Việt Lê, Chàng Giáo Sư ‘Tắc Kè Hoa’ Trong Làng Nghệ Thuật Mỹ

Giáo Sư Việt Lê, một nghệ sĩ đa tài với nhiều tác phẩm nghệ thuật phong phú. (Hình: Stanford CCSRE)

SAN FRANCISCO, California (NV) – Từng mông lung với cuộc sống, từng bỏ học… nhưng Giáo Sư Việt Lê chưa hề bỏ cuộc mà ngược lại còn phấn đấu để trở thành nhà làm phim, họa sĩ, thi sĩ, văn sĩ… một nghệ sĩ đa tài với hai bằng cao học và một bằng tiến sĩ. Anh như một “tắc kè hoa” trong nghệ thuật vì sự biến hóa khôn lường trong các tác phẩm.

Vào Tháng Giêng vừa qua, Giáo Sư Việt Lê là một trong ba người, và là người gốc Việt đầu tiên, được nhận vào Stanford CCSRE Mellon Arts Fellowship, một chương trình nghiên cứu sinh danh giá hỗ trợ các nghệ sĩ, nhà báo tập trung vào các tác phẩm về sắc tộc.

“Tôi rất vui và vinh dự khi được nhận vào chương trình này,” vị giáo sư hào hứng cho hay.

Chương trình CCSRE Mellon Arts Fellowship thuộc hội Centering Race Consortium, gồm sự hợp tác với nhiều trường đại học danh tiếng Hoa Kỳ như Brown University, Yale University, và University of Chicago, và được tổ chức Andrew W. Mellon Foundation tài trợ.

“Tự tạo hình mẫu cho chính mình”

Là một thuyền nhân, anh Việt theo gia đình sang Mỹ năm 1980 khi chỉ mới gần 4 tuổi.

Lênh đênh trên biển gần hai tuần khiến cậu bé bị ám ảnh tâm lý nặng nề mỗi khi nhìn thấy nước. Mỗi khi lấy hết can đảm xuống nước là những ám ảnh lại ùa về khiến chàng trai lâm vào bế tắc.

Ấy thế mà chàng trai không hề chùn bước trước nỗi sợ nước… mà quyết tâm khắc phục nó.

Giờ đây bơi lội được xem như thú vui tiêu khiển mỗi lúc vị giáo sư rảnh rỗi.

Tinh thần quyết tâm cao độ cũng giúp anh chiến thắng thử thách để theo đuổi ước mơ nghệ thuật.

“Tôi sống ở Orange County một thời gian dài và cũng từng bị ‘stress’ do áp lực học tập ở nơi có đông người Châu Á vì cha mẹ ai cũng muốn con mình học giỏi, luôn đạt loại ‘A’ hoàn hảo và có công việc tốt như kỹ sư, luật sư hay bác sĩ,” anh chia sẻ.

“Tôi luôn muốn làm nghệ thuật và viết sách. Có thể nói giờ đây ước mơ đã trở thành hiện thực nhưng trước đó thì tôi cũng từng rất mông lung và loay hoay mãi không tìm được lối ra,” anh từ tốn kể.

Tác phẩm “Return Engagements” của nghệ sĩ Việt Lê mất 15 năm để hoàn thành. (Hình: Việt Lê cung cấp)

Anh kể, khi vào trung học thì anh bỏ ngang để theo đuổi nghệ thuật, rồi sau này khi vào năm nhất đại học thì anh bỏ lửng một lần nữa.

“Lúc đó tôi mất phương hướng vì không tìm được hình mẫu hay một gương sáng nào đó để học hỏi. Nhưng tôi mau chóng vực dậy vì tôi có ước mơ để theo đuổi. Thế là tôi tự tôi tạo hình mẫu cho chính tôi,” anh thêm.

Sau bao nhiều thử thách, chàng trai trẻ quyết tâm thay đổi bằng cách lấy bằng GED (chứng chỉ có giá trị tương đương tốt nghiệp trung học Mỹ), rồi sau đó học đại học Cal State Fullerton trong năm năm.

Tiếp theo, anh Việt nhận học bổng toàn phần để học cao học M.F.A ngành Mỹ Thuật của đại học UC Irvine năm 2001.

Vài năm sau, anh tốt nghiệp cao học bằng M.A và tiến sĩ PhD ngành Hoa Kỳ Học và Dân Tộc Học của đại học University of Southern California.

Anh cũng là nghiên cứu sinh của các trung tâm nghệ thuật khắp Châu Á và Châu Âu.

Giáo Sư Việt Lê hiện dạy môn Lịch Sử Nghệ Thuật của đại học California College of the Arts.

Ngoài đi dạy, sáng tạo nghệ thuật, anh còn được mời diễn thuyết ở các trường đại học và hội thảo nghiên cứu về nghệ thuật và văn hóa Đông Nam Á.

Thêm vào đó, anh còn là thành viên hội đồng quản trị của tổ chức nghệ thuật Art Matters Foundation, và Queer Cultural Center, trung tâm văn hóa nghệ thuật đa dạng tính dục.

Giáo Sư Việt Lê (trái) cho biết các tác phẩm được lấy cảm hứng từ cuộc đời anh. (Hình: Stanford CCSRE)

“Tắc kè hoa” của nghệ thuật

Khó có thể định hình được vị giáo sư theo đuổi loại hình nghệ thuật nào vì anh vừa có thể vẽ tranh, chụp hình, làm phim, mà còn nghiên cứu, làm thơ và viết sách.

Các tác phẩm của anh có khi phóng khoáng, có khi phảng phất một chút tâm linh, nhưng cũng pha chút dằn vặt của giới tính, và có khi mang nặng nỗi ám ảnh lúc ấu thơ.

Giáo Sư Việt Lê xuất bản nhiều sách văn học và hội họa. Anh cũng sản xuất video ca nhạc, và có nhiều buổi triển lãm nghệ thuật ở khắp thế giới.

Các tác phẩm đều được giới thiệu trên trang web http://vietle.net/art.html.

“Các tác phẩm này đều lấy cảm hứng từ cuộc đời tôi,” anh cho biết.

“Để có được như ngày hôm nay tôi rất biết ơn gia đình luôn ủng hộ cũng như những người thầy luôn kiên nhẫn chỉ dạy tôi. Thêm vào đó cộng đồng cũng giúp tôi đi đúng hướng. Tôi từng sinh hoạt với Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA), tổ chức văn học nghệ thuật DVAN, tham gia các hội chợ Tết… và gặp nhiều các nghệ sĩ, họa sĩ có chung chí hướng để có thể học hỏi kinh nghiệm,” anh kể.

Thiên bẩm nghệ thuật của chàng nghệ sĩ ít nhiều cũng ảnh hưởng từ gia đình.

“Cha tôi là một nhà thơ, và chú tôi là một họa sĩ nên tôi làm quen với văn thơ và nghệ thuật từ nhỏ,” anh bồi hồi kể lại.

Do xuất thân là người tị nạn nên các tác phẩm và nghiên cứu của vị giáo sư luôn xoay quanh cộng đồng người gốc Việt và Đông Nam Á, một cách để anh tri ân nguồn cội của mình.

Anh từng có thời gian sống ở Việt Nam, Cambodia và một số nước khác để nghiên cứu về nỗi ám ảnh chiến tranh và văn hóa nghệ thuật .

Anh tâm sự vừa hoàn thành xong tác phẩm tâm huyết mà anh dùng 15 năm để thực hiện.

Đó là “Return Engagements: Contemporary Art’s Traumas of Modernity and History in Sài Gòn and Phnom Penh,” cuốn sách xã luận hơi hướng lịch sử, chính trị kinh tế lồng ghép cùng những thay đổi toàn cầu của nghệ thuật.

Tác phẩm tựa đề “double trouble” thuộc series “lovebang” của nghệ sĩ Việt Lê. (Hình: Việt Lê cung cấp)

Nói về tương lai, Giáo Sư Việt muốn viết về chủ đề “chữa lành,” một hướng đi mới hơn, bình yên hơn so với việc lột tả nội tâm “bão tố” của anh trong 20 năm qua.

Anh cũng muốn dành nhiều thời gian hơn để làm thiện nguyện. Anh từng là thiện nguyện viên giúp đỡ người vô gia cư, và một số hoạt động cộng đồng.

Hiện anh đang đợi được chấp nhận để làm thiện nguyện viên cho tổ chức cứu hộ thú vật bị thương hay tàn tật.

Giáo Sư Việt Lê cũng nhắn nhủ đến các sinh viên và nghệ sĩ trẻ rằng hãy mạnh dạn theo đuổi đam mê và tự tin giải đáp những câu hỏi thách thức vì… “cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ.”

Trà Nhiên
Theo Người Việt online ngày 23/2/2022
Liên lạc tác giả: nguyen.nhien@nguoi-viet.com

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*