Bùi Bích Hà: Bể Dâu

Một góc vườn rau Lộc Hưng trước khi bị nhà cầm quyền thành phố Sài Gòn triệt hạ và san phẳng. (Hình: Facebook Lê Nguyễn Hương Trà)

“Sông kia giờ đã nên đồng,
Nơi thành nhà cửa, nơi trồng ngô khoai
Đêm nghe tiếng ếch bên tai
Giật mình còn ngỡ tiếng ai gọi đò.”
(Tú Xương)

Đó là câu chuyện bể dâu, phù sa của một giòng sông vừa chết đã bồi đắp cho con người một vùng đất mới để cư trú và canh tác hoa màu nuôi thân. Nước dòng sông vừa cạn đi đâu nếu không là về nguồn, lặn sâu và tiếp tục luồn lách chảy giữa những tầng địa chất như giòng sữa mẹ Thiên Nhiên vô tận, không ngừng luân lưu, nuôi nấng những đứa con đi tìm đất sống trên chính hình hài của mẹ. Ông Tú Vị Xuyên đêm đêm nghe tiếng ếch nhái ì ọp ngoài bờ ruộng, sinh lòng thương tưởng con sông xưa, bến đò cũ và cô lái đò đã thôi chở người qua lại giữa đôi bờ một thời nghe tiếng khách lỡ độ đường gọi đò lồng lộng trong đêm khuya.

Thời nay, dưới triều đại Xã Hội Chủ Nghĩa, vừa hết Tháng Giêng qua Tháng Chạp âm lịch, Xuân của đất trời và Tết của lòng người vừa lấp ló bên thềm những ngôi nhà lam lũ trong vườn rau Lộc Hưng, phường 6, quận Tân Bình. Họ hiện diện ở đây hơn 40 năm qua sau ngày đạo quân Cộng Sản miền Bắc nhân danh giải phóng và thống nhất dân tộc kéo vào đánh phá miền Nam, xua ra biển một số dân miền Nam không chấp nhận họ, xua ra khỏi nơi cư ngụ một số dân khác chậm chân, không có nơi nào dạt vào để tiếp tục sinh tồn ngay trên giải đất do tổ tiên đổ máu và mồ hôi tạo dựng, là của chung cho con cháu mai sau cùng thụ hưởng và gìn giữ nhưng giờ đây bị những kẻ quyền thế chiếm đoạt.
Những phận đời khốn khó cố gắng sống lương thiện trong cơ cực, không hẹn mà quần tụ về đây, đem theo họ những luống rau, dây đậu mượt mà, biến khu đất hoang thành một thung lũng xanh tươi nằm lọt thỏm giữa những ngôi nhà cao tầng xung quanh. Người trẻ sinh con đẻ cái ở đây, ban ngày tỏa ra khắp nơi, lao động cật lực kiếm miếng ăn, cóp nhặt từng miếng ván, từng tấm tôn, dựng những ngôi nhà thô sơ thay cho những túp lều ban đầu vá víu chằng đụp bằng bất cứ thứ gì có thể để đêm về, người về có chỗ chui rúc chờ rạng đông hôm sau.
Nhiều người khác cuốc đất, bón phân, trồng trọt hoa màu, đem ra chợ bán. Vài gia đình khá hơn, xây được nhà gạch, Gọi là thế nhưng khi búa xẻng, cơ giới của đạo quân nhân danh chính quyền ngang nhiên đến đây đập phá vào những ngày đầu Tháng Giêng năm 2019, đầu Tháng Chạp năm Mậu Tuất sắp hết. Những tường gạch rất mỏng ấy vỡ ra từng mảng, để lại những hốc mắt đen ngòm, bị móc mất con ngươi, những buồng ngực gầy không còn tim, không còn phổi, chết im lìm trên những thân người đầy thương tích gây ra bởi thảm họa nhân tai.
Nhiều ngày qua, nhiều cư dân ở đây vội vã lánh xa cái nơi đã làm tan nát chút hy vọng nhỏ nhoi họ cố chắt chiu gầy dựng lại trên tro tàn một đổ nát lớn hơn gấp bội trên quê hương gần nửa thế kỷ qua. Họ đi đâu, về đâu, hay lại bắt đầu một lưu lạc khác không bao giờ thực sự ổn định ở cái vùng đất từ bao lâu nay càng ngày càng biết ra không đâu có thể hứa hẹn điều gì lâu dài cho họ!
Sau biến động, vài người già còn quyến luyến, quay về, đứng ngẩn ngơ như những bóng ma ngày giữa đống xà bần ngổn ngang, vài người đàn bà loanh quanh nhặt nhạnh chút gì còn sót lại. Để chắc với mình lần cuối là mình không nằm mơ, để thôi đặt ra những câu hỏi đau đớn đến cháy lòng. Vài người trẻ thì quay về tìm lại những con thú thương yêu và trung thành, bỏ chúng vào cái lồng bằng lưới mắt cáo, chở chúng trên cái xe đẩy cút kít, đi tìm ân nhân nuôi giúp.
Trái tim của các bạn này có cùng cấu trúc sinh học hệt như trái tim các nhà lãnh đạo chính quyền chóp bu, hiện đang ngất ngưởng trên ghế cao, trong những ngôi nhà vô liêm sỉ đáng giá bạc tỷ nhưng giòng máu chảy bên trong những trái tim của hai đẳng cấp người ấy rất khác nhau, bất khả trộn lẫn, bất khả hòa đồng.
Còn nhiều thứ nằm lại, vương vãi, thê lương, gợi nhắc cảnh tượng điêu linh với nhiều di vật nằm lại trên đại lộ kinh hoàng ngày nào trong mùa Hè Đỏ Lửa 1972. Như đôi nạng gỗ, hai cái chân giả một bên còn mang vớ, máy trợ thính rơi ra từ đôi tai một người nghễnh ngãng, cả nồi cơm không kịp chín để được mang theo, tượng Thánh Giuse bị xô đổ không chút ngần ngại, ngã sấp trên mặt đất… những tấm tôn bị giật xuống, nằm cong queo chất đống…
Đó là chứng cớ tồi tàn của loại hành vi cướp bóc tới từ một chính phủ được thành lập, được điều hành bởi những phần tử tiêm nhiễm thói quen trấn áp người dân vô tội bằng bạo lực, tàn ác đã đành, còn vô luân tới mức vu vạ cả cái cộng đồng Lộc Hưng nhỏ bé là một tập hợp những người dân bất hảo, sống bên lề xã hội, phải triệt hạ. Trong khi đó thì các nạn nhân trả lời phỏng vấn báo chí là ông bố nói năng đâu ra đấy; là cô gái đẩy xe chở con chó đi lánh nạn; là cháu bé ngây ra như pho tượng đá vì sợ, đôi mắt thơ dại lần đầu nhìn ra cái xã hội gồm những con người đầy dã tâm, đang ra tay đập nát ngôi nhà thân yêu của gia đình; là các linh mục DCCT đã quyên góp những đồng bạc từ ái của người hằng tâm, xây dựng ở đây một căn nhà làm nơi cư ngụ cho gần hai mươi thương phế binh đã hiến một phần thân thể họ cho tổ quốc trong chiến tranh.
Cuộc chiến đã tàn nhưng hận thù vẫn bám sát và truy bức họ, quyết gây thêm thương tích cho những người thua cuộc.
Tôi định cư ở Mỹ trên ba thập niên, dọn nhà 7 lần, mỗi lần xê dịch là một vết thương để lại sẹo buồn trong trí nhớ cho dù chính tôi chủ động ở nhiều thời điểm với nhiều nhu cầu khác nhau. Vậy mà đủ ngần ấy lần, khi bước ra, quay nhìn lại một vòng cái nơi từng chia với tôi một quãng đời buồn vui nhọc nhằn trên xứ người, đã giữ của tôi bao nhiêu kỷ niệm thân thiết như máu thịt. Biết rằng đây là giây phút chia tay, sau khi rút chìa khóa ra lần cuối, sẽ không bao giờ còn đi lại những con đường đưa về chốn này nữa, lòng tôi quặn đau, khiến tôi liên tưởng đến thảm họa Tsunami, nhiều người sáng ra đi, chiều quay về không còn nhận ra ngõ vào vì cả mái nhà cùng người thân yêu đã bị sóng gió thiên tai bất ngờ cuốn đi.
Thiên tai do thời tiết là những chuyển động vật lý trong trời đất, con người không thể khống chế, không bao giờ có khả năng chủ động nhưng còn nhân tai như ở vườn rau Lộc Hưng, do con người gây ra, thì quả là tội ác thật đáng ghê tởm, không có ngôn ngữ nào đủ để nguyền rủa. Không biết ai là kẻ có máu lạnh đã ra lệnh tiến hành cuộc tàn phá này nhưng cho dù để phục vụ một công trình cần thiết trong kế hoạch chỉnh trang hay phát triển thành phố thì kế hoạch ấy phải có phần giải quyết ổn thỏa cho số 400 hộ gia đình đang sinh sống ở đấy chứ sao lại bức bách họ như vậy?
Không phải chỉ gửi một thông báo, cho họ một thời gian là xong vì họ có đi đâu thì một tấc đất hoang cũng thuộc quyền sinh sát của chính quyền. Họ có cắn răng cắm cọc dựng lều một lần nữa như đã làm với Lộc Hưng thì thời gian qua không cần biết bao lâu, tấn tuồng hôm nay sẽ lại tái diễn, họ lại bị đánh đuổi như đàn thú hoang vừa bị đánh đuổi ra khỏi Lộc Hưng. Họ cần một lời hứa được thực hiện ngay: cho họ một mảnh đất an cư để họ dời đi.
Hãy nhìn kế hoạch giải tỏa Hạ Long năm 2017 theo đề nghị của UNESCO căn cứ trên vấn đề nước trong vịnh bị ô nhiễm và kỹ nghệ du lịch thế giới muốn kỳ quan Hạ Long được bảo vệ. Người dân ngụ cư ba đời trên sóng nước Hạ Long được mời họp nhiều lần với chính quyền sở tại, được thuyết phục hết mềm mỏng đến cứng rắn, được cấp ngay một căn hộ trong đất liền trang bị tiện nghi với máy điều hòa không khí, tủ lạnh, lò vi ba, máy giặt máy sấy… Ngày họ phải rời vịnh ra đi, đám nhân viên công lực hò hét như một lũ điên, đập phá mặt tiền các căn nhà nổi dựng trên những cái mảng lớn, giật tung màn cửa sổ, xô ngã những tấm ván gỗ trên lối đi, hệt như lũ hải tặc thế kỷ thứ 18 nhìn thấy trong các bộ phim của Hollywood. Có vẻ như phá phách là hội chứng tâm thần của đám người mất thăng bằng trong cuộc sống, nát rượu, nhìn đâu cũng thấy căm hờn.
Cổ nhân có câu “Sẩy nhà ra thất nghiệp,” bề ngoài cuộc giải tỏa Hạ Long xem ra chu đáo vì có bàn tay Liên Hiệp Quốc rót tiền vào nhưng bề trong không phải vậy. Người dân Hạ Long có văn hóa và cách sống đặc thù trên sóng nước, có loại công việc sinh nhai rất khác với đất liền. Cho họ nhà cao cửa rộng nhưng họ không tìm được việc làm thích hợp, Đàn ông thất nghiệp nằm dài xem TV, hút thuốc lá vặt. Có anh mò vào sòng bài thử thời vận, vừa chẳng kiếm được việc gì, vừa thua trắng những đồng tiền chắt chiu thời làm lái tàu du lịch trong vịnh, đẩy anh đến chỗ thất chí và tự tử suýt chết, bỏ lại mẹ già, vợ yếu, con thơ. Đàn bà lam lũ gấp đôi vì ngoài việc buôn bán cò con, chiều tối về nhà còn phải bếp núc rửa dọn nồi niêu soong chảo, cách rách gấp đôi gấp ba ngày ở vịnh, mọi thứ đơn giản và ngay trong tầm tay. Trẻ con hết học thì ra phố thụt bi da, mười giờ tối mẹ gọi mãi mới về.
Lẽ ra sau giai đoạn dời cư từ vịnh vào đất liền, chính quyền sở tại phải có kế hoạch giúp người dân ổn định tâm lý thông qua các chương trình huấn nghệ, cho họ hội nhập vào cộng đồng nơi mới tới, thì chính phủ đem con bỏ chợ, sống chết mặc bây, tiền thầy đút túi rồi là chấm hết! Sau cùng, họ trả lại nhà cho chính quyền, trốn về Hạ Long sống lại những ngày lênh đênh cũ, càng lênh đênh hơn vì bây giờ cả nhà chỉ có một chiếc thuyền con, nổi trôi bất hợp pháp. Vì vậy, dời cư muôn đời là vấn đề nghiêm trọng cho mọi người, nói chi tới việc phá nát ngôi nhà đang có người ở.

Các linh mục dòng Chúa Cứu Thế có sáng kiến tổ chức cuộc thi lấy giải thưởng những ảnh chụp cảnh tàn phá Lộc Hưng, không để bêu riếu chính quyền vì chính quyền miễn nhiễm với bêu riếu mà để đau thương được nhận diện, được khắc ghi, làm bài học cho nhiều thế hệ sau, để nuôi hy vọng vào ngày mai vì lòng công chính sẽ tất thắng và hoa hồng vẫn nở trên những ống sắt bị bẻ cong, hai cây chuối con vẫn đâm chồi từ bụi chuối mẹ bị dày xéo hôm qua.
Cuộc phát thưởng được thu hình, được phóng lên YouTube. Các tác giả trúng giải được phỏng vấn về động lực thúc đầy họ thu vào ống kính cảnh điêu tàn của Lộc Hưng. Anh Tùng Nguyễn, giải ba với bức ảnh tựa đề “Lộc Hưng hôm nay hay Mậu Thân?” cho biết trong mắt anh, Lộc Hưng không khác gì những khu Saigon đổ nát vì súng đạn Tết Mậu Thân. Chiến tranh vô cảm không chừa ai, cái gì nhưng con người với con người sau chiến tranh vẫn cư xử tàn nhẫn với nhau đến mức này sao?
Đặc biệt anh Trần Bang, bộ đội phục viên, giải 4, tác giả bức ảnh “Bám sát Chiến Sự,” đã xúc động và phấn khích cho biết năm 1982, ba năm sau cuộc chiến ở biên giới với Trung Quốc, đơn vị anh được điều động về Lào Cai, giúp dân xây dựng lại thành phố bị tàn phá. Anh nói chính sách triệt hạ đối phương của Trung Quốc ngày ấy là tận diệt sự sống trong từng ngọn cỏ cho súc vật ăn, từng thước đất để con người trồng trọt lấy hoa màu, từng cái nền nhà để bắt đầu lại, từng cây cầu qua sông bị đánh sập, rừng cho bóng mát bị đốn sạch, nghĩa là sau bước chân xâm lăng của họ, nơi nào cũng hoang phế, cũng cùng kiệt, không còn là đất sống cho bất cứ ai, tàn ác ngoài sức tưởng tượng của con người. Thế mà cảnh tận diệt ấy hôm nay tái diễn ở Lộc Hưng, bởi chính những người Việt Nam nhân danh giải phóng miền Nam đối xử với đồng hương kém may mắn phải sống trong gông xiềng của họ.
Buổi trao giải cuộc thi ảnh kết thúc bằng lời cầu nguyện dõng dạc, minh bạch của Cha Anthony Ngọc Thanh DCCT, xin cho Việt Nam không còn bị chính quyền Cộng Sản cai trị nữa, khán giả nghe anh Tùng Nguyễn, giải 3, kêu khẽ trong cổ họng: “Chỉ mong cảnh tượng Lộc Hưng không còn xảy ra nữa!”
Chao ôi, tội nghiệp biết bao cho đồng bào tôi đã bị nhồi nắn để trở thành nhát nhúa, sợ cảnh máu đổ thịt rơi nên chỉ muốn cầu hòa, tin vào sự đổi thay tốt hơn không thể nào xảy tới trong những con người mê sảng quyền lực và lương tâm đã chết.
Không một ai trong những vị nhận giải đã chỉ nhận bằng tưởng lục và sẵn sàng trao lại chi phiếu (không biết bao nhiêu) cho ban tổ chức cuộc thi để gây quỹ tương trợ nạn nhân Lộc Hưng. Cho đến khi nghe Linh Mục Anthony Ngọc Thanh DCCT, lên tiếng kêu gọi những ai có ảnh của Lộc Hưng mà vì nhiều lý do không tiện ra mặt dự thi, xin gửi ảnh về album Lộc Hưng, chỉ mong những vị này không đòi thù lao bản quyền thì quý lắm.
Kẻ viết bài này chua xót nhận ra người Cộng Sản không chỉ phá nát những công trình lớn nhỏ của con người, phá nát giang sơn hoa gấm Việt Nam mà còn phá nát cả nền văn hóa trọng nghĩa khinh tài của một dân tộc có hàng ngàn năm văn hiến rực rỡ ở phương Đông! Đau đớn thay Lộc Hưng ơi!

Bùi Bích Hà
Theo Người Việt Online ngày 6/2/2019

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*