Chiến Tranh Và Những Phụ Nữ Ukraine Nơi Tiền Tuyến Chống Giặc Nga

Olena Zelenska – phu nhân tổng thống Ukraine (Nguồn: UKRAINIAN PRESIDENCY)

Trong nhiều năm, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cáo buộc Liên minh Âu châu đang ngày càng nới rộng ảnh hưởng về phía Nga. Về mặt lịch sử, Putin không dấu giấc mơ khôi phục Đế chế Nga (gồm Nga, Belarus và Ukraine), khiến một số nhà quan sát cho rằng Nga thực tình ít quan tâm đến các kế hoạch mở rộng của NATO mà thực sự chỉ muốn chống lại việc tăng cường dân chủ ở Ukraine.

Sự xâm lược Ukraine của Nga chính là một cuộc tấn công hệ thống giá trị tự do, dân chủ ở phương Tây mà theo Nga, là một mối đe dọa cho chế độ độc tài Moscow. Ukraine chỉ là một cuộc chiến ủy nhiệm giữa phương Tây và Nga.

Chiến tranh làm sống lại những định kiến cũ

Cuộc xâm lược của quân đội Nga vào Ukraine đẩy vô số người phải lên đường chạy thoát hiểm nguy mà hầu hết là phụ nữ, những người mẹ với đàn con của họ. Trong khi đó nam giới trong độ tuổi từ 18 đến 60 bị cấm rời khỏi Ukraine và phải ở lại cộng tác với quân đội để bảo vệ đất nước.

Chỉ sau vài ngày diễn ra cuộc chiến, hơn một triệu người đã đến các nước láng giềng của Ukraine, chủ yếu là Ba Lan. Sau hai tuần, hơn 2,5 triệu người được cho là đã rời khỏi nước. Cao ủy Tỵ nạn Liên Hiệp Quốc (UNHCR) gọi đây là một cuộc “di tản” với quy mô chưa từng có trong thế kỷ này.

Chiến tranh làm những định kiến cũ trở lại với hình ảnh “những người đàn ông dũng cảm và những người phụ nữ đẫm nước mắt”, những người đàn ông ngoài trận chiến và những người đàn bà chạy trốn bom đạn, ôm trong vòng tay những đứa trẻ kêu khóc, vẫy chào tạm biệt cha qua cửa sổ toa tàu.

Thật ra đàn ông cũng biết sợ hãi và phụ nữ cũng vô cùng dũng cảm

Trong bài phát biểu khai mạc Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2022, bà Roberta Metsola, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu tôn vinh người phụ nữ Ukraine trong cuộc chiến chống xâm lăng đã không chỉ là nạn nhân không có khả năng tự vệ:

“Tôi xin bắt đầu bằng lời chào mừng lòng dũng cảm đáng kinh ngạc của những phụ nữ Ukraine đang đương đầu với cuộc chiến chống xâm lăng, những người buộc phải tìm nơi trú ẩn cho những người thân yêu của họ, những người sinh con trong ga tàu điện ngầm và những người dẫn đầu cuộc chiến nơi tiền tuyến. Tôi trân trọng cảm ơn lòng dũng cảm, sức mạnh và sự kiên cường của họ trong những hoàn cảnh đặc biệt nghiêm trọng này.”

Các đội tình nguyện tổ chức viện trợ nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi vùng Donbass trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Nga công nhận các khu vực ly khai Luhansk và Donetsk của Ukraine là các quốc gia độc lập vào ngày 22/2Các đội tình nguyện tổ chức viện trợ nhân đạo cho dân thường sơ tán khỏi vùng Donbass trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khi Nga công nhận các khu vực ly khai Luhansk và Donetsk của Ukraine là các quốc gia độc lập vào ngày 22/2. (Nguồn: ANADOLU AGENCY VIA GETTY IMAGES)

Kể từ khi Nga bắt đầu xâm lược Ukraine, một phong trào kháng chiến lớn đã được tổ chức trong dân chúng, từ những người cầm vũ khí trực tiếp đối mặt với kẻ xâm lược, đến những người tổ chức các mạng lưới hỗ trợ trong và ngoài nước. Phụ nữ đã cho thấy rằng họ đang đóng một vai trò quan trọng như là các tác nhân trong chiến tranh và hòa giải xung đột.

Những người may áo chống đạn và đan vải rằn ri để ngụy trang, những bà mẹ lo hậu cần nhân đạo, những sinh viên tập sử dụng vũ khí… danh sách những tấm gương phụ nữ tham gia chiến tranh ở Ukraine rất dài và đa dạng.

Bà Nadia Myhal, chủ tịch Hiệp hội Phụ nữ Ukraine tại Pháp, tỏ lòng cảm phục bằng cách tham gia vào các đợt quyên góp và gây quỹ thông qua hiệp hội của mình.

“Trong cuộc chiến ở Donbass năm 2014, chúng ta đã thấy phụ nữ Ukraine có mặt trong cuộc chiến như thế nào. Do đó hiện nay họ lại tham gia kháng chiến ở các mức độ khác nhau là điều tự nhiên.”

Lòng dũng cảm được trui rèn qua lịch sử đất nước

Theo Nadia Myhal, các phong trào nữ quyền gần đây không liên quan nhiều đến vị trí chủ yếu của phụ nữ Ukraine trong cuộc chiến hiện tại.

Từ thời Trung cổ, đất nước này đã phải hứng chịu chiến tranh và khi đàn ông ra trận thì phụ nữ đã quen gánh vác công việc và ra quyết định, không những trong gia đình mà còn ở cấp địa phương và quốc gia.

Quyền lực của phụ nữ từ lâu đã trở thành một phần tâm lý người Ukraine, đến mức gần như có thể coi đó là một xã hội mẫu hệ. Kể từ cuộc cách mạng Maidan, phụ nữ đã không ngừng tham gia mãnh liệt đấu tranh cho tự do và độc lập, để không rơi trở lại vào gông cùm của Nga.

Do đó, không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ phụ nữ ngày nay hiện diện trong quân đội lên tới 15%. Olena Bilozerska, một trung úy trong quân đội Ukraine, được đài France 24 phỏng vấn, là một trong số đó.

“Tôi nghĩ trong vài ngày tới tôi sẽ chiến đấu tại tiền tuyến, tôi hy vọng như vậy. Vì đây là đất nước của tôi, là mảnh đất của tôi, tôi muốn bảo vệ nó và đó là nhiệm vụ của tôi. Tôi nghĩ tôi có đủ kinh nghiệm để làm như vậy. Tôi nghĩ bất kỳ công dân nào có khả năng cầm vũ khí đều nên làm như vậy và ra trận,” Olena nói.

Ngày Quốc tế Phụ nữ, khoảng 7.000 nữ binh sĩ của Lực lượng Không quân Ukraine đã không nhận hoa trong ngày lễ, họ đang cầm trên tay “không phải hoa mà là vũ khí”.

Phụ nữ Ukraine tham gia Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ Dân sựPhụ nữ Ukraine tham gia Lực lượng Phòng thủ Lãnh thổ Dân sự. (Nguồn: REUTERS)

бомбосховище (Nguồn: GETTY IMAGES)

Ngoài ra, còn có những phụ nữ tham gia vào cuộc kháng chiến vũ trang phi quân sự gọi là “Phòng thủ Lãnh thổ Dân sự”, để đáp lại lời kêu gọi của Tổng thống Ukraine vào ngày đầu tiên của cuộc chiến.

Maria, một cư dân Kyiv, 22 tuổi, vừa tốt nghiệp ngành Quan hệ quốc tế, đã đi nhận súng vào ngày thứ hai của cuộc chiến. “Tôi đang đi cùng một người bạn trên phố và thấy xung quanh chúng tôi là hoảng loạn. Mọi người vô cùng hoảng sợ”, cô kể lại trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với TV5 Monde.

“Chúng tôi nhanh chóng hiểu rằng phải làm gì đó để giúp đất nước chúng tôi giành lại tự do. Kể từ đó, ban ngày chúng tôi đi tuần tra trên đường phố Kyiv, lúc hai, ba, và bốn giờ và ban đêm, lúc hai giờ.”

‘Các nữ anh hùng ngày thường’

Khi không dùng vũ khí, phụ nữ Ukraine có những cách khác để biến mình thành người có ích. Một số tham gia vào các mạng lưới kháng chiến bằng cách cung cấp thực phẩm, thiết bị, vật dụng y tế hoặc nhiên liệu cho các thành viên của Lực lượng Phòng vệ Lãnh thổ Dân sự hoặc quân đội.

Olena Zelenska, đệ nhất phu nhân Ukraine, là một trong những gương mặt kháng chiến của đất nước. Bà bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình đối với “những nữ anh hùng ngày thường” trong một bức thư được đăng ngày 1/3 trên Instagram:

“Tôi ngưỡng mộ những người đang chữa bệnh, cấp cứu và giúp đỡ người khác, những người tiếp tục làm công việc của họ – trong các hiệu thuốc, cửa hàng, phương tiện giao thông và trong các dịch vụ công cộng, để cuộc sống tiếp tục và thay đổi.” Cuối cùng, bà bày tỏ lòng biết ơn đối với “những người đã sinh con dưới bom đạn, những người đã không hoảng sợ, vẫn đưa con cái của họ đến nhà trẻ mỗi ngày, nơi chúng được giải trí với các trò chơi và phim hoạt hình để bọn trẻ không bị khủng hoảng vì chiến tranh.”

Cũng có những người đã phải chạy trốn khỏi Ukraine và lòng dũng cảm của họ không nên bị lãng quên, Nadia Myhal nhắc nhở:

“Họ bỏ lại mọi thứ qua đêm trong điều kiện khắc nghiệt. Hầu hết họ không chạy trốn khỏi đất nước để thoát khỏi chiến tranh: họ chủ yếu mang con cái của họ đến nơi an toàn vì đó là bổn phận của người mẹ.”


‘Chồng tôi ở lại chiến đấu, nhưng tôi phải ra đi’

Gần 2,5 triệu người đã rời Ukraine trong 18 ngày. Một nửa trong số đó là trẻ em. LHQ dự đoán sẽ có tới 4 triệu người tỵ nạn.

Tiền tuyến là ở đâu?

Trong chiến tranh hiện đại, tiền tuyến không chỉ là nơi giao tranh trực tiếp của binh lính, nơi triển khai vũ khí. Sự hiện diện của quyền lực cứng và quyền lực mềm khiến tiền tuyến không riêng là nơi cận chiến máu lửa, mà mở rộng đến mọi lĩnh vực.

Cuộc chiến tại Ukraine đang là trường hợp thử nghiệm cho những xung đột thế kỷ 21, khi quyền lực cứng đối chọi với quyền lực mềm. Đây là một cuộc đấu tranh thoạt nhìn không cân xứng, với tốc độ của một tên lửa đọ sức với kết qủa chậm chạp của sự cô lập văn hóa và sự trì trệ kinh tế. Tuy nhiên, cuộc chiến không diễn ra một chiều như Putin có lẽ đã nghĩ.

Quyền lực mềm được học giả kiêm nhà ngoại giao người Mỹ George Kennan định nghĩa là “việc sử dụng mọi phương tiện theo lệnh của một quốc gia, trong trường hợp chiến tranh xảy ra” bao gồm từ liên minh chính trị đến tuyên truyền, hoạt động tâm lý để tấn công địch và tự bảo vệ. Trong bối cảnh đó, các biện pháp trừng phạt – chiến tranh kinh tế – chỉ là một phần của các lực lượng “phi động lực” (non kinetic) đang được triển khai chống lại nước Nga của Putin trong thời đại mà mọi thứ đều có thể được dùng làm vũ trang, từ luật pháp đến số người tị nạn.


Ukraine: Năm khoảnh khắc âm nhạc làm ấm lòng người giữa chiến tranh

Tuyên truyền, chiến tranh tâm lý, thúc đẩy liên minh chính trị là những địa hạt mà phụ nữ Ukraine có mặt tại các quốc gia Âu châu hiện đang đẩy mạnh hoạt động. Từ những bà mẹ trẻ tay bồng tay bế mới vượt biên giới lánh nạn, đến những bà ngọại đi đứng run rẩy, khó khăn, vẫn dõng dạc tố cáo Nga xâm lược, không một lời than khóc vì chồng, con trai đang ở lại chiến đấu giữ nước và vẫn nhất quyết rằng bất chấp mọi nỗi kinh hoàng người Ukraine sẽ không bỏ cuộc.

Trong khi đó những phụ nữ Ukraine trong giới trí thức không ngớt có mặt trên các đài truyền thanh, truyền hình, để kêu gọi, thúc đẩy người dân Âu châu làm áp lực đòi chính phủ của họ phải tiếp tay với chính phủ Ukraine tranh đấu, không những cho nền độc lập của Ukraine mà còn cho hệ thống giá trị tự do, dân chủ. Điều dễ thấy là sự đoàn kết toàn dân, và của phụ nữ là vũ khí mạnh mẽ và hiệu lực nhất hiện nay trong tay người Ukraine.

Thục-Quyên
Gửi cho BBC từ Munich, CHLB Đức ngày 15 tháng 3, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*