lý lịch. Ngoài các thi thể la liệt trên đường, còn nhiều xác được chôn tập thể trong giao thông hào kế bên một ngôi nhà thờ ở Bucha. Việc thu lượm rất khó khăn vì phải đề phòng lính Nga gài mìn trong bao chứa tử thi.

Khi đến xã Motyzhyn, phía tây Kyiv, phóng viên Reuters thấy ba xác chết chôn chung trong một hố. Theo lời một giới chức Bộ Nội Vụ Ukraine thì đó là thi hài của bà Olha Sukhenko, chủ tịch xã, cùng ông Ihor chồng của bà và cậu Oleksandr con trai của bà.

Các hãng thông tấn lập tức gửi những bằng chứng ghi nhận tại chỗ này đến Điện Kremlin để yêu cầu trả lời, thế nhưng Bộ Quốc Phòng Nga hôm Chủ Nhật vẫn ra thông cáo phủ nhận hành động sát nhân, khăng khăng là “không có thường dân nào bị đối xử bằng bạo lực trong thời gian chiếm đóng”. Ngoại Trưởng Sergey Lavrov và phát ngôn viên Dmitry Peskov của Điện Kremlin nói cùng luận điệu, đổ thừa rằng mọi ảnh chụp và video đều do phía Ukraine “ngụy tạo”.

Dù Nga chối cãi cách nào đi nữa, hình ảnh những thi hài và hố chôn tập thể được phổ biến tràn lan trên TV và mạng xã hội trong mấy ngày qua đã gây xúc động và làm xôn xao dư luận thế giới. Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ủng hộ việc Ngoại Trưởng Dmytro Kuleba của Ukraine yêu cầu gửi một toán điều tra viên quốc tế đến Bucha để thu thập và phân tích bằng chứng. Tổng Thống Joe Biden một lần nữa gọi Tổng Thống Vladimir Putin là “tội phạm chiến tranh”, kêu gọi cộng đồng quốc tế đưa ông ta ra xét xử trước tòa án, và tuyên bố sẽ áp đặt thêm những biện pháp chế tài đối với giới lãnh đạo nước Nga theo lời yêu cầu của Tổng Thống Ukraine. Ngay sau đó Thủ Tướng Đức Olaf Scholz lên tiếng tán đồng quyết định gia tăng chế tài.

Cùng ngày Thứ Hai 4 tháng 4, Chủ Tịch Ủy Ban Âu Châu (European Commission – EC) Ursula von der Leyen cho biết Liên Hiệp Âu Châu (European Union) sẽ gửi chuyên gia tới Ukraine để giúp các công tố viên tại địa phương thu thập tài liệu và lập hồ sơ liên quan đến các thường dân bị thảm sát. Cũng như nhà lãnh đạo Ủy Ban Âu Châu, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron và Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đều lên tiếng báo động “rõ ràng đã xảy ra tội ác chiến tranh”.

Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres phổ biến thông cáo nói rằng ông “bị chấn động trước hình ảnh những người dân bị giết hại ở Bucha” và kêu gọi “mở một cuộc điều tra độc lập”, bởi vì nếu có đầy đủ bằng chứng về tội ác chiến tranh thì cần phải quy trách và trừng phạt những kẻ gây ra tội ác.

Bà Linda Thomas-Greenfield, Đại Sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc, loan báo là chính phủ Hoa Kỳ sẽ chính thức đề nghị đình chỉ tư cách thành viên của Nga trong Hội Đồng Nhân Quyền (U.N. Human Rights Council). Hội Đồng này bao gồm 47 quốc gia thành viên, trong đó có 5 thành viên thường trực của Hội Đồng Bảo An. Nếu muốn đình chỉ tư cách thành viên của Nga, sẽ cần phải được Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc biểu quyết chấp thuận.

Hôm Thứ Năm 7 tháng 4, cuộc biểu quyết của Đại Hội Đồng (gồm 193 quốc gia thành viên) đã đưa tới kết quả 93 phiếu thuận và 24 phiếu chống, có nghĩa là đủ túc số hai phần ba để tạm thời đình chỉ tư cách thành viên của Nga tại Hội Đồng Nhân Quyền. Cũng nên ghi nhận là có 58 quốc gia bỏ phiếu trắng.

Tỷ số 93–24 thấp hơn tỷ số 141–5 (và 35 phiếu trắng) khi Đại Hội Đồng họp phiên khẩn cấp ngày 2 tháng 3 để thông qua nghị quyết yêu cầu Nga ngưng tấn công và rút quân ra khỏi Ukraine, cũng như thấp hơn tỷ số 140–5 (và 38 phiếu trắng) khi Đại Hội Đồng thông qua nghị quyết ngày 24 tháng 3 để yêu cầu Nga ngưng bắn ngay tức khắc và không được tấn công các khu gia cư, trường học, bệnh viện. (Hai nghị quyết này chỉ thể hiện quan điểm của đa số quốc gia thành viên Liên Hiệp Quốc chứ không có hiệu lực cưỡng chế như nghị quyết của Hội Đồng Bảo An).

Như vậy, cho tới nay, Nga là quốc gia thứ nhì bị đình chỉ tư cách thành viên tại Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc – sau Libya hồi năm 2011 khi nhà lãnh tụ độc tài Moammar Gadhafi bị hạ bệ.

CÁC BIỆN PHÁP CHẾ TÀI MỚI NHẤT

Hôm Thứ Tư 6 tháng 4, Tòa Bạch Ốc phổ biến thông cáo báo chí cho biết Hoa Kỳ cùng với 30 đối tác trong Khối G7 và Liên Hiệp Âu Châu đồng loạt áp đặt thêm một số biện pháp chế tài gắt gao, nhằm trừng phạt các hành vi tàn bạo của quân đội Nga đối với thường dân Ukraine, đồng thời ngăn chận không cho chính phủ Putin tìm cách tiếp tục rót tiền vào guồng máy chiến tranh xâm lược.

Theo thông cáo, những biện pháp chế tài mới nhất sẽ nhắm vào các ngân hàng và cơ sở tài chánh quốc doanh ở Nga cũng như các giới chức chính quyền Nga và thân nhân của họ, cụ thể là:

– Đóng băng mọi tài sản của định chế tài chánh Sherbank và Alfa Bank (ngân hàng lớn nhất của Nga) tại Hoa Kỳ và Âu Châu.

– Ngăn cấm mọi dịch vụ đầu tư của doanh gia và công dân Mỹ vào những định chế tài chánh của Nga.

– Đóng băng mọi tài sản và tài khoản của những giới chức chính quyền Nga và thân nhân của họ tại Hoa Kỳ, bao gồm các con của Tổng Thống Vladimir Putin, vợ con của Ngoại Trưởng Sergei Lavrov, cùng các thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Nga trong đó có cựu Tổng Thống Dmitri Medvedev và Thủ Tướng Mikhail Mishustin.

– Bộ Ngân Khố Hoa Kỳ sẽ ngăn chận không cho chính phủ Nga trả nợ bằng những ngân khoản thuộc quản hạt tài chánh của nước Mỹ, như vậy Nga sẽ chỉ có thể trút cạn nguồn tài chánh trong nước để trả nợ nếu không muốn đi tới chỗ “vỡ nợ” (default).

Theo các chuyên gia tài chánh ước tính thì do ảnh hưởng của những biện pháp chế tài đã và đang được áp đặt, tổng sản lượng nội địa (GDP) của nước Nga trong năm 2022 sẽ bị giảm 15%, xóa sạch mọi thành tựu kinh tế của 15 năm vừa qua, đồng thời mức lạm phát hiện nay đã vượt quá 15% và sẽ còn lên cao hơn nữa.

Ngoài những biện pháp chế tài của thế giới, cuộc xâm lược Ukraine còn đưa tới việc 600 doanh nghiệp quốc tế tỏ thái độ tẩy chay qua quyết định rút chân ra khỏi thị trường Nga. Sự kiện này tác động đến mọi lãnh vực sinh hoạt, chắc chắn gây thiệt hại rất lớn cho nền kinh tế Nga và có thể sẽ làm nước Nga mất vị thế một cường quốc kinh tế hàng đầu – tất cả chỉ vì chính sách đối ngoại ngang ngược và hiếu chiến của chế độ cầm quyền hiện tại.

NGA CHUYỂN QUÂN ĐỂ TẤN CÔNG VÙNG DONBAS

Tiếp xúc với giới truyền thông hôm Thứ Hai 4 tháng 4, cả cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan và phát ngôn viên Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ John Kirby đều nhận định rằng Nga đang chuyển hướng để tập trung tấn công vào miền đông và nam Ukraine, sau 5 tuần lễ nỗ lực tấn công thủ đô Kyiv ở miền bắc nhưng thất bại, vì vấp phải sức kháng cự mãnh liệt của quân đội Ukraine – cộng với nguồn yểm trợ dồi dào về quân cụ và khí giới của các quốc gia Tây phương để giúp Ukraine chống lại cuộc xâm lược.

Song song với việc hàng loạt đơn vị quân sự Nga triệt thoái khỏi vùng ven đô Kyiv và chuyển qua mặt trận miền đông cũng như rút sang Belarus (nước láng giềng thân Nga) để tái trang bị, tin tức tình báo cho biết Điện Kremlin đã điều động thêm khoảng 60,000 binh sĩ thuộc lực lượng trừ bị nhằm bổ sung quân số bị tổn thất nặng nề. Lực lượng trừ bị này cũng được đưa sang miền đông, cho thấy mục tiêu của Nga bây giờ là dồn nỗ lực “giải phóng” cho bằng được vùng Donbas, vì nơi đây có hai khu vực Donetsk, Luhansk, là căn cứ địa của những đơn vị võ trang ly khai thân Nga.

Vẫn theo nguồn tin tình báo thì quân đội Nga đang ráo riết chuyển chiến xa và trọng pháo, có vẻ chuẩn bị tấn công Izyum vì thành phố này nằm ngay trên đường tiến quân đến Donbas.

Cũng vì mục tiêu Nga nhắm tới là vùng Donbas cho nên thành phố hải cảng Mariupol – ở miền đông nam Ukraine, bên bờ biển Azov – mới phải gánh chịu những trận pháo kích và oanh kích kinh hoàng đến độ Tổng Thống Zelensky lên tiếng báo động “Mariupol sắp bị san thành bình địa”.

Tưởng cần nhắc lại là hôm Chủ Nhật 20 tháng 3, Nga ra “tối hậu thư” đòi Ukraine phải hạ vũ khí đầu hàng và giao nạp thành phố Mariupol trước 5 giờ sáng, để đổi lấy việc quân đội Nga mở một hành lang nhân đạo cho cư dân di tản an toàn. Tối hậu thư bị chính phủ Ukraine bác bỏ ngay tức khắc. Phó Thủ Tướng Iryna Vereshchuk khẳng định “không thể có chuyện đầu hàng”. Thế là Mariupol trở thành biểu tượng cho sự tàn bạo, vì quân đội Nga dùng hỏa tiễn tầm xa bắn thẳng vào các khu vực dân sự, gây tàn phá và thương vong khủng khiếp. Ngay cả một nhà hát ở Mariupol được dùng làm nơi cho dân chúng trú ẩn cũng không được buông tha. Vì sợ bị ném bom, người ta đã viết chữ “Trẻ Em” thật lớn ở cả sân trước lẫn vườn sau của nhà hát, thế nhưng bất chấp chữ “Trẻ Em” có thể được nhìn thấy rõ ràng từ trên không, phi cơ Nga vẫn dội bom xuống khiến hơn 1,000 người bị mất tích dưới đống gạch vụn.

Dân số Mariupol gồm hơn 400,000 người. Được biết khoảng 150,000 người đã di tản trước khi quân đội Nga bao vây thành phố, nhưng cả trăm ngàn người bị kẹt cứng trong vùng lửa đạn, mỗi ngày chỉ có một số nhỏ trốn thoát được ra ngoài. Mặt khác, chính phủ Ukraine tố cáo là ít nhất 30,000 người đã bị cưỡng bức đưa qua đất Nga, có thể để tống vào các trại tập trung.

Tuy quân đội Nga nói là mở “hành lang nhân đạo” nhưng Ủy Ban Hồng Thập Tự Quốc Tế (ICRC) cho biết suốt tuần qua họ không thể vào Mariupol để giúp dân chúng di tản. Theo lời Phó Thủ Tướng Iryna Vereshchuk thì mãi đến hôm Thứ Hai 4 tháng 4, Hồng Thập Tự mới được phép đưa đoàn xe của họ vào và các nhân viên thiện nguyện đã mang ra được hơn 1,500 người dân, đưa về nơi tạm trú an toàn.

Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, AFP, BBC, RFI, Al Jazeera ngày 7/4/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*