Ước Mơ Harvard

Đại học Harvard là viện đại học lâu đời nhất tại Mỹ. Thành Lập vào năm 1636 đươc đặt tên Harvard do người thủ hiến trẻ John Harvard, thành phố Charlestown khi mất (năm 1638) đã cống hiến hết sản nghiệp cho viện. Hiện bức tượng John Harvard đang được đặt tại Harvard Yard khuôn viên chính của Đại Học.
Khởi sự Harvard từ 9 sinh viên cho đến nay Đại Học Harvard có trên 20 ngàn sinh viên đại học, trên đại học (graduate), tiến sĩ cùng hậu tiến sĩ (post doctoral).

Có 8 đời tổng thống Hoa Kỳ xuất thân từ Harvard: John Adam ra trường vào năm 1781 là tổng thống đầu tiên cho đến tổng thống Barack Obama là tổng thống thứ 8 ra trường vào năm 1991. Hiện nay Harvard có tới 360 000 cựu sinh viên đang sống tại Hoa Kỳ và trên 190 quốc gia khắp thế giới.

Harvard là đại học tư thục có số vốn giàu có nhất lên tới 44.6 tỷ đô la (2017). Có nhiều lợi tức hơn thương hiệu Target và chỉ ít hơn tập đoàn tài chánh AIG một ít. Chi tiêu các đại học tư nhân Mỹ cho sinh viên rất cao, Harvard và Yale chi tiêu cho một sinh viên trung bình 60,000 đô la/năm gấp 4 lần chi tiêu chính phủ Hoa Kỳ cho một sinh viên đại học công.
Không riêng gì học sinh Việt Nam, trên thế giới này có rất nhiều học sinh ước mơ làm sao mình vào Đại Học Harvard. Thật ra người Mỹ chính gốc tại đây, các cộng đồng nhập cư vào Mỹ, các nước khác đều muốn có con em vào học tại trường đại học nổi tiếng này.

I – Đại Học tư thục Harvard không chỉ dành riêng cho giới giàu có, quý tộc

Cách nhìn một số giáo sư ngay tại đại học Mỹ có khi cũng có phần thiên kiến khi cho rằng ‘giai cấp giàu có” (top class) được các trường danh tiếng (prestige colleges) ưu tiên và giới nghèo thì khó lòng vào được. Nhất là cách nhìn của Á Châu thường cho rằng con cái của các ‘đại gia’ mới có quyền ‘chọn lựa’ Harvard hay các trường nổi tiếng khác tại Hoa kỳ như Stanford, Princeton, Yale?

Điều này nói lên những nhận định có phần thiên lệch, định kiến hay thành kiến. Dĩ nhiên những học sinh con nhà giàu tại Mỹ với điều kiện là học hành xuất sắc cùng đáp ứng những đòi hỏi khác của trường thì vào học Harvard sẽ thuận lợi do không lo áp lực về tài chánh. Harvard, một nơi có học phí thuộc loại cao nhất nhì nước Mỹ ước tính toàn bộ cho một sinh viên mới vào năm đầu (undergraduate) niên khóa 2014-2015 là $68,050 (cho undergraduate 4 năm đầu).

Điều này không có nghĩa là học sinh giàu có mới vào được đại học này. Chúng ta cũng biết rằng phần học bổng của Harvard lên tới một mức độ $46,000 cho 1 sinh viên đủ điều kiện. Điều kiện ở đây là trường bình chọn để cho học bổng do xuất sắc chứ không phải “nghèo là có học bổng”? nếu nghèo mà không xuất sắc hay yếu về một vấn đề gì đó thì ban giám hiệu vẫn không xét cho học bổng.

II – Không chỉ là học giỏi không thôi là Harvard thu nhận

Phải chăng các học sinh xuất sắc, ngày ngày chỉ lo học không biết “trời trăng” gì cả; tiếng VN gọi là ‘mọt sách‘ mà tiếng Anh cũng dùng bookworm để chỉ học sinh chỉ biết vùi đầu vào sách chẳng hề biết, chẳng cần giao tiếp gì bên ngoài. Có thể điểm tại trường trung học các học sinh này có thể liên tục điểm cuối năm là 4 và trên 4. Nhưng điều này không khẳng định là các trường danh tiếng như Yale, Stanford, Harvard, Princeton, Chicago, Berkeley thu nhận. Có em ra trường thủ khoa khi tốt nghiệp trung học nhưng chỉ đậu ‘dự khuyết’ ở danh sách thu nhận tại Berkeley thôi. Thế thì làm gì vào được Harvard?

III – Nguyên nhân nào không được Harvard chọn?

* A. Điểm SAT quá thấp

SAT là Standardized Test là khóa thi quốc gia căn bản, bắt buộc toàn quốc cho ba môn chính Đọc – Viết – Toán để lấy chuẩn mực được thu nhận vào đại học tại Mỹ. Có mức thang từ 600 – 2400 (maximum) trước 2005 và nay tụt xuống 1600 là cao nhất. (Nếu tốt nghiệp trung học cao mà SAT quá thấp cũng khó lòng lọt vào ‘mắt xanh’ của Harvard (hay các trường tư nổi tiếng khác). Điểm chuẩn SAT sẽ phối hợp với điểm trung bình cộng GPA (grade point average) của lớp 12 để cho College Board (tạm dịch Hội Đồng tuyển Sinh Đại Học Mỹ) đánh giá năng lực của học sinh.

* B. Không có điểm cao về AP Test

AP Test là Advanced Placement Test do Collge Board tổ chức cho điểm, môn thi các học sinh tìm cách chọn. Những học sinh nào giỏi, tự tin, có thể lấy môn thi AP với những môn mình thích.

AP test có điểm cao nhất cho một môn là 5.
Note: Các em có thể lấy thi vài lần cho đến khi nào có điểm cao nhất. Từ lớp 11 trung học đã thi được rồi

* C. Không có thành tích nổi bật liên tục từ lớp 9 trở lên

Học sinh có thành tích học tập chỉ nổi bật ở lớp 11 và 12 hay 12 thôi cũng khó qua mặt các học sinh có thành tích học xuất sắc từ lớp 9 trở lên. Vị thứ cao nhất là 4. (có trường trung học cao hơn 4.)
Trên đây là những căn bản cho một học sinh có thành tích học xuất sắc nhất tại lớp tại trường và những kết quả kỳ thi quốc gia hay tiểu bang như AP Test, SAT Test cùng các thứ khác.

IV – Học giỏi chưa hẳn lọt vào chung kết mà còn một phẩm chất quan trọng khác mà Đại Học Harvard cần đó là con người và xã hội ra sao?

Mong muốn của Harvard là đào tạo sinh viên toàn diện, đa năng hơn là ‘nổi trội’ ĐÂY LÀ PHẦN NẮM QUYẾT ĐỊNH để được chấp nhận vào Harvard. Như người viết đã trình bày, tại sao lại dùng chữ ‘con người’? đó là sự phục vụ xã hội, thiên hướng giúp ích con người của sinh viên đó. Họ không phải là những con ‘mọt sách’ mà những người biết phục vụ giúp ích và có quá trình phục vụ xã hội.

* Hãy tìm ngay công việc thiện nguyện lâu dài nào đó khi còn học tại trung học

Ngay từ lúc lớp 9 hay lớp 10 ngoài học giỏi và giỏi đều ra, phải tìm GẤP cho con cháu bạn một việc làm thiện nguyện nào lâu dài và có credit tức là có ghi nhận chính thức vào hồ sơ. Ví dụ làm thiện nguyện tại một bệnh viện, một khoa nào đó, một tuần bao nhiêu giờ, và một tháng bao nhiêu lần. Nếu có cơ sở nào chấp nhận công việc thiện nguyện lâu dài có hồ sơ và ghi nhận thì phải đi xin ngay do có thể bị chờ trên waiting list cả năm do người xin làm thiện nguyện đông.
Điều lưu ý, không phải làm “cho có làm” mà phải đặt kế hoạch làm lâu dài hai ba năm liên tục, một nơi thì càng tốt, do hồ sơ và thành tích không bị manh mún, tản mạn và có kỷ luật dù không có lương.
Các trường như Stanford, Yale, Princeton cũng chọn lựa khó khăn như thế chứ không riêng gì một mình Harvard?

Đại Học Harvard thu nhận sinh viên ra sao?

Mỗi hồ sơ và essay của ứng sinh ít nhất qua 4 người duyệt. Mỗi hồ sơ được một giờ bàn thảo rồi đưa qua hội đồng xét duyệt để có quyết định trong tháng kế tiếp

* 1 bài Essay thuộc loại hay, có khả năng hấp dẫn với ban giám hiệu sẽ đem tới kết quả phỏng vấn

Ngoài kết quả nổi bật tại trường, các kỳ thi SAT, AP … trong xấp hồ sơ gửi tới Harvard (hay các trường khác) ngoài thư giới thiệu của các giáo sư, ứng sinh phải có một bài essay gửi cho Harvard. Nội dung và chất lượng của bài essay này sẽ gây chú ý cho trường dẫn đường tới buổi phỏng vấn “mặt đối mặt” (face to face). Hình thức, nội dung của bài essay góp phần khá cao cho con đường dẫn tới phỏng vấn. Người viết cũng xin nhắc lại, bài essay thành công là bài chiếm được cảm tình của ban giám hiệu để thành công đưa tới “phỏng vấn’ mà thôi chứ không phải là được thu nhận.

V – Cuộc hẹn phỏng vấn ra sao?

Từ Harvard người ta sẽ chỉ định một cựu sinh viên nào đó đã ra trường và đang làm việc tại gần vùng học sinh nộp đơn đó ở. Ví dụ có người phỏng vấn làm cho Google (Mountain View) thì sẽ hẹn con em quý vị lên ngay phòng làm việc tại Google để phỏng vấn. Có người làm tại Intel, hay các công ty tại San Jose, Santa Clara, thì họ hẹn con em quý vị lên tại công ty đó gặp gỡ chớ không đi đâu xa khác. Người ta sẽ hẹn và hỏi ý kiến cùng cho địa chỉ phù hợp với nơi cư trú của con em qúy vị.
Xin ghi chú đây là phỏng vấn cho sinh viên 4 năm đầu đại học hay còn gọi là UNDERGRADUATE thôi.

Nếu con em sau khi mãn khoá 4 năm đại học tại địa phương hay đã xong thạc sĩ (graduate) sau được Harvard kêu phỏng vấn với chương trình hậu đại học (post graduate) thì phải mua vé máy bay mà tới trường. Các trường tư khác như Yale, Princeton … cũng tương tự. Có thể con em bạn có thể bay gần cả 10 nơi trên nước Mỹ để phỏng vấn, tốn kém tiền nộp đơn và vé máy bay khá nhiều!

* Chuẩn bị thời gian và tinh thần phỏng vấn ra sao?

Thời gian phỏng vấn ít nhất là 3 tiếng đồng hồ đến suốt buổi. Phải chuẩn bị tinh thần thoải mái, ung dung và chớ chủ quan và cũng đừng bi quan quá. Tinh thần lạc quan sẽ làm cho câu chuyện mạch lạc hơn.
Chú ý, các cháu chớ cho đây là một buổi thực tập làm cái gì đó, đây là hình thức giao tiếp là quan trọng. Chớ coi thường những câu chuyện vu vơ mà người phỏng vấn hỏi bạn, người ta đang ngầm xét ‘tư cách’ của bạn đó. Thái độ đối diện với phỏng vấn viên chớ nên khúm núm mà cũng đừng sỗ sàng và cũng chớ quá lo âu sợ sệt. Con người: cá tính độc lập tự tin không quá chủ quan là những phẩm chất phải toát lên trong khi được phỏng vấn.
Người viết xin nhấn mạnh với quý vị thời giờ các trường này phỏng vấn phải từ 3 giờ đồng hồ trở lên.

Ăn bận vừa phải, chỉnh tề không quá diêm dúa hay không quá “thoải mái” sẽ chạm tự ái người phỏng vấn. Nhưng đừng xức dầu thơm hay tóc tai ‘bù xù’ cũng rất ‘kiêng’.

* Được Harvard lên list lấy hẹn phỏng vấn chưa hẳn là được thu nhận!

VI – Bước chọn lựa cuối cùng của ban Giám hiệu Harvard

* Ngang đây đường vào Harvard đã đi 90% đoạn đường rồi

Tại sao lại 90% thôi?

Người viết xin đưa ra con số cụ thể để chứng dẩn: trong 5,435 ứng viên nạp đơn vào đại học y khoa Harvard khóa 2011-2015 chỉ có 845 hồ sơ được phỏng vấn hay gần 16%. Từ 16% này cuối cùng có được 165 ứng viên được nhận, tỷ lệ là 165/5,435 tức là 3%, một tỷ lệ hết sức nhỏ. Tỷ lệ thu nhận của Harvard toàn trường niên khóa 2014-2018 thu nhận 2,048 trên 34,295 đơn gửi tới, tức nhỏ hơn 6% – có nghĩa là 100 sinh viên có khoảng 6 người được nhận. Chúng ta cũng không quên 34,295 đơn xin đó phải từ các sinh viên đó học lực không phải là ‘hạng xoàng”? Người viết xin thưa với các phụ huynh và các sinh viên tại sao lại 90%, và 10% không chắc ăn đó do đâu mà có? Người viết muốn nhấn mạnh 10% nằm ở sự sàng lọc, cân nhắc, tính toán, phối hợp chính sách của Harvard nữa.

Tại sao người viết dùng ‘phối hợp chính sách‘? đó là sự cân đối số lượng sinh viên được thu nhận phải linh động từng vùng, miền, từng sắc dân, quốc tế … nó phải phù hợp với chinh sách của trường. Vừa qua trường Harvard đã giảm bớt thu nhận sinh viên gốc Á do tỷ lệ sinh viên Á Châu đang vượt cao tại Harvard. Tương tự trường Harvard đang có chính sách gia giảm số sinh viên gốc Do Thái đang lên đông nhưng bị phê bình “yếu kém trong lãnh vực xã hội”.

Ngang đây người viết cũng nhắc lại vừa qua có một số sinh viên gốc Á hay từ Á châu đâm đơn “kiện” Harvard do thành tích cao tại sao “không nhận”. Đơn kiện có nhiều vụ nhưng không đi tới đâu? thiết nghĩ: sàng lọc, cân nhắc, tính toán, phối hợp chính sách của Harvard nữa

Và đây cũng là QUYỀN của Harvard và tòa án Mỹ cũng không can dự được?
Bởi thế có em học sinh gốc Việt tuy ở Atlanta nhưng gặp vào dịp Đại Học Stanford (bắc California) “phối hợp cân bằng chính sách” thu nhận bờ tây và bờ đông nước Mỹ do đó em đã vào được Stanford khi năm đó Stanford muốn tăng số sinh viên ở bờ Đông nước Mỹ nhiều hơn.

* * *

Con em quý phụ huynh hay các học sinh nên nộp đơn trễ lắm là ngày 1 tháng Giêng tới 1 tháng Hai. Tập hồ sơ gửi cho Harvard nên có thư giới thiệu của các giáo sư dạy ban, môn của học sinh đó. Các thư giới thiệu đó do các giáo sư tại trường trung học dán và không được mở ra (SEAL) và phải biết chắc chắn đơn nộp tới trường muốn vào chưa? Thư trả lời của trường đại học thường bắt đầu trung tuần tháng TƯ.

Rồi một ngày có nhiều lá thư từ các trường gửi về. Thường thường bắt đầu vào hè. Nếu lá thư nhỏ bé mỏng cỡ thư thường, thì chắc chắn đây là thư ‘từ chối’. Nếu có phong bì to lớn dày cộm thì chắc chắn đó là một package acceptance nghĩa là thư trả lời THU NHẬN (acceptance). LOGO của trường đại học ở góc trái phong bì to lớn kia mới là quan trọng: Yale, Harvard, Stanford, UC Berkeley, Chicago, MIT toàn là những cái logo ‘lấp lánh’, bao nhiêu công lao chuyên cần học hành, sự cổ võ của phụ huynh giờ đã được trả lời.

* Những bước kế tiếp sau khi trúng tuyển vào Harvard

Sau khi ứng sinh được một thông báo trúng tuyển (aceptance package), nhiều lá thư trong package này có tất cả giấy tờ liên quan đến học phí, cách thức đóng học phí và thủ tục trợ cấp tài chánh (financial aid) kèm theo. Đó là giấy tờ trả bill hàng tháng hay đơn xin học bỗng và trợ cấp tài chánh trong xấp hồ sơ này. Ngoài ra còn có giấy tờ liên quan đến chỗ ăn ở hay là nội trú (dormitory) và vài điều khác…

Harvard sẽ gửi vé máy bay miễn phí để mời ứng sinh trúng tuyển đến thăm trường vào một ngày định trước (school tour). Sau đó ứng sinh này sẽ có quyết định cuối cùng có thích nghi với trường để vào học hay không?

Sau đó còn có rải rác có những thư từ khác gửi tới địa chỉ ứng sinh này, nếu ứng sinh này trả lời trong thời gian bao nhiêu ngày do trường ấn định là chấp nhận vào Harvard.

* Cách chọn trường của thế hệ Việt Nam thứ hai tại Mỹ ra sao?

Tâm lý chung của các phụ huynh thường thích con vào các trường nổi tiếng, nhất là tầng lớp thế hệ thứ nhất từ VN mới sang định cư tại Mỹ. Thật ra lớp trẻ dù là VN lớn lên tại Mỹ có cách nhìn khác cha mẹ về cách chọn trường.
Dĩ nhiên là con em học lực giỏi, thành tích tốt, sẽ nộp đơn vào một loạt các trường nổi tiếng tại đây. Nhưng thế hệ thứ hai VN không chọn trường theo “danh tiếng” mà theo bộ môn (major) em chọn khi vào trường này có thích hợp hay tối ưu hay không? Đây là cách nhìn và cách chọn trường của các em thế hệ lớn lên tại nước ngoài. Ví dụ Harvard có tiếng về luật và y khoa nhưng về khoa học, điện toán hay toán, kỹ thuật không bằng các trường khác – ví dụ: MIT hay Princeton.
Có sinh viên VN vẫn có cơ hội được nhiều trường tốt nói trên thu nhận cùng một lúc; lúc này là lúc “các em chọn trường” chứ không phải “trưòng chọn các em”.

Sau khi đọc bài này, bạn đọc sẽ hình dung cách thức chọn lựa ứng sinh của các trường đại học có tiếng tại Mỹ, ví dụ Stanford, Harvard, Yale, Princeton, MIT, John Hopkins … cũng tương tự những tiến trình gắt gao như thế.

Người viết chỉ mong qua bài này sẽ giúp ích phần nào cho phụ huynh và các cháu học sinh VN tại Mỹ có thêm vài chi tiết hữu ích và kịp thời hơn để không lỡ một cơ hội nếu có ý muốn vào Đại Học Harvard hay các trường đại học danh tiếng khác tại Mỹ.

Chúc quý phụ huynh và các học sinh VN may mắn đạt được ước mơ của mình!

Đinh Hoa Lư
2016

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*