“Siêng Học” Có Phải Là “Hiếu Học”?

Trường thi thời Nguyễn (ảnh: MXH)

Cách đây vài năm, tôi đã viết một bài “Người Việt có hiếu học không?” bởi vì tôi thấy mình cần làm rõ một niềm tự hào ngụy tạo đó là “người Việt Nam là một dân tộc có truyền thống hiếu học”. Đúng vậy, hãy nhìn thẳng vào sự thật là người Việt Nam ta không hề hiếu học và cũng không hiểu đúng như thế nào là “hiếu học”.

Việc học của người Việt từ trước tới nay trải qua bao nhiêu thời kỳ tựu trung cũng chỉ có ba mục đích chính: Học để mưu cầu địa vị; Học để kiếm thật nhiều tiền; Và học để báo hiếu như một bổn phận. Cách học của người Việt từ thời còn học Tứ Thư Ngũ Kinh của Nho Khổng cho tới việc học đại học ngày nay hầu như không có gì thay đổi: Cặm cụi học gạo, học thuộc lòng để phục vụ cho mục đích thi cử đỗ đạt.

Trong những gương danh nhân hiếu học của Việt Nam, ta chỉ thấy rất nhiều gương nhà nghèo và cố gắng học để đỗ trạng nguyên rồi sau này làm quan lớn chứ không thấy những nhà tư tưởng, những triết gia, những nhà bác học hay những nhà cải cách giáo dục. Lịch sử của chúng ta thiếu vắng bóng dáng của những nghệ thuật gia tầm cỡ, những nhà thám hiểm và những nhà phát minh. Vì vậy, chỉ có thể nói rằng người Việt Nam chúng ta có nhiều gương siêng học nhưng không thể vì sự siêng học đó mà ngộ nhận đó là hiếu học. Đâu phải cứ vùi đầu vào cuốn sách học ngày học đêm, học đến quên ăn quên ngủ hay cứ nhà nghèo cố gắng học để đỗ đạt thành ông nọ bà kia mới gọi là hiếu học. Nếu nhìn vào cách học của đại đa số người Việt, chúng ta sẽ thấy những khiếm khuyết vô cùng quan trọng sau:

1/ Học không có đam mê

Tôi đố các bạn tìm ra được trong những câu chuyện thời thơ ấu của các danh nhân Việt Nam có hai từ “ước mơ” “đam mê”. Hoài bão lớn nhất của người Việt khi học là ra làm quan vì thế chúng ta học rất siêng những thứ phục vụ cho việc đỗ đạt và thăng tiến, còn ngoài ra những kiến thức không giúp ích cho việc này đều bị gạt qua một bên. Nếu như các nho sĩ ngày xưa cố chết bám lấy mấy cuốn sách “thánh hiền” học ngày học đêm để chờ tới ngày “bảng hổ danh đề” mà không chịu tìm hiểu khoa học kỹ thuật của phương Tây thì ngày nay học sinh cũng chỉ cắm đầu học mấy môn tủ để vào đại học. Rất hiếm cha mẹ Việt Nam quan tâm tới đam mê của con cái và ủng hộ việc con mình dám theo đuổi ước mơ của chúng nếu ước mơ và đam mê của chúng không bảo vệ địa vị cao sang và mang về thật nhiều tiền.

Trường thi thời phong kiến (ảnh: MXH)

2/ Học không hiểu

Chính vì không có đam mê và hứng thú nhưng phải đối diện với hàng núi bài vở trong trường, hầu hết học sinh Việt chọn cách học thuộc lòng để có thể đối phó ngay cả khi mình không hiểu gì hết. Đừng lầm rằng học sinh sinh viên Việt Nam giỏi lý thuyết vì việc học thuộc lòng mà không hiểu không thể nào làm cho người học nắm được lý thuyết. Nhiều giáo viên Anh văn giải bài trắc nghiệm như một cái máy vì thói quen nhưng nếu được bảo phải giải thích một điểm ngữ pháp căn bản, họ vẫn có thể ấp úng như gà mắc tóc vì họ không hiểu được lý thuyết mà chỉ làm theo quán tính.

3/ Học không có thực hành

Khi lý thuyết không nắm vững mà chỉ được nhồi vào đầu bằng cách học thuộc lòng thì chuyện có thể đem mớ lý thuyết đó áp dụng vào thực tế chỉ là chuyện không tưởng. Giáo viên Việt Nam trên thực tế hầu hết cũng chỉ biết dạy theo lý thuyết suông chứ chưa từng có kinh nghiệm thực hành. Có bao nhiêu giáo viên Lý hoặc Hóa làm nghiên cứu hoặc thí nghiệm ở nhà ngoài giờ dạy lên lớp? Có bao nhiêu giáo viên tiếng Anh sử dụng tiếng Anh hàng ngày để đọc sách báo hoặc giao tiếp? Tất cả việc dạy và học ở Việt Nam chỉ gói gọn trong việc học thuộc lòng và trả bài.

4/ Học không có phản biện

Sở dĩ phương Tây tiến xa vượt bậc vì họ có những nhà tư tưởng dám đặt câu hỏi phản biện thậm chí phủ nhận những gì được mặc định là đúng trong suốt một thời gian dài. Chính sự phản biện này giúp cho khoa học kỹ thuật phát triển và xã hội dân chủ. Ở Việt Nam tôi đố ai dám “bóc phốt” giáo viên hoặc tranh luận thẳng thắn nghiêm túc những kiến thức đã học mà không sợ bị trù dập hoặc ghét bỏ. Có bao nhiêu thầy cô ở Việt Nam dám khuyến khích học sinh nghĩ khác làm khác những gì trong sách giáo khoa khi lương tháng quan trọng hơn lương tâm và cái tôi của họ tỷ lệ nghịch với kiến thức trong đầu?

5/ Học không có sáng tạo

Nếu nhìn xuyên suốt chiều dài lịch sử Việt Nam, chúng ta khó có thể tìm thấy những công trình kiến trúc, những tác phẩm văn học, những họa phẩm hoặc nhạc phẩm có tầm cỡ thế giới. Nếu thực sự lịch sử Việt Nam có đến “bốn ngàn năm văn hiến” thì sự thiếu vắng những sản phẩm của sự sáng tạo trong suốt một chiều dài lịch sử hoành tráng như thế liệu còn có phải là một điều đáng tự hào hay là một điều đáng xấu hổ?

Ngày nay, hàng năm chúng ta có hàng chục ngàn bằng thạc sĩ, hàng ngàn bằng tiến sĩ, hàng trăm bằng giáo sư được cấp nhưng mấy chục năm nay có ai tự hỏi Việt Nam có được bao nhiêu phát minh khoa học? Chúng ta có thực sự hiếu học khi Việt Nam đứng áp chót trong bảng thống kê những quốc gia có cống hiến cho nhân loại? Người Việt Nam từ trước đến giờ dường như đã quen và thậm chí thỏa mãn với việc nhập khẩu hàng nước ngoài về xài hoặc sao chép một cách ẩu tả méo mó của người khác mà không bao giờ nghĩ tới việc sáng tạo.

Nói một cách thẳng thắn, chúng ta chưa bao giờ hiếu học mà chỉ siêng học vì sự ích kỷ vun vén cho bản thân và dòng họ. Cái sự học của chúng ta không được ươm mầm từ những đam mê hoặc những ước mơ, không có căn bản lý thuyết vững chắc và thiếu hẳn bóng dáng của sự thực hành và phản biện và cũng chẳng vì mục tiêu sáng tạo hay thay đổi cái gì.

Chúng ta học để làm nô lệ cho đồng tiền, cho vật chất và cho địa vị. Chúng ta coi trọng điểm số của con cái hơn là niềm vui của chúng khi đến trường. Chúng ta hãnh diện khoe bằng cấp chứng chỉ mặc cho sự thiếu vắng của kiến thức đằng sau những tấm bằng. Chúng ta tự hào vì danh hiệu và địa vị mà không quan tâm tới sự cống hiến. Và chúng ta vẫn tự hào mình là một dân tộc hiếu học!

Huỳnh Chí Viễn
Theo SGN ngày 2 tháng 4, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*