Lá Thư từ Đức Quốc
Lời phi lộ: UPR (Universal Periodic Review/Kiểm điểm định kỳ phổ quát) 4 năm tổ chức một lần nên chúng tôi lần đầu tiên đi Geneva cho biết. Vì sinh hoạt độc lập quyết định tham gia cả hai cuộc biểu tình Sáng và Chiều vì mục đích chính đều là đòi hỏi Nhân Quyền cho Việt Nam.
Qua thông tin trên liên mạng chúng tôi cũng biết bên cạnh hai cuộc biểu tình còn có hội thảo, sinh hoạt văn nghệ tạo cơ hội gặp gỡ làm quen giữa những người đến Geneva từ xa. Hai anh em chúng tôi nói riêng dù có tuổi, thay vì nằm nhà hưởng thụ khi mùa Đông lạnh giá buốt nhưng vài ngày trước đó đã quyết định lên đường tối 20.01.2019, cố gắng lặn lội tìm đến Genève ưu tiên để hỗ trợ sinh hoạt đấu tranh cho Nhân Quyền Việt Nam sau khi nhìn thấy hình ảnh những đồng hương thấp cổ bé miệng ở quê nhà bị áp bức phổ biến trên internet.
Đành rằng sinh hoạt đã được truyền đi trực tiếp nhưng vẫn còn nhiều người thiếu phương tiện để xem nên người viết sau khi về lại Đức nghỉ mệt 1-2 ngày, hôm nay chỉ tóm lược ngắn gọn cuộc biểu tình ngày 22.01.2019 ở Geneva và giới thiệu một số hình ảnh của ngày biểu tình qua hai youtube ghi ra cuối bài dưới tiêu đề “Phóng Sự Bằng Hình hai cuộc Biểu Tình Sáng (Part 1) và Chiều (Part 2)” trước Palais des Nations.
Chúng tôi đơn thuần là tham dự viên. “Nói và Làm khác nhau”, và vốn biết khi tổ chức một sinh hoạt tầm vóc lớn không đơn giản, lại càng khó khăn hơn vì hoàn cảnh địa lý đối với Ban Tổ Chức (BTC) ở xa cho nên chúng tôi “im lặng” trân trọng và cám ơn BTC đã tạo cơ hội cho chúng tôi được dịp tham dự hầu góp phần nhỏ nhoi của mình bằng những cái vỗ tay, cùng hô to những khẩu hiệu mà BTC đề ra hay với giọng khàn khàn cùng đồng ca các bản nhạc hàm chứa đầy đấu tranh tính được BTC, các ca sĩ, nghệ sĩ xướng lên để hỗ trợ cho một sinh hoạt đấu tranh đầy ý nghĩa vào ngày 22.01.2019. Mong hoan hỷ cho mọi sơ sót (LNC).
* * *
Đến Geneva sáng sớm ngày 21.01.2019, chưa đến giờ check in hotel nên anh bạn và tôi mua vé ngày, ăn sáng nhẹ, uống xong café Thụy Sĩ ngồi lên xe điện chạy ngắm cảnh thành phố. Nhân tiện tham quan “Palais des nations”, là nơi ngày hôm sau 22.01.2019 tổ chức biểu tình phản đối cộng sản Việt Nam (csVN) vi phạm nhân quyền trước trụ sở Liên Hiệp Quốc (LHQ).
Tại đây, điều làm chúng tôi ngạc nhiên nhất là chiếc ghế khổng lồ sơn màu nâu, gãy mất một chân, chỉ còn ba chân dựng trước trụ sở Liên Hiệp Quốc. Tôi nghĩ không phải đồng hương nào cũng biết về “chiếc ghế ba chân” nên mạn phép giới thiệu ngắn về chiếc ghế độc đáo này.
Ghế gãy – một biểu tượng của hòa bình. Tượng đài bằng gỗ “Ghế vỡ” tượng trưng cho cuộc chiến chống mìn chống người. Tượng đài nằm trên Quảng trường Place des Nations và chỉ đứng bằng ba chân. Hình ảnh của chiếc “Ghế Ba Chân” đã đi khắp thế giới và bây giờ nó là một trong những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu nhất của thế kỷ 21.
Được ủy nhiệm bởi Handicap International, Ghế gãy được tạo ra vào năm 1997 bởi nhà điêu khắc nổi tiếng Daniel Berset. Thông điệp rất đơn giản: hãy nhớ đến các nạn nhân của bom mìn chống người và thuyết phục các quốc gia bênh vực cho lệnh cấm bom chùm (Streumunition/cluster munitions). Để làm sáng tỏ hơn cho cuộc chiến này, Ghế Gãy chỉ đứng trên ba chân, chiếc thứ tư bị gãy ở giữa. Tuy nhiên, chiếc ghế tự hào và gây “ấn tượng” với phẩm giá của nó ở độ cao 12 mét. Gần đó: Cung điện Liên minh, hướng dẫn du lịch.
* The Broken Ghế và Handicap International: một cuộc chiến chung
Broken Chair (Chiếc Ghế Gãy) là một tác phẩm điêu khắc được Daniel Berset thực hiện do Handicap International ủy nhiệm và được lắp đặt vào ngày 18 tháng 8 năm 1997 trên Place des Nations ở Geneva. Chiếc Ghế là lời kêu gọi cộng đồng quốc tế ký Công ước bom mìn, hỗ trợ nạn nhân và dọn dẹp các khu vực bị ảnh hưởng.
Ban đầu Broken Chair chỉ được lên kế hoạch trong ba tháng, nhưng giờ đây Chiếc Ghế Gãy tượng trưng trong 22 năm cho cuộc chiến chống lại các cuộc xung đột vũ trang đối với thường dân và hậu quả của nó. Chiếc ghế cũng đóng góp cho hình ảnh của Geneva và khu vực.
“Giá trị phổ quát của Ghế gãy cho thấy rằng con người bất chấp những tổn thương gây ra cho anh ta, luôn giữ được phẩm giá của mình.”
Daniel Berset, nhà điêu khắc.
Chi tiết chính: Chiếc Ghế Gãy có đã 22 năm rồi, cao 12 mét, nặng 5,5 tấn.
Bây giờ trở lại chuyện chính: Biểu Tình. Nhân ngày tái duyệt xét định kỳ phổ quát (UPR: Universal Periodic Review) về nhân quyền tại Việt Nam của Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc vào ngày 22.01.2019 ở Geneva (Genève/Genf) tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, hai cuộc biểu tình có tầm vòng quốc tế diễn ra trước trụ sở Liên Hiệp Quốc mục đích để phản đối và lên án nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam vi phạm nhân quyền trước công luận thế giới.
Cuộc biểu tình buổi sáng ngày 22.01.2019 từ 10 giờ đến 12 giờ do Phong Trào Việt Hưng (Mỹ Châu), Liên Minh Dân Chủ VN (Âu Châu), Phong Trào Chống Trung Cộng Bành Trướng (Âu Châu) và Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền (Úc Châu) tổ chức với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức, đảng phái, hội đoàn NVTN khắp năm châu, đặc biệt theo thông cáo phổ biến có sự ủng hộ của Liên Đoàn Công Giáo VN Đức và Giáo Hội Phật Giáo VN Thống Nhất Âu Châu.
Cuộc biểu tình thứ hai diễn ra từ 13h30 đến 16h30 do Ban Tổ Chức (BTC) tại Thụy Sĩ Hội Người Việt Quốc Gia Lausanne và Ủy Ban Thụy Sĩ – Việt Nam (Cosunam) tổ chức. Tương tự như trên, BTC biểu tình buổi Chiều cũng được sự hỗ trợ từ nhiều nơi, tổ chức trên thế giới.
Biểu tình buổi sáng mục đích phản đối csVN. Phương châm là “There is no HUMAN RIGHTS in VIET NAM; Vietnamese Government stop lying!”, cũng như kêu gọi “Cùng nhau, chúng ta mới có thể MANG NHÂN QUYỀN đến gần VIET NAM hơn!”.
Cuộc biểu tình buổi chiều theo nhận định của người viết thì mục đích chính nhằm hỗ trợ cho đồng bào trong nước đang đấu tranh đòi nhân quyền và dân quyền với “Tiêu đề: TẤT CẢ CHO QUỐC NỘI”. Cũng dễ hiểu vì trong vài năm qua, các nhà báo, bloggers, các nhà bảo vệ nhân quyền đã bị đàn áp nặng nề, tôn giáo ở VN nói chung bị bách hại, các tổ chức xã hội dân sự bị cám hoạt động nghiêm nhặt hơn.
Trên Facebook, qua live stream có thấy “sự không đồng tình đối với cuộc biểu tình buổi sáng dù họ đã tuyên bố sẽ tổ chức ngay trong ngày 06.11.2018.” Người viết không tham dự 06.11.2018, chỉ nghe qua internet, youtube nên chẳng dám lạm bàn tuy nhiên theo thiển ý mạn phép nghĩ rằng sống ở xứ tự do ai tổ chức được sinh hoạt chống cộng thì làm. Ngày thì đã được ấn định rồi vì vậy quan trọng là tổ chức khác giờ nếu vì lý do nào đó chưa thể ngồi lại với nhau. Ngoài ra, nếu ngồi lại với nhau mà chưa thật lòng thì im lặng giữ khoảng cách nghĩ cho cùng là điều không dỡ. Tuy nhiên đối với sinh hoạt ở Geneva NẾU (nhấn mạnh nếu) ngược lại chửi bới, công kích nhau công khai từ những ai chưa hề tổ chức thì khó khăn về sau không tránh được, chuyện hợp tác chắc chắn sẽ gặp trở ngại. Thêm vào đó, theo thiển ý nếu quan niệm đấu tranh cần phải liên tục thì cuộc biểu tình buổi sáng là một việc làm khá hữu ích cho cuộc biểu tình buổi chiều. Vì sao? Vì thành viên Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (HĐNQ_LHQ) họp từ sáng thấy chúng ta phản đối csVN (là thành viên HĐNQ_LHQ) ngay trước Palais des nations giữa mùa Đông lạnh lẽo họ sẽ lưu ý hơn và đặt vấn đề với csVN. Tính liên tục trong đấu tranh tự nhiên có được, tạo thế liên hoàn, bắt cầu cho cuộc biểu tình buổi chiều sau đó từ 13 giờ 30 phút. Một lần đi xa trở ngại khó tránh, cơ hội ghé đến Geneva có lẽ chẳng nhiều nên thế nào cũng có số người dự biểu tình buổi sáng ở lại để ủng hộ cuộc đấu tranh buổi chiều, ngược thời gian thì không và đó là điều hiển nhiên, dễ hiểu.
Cá nhân người viết, sau khi biểu tình chấm dứt lúc 12 giờ được tặng một nắm xôi vò nhỏ (đủ nắm trong lòng bàn tay) bỏ trong túi nhựa và dùng cho buổi trưa chờ tham dự cuộc biều tình kế tiếp. Nhìn qua thấy Hòa Thượng Thích Như Điển (mà ngừời viết quen biết từ lâu) ngồi nghỉ dưới mái hiên dành cho hành khách chờ xe Buýt, xe điện nên đi qua thăm chào Hòa Thượng. Chúng tôi trò chuyện 15 phút và được nghe Hòa Thượng khen cuộc biểu tình buổi sáng tổ chức có nề nếp, sống động, đầy khì thế đấu tranh … Thầy Thích Như Điển cũng cho biết phái đoàn của GHPGVNTH Âu Châu do Hòa Thượng dẫn đầu ở lại để tham gia cuộc biểu tình buổi chiều. Ngoài ra phật tử từ Pháp đi xe buýt thứ 2 gồm 26 người cũng ở lại tham dự xong mới về Pháp. Riêng Hòa Thượng thì nói nhỏ cho tôi biết 14 giờ Thầy sẽ cùng với ba người thuộc Phong Trào Giới Trẻ Thế Giới Vì Nhân Quyền sẽ vào LHQ tham dự buổi điều trần Nhân Quyền.
Tôi có hỏi vài tham dự viên và khách quan mà nói thì BTC cuộc biểu tình buổi sáng dù đến từ xa, không phải dân bản xứ nhưng tổ chức gọn gàng được như vậy là tốt lắm rồi, đáng khen. Cuộc biểu tình có khí thế và sân khấu trang trọng, giới trẻ nhập cuộc khá đông. Đại diện BTC rõ ràng đã lên tiếng kêu gọi mọi người nếu có thể, nghỉ mệt và ở lại tham dự ủng hộ cuộc biểu tình buổi chiều. Ai cũng nghe, người viết chỉ ghi lại là từ các vị lãnh đạo tinh thần tôn giáo, tham dự viên nói chung đều đồng ý, khen lời kêu gọi trên và đây cũng là một điểm son.
Tóm lại, nhờ trời thương nên thời tiết buổi sáng tuy lạnh, khoảng 0 Grd C, u ám nhưng không mưa. Buổi chiều trời quang đãng, có nắng nên khí hậu ấm áp. Theo tôi thì hai cuộc biểu tình đều mang lại kết quả tốt đẹp. Số người tham dự trong cả hai cuộc biểu tình ngoài người Việt ở Thụy sĩ ra còn có đồng hương đến từ khắp nơi như: Úc, Mỹ, Pháp, Canada, Anh, Đức, Na Uy, Bỉ, Hòa Lan, … tính ra tổng cộng cũng ngàn người, buổi chiều đông hơn vì nhiều tham dự viên buổi sáng ở lại tham dự ủng hộ. Những bài phát biểu ngắn gọn, súc tích với ngôn ngữ Việt, Anh, Pháp, Đức … gây chú ý đến du khách ngoại quốc tình cờ viếng thăm “Palais des nations với biểu tượng ghế ba chân”. Các bài hát đấu tranh vang dội cả một góc trời, những khẩu hiệu được hô thật to như Freedom for VN; Human Rights for VN, Menschenrechte hay Freiheit für VN, Tự Do cho các tù nhân lương tâm … đã phản ảnh rõ nét mục đích đấu tranh của hai cuộc biểu tình. Những biểu ngữ bằng tiếng Việt, Anh, Pháp, Đức và đặc biệt một rừng cờ Vàng (Cờ VNCH) ngạo nghễ tung bay trước trụ sở Liên Hiệp Quốc đã làm mọi người chú ý.
Xin được mở ngoặc thêm ở đây. Khi đi đấu tranh phải chấp nhận là ít nhiều phải hy sinh thời gian, tiền bạc và công sức, chưa đề cập đến vài phiền toái từ bên ngoài, từ những ai thường tránh né sinh hoạt chống cộng. Biết rằng nói ra “sự thật (dù phũ phàng) thì mất lòng” nhưng ai trong chúng ta đều rõ “SỰ THẬT MUÔN ĐỜI LÀ SỰ THẬT”. Kẻ ba hoa chưa chắc đã có khả năng để giải quyết một chuyện nhỏ khi đụng trận. Đừng quên hầu hết ai trong chúng ta đều đủ trí khôn, có thừa kinh nghiệm sống để có thể nhận định khá chính xác về A, B … hay một dữ kiện nào đó, khó mà lừa được hết tất cả mọi người. Quan trọng hơn, thời gian là sự đãi lọc, ai uy tín, kẻ nào chuyên dùng “bá đạo”, ai lòe thiên hạ trước sau người ta cũng nhìn thấy khả năng thật của đương sự và nên nhớ với thời buổi tin học văn minh muốn chỉ cần phôn hỏi vài phút là biết ngay sự việc dù xảy ra ở đâu, cho dầu có muốn che đậy. Đi xa hơn, người đi đấu tranh không ngại đường xa vạn dặm, chẳng ngại tốn kém có lẽ cũng không nhiều vì thế người viết mạnh dạn ĐỀ NGHỊ (nhớ cho chỉ đề nghị) NẾU ai nghĩ giỏi thì nhờ NHƯNG XIN ĐỪNG đưa ra những vấn đề mà trên căn bản thiếu cơ sở, minh chứng làm nhụt chí người khác. Tôi không khoe nhưng cứ hỏi sẽ biết, ngoài Mỹ, Hoà Lan, Bỉ, Pháp, Thụy Sĩ … tôi đã đi sinh hoạt và đã tham dự nhiều sinh hoạt của NVTN khắp nơi trên nước Đức, lý do tôi là một người tị nạn chính trị vì cộng sản nên đâu còn lạ gì những khuôn mặt quen thuộc từ hàng chục năm qua trên con đường đấu tranh ở Đức nói riêng. Tôi nghĩ “hãy tìm hiểu đừng vội vã kết án ai cả” trừ khi có những dữ kiện công bố chứng minh, nhất là chúng ta cần giới trẻ. Đấu tranh có nhiều phương thức giống như giải một bài toán có nhiều cách. NẾU thấy không thích hợp, khác quan điểm thì đừng ủng hộ, đơn giản chỉ có thế. Tôi nói riêng cám ơn khi người khác “thật sự” đi đấu tranh dùm cho tôi. Hãy tự hỏi là NÊN TIN AI giữa những người xông pha đi đó đây đấu tranh hay phải tin những lời của các chuyên gia “ngại khó” nằm nhà chống cộng như thiệt qua bàn phím?. Công tâm mà nói chúng ta cần những bạn trẻ nhiệt tình tiếp nối con đường đấu tranh của thế hệ đi trước, của cha anh với hy vọng Việt Nam trong tương lai sẽ tươi sáng hơn khi chế độ cộng sản phi nhân cáo chung, dân tộc Việt Nam sẽ có đầy đủ quyền làm người giống như ở các quốc gia dân chủ mà chúng ta NVTN đang định cư. Mong lắm thay.!
Có lẽ những tham dự viên có mặt tại Geneva – bỏ qua sự mệt mỏi trong một chuyến đi xa – đều tự an ủi mình khi nhìn thấy vẫn còn đó những tấm lòng đối với quê hương và đồng bào, sẵn sàng xuống đường nhập cuộc khi cần dù tuổi già, sức yếu. Vâng, chúng ta “thầm hãnh diện” đã được đồng hành cùng Ban Tổ Chức, cùng quý đồng hương thật sự góp phần bé nhỏ của chúng ta trong công cuộc đấu tranh cho Nhân Quyền, Dân Quyền ở VN, từ hải ngoại.
Tôi có chụp một số hình ảnh của hai cuộc biểu tình Sáng và Chiều. Hình ảnh thay cho ngàn lời nói nên tuy đi qua đêm và về cũng qua đêm thấm mệt nhưng cũng cố gắng chọn lựa hình thực hiện “PHÓNG SỰ BẰNG HÌNH hai cuộc biểu tình nêu trên”. Hình ảnh chụp tài tử nhưng có vẫn hơn không và để cho bớt nhàm chán khi xem mạo muội lồng vào vài bản nhạc đấu tranh.
Tôi cũng đã đưa lên youtube và trân trọng giới thiệu cùng quý độc giả. Mong hoan hỷ cho tiêu đề tự đặt “Part1 cho buổi sáng và Part2 cho buổi chiều và mọi sơ sót nếu có.
1) “PHÓNG SỰ BẰNG HÌNH” cuộc biểu tình hôm 22.01.2019 vào buổi sáng từ 10h đến 12h ở Geneva
Hình ảnh, thực hiện Video: Châu6168
Giới thiệu và mời nghe/xem Youtube dài 11min:
2) “PHÓNG SỰ BẰNG HÌNH” cuộc biểu tình hôm 22.01.2019 vào buổi chiều từ 13h30 đến 16h30 ở Geneva
Hình ảnh, thực hiện Video: Châu6168
Mời xem/nghe nhạc theo đường Link (dài gần 9min):
Lê Ngọc Châu
(Nam Đức, tối ngày 25.01.2019)
* Vài hình ảnh của ngày biểu tình 22.01.2019 tại Geneva. Xin ghi nguồn khi trích đăng!
1) Biểu tình buổi sáng:
2) Biểu tình buổi chiều:
© Lê Ngọc Châu
Be the first to comment