Kyiv

Tu viện Kyiv Pechersk Lavra xây từ năm 1051. (Nguồn: Wikimedia)

Kyiv là thành phố lớn nhất, đồng thời là thủ phủ của Ukraine ngày nay. Nó còn được xem là khởi điểm các tộc Rus vùng Đông Âu, về sau bành trướng về hướng Bắc và phát triển thành Russia mà ta gọi là nước Nga.

Kyiv có một lịch sử lâu đời, trước Moscow gần cả ngàn năm. Ngày xưa, vùng đất này không mang tên Ukraine mà được gọi là Kyivan Rus. Chính sử ghi rằng Kyiv được thành lập vào năm 482. Nhưng thật ra nơi đây đã có người đến ở hơn 2000 năm. Các di tích khảo cổ cho thấy vùng đất này đã có người tiền sử sinh sống từ 25,000 năm trước. Theo truyền thuyết, Kyiv — còn viết là Kiev theo tiếng Nga, được dựng nên bởi ba anh em người Slav tên là Kyi, Shchek và Khoryv cùng cô em gái tên Lybid. Từ đó tên người anh cả được dùng để gọi nơi này. Ðến khoảng thế kỷ thứ 6, Kyiv đã thành một thị trấn buôn bán tấp nập, nơi hai dòng sông Dnieper và Desna hội tụ.

Thời kỳ vàng son của Kyiv là thế kỷ 10-12, khi nó là một trung tâm thương mại, văn hoá và quyền lực quan trọng trong vùng Ðông Slav, dưới quyền cai trị của vương triều Rurik người Rus. Vùng đất rộng lớn họ cai quản được gọi là Kyivan Rus. Người Rus là một giống dân có nguồn gốc Varangian (tiếng Anh là Viking) đến từ Bắc Âu, chủ yếu là Thuỵ Ðiển (Sweden). Năm 862, một vị hoàng tử tên Rurik dẫn một nhóm người Varangian đến lập nghiệp tại Novgorod (Tây Bắc nước Nga ngày nay) khởi đầu cho cuộc Nam tiến của người Rus, chẳng khác nào Nguyễn Hoàng ở nước ta.

Một người hoàng thân của Rurik tên Oleg mang quân xuống miền Nam và chiếm Kyiv, khi ấy chỉ là một làng nhỏ trên đồi. Nhờ vị trí đắc địa nằm giữa các con đường thông thương huyết mạch và sự cai quản tài giỏi của Oleg, Kyiv nhanh chóng trở thành giàu có. Người Rus đổ về ngày càng nhiều, Oleg gọi Kyiv là “Mẹ của dân Rus.”

Kyiv sau khi được quân đội Nga giải phóng khỏi tay Nazi năm 1943. (Nguồn: Wikimedia)

Qua gần bốn thế kỷ người Rus thiết lập một liên hiệp các thành phố tự trị (city states) quanh vùng, tạo nên một lãnh thổ to rộng, gần như một vương quốc. Dưới thời Yaroslav the Wise, bắt đầu từ năm 1019, ông ta cho ra đời bộ luật đầu tiên gọi là Russkaya Pravda — Công lý của người Rus. Ðó cũng là năm ông lấy vợ là công chúa Irene con của vua Thuỵ Ðiển. Họ có mười người con, bốn gái sáu trai. Ba người con trai về sau tiếp tục nối nghiệp cha trị vì vùng Kyivan Rus. Ba người con gái được gả cho các hoàng tử nước lân bang như Pháp, Hung để củng cố quyền lực và gìn giữ hoà bình. Yaroslav là vị vương chúa nổi tiếng là khôn ngoan và giỏi việc quản trị. Tên ông được dùng để đặt cho ít nhất ba thành phố khác ở Ðông Âu. Ðến thế kỷ 13 thì vương quốc Kyivan Rus bị Mông Cổ chiếm đóng và tan rã.

Thời cực thịnh, các vương triều Rus cai quản một vùng đất trải dài từ Bạch Hải ở Bắc Âu xuống đến Hắc Hải phía Nam, điểm chót là Crimea ngày nay. Lúc bấy giờ Moscow vẫn còn là một vùng rừng rậm hoang vu, chưa được khai phá. Người Varangian dần dà hội nhập với người Slav và từ đó hai giống dân gần như thành một, về tiếng nói cũng như văn hoá. Hiện nay các nhà nhân chủng học vẫn còn tranh cãi về câu hỏi nên xếp người Rus (Ukraine, Belarus, Russia) vào nhóm Bắc Âu (Norse) hay Ðông Âu (Slav).

Nhưng dù gì chăng nữa, một điều chắc chắn là người Varangian là một giống dân thiện chiến. Vào thời đế chế Byzantine, các nhóm vệ binh Varangian Guard được mướn để phục vụ chế độ, chuyên bảo vệ hoàng gia và các công bá tước tại thủ đô Constantinople (Istanbul) nằm ngay cửa ngõ vào Hắc Hải. Mãi đến thời đế quốc Ottoman họ mới từ từ lui vào hậu trường. Cùng vào thời điểm này, một nhóm người khác mang tên Cossack xuất hiện.

Đại học Quốc gia Ukraine tại Kyiv. (Nguồn: Wikimedia)

Cossack là một giống dân du mục nhưng cực kỳ thiện chiến, sống chủ yếu ở các vùng núi đồi miền Ðông Nam Ukraine ngày nay. Con trai lên mười là được tập cưỡi ngựa và dùng kiếm. Vào thế kỷ 16 họ được vương triều Ba Lan thuê để đánh nhau với người Tatar, Thổ, và luôn cả các đội quân từ Moscow. Ðến thế kỷ 17 họ bị cuốn vào cuộc tranh chấp chính trị giữa hai nhóm Ki-tô giáo Chính thống ở Kyiv. Nhờ sự bảo vệ của quân binh Cossack mà phe của Petro Mohyla chiếm được quyền cai trị Kyiv, đẩy mạnh tôn giáo Orthodox của họ và thành lập trường đại học đầu tiên của người Ukraine — Kyiv Mohyla Academy, vào năm 1615. Ngày nay nơi đây là Ðại Học Quốc Gia.

Giữa thế kỷ thứ 17, người Cossack nổi dậy chống lại chính quyền Ba Lan khi ấy đang đô hộ vùng Kyivan Rus. Người lãnh đạo của họ, Bohdan Khmelnytsky, phải nhờ Moscow trợ giúp. Sau khi giành được độc lập từ tay người Ba Lan, Khmelnytsky thành lập nước Ukraine, khởi đầu cho mối liên hệ chính trị sâu sắc giữa Kyiv và Moscow. Ðến thời Sa Hoàng Peter the Great (1682 đến 1725) thì hầu hết các dân tộc trong vùng, kể cả người Cossack, trở thành thần dân của đế quốc Nga. Không những vậy, người Cossack còn được tuyển mộ vào các binh đoàn thiện chiến nhất để phục vụ cho chế độ.

Nhưng sau khi cách mạng tháng 10 bùng nổ năm 1917 thì người Cossack quay lại chống nhóm Bolshevik một cách mãnh liệt, đơn giản vì họ không ưa bị đè đầu cưỡi cổ bởi cộng sản. Và ngược lại, thời Liên bang Xô viết người Cossack ở Ukraine cũng bị cộng sản đàn áp dữ dội không kém. Từ năm 1918 cho đến 1924, hàng triệu người Cossack đã bị di dời và phân tán mỏng trong một kế hoạch diệt chủng quy mô. Con số bị giết hại rất cao, tuy không ai biết rõ là bao nhiêu. Chỉ riêng tại vùng Don, số người Cossack từ 4.5 triệu vào năm 1917 giảm xuống chỉ còn 2.2 triệu vào năm 1921.

Tổng thống Volodymyr Zelenskyy (phải) uỷ lạo tinh thần binh sĩ tại mặt trận Donbass ở miền Đông Ukraine. (Nguồn: Taras Ilyk)

Ngày nay, người Cossack vẫn còn sống mạnh tại những nước như Kazakhstan và Ukraine. Sự có mặt của giống dân Cossack thiện chiến, can trường này có thể lý giải phần nào vì sao quân Nga của Putin không thể đánh chiếm Kyiv một cách dễ dàng như nhiều người tiên đoán. Các nguồn tin mới nhất cho thấy người dân thường đã được phân phát súng đạn để tự vệ. Sinh viên đại học đang chế tạo hàng ngàn chai bom xăng hòng làm cản trở quân xâm lược của “Tân Sa hoàng Ðại đế” Putin.

Tổng thống Ukraine, Volodymyr Zelenskyy, tuy không phải người Cossack (cha mẹ ông là Do Thái) nhưng đã chứng tỏ là một nhà lãnh đạo đúng nghĩa, một vị thuyền trưởng sẵn sàng sống chết với con tàu. Trong một cuộc điện đàm với đồng minh Âu Châu ông nói thẳng, “Có thể đây là lần cuối cùng quý vị thấy mặt tôi.” Khi ban tuyên truyền của Putin tung tin giả rằng Zelenskyy đã chạy trốn, ông quay video cùng với một số quan chức tại downtown Kyiv và đăng lên Twitter để trấn an dân chúng. Khi được chính phủ Mỹ đề nghị giúp đưa ông ra khỏi nước, Zelenskyy hùng hồn tuyên bố: “Cuộc chiến đang xảy ra ngay đây. Tôi chỉ cần giúp súng đạn chứ không cần quá giang đi đâu cả.”

Với một lịch sử lâu dài và hùng tráng như vậy, không ai nghĩ Putin có thể chiếm và giữ được Ukraine trong quỹ đạo của y. Dẫu Kyiv có rơi vào tay giặc trong nhất thời và một chính quyền bù nhìn được Putin dựng lên, chẳng chóng thì chày người Ukraine — vốn dĩ bất khuất và thiện chiến, sẽ giành lại cho bằng được quyền tự do và tự trị cho chính mình.

Downtown Dallas thắp đèn màu cờ Ukraine để bày tỏ tinh thần đoàn kết. (Ảnh: WFAA)

Ian Bùi
Theo baotreonline.com ngày 3/3/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*