Trong cuộc phỏng vấn ngày 17 Tháng Ba 2021, Tổng thống Joe Biden gọi Tổng thống Nga Vladimir Putin là “kẻ giết người”. Trong thực tế, những vụ ám sát nhà báo và đầu độc đối thủ chính trị từ nhiều thập niên của cựu Đại tá KGB – Tổng thống Putin đã làm kinh động thế giới. Liệt kê đầy đủ những vụ giết người không gớm tay của Putin phải cần nhiều quyển sách. Dưới đây là vài chi tiết về biệt đội sát thủ của Putin được phái sang châu Âu để truy lùng “kẻ thù” và thực hiện những vụ giết chóc rùng rợn… Bài viết tổng hợp từ Der Spiegel, Bellingcat, The Insider và The Dossier Center…
Những vụ giết người man rợ
Hè năm 2013, tại Moscow, một sát thủ phóng xe đạp về phía nạn nhân – doanh nhân người Nga Albert Nazranov. Người đi đường thấy hai người cãi nhau rồi hung thủ bất ngờ rút súng nã toác đầu nạn nhân… Hè 2019, một hung thủ cũng phóng xe đạp về hướng nạn nhân. Lần này, sự việc xảy ra ở Berlin. Tên sát nhân ở Berlin, mang hộ chiếu tên Vadim Krasikov, người Nga, có thể là kẻ thực hiện cả hai vụ ám sát trên.
Berlin ngày 23 Tháng Tám 2019, bầu trời xanh ngắt. Khoảng giữa trưa, Zelimkhan Khangoshvili, người Georgia, bắt đầu đến giáo đường Hồi giáo cầu nguyện. Lộ trình đến nhà thờ đi ngang Kleiner Tiergarten, một công viên ở khu Moabit (Berlin). Du khách đang tận hưởng ánh nắng trong công viên phía trước quán Café Alverdes. Zelimkhan Khangoshvili cũng thong thả tản bộ. Bất ngờ, một kẻ đi xe đạp leo núi màu đen lao đến ông. Lúc ấy 11:58 giờ sáng. Chẳng nói chẳng rằng, hắn móc súng bắn gục Khangoshvili. Hai viên đạn từ khẩu 9mm gắn ống giảm thanh đã găm vào đầu Khangoshvili.
Berlin – một trong những thành phố châu Âu mà điệp viên Nga ẩn mình để tìm diệt đối thủ chính trị của Putin (Ảnh: pexels-shvets-anna)
Sát thủ phóng xe chạy, vấp té, bị thương ở chân, trước khi rẽ sang con đường phụ về phía Nam vài trăm bộ về phía bờ sông Spree. Hắn vội vàng lao vào bụi cây thay quần áo. Gói mớ quần áo cũ và khẩu Glock 26 vào cái túi rồi ném xuống con sông ở cầu Lessing, hắn ném luôn chiếc xe đạp cùng mớ tóc giả… Hắn tiếp tục tẩu trốn trên chiếc scooter Volteboard chạy bằng điện mà trước đó hắn mua chứ không phải thuê. Hung thủ có lẽ đã thở phào nhẹ nhõm nếu không có hai thiếu niên tình cờ chứng kiến tất cả. Hắn bị bắt tại một ga xe lửa gần đó. Người ta phát hiện một trong những túi của hắn có chứa thứ bột chuyên dùng để “thuốc” chó. Passport của hắn mang tên Vadim Sokolov…
Văn phòng Công tố Berlin và cảnh sát Berlin thụ lý điều tra. Thoạt đầu người ta nghĩ vụ giết Zelimkhan Khangoshvili có thể là vụ thanh toán của các băng nhóm tội phạm. Tuy nhiên, nhóm điều tra viên phát hiện những dấu hiệu cho thấy chính quyền Nga đã xếp Zelimkhan Khangoshvili vào danh sách những “kẻ thù của nhà nước”. Khangoshvili xuất thân từ Thung lũng Pankissi ở Georgia. Khi cuộc chiến Chechnya lần thứ hai nổ ra năm 1999, nhiều thanh niên ở Pankissi tham gia chiến đấu, trong đó có Khangoshvili. Ông thậm chí trở thành chỉ huy và là cánh tay mặt của thủ lĩnh phe ly khai Chechnya – Tổng thống Aslan Maskhadov, người bị cơ quan mật vụ Nga giết năm 2005.
Năm 2004, sau chiến tranh, Khangoshvili trở về và bị theo dõi từ lúc đó. Vợ cũ của Khangoshvili – bà Manana T. –nói rằng mình từng nhiều lần thấy điệp viên Nga theo dõi ông. Sau khi cha của Manana bị bắt cóc, hai vợ chồng không còn cảm thấy an toàn và họ trốn đến thủ đô Tbilisi của Georgia. Vấn đề là khi Khangoshvili đến Georgia, ông làm việc cho cơ quan an ninh nước này. Người ta tin rằng thông tin từ ông đã được chuyển cho CIA. Năm 2015, Khangoshvili trốn qua Ukraine và ông lại làm việc cho chính phủ Ukraine. Cuối năm 2016, Khangoshvili đến Đức, xin tỵ nạn chính trị dưới cái tên khác…
“Ngôi nhà lớn” – từ quen được gọi ở St. Petersburg – trụ sở cơ quan an ninh tình báo nội địa Nga FSB, trước kia là tổng hành dinh cơ quan khét tiếng KGB (Ảnh: Ulf Mauder/picture alliance via Getty Images)
Bọn sát thủ chuyên nghiệp – chúng là ai?
Dù ngay từ đầu các nhà điều tra đã nghi ngờ Nga đứng sau vụ giết Khangoshvili nhưng họ thiếu bằng chứng. Đến Tháng Tám 2019, Văn phòng Cảnh sát Hình sự Berlin phát hiện một thông báo truy lùng khẩn được ban hành đã 5 năm trong hồ sơ Interpol. Nhân vật trong hồ sơ Interpol là một người Nga tên Vadim Krasikov. Đối chiếu hình ảnh hung thủ có tên “Vadim Sokolov” như được ghi trong passport (trong vụ giết Khangoshvili), người ta phát hiện rằng “Vadim Sokolov” chính là Vadim Krasikov! Các cuộc điều tra mở rộng cho thấy “có vẻ như” có một biệt đội tử thần được điều động từ Moscow sang châu Âu.
Sau bữa tối vào Tháng Tư 2015, Emilian Gebrev đột nhiên cảm thấy khó chịu. Mắt ngứa một cách dữ dội. Nhà sản xuất vũ khí người Bulgaria này, từng cung cấp súng ống cho nhiều kẻ thù của nước Nga, nôn mửa và gục xuống trong một nhà hàng ở Sofia trước khi hôn mê tại bệnh viện. Bác sĩ không thể xác định chất độc gì. Các cuộc điều tra không đi đến đâu. Cho đến khi xảy ra một vụ tấn công bằng chất độc khác, nhằm vào Sergei Skripal và con gái ông, vào ba năm sau, nhiều thắc mắc bắt đầu có lời giải…
Ngày 4 Tháng Ba 2018, tình báo Anh nhốn nháo khi nhận được tin bệnh viện Salisbury vừa tiếp nhận ca cấp cứu Sergei Skripal và con gái của ông bị đầu độc. Trước đó, việc cựu sĩ quan tình báo quân đội Nga Sergei Skripal trốn sang Anh và cung cấp cho tình báo MI6 của Anh nhiều bí mật đã làm chấn động giới tình báo. Bệnh viện cho biết Sergei Skripal và đứa con gái của ông bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novichok do Nga chế tạo…
Xem xét vụ Emilian Gebrev và vụ Sergei Skripal, người ta thấy có một cái tên liên quan: Denis Sergeev, sĩ quan cấp cao của tình báo Nga (GRU), từng tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Quân sự Nga. Từ năm 2012, tên này bắt đầu hoạt động dưới bí danh “Sergey Fedotov”, thường xuyên đi châu Âu và không gặp khó khăn gì khi xin thị thực. Không lâu trước khi xảy ra vụ ám sát Skripal, Sergeev đã đến Anh với hộ chiếu mang tên Fedotov. Hắn chính là “điều phối viên địa phương” cho vụ đầu độc Skripal từ một phòng khách sạn ở London. Có khả năng hắn cũng đóng vai trò tương tự trong giết Emilian Gebrev.
Vụ Sergei Skripal gây chấn động báo chí Anh (Ảnh: Richard Baker In Pictures via Getty Images)
Đơn vị 29155
Ngày 24 Tháng Tư 2015, Denis Sergeev, bí danh Fedotov, đến Bulgaria bằng chuyến bay thẳng từ Moscow. Hắn đã đặt chuyến bay trở về một tuần sau. Tuy nhiên, vào phút cuối, Fedotov lại tạt qua Istanbul rồi trở về Moscow vào tối ngày 28 Tháng Tư, đúng ngày mà Emilian Gebrev gục trong nhà hàng và sau đó hôn mê. Chỉ là tình cờ? Chắc là không. Sergeev không phải là nhân viên GRU duy nhất bay đến Bulgaria trong thời gian được đề cập. Các tài liệu từ cơ sở dữ liệu chuyến bay và bản kê khai hành khách đã ghi lại các chuyến đi của tám điệp viên GRU cùng đến Bulgaria.
Loạt điều tra phối hợp của Bellingcat, The Insider và DER SPIEGEL đã làm lộ ra bức tranh chi tiết về nhiệm vụ, cơ cấu và thành viên nhóm sát thủ. Chúng được gọi là Đơn vị 29155. Các điệp viên trong vụ Skripal và Gebrev là thành viên của đơn vị bí mật này. Đơn vị 29155 gồm khoảng 20 tên, dưới sự chỉ huy của một thiếu tướng và thuộc quản lý Bộ Quốc phòng Nga.
Nghiên cứu được thực hiện từ nhiều nguồn, trong đó có sổ đăng ký thường dân Nga, dữ liệu hộ chiếu và thông tin từ trang web của các học viện quân sự Nga, cho thấy hầu hết thành viên Đơn vị 29155 có xuất thân giống nhau. Chúng ở độ tuổi từ cuối 30 đến giữa 40, tốt nghiệp các học viện tên tuổi, có kinh nghiệm chiến đấu chẳng hạn từng lăn lộn qua các cuộc chiến ở Chechnya hoặc Ukraine. Đơn vị 29155 có thể được được thành lập vào năm 2009. Những bài đăng trên các diễn đàn quân sự Nga cho thấy đơn vị này được thành lập như một bộ phận huấn luyện cho các hoạt động đặc biệt. Người chỉ huy có thể là Thiếu tướng Andrei Averyanov.
Cần nhấn mạnh, từ năm 2006, Putin đã ký một đạo luật cho phép tình báo Nga thực hiện những điệp vụ giết người ở nước ngoài. “Sự thật là Putin đã dùng công cụ giết người để xóa sổ kẻ thù ngay từ những ngày đầu của nhiệm kỳ tổng thống trong khi phương Tây từ lâu lại ngoảnh mặt không quan tâm” – nhà báo Anh Heidi Blake viết trong cuốn From Russia with Blood.
Blake và nhóm của mình đã bỏ ra hai năm để điều tra những cái chết bí ẩn. Nạn nhân đều là những bất mãn Putin và đa số chạy sang Anh. Chẳng hạn Boris Berezovsky, một nhà toán học, kỹ sư và doanh nhân người Nga, được tìm thấy chết trong căn hộ riêng vào năm 2013, khi “treo cổ bằng chiếc khăn cashmere”. Tám người bạn và đối tác kinh doanh của Berezovsky cũng mất mạng trong những hoàn cảnh kỳ lạ. Trong 15 trường hợp như vậy, giới báo chí luôn tìm thấy dấu vết bằng chứng dẫn đến Nga.
____________________________
Bàn tay máu của Putin
Boris Nemtsov, ngày 27 Tháng Hai 2015
Những năm 1990, Nemtsov là ngôi sao chính trị nổi bật trong “những nhà cải cách trẻ” của nước Nga hậu Xô Viết. Ông làm phó thủ tướng và có thời gian được xem có thể lên ghế tổng thống. Tuy nhiên, Putin được Boris Yeltsin chọn vào năm 2000. Nemtsov ủng hộ nhưng sau đó liên tục chỉ trích khi Putin tước bỏ các quyền tự do dân sự và ngày càng phản dân chủ. Nemstov dẫn đầu các cuộc biểu tình lớn trên đường phố để phản đối kết quả bầu cử Quốc hội năm 2011 và tung ra nhiều bài viết về tham nhũng. Ông bị bắt nhiều lần. Tháng Hai 2015, chỉ vài giờ sau khi kêu gọi công chúng tham gia tuần hành phản đối sự can dự của quân đội Nga ở Ukraine, Nemtsov bị bắn bốn phát vào lưng bởi “một kẻ tấn công không rõ danh tính”.
Boris Nemtsov trong một cuộc biểu tình lên án tình trạng gian lận lá phiếu bầu cử Quốc hội; Moscow, Tháng Mười Hai 2011 (Ảnh: Konstantin Zavrazhin/Getty Images)
Boris Berezovsky, ngày 8 Tháng Năm 2013
Là một nhà tài phiệt có quan hệ rất sâu với nội bộ Yeltsin cuối những năm 1990, Berezovsky chính là người giúp Putin lên nắm quyền (với việc thực hiện chiến dịch truyền thông bôi nhọ Nemtsov). Tuy nhiên, Berezovsky nhanh chóng bị đá ra rìa. Cuối cùng, Berezovsky sang Anh lưu vong. Ông cáo buộc Kremlin dàn dựng vụ giết Alexander Litvinenko, một cựu sĩ quan tình báo và cũng bị đầu độc chết vào năm 2009. Berezovsky được tìm thấy chết trong phòng tắm bị khóa tại nhà riêng ở Anh với chiếc khăn choàng thòng lọng quanh cổ.
Boris Berezovsky; 2002 (Ảnh: John Downing/Hulton Archive/Getty Images)
Stanislav Markelov và Anastasia Baburova, ngày 19 Tháng Một 2009
Markelov là luật sư nhân quyền nổi tiếng với việc đại diện cho dân thường Chechnya trong các vụ kiện quân đội Nga. Ông cũng đại diện cho các nhà báo gặp rắc rối pháp lý sau khi viết bài chỉ trích Putin, trong đó có phóng viên Anna Politkovskaya của tờ Novaya Gazeta, người bị giết vào năm 2006. Markelov bị một tay súng đeo mặt nạ bắn chết thảm. Baburova, cũng là nhà báo Novaya Gazeta, bị bắn chết khi cố cứu Markelov. Giới chức trách Nga cho biết một nhóm “tân Quốc xã đứng sau vụ giết người”.
Dân Đức biểu tình lên án Putin sau cái chết của Stanislav Markelov (Ảnh: Sean Gallup/Getty Images)
Sergei Magnitsky, ngày 16 Tháng Mười Một 2009
Luật sư Sergei Magnitsky chết trong ngục vào Tháng Mười Một 2009 sau khi bị tra tấn dã man. Magnitsky từng làm việc cho doanh nhân người Mỹ gốc Anh William Browder để điều tra một vụ gian lận thuế lớn. Magnitsky bị bắt sau khi phát hiện bằng chứng cho thấy đám quan chức cảnh sát đứng sau vụ trên. Năm 2012, William Browder vận động chính phủ Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan cái chết Magnitsky. Dự luật trừng phạt mang tên Magnitsky sau đó được áp dụng cho những kẻ tương tự.
Natalia Estemirova, ngày 15 Tháng Bảy 2009
Natalya Estemirova là nhà báo điều tra các vụ bắt cóc và giết người ở Chechnya, nơi lực lượng an ninh thân Nga tiến hành những cuộc đàn áp tàn bạo nhằm tiêu diệt các tay súng Hồi giáo chịu trách nhiệm trong một số vụ tấn công khủng bố nhằm vào Nga. Estemirova bị bắt cóc bên ngoài nhà riêng, sau đó bị bắn nát thây. Xác của cô bị vất vào rừng. Chẳng “thủ phạm” nào bị bắt.
Anna Politkovskaya, ngày 7 Tháng Mười 2006
Anna Politkovskaya là phóng viên tờ Novaya Gazeta, tác giả quyển “Nước Nga của Putin” với nội dung cáo buộc nhà lãnh đạo Kremlin biến đất nước thành một nhà tù khổng lồ. Politkovskaya bị bắn trong thang máy tại chung cư đang ở. Có năm kẻ bị kết tội giết Politkovskaya nhưng thẩm phán “nhận thấy rằng” đó là một vụ “giết mướn” mà bọn sát thủ được trả $150,000. Tuy nhiên, “ai” mướn thì nhà chức trách không bao giờ công bố!
Anna Politkovskaya tại một hội chợ sách ở Leipzig khi giới thiệu quyển “Nước Nga của Putin” vào Tháng Ba 2005 (Ảnh: JENS SCHLUETER/DDP/AFP via Getty Images)
Alexander Litvinenko, ngày 23 Tháng Mười Một 2006
Alexander Litvinenko, cựu điệp viên KGB, bị giết chết sau khi uống tách trà tẩm chất polonium-210 tại một khách sạn ở London. Sau khi rời Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSS), Litvinenko liên tục chỉ trích FSS và thậm chí cho rằng chính FSS đã dàn dựng vụ giết Litvinenko. Ông cũng cáo buộc Putin ra lệnh sát hại Anna Politkovskaya.
Alexander Litvinenko trong bệnh viện sau khi bị đầu độc (Ảnh: Natasja Weitsz/Getty Images)
Sergei Yushenkov, ngày 17 Tháng Tư 2003
Khi Sergei Yushenkov, cựu Đại tá quân đội, vừa đăng ký thành lập đảng Nước Nga Tự do thì ông bị bắn gục bên ngoài nhà riêng ở Moscow. Đó cũng là thời điểm Yushenkov đang thu thập bằng chứng mà ông tin rằng chính phủ Putin đứng sau một trong những vụ đánh bom khu chung cư vào năm 1999 rồi đổ vấy cho Chechnya.
Sergei Yushenkov; Moscow 1999 (Ảnh: CHERYL DIAZ MEYER/Star Tribune via Getty Images)
Yuri Shchekochikhin, ngày 3 Tháng Bảy 2003
Là một nhà báo chuyên về tội phạm và tham nhũng từ thời Liên Xô, Shchekochikhin bị giết vì “tội” điều tra vụ đánh bom chung cư năm 1999. Tháng Bảy 2003, Shchekochikhin đột ngột mắc phải một căn bệnh bí ẩn. Vài ngày trước chuyến đi dự định qua Mỹ, Shchekochikhin chết. Tất cả hồ sơ bệnh án của Shchekochikhin đến nay vẫn là “tài liệu mật”.
Mỹ Anh
Theo SGN ngày 11 tháng 3, 2022
Be the first to comment