(Ảnh: Igor Golovniov/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Nếu xem những râm ran xuất hiện Internet với cường độ dày đặc và tăng liên tục về “cái chết không thể tránh khỏi” của đồng đôla Mỹ (USD) là một kiểu tin đồn thì nó luôn lan truyền như dịch COVID-19, đặc biệt khi Nga và Trung Quốc ngày càng “khắng khít” với quyết tâm hạ gục USD. Sức nặng của sự loan truyền về USD hấp hối thậm chí được bi kịch hóa với những nhận định của không ít chuyên gia uy tín, từ giáo sư kinh tế-chính trị học Barry Eichengreen, kinh tế gia đoạt Nobel Joseph Stiglitz đến thậm chí cựu Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Robert Zoellick!
(Ảnh: Dinendra Haria/SOPA Images/LightRocket via Getty Images)
Tại sao USD không thể chết?
Lời xầm xì về tình trạng chết lâm sàng của USD từng biến thành quả bom tấn cỡ nặng khi xuất hiện bài báo của Robert Fisk trên tờ The Independent cách đây hơn… 10 năm, với nội dung các nước Arab cùng Trung Quốc, Nga, Nhật và Pháp đã bí mật bàn kế hoạch xóa sổ USD bằng cách không dùng đơn vị tiền tệ này trong các thương vụ dầu; và thay vào đó là sử dụng rổ tiền tệ gồm đồng yen, nhân dân tệ, euro, vàng và một đơn vị tiền tệ mới mà các bên cùng thống nhất.
Điều gì sẽ xảy ra với hệ thống tài chính-mậu dịch-kinh tế thế giới nếu đột nhiên USD tắt thở, biến mất khỏi hàng tỉ tỉ giao dịch thương mại lớn nhỏ mỗi ngày, và nó bỗng dưng trở thành một thứ giấy lộn? Toàn bộ hệ thống tài chính-kinh tế thế giới chắc chắn sụp đổ và hỗn loạn! Không cần là chuyên gia kinh tế, ai cũng có thể hình dung điều này. Đến nay, ngay cả euro, chứ đừng nói nhân dân tệ, còn chưa so nổi với tính quốc tế của USD. Giữa Tháng Ba, Wall Street Journal cho biết, có đến gần 60% trong $12.8 ngàn tỉ dự trữ tiền tệ toàn cầu hiện bằng USD.
Nói như giáo sư Benjamin Cohen thuộc Đại học California-Santa Barbara, USD “vẫn là đơn vị tiền tệ dẫn đầu trong hầu hết lĩnh vực”. Kinh tế gia Richard Cooper thuộc Đại học Harvard cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu (OPEC) lâu nay vẫn có thói quen đánh giá lại USD và cố tìm đơn vị tiền tệ khác thay thế mỗi khi USD mất giá và cứ mỗi lần như thế họ lại kết luận chẳng có đồng tiền nào thay được USD.
Người ta dường như nhầm lẫn hai yếu tố khi đánh giá vai trò USD:
1/ Tính không ổn định của USD trong các thị trường ngoại hối (bị tác động trực tiếp và chịu ảnh hưởng ngắn hạn bởi những sự kiện thời sự);
2/ Vai trò cấu trúc USD về trung và dài hạn (với chỗ đứng cao nhất hiện nay) trong hệ thống kinh tế toàn cầu (tất cả diễn biến đang xảy ra với kinh tế thế giới và nhận định kèm theo về số phận USD chính là thể hiện của yếu tố thứ nhất).
Nói cách khác, USD và giá trị của nó thường bị chi phối bởi những ảnh hưởng thời sự; và sự thay đổi ngắn hạn này (tăng-giảm giá trị) là hoàn toàn bình thường, không ảnh hưởng đến vị trí (dài hạn) của nó như một đơn vị tiền tệ chủ lực trong nền kinh tế thế giới.
(Ảnh: markus-spiske-unsplash)
Thật ra ai cũng… sợ USD lâm chung!
USD không thể thay thế bởi chưa quốc gia nào có nền kinh tế mạnh bằng hoặc hơn Mỹ để đủ sức đưa đơn vị tiền tệ mình trám chỗ USD. Phía sau sức mạnh USD còn có nguồn lực bổ trợ của sức mạnh kinh tế Mỹ, chưa kể sức mạnh chính trị.
Ngay khi USD ở tình trạng tuột dốc, cũng chẳng ai bị thiệt nặng, trong một thế giới tất cả cùng chia sẻ vận hội cũng như rủi ro, như hiện nay. Như Irwin Stelzer (cố vấn doanh nghiệp và giám đốc Ban nghiên cứu chính sách thuộc Viện Hudson) viết trên The Sunday Times, việc USD tuột dốc khiến ai cũng… điên tiết.
Trung Quốc điên tiết bởi đống USD trong dự trữ quốc gia của họ (chiếm 60% trong khoảng $3.4 ngàn tỉ) mất giá từng ngày. Mỹ cũng điên tiết bởi Trung Quốc vẫn duy trì chính sách giữ tỉ giá cố định giữa nhân dân tệ và USD hơn là nâng giá nhân dân tệ và điều đó có nghĩa hàng hóa Trung Quốc sản xuất tiếp tục rẻ hơn so với hàng Mỹ và từ đó giúp ổn định nguồn lao động trong nước họ (hạn chế tỉ lệ thất nghiệp).
Châu Âu cũng điên tiết bởi một đồng euro mạnh hơn so với USD khiến cho động lực xuất khẩu mà họ dựa vào để vượt qua suy thoái sẽ bị ảnh hưởng. Rõ ràng chẳng ai hào hứng trước tin USD mất giá. Cùng lúc, cũng không ai thấy thật sự lo ngại. Trung Quốc vẫn lạc quan bởi chính sách duy trì tỉ giá đồng nhân dân tệ với USD giúp xuất khẩu họ không sập tiệm; Mỹ vẫn lạc quan bởi một đồng USD yếu khiến nhập khẩu trở nên đắt hơn và xuất khẩu có tính cạnh tranh hơn.
Với người dân bình thường nhiều nơi thế giới, những người chẳng cần hiểu rõ mô tê khái niệm chính sách vĩ mô hay kinh tế vi mô, cũng có thể biết rằng USD hiện nay vẫn là lựa chọn ưu tiên. Khi muốn bán hàng từ Thái Lan sang Mexico, một thương nhân Bangkok gần như không thể đổi peso thành baht và do vậy ông phải bán peso để mua USD rồi lấy USD mua baht (khả năng ông mua euro để thực hiện việc đổi tiền trên là khá thấp và chắc chắn càng không thể đối với nhân dân tệ hay đồng tiền nào khác). Ví dụ đơn giản trên cho thấy những nhận định về cái chết USD, ít nhất trong vài thập niên nữa, dường như chỉ là chuyện nhặng xị không đâu (“Much ado about nothing” – câu nói cửa miệng quen thuộc phương Tây, từ tên vở kịch nổi tiếng của William Shakespeare)!
(Ảnh: Tom Williams/CQ-Roll Call, Inc via Getty Images)
Nếu muốn khai tử USD, cần có gì?
Cần biết, chế độ tỉ giá mà một ngân hàng trung ương chọn sẽ ảnh hưởng cực kỳ quan trọng lên chính sách tài chính-tiền tệ quốc gia đó cũng như tỉ trọng nhiều ít của dự trữ ngoại tệ bằng một đơn vị tiền tệ nào đó (mà USD là đơn vị tiền tệ phổ biến nhất hiện nay đối với nhiều ngân hàng trung ương các nước, đặc biệt châu Á). Với chính sách dự trữ, người ta luôn chọn đồng tiền nào mà tính thanh khoản của nó cao, nôm na là dễ bán và dễ mua. Mà chẳng riêng gì dự trữ.
Trong hoạt động mậu dịch, người ta cũng ưu tiên chọn loại tiền tệ có tính thanh khoản cao nhất, tức ít rủi ro nhất. Nói cách khác, chỉ đơn vị tiền tệ nào đáp ứng được yêu cầu tối quan trọng là tính thanh khoản tốt mới có thể hạ bệ được USD. Trong quá khứ, đồng bảng Anh và franc Thụy Sĩ từng là những đơn vị tiền tệ có giá trị dự trữ quan trọng nhưng kinh tế Anh lẫn Thụy Sĩ hiện không đủ mạnh để đưa tiền tệ họ trở nên phổ quát trong hệ thống tài chính toàn cầu.
Hàng chục năm nay, Trung Quốc là anh to mồm nhất trong việc kêu gọi xóa sổ USD. Bắc Kinh làm gì để giảm ảnh hưởng (thiệt hại) từ việc ôm giữ USD? Trước hết là tìm cách đưa nhân dân tệ (NDT) lên vai trò toàn cầu. Nói cách khác là quốc tế hóa NDT. Một trong những chiêu đang được thực hiện là kêu gọi thay USD bằng SDR (Special Drawing Rights). Cần mở ngoặc, SDR không là đơn vị tiền tệ mà chỉ là đơn vị kế toán (accounting unit), được lập từ năm 1969 mà IMF dùng để kết toán hoạt động giao dịch (các khoản vay mượn) giữa các thành viên.
Chỉ tồn tại trên sổ sách kế toán, SDR là đồng tiền ảo bởi không có chính phủ nào đứng đằng sau nó và hầu như không được sử dụng trên thị trường tài chính quốc tế. Giá trị của nó được tính theo tỉ giá trung bình có trọng số của năm đồng tiền lớn: USD, euro, nhân dân tệ, bảng Anh và yen (hiện rổ SDR được chia theo tỉ lệ: USD 41.73%, euro 30.93%, NDT 10.92%, yen 8.33 và bảng Anh 8.09% – theo bản tin IMF ngày 5 Tháng Tám 2021). Tỉ lệ trên sẽ được xem xét lại vào ngày 31 Tháng Bảy 2022 theo đánh giá mỗi chu kỳ năm năm; và rổ SDR mới sẽ có hiệu lực ngày 1 Tháng Tám 2022.
Nói theo Jeffrey Frankel, giáo sư kinh tế Đại học Harvard, SDR chẳng khác gì Esperanto (ngôn ngữ quốc tế), một nỗ lực tạo ra một hình thức ngôn ngữ toàn cầu có thể có nhiều người biết nhưng chẳng ai dùng… SDR vẫn chỉ là một đơn vị kế toán hơn là đơn vị tiền tệ có tính thanh khoản. Nó không thể được dùng để can thiệp các thị trường ngoại hối hoặc là đơn vị tiền tệ cho các giao dịch thuần túy. Muốn SDR từ tiền ảo trở thành tiền thật, người ta phải tạo ra những thị trường riêng trong đó SDR có thể được bán hoặc mua; phải tạo ra những thị trường có tính thanh khoản mà các chính phủ cũng như tập đoàn có thể phát hành trái phiếu SDR với giá cạnh tranh; và còn phải tái cấu trúc các thị trường ngoại hối sao cho giới kinh doanh tiền tệ giờ đây có thể mua bán dễ dàng thông qua đồng tiền trung gian SDR, theo cách USD như hiện nay (chẳng hạn bán đồng won Hàn Quốc mua baht Thái Lan qua trung gian USD).
Còn nữa, để SDR trở thành đơn vị tiền tệ quốc tế, IMF phải có khả năng phát hành SDR dự trữ phòng trường hợp hụt tiền, theo cách tương tự Cục dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED) phát hành thêm USD để bảo đảm tính thanh khoản của đồng tiền này vào nửa sau năm 2008. Theo luật hiện tại, SDR không thể được phát hành nếu không có sự đồng thuận của 85% thành viên IMF. Tất cả cho thấy việc “đời sống hóa” SDR là chuyện đầy thách thức (thập niên 1970, người ta từng cố thực hiện tương tự nhưng thất bại).
(Ảnh: Zhang Yun/China News Service via Getty Images)
Trong thực tế, NDT còn xìu xìu ển ển đến mức không thể cạnh tranh với euro, huống hồ USD. Thời điểm hiện tại, người nước ngoài chỉ có thể dùng NDT để mua hàng hóa từ Trung Quốc (hơn là bất kỳ quốc gia nào khác, như USD) hoặc trong các giao dịch xuyên biên giới với những láng giềng sát sườn Trung Quốc. Thế cho nên, những thỏa thuận trao đổi giao dịch bằng NDT giữa Trung Quốc với một số nước như Argentina, Belarus, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Hàn Quốc, Saudi Arabia… xem ra chẳng có giá trị thực tế. Những nước trên vẫn không thể dùng NDT để can thiệp các thị trường ngoại hối; nhập khẩu hàng hóa từ một nước thứ ba; hoặc thanh toán cho một ngân hàng nước ngoài hoặc người đầu tư trái phiếu nước ngoài. Nói cách khác, giao dịch với Trung Quốc thì chỉ chơi với Trung Quốc; lấy “tiền Tàu” qua nước khác mua-bán hàng chắc là “hơi bị khó”.
Ngay thời điểm hiện tại, Bắc Kinh vẫn cất trong két sắt những sấp giấy có hình ông Benjamin trị giá hơn $1 ngàn tỉ và Moscow thì có khoảng $100 tỉ “tiền Mỹ” trong $500 tỉ ngoại hối (đang bị phong tỏa) của họ. Luôn háo hức thay thế USD bằng đồng rúp, không biết chính xác Bắc Kinh đang giữ bao nhiêu “tiền Putin” nhưng có điều chắc chắn rằng họ đã mất đứt hơn 40% giá trị chỉ trong vài tuần (kể từ sau cuộc chiến Ukraine, khi Mỹ “bụp” te tua hệ thống tài chính Nga). Nếu Nga hoặc các nước khác giữ NDT thì họ cũng nguy cơ bị mất tương tự trong trường hợp Trung Quốc chơi thí mạng cùi tấn công Đài Loan.
Tóm lại, để có thể quốc tế hóa một đơn vị tiền tệ nói chung, trước hết người ta phải đặt nền móng để dựng lên những thị trường đủ lớn cho hoạt động giao dịch của đơn vị tiền tệ đó. Một cách tổng quát, có ba trụ cột cho việc quốc tế hóa một đơn vị tiền tệ:
– Kích cỡ của nền kinh tế quốc gia cũng như khối lượng giao dịch kinh thương;
– Độ rộng và độ sâu của tính thanh khoản đơn vị tiền tệ đó ở các thị trường tài chính toàn cầu;
– Và tính ổn định cũng như khả năng chuyển đổi sang đơn vị tiền tệ khác.
Muốn “đá đít” USD thì không chỉ có “cặp giò” khỏe mà còn phải có “cái đít” thay thế đủ to, phải lật đổ được toàn bộ nền kinh tế Mỹ, phải đánh sập toàn bộ các đại công ty Mỹ, phải “tiêu diệt” được nền kinh tế thị trường Mỹ nói chung. Anh “Tàu phù” hay cậu “Nga ngố”, dù thừa láu cá và trình độ đểu ngang nhau, có thể làm được chuyện ấy?
Mỹ Anh
Theo SGN ngày 7 tháng 4, 2022
Be the first to comment