Khủng Hoảng Ukraine: Thêm Các Tập Đoàn Rút Đi Hoặc Dừng Kinh Doanh Tại Nga

(Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES)

Khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ tại Liên Xô cách đây hơn 30 năm thì các tập đoàn phương Tây là những người đầu tiên chen chân vào Nga.

Khi đó sự xuất hiện của Coca-Cola và McDonald’s tượng trưng cho sự khởi đầu một kỷ nguyên mới. Người tiêu dùng Nga cũng nhiệt tình với quần jeans Levi’s và hàng hóa cao cấp.

Sau khi Tổng thống Nga Putin tuyên bố một cuộc chiến tranh nhằm vào Ukraine thì một số tập đoàn bao gồm Apple, Jaguar Land Rover, H&M và Burberry tuyên bố dừng hoạt động tại Nga.

Thế thì tại sao một số khác vẫn còn giữ im lặng?

Dầu khí

Một dàn khoan dầu khí của hãng Rosneft tại vịnh Khatanga (Nga)Một dàn khoan dầu khí của hãng Rosneft tại vịnh Khatanga (Nga). (Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES)

Khi cuộc chiến tại Ukraine bùng phát thì tập đoàn năng lượng BP đã chịu sức ép ngay lập tức. BP sở hữu 20% cổ phần trong gã khổng lồ Rosneft của Nga nhưng chỉ trong vài ngày sau đó đã tuyên bố bán khoản đầu tư này.

Động thái này theo sau các tuyên bố từ Shell, ExxonMobil và Equinor cắt các khoản đầu tư tại Nga theo sau áp lực từ các cổ đông cũng như từ chính phủ và công chúng.

Giá trị các cổ phần này có tầm quan trọng đối với tập đoàn năng lượng như BP khi chiếm đến 1/5 lợi nhuận của hãng trong những năm gần đây.

Shell có thể mất đến 3 tỉ đôla khi rút khỏi liên doanh với Gazprom.

Theo Russ Mould, Giám đốc đầu tư tại AJ Bell thì các tập đoàn muốn được nhìn nhận đang “làm điều đúng đắn”.

Trong khi đó Total Energy nói sẽ không tài trợ dự án mới nào tại Nga thế nhưng không giống các tập đoàn chung ngành khác, Total Energy không có kế hoạch bán những khoản đầu tư hiện có.

Giải trí

Turning Red của Pixar sẽ không được công chiếu tại NgaTurning Red của Pixar sẽ không được công chiếu tại Nga. (Nguồn hình ảnh: DISNEY)

Các fan điện ảnh ở Nga giờ đây không thể xem bom tấn The Batman của Warner Bros khi hãng tuyên bố ngừng công chiếu tại Nga.

Disney và Sony cũng hủy bỏ kế hoạch công chiếu Turning Red và bom tấn siêu anh hùng Morbius từ vũ trụ điện ảnh Marvel.

Netflix, vốn là thành viên mới gia nhập hoạt động kinh doanh tại Nga đã ngưng các dịch vụ tại Nga và dừng “tất cả dự án tương lai”.

Tất cả các công ty cho biết quyết định đã dựa trên “một cuộc khủng hoảng nhân đạo” tại Ukraine hơn là do các lệnh trừng phạt được áp đặt lên Moscow.

Các quyết định sẽ phát đi chung một thông điệp về sự cô lập về mặt văn hóa đối với Moscow, Susannah Streeter, nhà phân tích từ Hargreaves Lansdown nói.

Công nghệ

Tất cả cửa hàng của Apple đã dừng hoạt động tại NgaTất cả cửa hàng của Apple đã dừng hoạt động tại Nga. (Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES)

Samsung, nhà cung cấp điện thoại thông minh hàng đầu tại Nga, hơn cả Xiaomi và Apple sẽ dừng việc vận chuyển sản phẩm Nga nhưng chưa rõ liệu các cửa hàng của Samsung sẽ đóng cửa hay không.

Có thông tin Phó Thủ tướng Ukraine Mykhailo Fedorov đã kêu gọi Samsung tạm ngừng cung cấp dịch vụ và sản phẩm đến Nga.

Apple cũng ngưng bán sản phẩm tại Nga, hạn chế các dịch vụ khác như Apple Pay và Apple Maps. Các cửa hàng của Apple cũng đã đóng cửa.

Chris Weafer, Giám đốc công ty tư vấn Macro-advisory Limited nói, “Các công ty không muốn dính dáng với chế độ tại Nga và những gì đang diễn ra tại Ukraine. Phần còn lại của thế giới quan trọng hơn.”

Bên cạnh đó trước làn sóng tin giả, một số tập đoàn công nghệ đang hạn chế việc những hãng truyền thông liên quan đến Kremlin đăng tải thông tin trên nền tảng của mình.

Ví dụ như Facebook đã bị chặn tại Nga sau khi từ chối ngưng kiểm tra tin giả và dán nhãn các nội dung từ các cơ quan tin tức nhà nước.

Bán lẻ

Burberry in Red Square(Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES)

Inditex (Tây Ban Nha) chủ sở hữu 8 thương hiệu gồm Zara, Bershka, Stradivarius và Oysho đã đóng cửa tất cả 502 cửa hàng tại Nga… ảnh hưởng đến hơn 9.000 nhân viên.

Hãng nội thất Ikea của Thụy Điển cũng dừng hoạt động tại Nga, ảnh hưởng đến 17 cửa hàng mặc dù công ty mẹ vẫn giữ các trung tâm mua sắm Mega hoạt động.

Một thương hiệu nổi tiếng khác của Thụy Điển là H&M cũng ngưng hoạt động tại Nga, và theo đó là thêm nhiều thương hiệu khác.

H&M đã viện dẫn “những diễn biến bi kịch” tại Ukraine trong khi Nike thì đơn giản cho biết hiện thời không thể đảm bảo việc phân phối hàng hóa đến khách hàng tại Nga.

Nga hiện là thị trường bán lẻ lớn thứ 5 tại châu Âu trong năm 2021, với giá trị khoảng hơn 445 tỷ đôla. Một số thương hiệu có thể không muốn rũ bỏ tất cả và vẫn để mở khả năng quay trở lại vào một ngày nào đó.

Đó là lý do tại sao những nhà bán lẻ cao cấp như Burberry và Chanel chỉ nói “dừng” việc bán hàng và tạm thời đóng cửa các cửa hàng thay vì cùng rút việc kinh doanh khỏi Nga, theo Chris Weafer.

Hiện thời với các lệnh trừng phạt hạn chế các phương thức thanh toán, trao đổi ngoại tệ xuyên biên giới, thì sự bất ổn to lớn liên quan đến giá cả trong tương lai và sở thích của người tiêu dùng, bức tranh kinh doanh là “cực kỳ thách thức”, Chris Weafer nói, và do đó việc quyết định dừng kinh doanh trở nên dễ dàng hơn.

Các lĩnh vực khác

Jaguar Land Rover nói dừng việc bán xe vì "những khó khăn trong giao dịch"Jaguar Land Rover nói dừng việc bán xe vì “những khó khăn trong giao dịch”. (Nguồn hình ảnh: PA MEDIA)

Jaguar Land Rover (JLR), General Motors, Aston Martin và Rolls-Royce là những tập đoàn sản xuất ô tô dừng việc cung cấp xe đến Nga vì cuộc chiến.

Ô tô là mặt hàng xuất khẩu hàng đầu từ Anh Quốc đến Nga nhưng chỉ 1% xe của Anh được xuất sang Nga hồi năm ngoái.

Do đó bất kỳ quyết định ngừng xuất khẩu xe cũng sẽ không gây tổn thất lớn, theo nhà phân tích Russ Mould.

Một số hãng sản xuất khác như Volkswagen và BMW cũng đã dừng hoạt động sản xuất tại một số nhà máy ở châu Âu vì thiếu hụt linh kiện từ Ukraine.

Các tập đoàn thanh toán hàng đầu Visa, Mastercard, American Express và PayPal đã rút khỏi thị trường Nga để phản đối Ukraine.

PayPal dừng dịch vụ tại Nga nhưng cho biết sẽ ủng hộ việc rút khỏi kinh doanh “trong một khoảng thời gian”.

Về lĩnh vực tư vấn tài chính, KPMG và PricewaterhouseCoopers LLP (PwC) ngày 6/3 cho biết không còn công ty thành viên ở Nga vì cuộc xâm lược nhằm vào Ukraine.

Ernst & Young (EY) nói sẽ tuân theo các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào Nga nhưng không xác nhận liệu có ý định gắn kết thêm với bất kỳ khách hàng nào.

McKinsey thì cho biết không còn phục vụ cho bất kỳ “thực thể chính phủ nào tại Nga” và sẽ dừng hoạt động hiện tại với những thực thể nhà nước Nga.

Ai còn ở lại Nga?

M&S (Nguồn hình ảnh: GETTY IMAGES)

Marks & Spencer do một công ty Thổ Nhĩ Kỳ sở hữu hiện có 48 cửa hàng tại Nga và vẫn mở cửa.

Tập đoàn sản xuất thuốc lá British American Tobacco đã dừng hoạt động tại Ukraine để đảm bảo “an toàn và phúc lợi” cho nhân viên thế nhưng vẫn duy trì hoạt động kinh doanh tại Nga.

British American Tobacco tuyên bố “sẽ luôn tuân thủ theo luật pháp sở tại và tất cả lệnh trừng phạt quốc tế”.

Để đáp trả các lệnh trừng phạt từ phương Tây thì chính phủ Nga cũng đã cấm việc bán tài sản của Nga.

Ông Weafer tin rằng có thể các thương hiệu tiêu dùng lớn sẽ bày tỏ sự quan ngại liên quan đến cuộc xung đột quân sự, nhưng cố gắng “xoay sở chờ thời”.

“Họ sẽ để mở khả năng tình hình sẽ được cải thiện giúp họ có thể vẫn ở lại [Nga],” ông dự đoán.

Michael Race & Lucy Hooker
Phóng viên Kinh doanh
Theo BBC News ngày 7 tháng 3, 2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*