Sứ quán Ukraine ở Hà Nội làm hội chợ gây quỹ hôm 5/3, trong lúc Nga đánh Ukraine. (Nguồn hình ảnh: NHAT LAM)
Cả thế giới, trong đó có Việt Nam đang từng giờ theo dõi cuộc chiến tranh Nga và Ukraine. Chưa bao giờ, người Việt lại quan tâm đến chiến tranh như vậy.
Và cũng chưa có cuộc chiến nào phân hóa tình cảm và thái độ người Việt như thế. Phân cực quyết liệt trong từng nhóm bạn, từng cơ quan và từng gia đình.
Thậm chí, cả học sinh tiểu học cũng quan tâm. Cháu ngoại tôi đang học lớp 4 trường Vinschool. Cháu rất mê lịch sử, nói vanh vách về 2 cuộc thế chiến.
Hôm kia, tôi ngạc nhiên khi tình cờ thấy cháu đang xem Youtube về cuộc chiến Nga – Ukraine. Tôi giật mình khi cháu nói “Cháu không thích Putin vì Putin gây chiến tranh. Cháu thấy Putin giống Hitler!” Cứ như ông cụ non.
Cả Nga và Ukraine đều từng là anh em chung nhà Liên Xô (Liên bang Xô Viết) từ 1917 – 1991 và từng là bạn chí thân của Việt Nam.
Tại phiên họp Hội đồng Bảo an LHQ ngày 1/3/2022, Đại sứ Việt Nam Đặng Hoàng Giang dù không chỉ đích danh Nga, nước có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam, nhưng đã mạnh mẽ nói: “Các học thuyết lỗi thời đề cao chính trị cường quyền, tham vọng thống trị, áp đặt và sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp quốc tế. Mọi tranh chấp quốc tế cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế và Hiến chương LHQ, bao gồm các nguyên tắc về bình đẳng chủ quyền, độc lập chính trị và toàn vẹn lãnh thổ, không can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia và không đe dọa hoặc sử dụng vũ lực. Tất cả các quốc gia lớn hay nhỏ đều phải tuân thủ các nguyên tắc cơ bản này.”
Nói có vẻ mạnh miệng và hợp lý nhưng khi hành đồng thì ba phải. Việt Nam là 1 trong 35/191 quốc gia thành viên LHQ bỏ phiếu trắng, nghĩa là có vẻ không có ý kiến chống hay ủng hộ ai.
Kết quả cuộc bỏ phiếu nghị quyết lên án cuộc xâm lược của Nga đối với Ukraine trong phiên họp đặc biệt khẩn cấp lần thứ 11 của Đại hội đồng LHQ. (Nguồn hình ảnh: EPA)
Singapore, nhỏ bé mà còn không chịu nổi sự ngang ngược, ban hành lệnh trừng phạt Nga vì “vô cớ xâm lược Ukraine“.
Ngay sau khi Việt Nam bỏ phiếu trắng ở LHQ, đại biện Lâm thời của Ukraine tại Hà Nội Nataliya Zhinkyna, đã bày tỏ sự thất vọng. Bà viết trên Facebook “Trong số tất cả các thành viên ASEAN chỉ có Việt Nam và Lào là bỏ phiếu trắng. Việt Nam ơi, quê hương thứ hai của tôi, tôi rất thất vọng“.
Tôi muốn nói với bà Nataliya Zhinkyna rằng, không riêng gì bà mà rất nhiều người Việt Nam, trong đó có tôi, cũng rất thất vọng.
Ngạn ngữ Anh có câu “Hãy cho tôi biết bạn của anh là ai, tôi sẽ chỉ cho anh biết, anh là người như thế nào?”. Là bạn tốt của nhau, thấy bạn làm sai phải can ngăn, nếu không nghe phải lên án và nhờ pháp luật can thiệp. Kể cả người thân trong nhà cũng vậy. Giữ thái độ im lặng là gián tiếp đồng lõa. Bỏ phiếu trắng là không chống, cũng không ủng hộ, là “ba phải”.
Lâu nay, rất nhiều người Việt thần tượng Tổng thống Nga Vladimir Putin ở tính cách mạnh mẽ, thái độ quyết đoán, đưa nước Nga thoát khỏi khủng hoảng và vòng kim cô xã hội chủ nghĩa.
Với nhiều người, thần tượng đó ngày càng nhạt nhòa khi chứng kiến những hành xử độc đoán, trấn áp các phần tử đối lập. Khi xua quân xâm lược Ukraine, Putin đã tự lột mặt nạ, bỏ hết cả phấn son.
Từng là người lính, tôi càng căm ghét chiến tranh và không thể tha thứ cho kẻ gây chiến vì “Chiến tranh đâu phải trò đùa” (Pham Minh Tuấn). “Cuộc chiến nào thì nhân dân cũng thất bại” (ý thơ Nguyễn Duy).
Dùng vũ lực giải quyết mâu thuẫn, nhất là xâm lược nước khác, là thể hiện hành xử phần Con. Chứ Người với nhau thật sự, luôn yêu chuộng và trân quí hòa bình.
Trung Quốc đang tập trận ở Biển Đông từ 4 – 15/3/2022, cấm tàu bè các nước qua lại trong cả vùng biền mà Việt Nam tuyên bố có chủ quyền. Phải chăng đây là hành động có chủ ý, lựa chọn thời cơ thế giới đang phân tâm về cuộc chiến, thăm dò dư luận và thái độ các nước, nắn gân Việt Nam?
Cặp bài trùng Putin – Tập Cận Bình dù có nhiều mâu thuẫn, đang dựa vào những lợi ích bá quyền cục bộ của nhau, liên minh uy hiếp hòa bình nhân loại.
(Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES)
Tôi cũng nực cười khi có người bảo lý do Nga xâm lược Ukraine để ngăn Ukraine gia nhập NATO. Ô hô, đến con cái tới tuổi trưởng thành (18 tuổi), đều có quyền độc lập, tự quyết định và chịu trách nhiệm về mọi hành xử của mình. Cha mẹ còn không thể cấm con chơi với ai nữa là các quốc gia bình đẳng, độc lập, có chủ quyền.
Bữa kia, bên phường họp cán bộ hưu trí bất thường “đề nghị tất cả đảng viên tránh quan tâm và bình luận về cuộc chiến Nga – Ukraine vì thông tin nhiễu, dễ bị lôi uốn và lợi dụng“. Tôi cười trong bụng, đâu phải con nít mà dễ dụ.
Con nít bây giờ cũng khó dụ nữa là mấy ông già gần đất xa trời. Nhưng dù sao họ chỉ đề nghị chứ không cấm, nên tôi và nhiều người hàng ngày vẫn theo dõi chiến sự theo những kênh tin cậy và có chính kiến riêng, chứ không ba phải hay sọc dưa.
Báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin Nga tấn công Ukraine nhưng vẫn không dùng từ ‘xâm lược’ như truyền thông phương Tây. (Nguồn hình ảnh: AFP VIA GETTY IMAGES)
Về đối ngoại, Việt Nam chủ trương 5 không – “Không tham gia liên minh quân sự – Không liên kết với nước này để chống nước kia – Không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ Việt Nam để chống lại nước khác – Không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế – Không liên kết nước này để chống nước kia“.
Không chống nước nào cả, không có nghĩa là làm ngơ, im lặng trước cái ác.
Mọi cuộc chiến tranh xâm lược đều cần lên án và góp phần tích cực chặn đứng.
Cuộc chiến Nga – Ukraine sẽ trờ thành tiền lệ xấu, rất xấu cho các nước nhỏ, yếu hơn trước các cường quốc, mà Việt Nam là điển hình.
Nếu Việt Nam bị ai đó xâm lược, các nước khác bỏ phiếu trằng thì sao nhỉ. Không chừng lúc đó Việt Nam có thêm không thứ 6 – Không nước nào lên án (kẻ xâm lược Việt Nam) thì chí nguy.
Nghĩ mà lo và buồn.
Cuộc chiến Nga-Ukraine đang ngày càng lan rộng. Thương vong ngày mỗi gia tăng. Thiệt hại ngày càng khủng khiếp.
Tôi cho rằng hỗ trợ nhân dân Ukraine, buộc Nga chấm dứt và bồi thường chiến tranh là trách nhiệm của cả nhân loại, để thế giới giữ vững hòa bình.
Trần Thắng
Cựu Chiến binh và hưu trí
Gửi tới BBC từ Sài Gòn ngày 9 tháng 3, 2022
Be the first to comment