Truyện Hổ Năm Dần

“Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ
Thuở tung hoành hống hách những ngày xưa,
Nhớ cảnh sơn lâm bóng cả cây già,
Với tiếng gió gào ngàn, với giọng nguồn hét núi,
Với khi thét khúc trường ca dữ dội,
Ta bước chân lên dõng dạc đường hoàng,
Lượn tấm thân như sóng cuộn nhịp nhàng,
Vờn bóng âm thầm lá gai cỏ sắc,
Trong hang tối mắt thần khi đã quắc,
Là khiến cho mọi vật đều im hơi.
Ta biết ta chúa tể cả muôn loài,
Giữa chốn thảo hoa không tên không tuổi…. ”

Thi sĩ Thế Lữ nổi tiếng với bài thơ “Hổ Nhớ Rừng” mà nhiều người cho là ông viết để tặng chí sĩ Phan bội Châu bị Pháp đầy an trí tại Bến Ngự – ám chỉ người anh hùng sa cơ lỡ vận, năm tháng nằm dài trong tù, nhớ tiếc một thời vẫy vùng ngang dọc – như chúa sơn lâm luyến tiếc rừng xanh.

Người viết không phải là nhà động vật học hay tử vi gia, nên không đi sâu vào nguồn gốc loài hổ hay suy đoán vận mệnh cho các Vị tuổi Dần mà chỉ lượm lặt trong văn thơ, truỵện tích… đôi điều liên quan về Cọp hầu Qúi Vị mua vui trong dịp Xuân Nhâm Dần.

Trong 12 Con Giáp, Dần được xếp hạng 3 qua cuộc đua việt dã do Ngọc Hoàng Thượng Đế tổ chức. Dân ta gọi Hổ là Dần, Hùm, Cọp, Hạm, Hầm, Khái; đôi lúc vì kính sợ kêu là Ông Ba Mươi hay Ông Kễnh. Vì Hổ có sức mạnh vô địch trong các loài thú nên được phong là Chúa Sơn Lâm.

Chắc bạn đã có dịp nhìn trên truyền hình hay đọc báo National Geographic, những con mãnh hổ đuổi theo đàn trâu nước, bò mộng, hươu nai… như gíó cuốn tàn khốc. Chính vì thế Hổ đựoc ghép với một từ khác biểu hiệu sức mạnh uy dũng như:
– môn võ: Hổ quyền
– chó sói: Hổ lang
– rắn độc: Hổ lửa, Hổ mang
– Tướng trăm trận trăm thắng: Hổ tướng
– Phù hiệu hành quân cắt đôi, vua giũ một nửa, một nửa ban cho tướng chỉ huy là: Hổ phù
– Cửa ra vào dinh tướng: Hổ môn
– Hang hổ gọi: Hổ huyệt
– Bản doanh đóng quân của tướng lãnh: Hổ trướng
– Xương Cọp nấu thành cao chữa bá bệnh là: Hổ cốt

Trong bát trân (8 món ăn) của các hoàng đế Nhà Đường, Trung Hoa món bao tử cọp cũng được kể tên…
Còn tại sao Hổ được gọi là ông 30 thường được giải thích như sau:

Cách phổ biến hiện nay theo truyện cổ tích đã được Nguyễn Đổng Chi kể lại trong Kho tàng truyện cổ tích Việt Nam mà ông ghi rõ là “theo Sơn Nam… và theo lời kể của người Hà Tĩnh”. Có thể tóm tắt truyện như sau:

Phạm Nhĩ là người sống ở Thiên cung, có sức khỏe phi thường. Ông có vành tai rách nên gọi tên như vậy. Phạm Nhĩ cậy có sức át cả thiên binh thiên tướng. Qua nhiều lần giao chiến, ông định lật đổ cả Ngọc Hoàng để lên ngôi Thiên Đế. Ngọc Hoàng yếu thế bèn cầu Phật. Đức Phật tự thân đi bắt Phạm Nhĩ nhốt vào túi thần giao cho Ngọc Hoàng xử lí.
Ngọc Hoàng đày Phạm Nhĩ xuống trần gian nhưng cắt đôi cánh đi để khỏi bay về trời làm loạn, đồng thời hóa phép làm cho tai Phạm Nhĩ, vốn rất thính, nghe được ngàn dặm, phải cụp lại khi tỉnh. Nói chung là làm giảm sức mạnh của ông. Nể lời Phật dạy, Ngọc Hoàng giao cho Phạm Nhĩ làm chúa tể sơn lâm, đời đời gọi là Hổ.

Còn việc gọi Hổ là Ông Ba mươi là theo lệ khi có người nào săn được hổ thì được vua thưởng 30 quan tiền vì trừ được tai họa cho dân, nhưng đồng thời cũng phạt 30 hèo vì sợ vong hồn Phạm Nhĩ giận mà tác quái.
Ở miền Nam cũng có câu chuyện giải thích nhưng sự việc vào đời Nguyễn với các nhân vật vua Gia Long nhờ hổ mà sống sót, sau này ra lệnh ai bắt được hổ thì thưởng 30 quan nhưng cũng đánh 30 gậy. Vì thế có tên là Ông Ba mươi.

Còn nói về những người vợ dữ dằn được gọi là Sư tử Hà Đông (bên Tàu không phải ở Việt Nam) phát xuất từ câu truyện như sau:

Liễu thị là vợ Trần Quí Thường rất hung dữ, nên nhà thơ Tô Đông Pha đã làm bài thơ tặng bạn:

Thùy tự Long Khâu cư sĩ hiền,
Đàm không thuyết hữu dạ bất miên,
Hốt văn Hà Đông sư tử hống,
Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên.

Bài dịch:

Ai hiền bằng cư sĩ Long Khâu,
Đàm không thuyết đọc suốt đêm thâu,
Bỗng nghe sư tử Hà Đông rống,
Kinh hoàng bỏ gậy rớt nơi đâu?

Lại có nhà thơ trào phúng nổi tiếng Tú Xương, khuyên phụ nữ đừng bao giờ lây làm lẽ, sẽ tủi phận một đời:

Cha kiếp sinh ra phận má hồng,
Khéo thay một nỗi lấy chung chồng,
Mười đêm chị giữ mười đêm cả,
Suốt tháng em nằm suốt tháng không,
Hầu hạ đã cam phần cát lũy,
Nhặt khoan còn ỏm tiếng Hà Đông,
Ai về nhắn bảo đàn em nhé,
Có ế thì tu, chớ chớ chung!

Một ít người thường lầm lẫn giữa Hổ (Tiger) và Sư tử (Lion) vì cả hai đều to lớn, hung bạo, săn các loại thú yếu hơn ăn thịt, đều là chúa tể trong vương quốc động vật.
Hổ lông vàng, nâu hay đen sẫm, có vằn, không bờm như sư tử, nặng từ 150 kg đến 300 kg, sống phần nhiều ở châu Á, thường đơn độc trừ khi tập trung đuổi theo con mồi.
Sư tử lông đồng màu vàng hay nâu, không vằn, chỉ con đực có bờm, sống ở châu Phi và rải rác ở Ân Độ, sống bày đàn, có thể sống lâu từ 10 đến 15 năm và nặng ngang với hổ.

Nơi đền miếu ta thường thấy tranh Ngũ Hổ: hổ vàng ngồi giữa 2 bên là tứ hổ trắng, đỏ, xanh, đen. Trung Hoa tự hào có Ngũ hổ tướng thời Tam Quốc: Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu và Hoàng Trung.

Việt Nam vang danh Ngũ hổ tướng ‘Sinh vi tướng, tử vi thần’ trong cuộc chiến chống Cộng Sản xâm lược: Nguyễn khoa Nam, Trần văn Hai, Phạm văn Phú, Lê văn Hưng, Lê nguyên Vỹ. Về nữ giới ta cũng có Ngũ Hổ tướng gồm: Hai Bà Trưng, Triệu thị Trinh, Bùi thị Xuân, Cô Giang và những tùy tướng dưới cờ Hai Bà Trưng đều là những Hổ tướng hồng quần.

Nhiều Binh chủng QLVNCH dùng huy hiệu hình Cọp: Lực Lượng Đặc Biệt Cọp Bay lướt theo cánh dù – Biệt Động Quân Cọp Ba Đầu Rằn – Lôi Hổ Cọp rình mồi. Nhiều cuộc hành quân Việt Mỹ mang tên Hắc Báo hay Phi Hổ…. Quân đội Nam Hàn tham chiến tại Miền Nam với Sư đoàn Mãnh Hổ nổi tiếng. Năm 1965 Không lực Hoa Kỳ mở chiến dịch đánh phá đường mòn Hồ chí Minh mang tên Operation Steel Tiger và các chiến sĩ Green Berets Hoa Kỳ áp dụng lối ngụy trang bằng lá cây gọi là Tiger Stripe Camouflage. Tại Bắc Ireland, đội ca vũ nhạc mang tên Hùm Xám Celtic (Celtic Tiger). Còn Đội Phi Hổ (Flying Tiger) Trung Hoa Dân Quốc rất nổi tiếng trong chiến tranh Trung-Nhật. Mật hiệu của phi công lái trực thăng chuyến cuối cùng bốc Đại sứ Martin rời VN ngày 30/4/75 là ‘Tiger ! Tiger ! Tiger !‘

Những người danh thơm thì ít, ‘hổ danh’ lại nhiều như trùm Bình Xuyên Bảy Viễn tự xưng là Hắc Hổ tướng quân hay Hổ xám Rừng Sát. Độc ác như Nguyễn văn Tâm thời Pháp làm quận trưởng Cái Lậy, dân tặng xú danh Cọp Cái Lậy

Tên tổng đốc Trịnh quang Khanh thời vua Minh Mạng, khét tiếng tàn sát tín đồ Công giáo gọi là Hùm xám Nam Định. Những tên phàm phu tục tử này, thật chẳng biết ‘xấu hổ hay hổ thẹn là gì’.

Nhưng đừng tưởng Cọp luôn ám chỉ phái mày râu mà lầm. Đôi khi nữ giới đòi quyền sống oai phong sẽ biến thành ‘Cọp cái, Cọp gầm‘. Thân mình uyển chuyển nhẹ nhàng nhưng chớ dại vuốt móng Cọp. Da Cọp êm như nhung rất qúi mịn màng như da dẻ quí bà quí cô hay đi thẩm mỹ viện. Tuy thế ‘bệnh quỉ ắt có thuốc tiên’, xin quí ông đừng sợ lấy vợ tuổi Dần, cứ giao mọi việc cửa nhà tiền nong cho qúi bà là trong ấm ngoài êm.

Lịch sử khẩn hoang Nam bộ xưa, dân sống xa phố thị thường thuê những gánh hát bộ, cải lương để giải buồn trên những sân khấu bồng bềnh sông nước, thuyền bè vây quanh. Nghe vọng từ xa tiếng trống bập bùng, tiếng hò hát, những chú Cọp mò đến tìm mồi đành thất vọng ngồi hai bên bờ chờ thời ‘xem cọp’ giải sầu. Có lẽ từ đó, những ’diệu thủ thư sinh’ dùng mánh khoé chui vào rạp xem phim, xem tuồng khỏi mua vé gọi là ‘xem cọp, coi cọp’ hay những người thích sao chép tài liệu của người khác không xin phép nhận là của mình cũng gọi là ‘sao cọp, chép cọp’, điển hình như bác Hồ kính yêu với ‘Ngục trung thư’ vang danh độ nào.

Trong sách Giáo khoa xưa có truyện tích dạy đời ‘Trí khôn loài người’.
Một hôm, có chú Cọp mò về làng rình bắt trâu bò, nhìn thấy trong ruộng bùn 1 con trâu lớn ì ạch kéo cày dưới làn roi điều khiển của bác nông phu. Nó lấy làm lạ tại sao con trâu to lớn lại nghe lời con người nhỏ bé kia, liền cất tiếng hỏi:

– Thưa tại sao ông nhỏ bé thế mà con trâu to lớn phải nghe lời ông?
– Vì ta có trí khôn. Người nông phu đáp.
– Ông có thể cho tôi xem trí khôn của ông được không?
– Tao để quên ở nhà.
– Ông có thể về lấy cho tôi xem được chứ?
– Dễ thôi, nhưng với điều kiện ta phải trói ngươi lại để khi ta về lấy ‘trí khôn’ ngươi không thể ăn thịt trâu ta.

Cọp đồng ý. Thế là bác nông phu lấy giây thừng trói chặt Cọp vào gốc cây rồi châm lửa đốt. Cọp biết bị lừa cố vùng vẫy thoát thân chạy vào rừng, còn nghe tiếng gọi lớn đàng xa vọng lại “Trí khôn ta đây! Trí khôn ta đây!“. Tuy thoát chết, nhưng trên da Cọp còn lưu lại vết cháy rằn ri muôn đời không xóa sạch.

Trong sách Thuyết Phù Trung Hoa, kể lại câu truyện Khổng Tử sai học trò Tử Lộ xuống suối lấy nước, nơi có Cọp thường ẩn núp vồ người. Tử Lộ đánh nhau với Cọp túm được đuôi giấu trong áo, về hỏi thày:

– Thưa thày, kẻ thượng sĩ giết Cọp như thế nào?
– Nắm đầu Cọp mà giết. Khổng Tử đáp.
– Kẻ trung sĩ giết Cọp như thế nào?
– Nắm tai Cọp mà giết.
– Kẻ hạ sĩ giết Cọp như thế nào?
– Nắm đuôi Cọp mà giết.

Tử Lộ nghĩ thày muốn hại mình, giấu cục đá định giết thày và hỏi:

– Thưa thày, kẻ thượng sĩ giết người như thế nào?
– Bằng ngòi bút.
– Kẻ trung sĩ giết người như thế nào?
– Bằng cái lưỡi.
– Kẻ hạ sĩ giết người như thế nào?
– Bằng ném đá giấu tay.

Từ ngày đó Tử Lộ bỏ ý định giết thày.

Khu vực thắng cảnh Hương Sơn, Hà Tây có đền thờ Thần Hổ.
Tục truyền vợ Hùng An thuộc giòng dõi thần. Một ngày kia vào rừng kiếm củi bị hổ bắt đi sau biến thành hổ cái, để lại cho Hùng An một cậu con trai đặt tên là Hùng Lang. Lớn lên Hùng Lang văn võ song toàn, gíúp vua đánh đuổi giặc Ân. Sau khi chết được dân phong làm phúc thần làng Yến Vỹ và lập đền thờ ghi công mang hình Thần Hổ.

Tiếp truyện Thần Hổ của nhà văn Đào đức Tuấn – Ngũ hổ bình Liêu của Đào Tấn – Truyện Tàu Ngũ Hổ Bình Tây do Nguyễn chánh Sắt dịch hay Đái đức Tuấn bút hiệu Tychya với truyện kinh dị Thần Hổ – Trong Nhị Thập Tứ Hiếu ghi lại lòng chí hiếu của Dương Hương, tuy mới 14 tuổi đã xả thân đả hổ cứu cha.

Vua Tuyên Vương làm vua nước Sở. Chiêu Hề Tuất chỉ là một người bầy tôi vua Tuyên Vương. Thế mà ai nghe thấy nói Chiêu Hề Tuất cũng phải kinh sợ. Vua lấy làm lạ, một hôm hỏi quần thần là vì cớ làm sao. Không ai trả lời nổi. Chỉ có Giang Nhất biết được thưa rằng:
“Con hổ hay bắt các giống thú để ăn thịt. Một hôm bắt được con cáo. Cáo bảo: Liệu đó! Chớ có động chạm đến ta mà chết ngay bây giờ. Ta là Trời sai xuống, cầm quyền coi hết cả bách thú. Người mà ăn thịt ta là người trái mệnh trời, hại đến thân ngay lập tức… Không tin thử để ta đi trước, ngươi theo hầu sau, xem có con thú nào trông thấy ta mà lại không sợ hãi tìm đường trốn cho mau không!”. Hổ cho cáo là nói thật, bèn theo cáo đi. Quả nhiên bách thú trông thấy đều sợ mà chạy cả. Hổ vẫn không biết rằng bách thú sợ mình mà chạy, cứ tưởng là sợ cáo. Nay nhà vua nước mạnh, quân nhiều mà vua giao cả quyền thế cho Chiêu Hề Tuất, người phương Bắc sợ Hề Tuất, nhưng kỳ thực là sợ vua cũng như bách thú sợ hổ vậy”.

Truyện tích về Lê Lộc (cha Lê Hoàn tức vua Lê Đại Hành), bị bạch hổ do mình nuôi cắn chết. Khi hổ nhận ra đã cắn nhầm chủ, đưa xác vào núi giấu, bỏ ăn, canh xác chủ cho đến chết vì hối hận.
Sau mối đùn lên thành mộ, dân gọi là Mả Dâu (mộ hổ táng) tin là rất linh thiêng.

Chúa sơn lâm, loài thú hung dữ nhất cũng có truyền thuyết kể rằng, Cọp đôi khi cũng biết trả ơn vì nhớ người đã cứu mạng đồng loại nó.

Chuyện kể rằng:
“Ở xóm làng heo hút, có bà Mụ vườn, thường đỡ đẻ làm phước, ở xứ nghèo chỉ nhận được hai tiếng cảm ơn, họa hoằn lắm mới có tí quà. Đêm nọ đang ngon giấc, bà mụ nghe tiếng cào trên liếp cửa, ngỡ rằng có ai cần mình, bà lên tiếng hỏi nhiều lần, nhưng không nghe đáp trả, tiếng cào cấu càng lớn và dai dẳng, bà mụ chống cửa lên. Tá hóa, sững sờ, trước mặt là con cọp to như con bò! Nhờ dấu hiệu hiền lành, phủ phục dưới chân, làm bà cũng định thần đôi chút, thoáng bàng hoàng chưa qua, con cọp xốc bà lên lưng, cõng thẳng vào núi, nó thả bà xuống bên con cọp cái, đang rên xiết, với cái bụng lớn chềnh ềnh. Vốn thạo nghề, nhanh trí, bà biết mình phải làm gì. Sau một hồi đem hết khả năng thi triển, chú cọp con chào đời, cọp mẹ ngủ thiếp… cọp bố cõng bà về lại nhà.
Mấy hôm sau, vào buổi sáng tinh mơ, vừa chống cửa lên, bà mụ thấy con heo rừng nằm dưới thềm nhà, bà biết ngay cọp đền ơn, rồi thỉnh thoảng lúc nhím, nai v.v… đó là những món quà, cọp đền ơn cho bà mụ, miền thôn dã.”

Cọp oai phong nhảy cả vào lãnh vực điện ảnh hoàn vũ.

Tài tử nổi tiếng Kiều Chinh bước vào làng điện ảnh thế giới với phim Năm Dần 1963, cùng tài tử gạo cội Mỹ Marshall Thompson.

Tài tử hàng đầu Trung Quốc Châu Nhuận Phát đóng nhiều phim mang tên ‘hổ’: Long Hổ phong vân, Giang Hổ tinh, Giang Hổ long, Hổ đấu. Đặc biệt phim Ngọa Hổ tàng long, anh đóng cùng nữ tài tử trẻ đẹp đang lên Chương Tử Di, đã giành được 4 giải Oscar.

Rồi hàng loạt phim Mỹ: Tiger Warsaw, Tiger and the Snow, Go Tiggers, Eyes of Tiger, Dragon Tiger Gate…
“Roar”, bộ phim năm 1981 với sự góp mặt của Noel Marshall và người vợ sau, Tippi Hedren, cùng với con gái của Hedren, Melanie Griffith, được coi là bộ phim nguy hiểm nhất từng được thực hiện. Bộ phim nói về một người phụ nữ Mỹ và những đứa con của cô đi du lịch đến Châu Phi để thăm một nhà khoa học sống với những con vật hoang dã. Đó là những con vật được coi là thuần hóa trong bộ phim gây ra nhiều chấn thương. Trong tất cả 70 diễn viên và phi hành đoàn đã bị thương trong việc quay phim “Roar”. Các chấn thương dao động từ vết trầy xước đến xương bị gãy thành một vẹo. Một số chấn thương là nguy hiểm đến tính mạng.

Ngoài ra, nữ tài tử xinh đẹp khả ái Angelina Jolie – người có nhiều con nuôi bốn phương và là đại sứ thiện chí Cao ủy Liên hiệp Quốc về tỵ nạn. Bà này đã trình bày thẳng thắn và độc đáo lập trường mình: “Con vật yêu thích của tôi là Cọp. Tôi thích chúng vì đó là những tạo vật độc lập, chúng oai vệ và luôn tiến về phía trước. Sách lược của chúng là chỉ tấn công, không cần phòng thủ. Tôi không bận tâm, nếu được so sánh với một con Cọp, tôi sẵn sàng đón nhận và vinh hạnh. Ngoài ra mỗi phụ nữ còn có 1 con Cọp tiềm ẩn bên trong và tôi cũng thế. ”

Hổ còn xuất hịện qua Tục ngữ, Ca dao:

– Kẻ thô lỗ dữ dằn sánh ‘dữ như Cọp’.
– Sức mạnh phi thường ‘khoẻ như Hùm’.
– Nói năng độc ác ‘miệng Hùm nọc Rắn’.
– Thật là liều lĩnh không sợ ‘vuốt râu Hùm’.
– Ở vào thế không thể lui ‘cỡi lưng Cọp’.
– Coi chừng mang họa vào thân như nuôi ong tay áo hay ‘thả Cọp về rừng’
– Ghét ai thường nguyền rủa là đồ ‘Cọp tha ma bắt’
– Kẻ bần tiện thật uổng công vì ‘Ký cóp cho Cọp nó tha’
– Mưu mẹo làm kẻ thù suy yếu ‘Điệu Hổ ly sơn’
– Mượn oai danh kẻ quyền thế để ức hiếp người ‘Mượn hơi Hùm, rung nhát khỉ’
– Phải vào lòng địch mới hạ được kẻ thù như chiến sĩ Biệt Kích QLVNCH đột nhập vào sào huyệt địch ‘không vào hang Cọp sao bắt được Cọp con’
– Phong thái nam nữ ăn uống ngày nay không biết còn thích hợp như xưa các cụ dạy: ‘Nam thực như hổ, nữ thực như miêu’ không nhỉ?
– Cha giỏi ắt sinh con qúi ‘Hổ phụ sinh hổ tử’
– Bài học kinh nghiệm người thợ săn cho biết ‘Rừng già lắm voi, rừng còi nhiều Hổ’
– Sống làm sao để lưu danh thơm cho đời ‘Cọp chết để da, người ta chểt để tiếng’

Ca dao phản ảnh triết lý đạo đức sống ở đời:

Cáo bắt gà, cả nhà ra đuổi
Cọp bắt bò, cả nhà hốt hoảng chạy mau.

Mèo tha miếng thịt xôn xao,
Kễnh tha con lợn thì nào thấy ai?

Hùm giết người, hùm ngủ,
Người giết người, thức đủ năm canh.

Hiện tượng xã hội không thể đảo ngược:

Trời sanh Hùm chẳng có vây,
Hùm mà có cánh, Hùm bay lên trời.

Bao giờ cho đến tháng ba,
Ếch cắn cổ rắn tha ra ngoài đồng,
Hùm nằm cho lợn liếm lông,
Một chục quả hồng nuốt lão tám mươi….

Tình yêu giả dối thường kèm theo những lời thề thốt khó xảy ra:

Nếu em còn ngần ngại,
Anh xin thề lại cho tường,
Đứa nào được Tấn quên Tần,
Xuống sông Cọp ních, lên rừng sấu tha.

Bộ nút hổ, ông Hùm cũng Hổ,
Củ khoai tây, ông Sứ cũng Tây,
Phải chi anh biết em chốn này,
Đường cao sơn vạn thủy, ngàn ngày cũng đi.

Ca dao, đồng dao xuất hiện thời khẩn hoang Nam bộ:

Đồng nai xứ sở lạ lung,
Dưới sông sấu lội, trên rừng Cọp um.

Cà mau lúc trước thấy mà ghê,
Ai muốn làm ăn đến phải về,
Dưới nước đỉa lềnh, sấu lểnh nghểnh,
Trên bờ Cọp rống, muỗi vo ve.

Cọp rừng Sát moi ốc bắt cua,
Cọp rừng thưa săn rùa dí thỏ,
Cọp đồng cỏ đuổi chó rình chim,
Cọp rừng sim ăn ong hút mật.

Theo nhà nghiên cứu Bùi ngọc Diệp, hiện nay vẫn còn nhiều địa danh Miền Nam mang dấu tích về Cọp xưa còn ghi lại như:
– Tổng An thịt, Cần giờ, nơi nhiều Cọp ăn thịt người
– Đìa cứt Cọp, Giồng trôm, chỗ Cọp về nghỉ ngơi, phóng uế sau khi săn mồi
– Đồn Cọp, Chợ lách, Cọp thường về phá hoại, dân làng lấy thân cau làm hàng rào vây hãm, rồi báo lên tỉnh đem súng về bấn chết
– Mỏ Cày, Bến tre, dân đi cày mang mõ theo, thấy Cọp về khua mõ báo động, sau dân chúng đọc trại theo phát âm Miền Nam là mỏ
– Hổ châu hay cù lao ông Hổ, tức cù lao Sông hậu, Sa đéc
– Hà tiên có đồi Ngũ Hổ
– Bến tre có Giồng ông Hổ, Giồng Rọ (rọ bất Hổ), Bưng Hổ, Miếu ông Hổ…

Đại thi hào Nguyễn Du lưu lại cho đời trường thi bất hủ ‘Truyện Kiều’, cụ vẫn không quên đưa Hổ vào thi tập với 1 từ duy nhất ‘Hùm’. Hãy đọc để thấy sự ghen tương ác độc của Hoạn Thư đối với nàng Kiều:

Giận dầu ra dạ thế thường,
Cười này mới thực khôn lường hiểm sâu.
Thân ta, ta phải lo âu,
Miệng Hùm nọc rắn ở đâu chốn này

Tả tướng mạo đường bệ anh hùng Từ Hải:

Râu Hùm, hàm én, mày ngài,
Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao,
Đường đường một đấng anh hào,
Côn quyền hơn sức, lược thao gồm tài.

Dưới trướng ba quân Từ Hải, Kiều ân đền oán trả:

Trướng Hùm mở giữa trung quân,
Từ công sánh với phu nhân cùng ngồi,
Tiên nghiêm trống chửa dứt hồi,
Điểm danh trước dẫn chực ngoài cửa hiên,
Từ rằng: ”Ân oán hai bên,
Mặc nàng xử quyết, báo đền cho minh”.

Từ Hải vì nghe nàng Kiều qui hàng bị Hồ tôn Hiến phục binh:

Đang khi bất ý chẳng ngờ,
Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng hèn!
Từ sinh liều giữa trận tiền,
Dạn dày cho biết gan liền tướng quân.
Khí thiêng khi đã về thần,
Nhơn nhơn còn đứng chôn chân giữa vòng.

Lời sư bà Tam Hợp nói về cuộc đời hồng nhan đa truân của Kiều:

Hết nạn ấy, đến nạn kia,
Thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần,
Trong vòng giáo dựng gươm trần,
Kề răng Hùm sói, gửi thân tôi đòi,
Giữa dòng nước dẫy, sóng dồi,
Trước hàm rồng cá gieo mồi vắng tanh,
Oan kia theo mãi với tình,
Một mình mình biết, một mình mình hay
Làm cho sống đọa thác đầy,
Đoạn trường cho hết kiếp này mới thôi!

Những năm Dần đáng ghi nhớ trong lịch sử Việt Nam:
(Từ khi Hai Bà Trưng khởi nghĩa đến Pháp đô hộ)

– Nhâm Dần (42, sau Công nguyên) Mã Viện đem quân sang đánh Trưng Nữ Vương. Bên ta vì quân ít thế cô nên hai Bà phải lui quân về Cẩm Khê và nhảy xuống Hát Giang tự vẫn. Rồi để hù dọa dân Lạc Việt, Mã Viện cho lập trụ đồng và khắc vào đó ‘đồng trụ chiết, Giao Chỉ diệt‘. Giao Châu lại bị ngoại bang đô hộ.

– Bính Dần (546) Trần Bá Tiên đánh thành Gia Ninh, Lý Bôn (Lý Nam Ðế) lui về giữ Tân Xương, sau đó giao binh quyền cho phó tướng Triệu Quang Phục ngăn chống quân Lương.

– Bính Dần (966) Nam tấn Vương Ngô Xương Văn mất, kéo theo sự sụp đổ của nhà Ngô. Khắp nơi quần hùng nổi lên thành loạn thập nhị sứ quân. Vua Ngô là Xương Xí chỉ còn giữ được đất Bình Kiều. Ðinh Bộ Lĩnh dẹp tan loạn sứ quân thống nhất đất nước.

– Canh Dần (990) Vua Lê Ðại Hành đánh chiếm ba châu Ðịa Lý, Ma Linh và Bố Chính của Chiêm Thành. Sau đó sai Phụ quốc tướng quân Ngô Tử An đem 3 vạn quân, mở con đường từ biên giới Chiêm Việt ở Thạch Hà (Hà Tĩnh) tới châu Ðịa Lý (Quảng Bình). Ðây là con đường bộ đầu tiên của nước ta.

– Nhâm Dần (1002) Vua Lê Ðại Hành sửa sang pháp luật, định lại triều cương, tăng cường quân sự, khuyến khích nông nghiệp, nuôi ý chí bành trướng về phương Nam để giải quyết nạn nhân mãn tại đồng bằng sông Hồng.

– Giáp Dần (1014) Quân Nam Chiếu lại xâm lấn miền thượng du Bắc Việt, vua Lý Thái Tổ sai Dục Thánh Vương đi tiễu trừ, thắng trận và bình định được toàn vùng.

– Mậu Dần (1038) Nùng Tôn Phúc chiếm đất Quảng Nguyên (Cao Bằng) và quy phục nhà Tống, bị vua Lý Thái Tôn bắt được và xử tử. Con Tôn Phúc và Trí Cao lại làm phản, chiếm Quảng Nguyên và Ung Châu lập nước Ðại Nam, bị tướng nhà Tống là Ðịch Thanh dẹp yên. Từ đó nhà Tống có ý định thôn tính luôn Ðại Việt nhưng bị Lý Thường Kiệt bẻ gãy bằng cách xua quân chiếm Ung, Khâm và Liêm Châu của Tàu.

– Giáp Dần (1074) Chế Củ được vua Lý Thánh Tôn tha về nước nhưng ngôi vua Chiêm Thành đã lọt về tay Madhavamurty nên nội chiến lại xảy ra. Cuối cùng Harivarman 4 lên làm vua, đem quân đánh Ðại Việt và Chân Lạp. Lý Thường Kiệt dẹp yên đồng thời tổ chức cuộc di dân tới ba
châu Ðại Lý, Ma Linh và Bố Chính vừa mới chiếm của Chiêm Thành. Ðây là cuộc di dân đầu tiên của Ðại Việt.

– Mậu Dần (1218) Liên quân Chiêm Thành và Chân Lạp cướp phá Nghệ An nhưng bị tướng trấn thủ là Lý Bất Nhiễm đánh tan.

– Bính Dần (1266) Java Indravaman 6 bị cháu là Cri ám sát cướp ngôi lên làm vua. Ðó là Indravarman 5, trong lúc cả Ðại Việt lẫn Chiêm Thành đang bị Mông Cổ lăm le xâm chiếm.
– Vua Trần Thánh Tôn sai sứ sang nhà Nguyên yêu cầu bỏ lệnh bắt nước ta cống nho sinh (tú tài), thợ thuyền và các kỹ thuật gia, chỉ chấp thuận để tướng Mông Cổ là Nột Loát Ðài làm Ðạt Lỗ Cát Tề ở Ðại Việt. Ðây là chiến thuật hòa hoãn của nhà Trần trước ý đồ xâm lược lần thứ 2 của Nguyên-Mông.
– Tháng Chạp cùng năm, vua Nguyên lại sai Sài Thung sang hạch hỏi nước ta về lý do không chịu thi hành 6 điều khoản của Mông Cổ. Vì ghét tướng giặc phách lối nên vua nhà Trần không thèm trả lời và đánh đuổi tên giặc này về nước. Ðó là nguyên nhân để Mông Cổ sang đánh nước ta lần thứ 2 nhưng cuối cùng cũng bị quân dân Ðại Việt đánh tan.

– Nhâm Dần (1302) Vua Chiêm là Chế Mân cử phái đoàn sang Ðại Việt cầu hôn công chúa Huyền Trân nhưng dù đã được thượng hoàng Nhân Tông hứa gả vẫn bị vua Anh Tông và triều thần từ chối. Cuối cùng Chế Mân xin dâng hai châu Ô, Rí (Quảng Trị và phía bắc Thừa Thiên ngày nay) làm sính lễ mới được nhà Trần chịu gả.

– Nhâm Dần (1422) Giặc Minh và Lào liên kết vây đánh Bình Ðịnh Vương Lê Lợi nhưng ông thoát được về cố thủ tại núi Chí Linh.

– Giáp Dần (1434) Lê Thái Tổ mất, thừa dịp vua Thái Tôn còn nhỏ nên vua Chiêm là Bồ Ðề sang cướp chiếm Hóa Châu nhưng bị các tướng Lê Chuyết, Lê Liệt và Trần Lê Khôi đánh tan.

– Canh Dần (1470) Theo gót Chế Bồng Nga, Trà Toại đem 10 vạn quân cướp phá Hóa Châu. Do đó vua Lê Thánh Tông đem lực lượng thủy bộ chinh phạt Chiêm Thành, đuổi Trà Toại chạy vào sông Phan Lang (Ninh Thuận), giải phóng đồng bào Thượng tại Cao Nguyên Trung Phần khỏi ách nô lệ của người Chàm, đồng thời rạch hẳn biên giới ngăn cấm người Thượng không được tràn xuống cướp phá đồng bằng.

– Mậu Dần (1578) Chúa Tiên Nguyễn Hoàng cử Lương Văn Chánh làm Biên quan mở mang bờ cõi về phương Nam, di dân tới lập nghiệp tại Bình Ðịnh, Phú Yên.

– Nhâm Dần (1602) Nguyễn Hoàng lập phủ Quảng Nam và sai thế tử Nguyễn Phúc Nguyên vào trấn thủ. Hội An từ đó trở thành thương cảng lớn của châu Á, có nhiều người phương Tây, Nhật, Tàu lui tới làm ăn buôn bán với cái tên ngoại quốc là Faifo.

– Giáp Dần (1674) Nặc Ông Ðài cầu viện quân Xiêm về đánh Chân Lạp, Nặc Ông Nộn sang cầu cứu. Hiền Vương Nguyễn Phúc Tần sai cai cơ Nguyễn Dương Lâm đánh quân Xiêm, phá đồn Sài Côn, xây thành Nam Vang, Nặc Ông Ðài chạy trốn và chết trong rừng.

– Mậu Dần (1698) Sau khi bình định xong Chiêm Thành, Ninh Vương Nguyễn Phúc Chu cử thống soái Nguyễn Hữu Cảnh (Kính) làm kinh Lược Sứ phương Nam. Người Việt tại Ngũ Quảng theo chân đoàn quân Nam tiến tới lập nghiệp tại các vùng vừa khai phá

– Canh Dần (1770) Mọi Ðá Vách (Hre) ở phía Tây Quảng Ngãi xuống cướp phá dân chúng ở bình nguyên. Chúa Nguyễn sai ký lục Quảng Nam là Trần Phước Thành đem quân 5 đạo đánh dẹp mới yên. Ông cho đặt các đồn binh dọc theo biên giới để trấn áp và bảo vệ dân chúng.

– Nhâm Dần (1782) Tây Sơn vào đánh trấn Thuận Thành do cai tổng Tá là người Chiêm cai quản. Tá đem quốc ấn Chiêm Thành giao cho Tây Sơn nên được giữ lại chức cũ.
– Tây Sơn đánh thành Sài Côn, Nguyễn Ánh thua chạy ra Phú Quốc nhưng vẫn giữ được quốc ấn do chúa Nguyễn Phúc Chu đúc năm Vĩnh Thịnh thứ 5 (1709). Ấn này được các vua nhà Nguyễn làm quốc bửu truyền ngôi từ năm 1802-1945.
– Tháng 4, tướng Tây Sơn là Nguyễn Văn Huy và Trần Quang Diệu đem quân thủy bộ vào đánh Phú Yên và Diên Khánh, chúa Nguyễn Ánh từ Gia Ðịnh ra tiếp cứu nên quân Tây Sơn rút về. Nhưng khi quân Nguyễn Ánh về Nam, Tây Sơn vây hãm Diên Khánh, Bình Thuận.

– Mậu Dần (1818) Vua Gia Long sai trấn thủ trấn Vĩnh Thanh là Nguyễn Văn Thoại huy động 1500 dân công người Việt và Khmer đào sông Tam Khê (kênh Thoại Hà) dài 12.410 tầm khoảng 31.769 m, rộng 10 trượng (40 m) và sâu 18 thước ta (7,2 m). Công tác được hoàn thành sau 1 tháng.

– Mậu Dần (1878) Hội địa dư thương mại Paris tổ chức hội chợ thương mại quốc tế, dùng tài liệu ngụy tạo để lường gạt dư luận trong và ngoài nước, để Pháp có lý do xâm lăng Bắc Kỳ, qua cái gọi là thi hành hiệp ước 1874 được ký kết giữa Pháp và triều đình Huế.
Ðể mở mang dân trí, vua Tự Ðức khuyến khích mọi người đóng thuyền sang Hương Cảng lập công ty làm ăn buôn bán, đồng thời còn cấp học bổng cho những người thông kinh sách đi Pháp và Hồng Kông du học trong 5 năm và sẽ được bổ làm quan sau khi tốt nghiệp. Truyền thống này đã có từ thời Minh Mạng khi nhà vua lập ra Tứ Ðịch Quán được coi như trường dạy ngoại ngữ đầu tiên của nước ta tại Huế.

– Nhâm Dần (1902) Tiểu La Nguyễn Thành một chí sĩ cần vương tại Quảng Nam, cùng Phan Bội Châu lập Việt Nam Quang Phục Hội, tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể làm minh chủ với tôn chỉ dùng vũ lực đánh đuổi thực dân Pháp ra khỏi nước Việt Nam.

– Giáp Dần (1914) Ðại chiến thứ nhất bùng nổ (1914-1918), để phòng Phan Chu Trinh đang ở Pháp theo Ðức, thực dân bắt ông giam vào ngục Sante (Paris) một năm sau mới thả.
Nhiều cuộc nổi dậy chống thực dân Pháp tại Lào Kai, Yên Bái, Phú Thọ… do Việt Nam Quang Phục Hội lãnh đạo.

– Bính Dần (1926) Nhiều thanh niên trí thức Việt Nam gồm Nhượng Tống, Hoàng Phạm Trân, Nguyễn Thái Học, Phan Tuấn Tài, Hồ Văn Mịch.. lập Nam Ðồng Thư Xã ở Hà Nội, xuất bản các loại sách chính trị với mục đích phổ biến sâu rộng tới đồng bào những tư tưởng cách mạng của Gandhi, Tôn Văn. Nhưng chỉ thời gian ngắn, Pháp tịch thu hết sách báo và đóng cửa Nam Ðồng Thư Xã.
Ngày 24/3 Tây Hồ Phan Chu Trinh tạ thế tại Phú Nhuận (Sài Gòn). Quốc dân cả nước kể cả người Việt tại Miên, Lào, Thái lập bàn truy điệu và tới đưa đám tang trên hàng vạn người, nhiều học sinh bãi khóa, bất chấp thực dân ngăn cấm, đuổi học và bắt bớ giam cầm.
…………………

Nói Cọp ‘thật’ nhiều rồi, chắc chúng ta cũng thường nghe nói đến Cọp Giấy, để ám chỉ nhân vật, đoàn thể hay nước nào ’có tiếng mà không có miếng’ – giống hàng mã chỉ cần mồi lửa cúng cô hồn là ra tro – Chủ tịch Trung quốc đã từng chế diễu Mỹ là ‘Con Cọp Giấy’ và dạy đàn em CSVN đừng sợ đế quốc Mỹ, vì thế các ‘cán ngố’ cứ tưởng máy bay, tàu chiến, xe tăng Mỹ làm toàn bằng giấy nên lao mình vào chỗ chết thảm bại.

Trong nhà tù Cộng sản, chúng tôi từng nghe những tên cán bộ tự hào khoác lác khoe khoang chỉ với mã tấu, gậy tầm vông đã đánh thắng 3 tên giặc sừng sỏ nhât thế giới: thực dân Pháp, xâm lược Tàu và đế quốc Mỹ. Thực ra chúng chỉ là những tên ‘Cọp giấy‘?

Và gần đây nhất, sau khi Hoa Kỳ thất bại trong việc rút quân tại chiến trường Afghasnistan, ngày 15/8/21 tờ báo Trung cộng Global Times đã chế nhạo Hoa Kỳ chỉ là ‘Cọp giấy’. Điều này minh chứng sự bất lực Hoa Kỳ khác với chiến tranh Việt Nam, khi Cộng sản Bắc việt được sự yểm trợ tối đa của Trung cộng và Nga sô, trong khi phiến quân Taliban không được trợ giúp của một lực lượng nào bên ngoài trong suốt 20 năm qua.

Viết về năm Dần đến đây tôi nhớ lại một truyện cảm động về Cọp khi tôi bất đầu tình nguyện phục vụ trong Binh chủng Cọp Bay LLĐB.
Lúc vừa đáo nhận đơn vị, Trung úy Đại đội trưởng thấy tôi dáng dấp thư sinh, thân mật dặn dò: ”Anh vừa mới ra trường, xuất thân là nhà giáo, nhưng không thể đối xử với binh sĩ như học trò được đâu nhé! Bọn lính trẻ tình nguyện qua Binh chủng này là dân giang hồ tứ chiếng, rất can đảm, không sợ chết, nhưng cũng rất khó trị đấy”. Tôi mỉm cười cám ơn sự hướng dẫn thành thực của đàn anh. Biết Thượng sĩ nhất Trung đội phó là người nhiều kinh nghiệm chiến trường, từng sống chết với binh sĩ qua 10 năm chiến đấu, nên tôi giao công việc kỷ luật, xử phạt cho ông, vì binh sĩ thuộc quyền rất nể sợ nhưng vẫn thân mật goi ông là ‘bố’ đúng hai nghĩa về tuổi tác và ông có cô con gái rượu xinh đẹp. Mỗi lần đi hành quân, tôi nói Trung đội phó chia đều phần lương khô của mình cho cả trung đội và mỗi bữa tôi sẽ ăn chung với một người. Tôi muốn tránh cho chú ‘cận vệ’ theo tôi không phải mang vác gánh nặng gấp đôi, đồng thời tôi có dịp tìm hiểu về hoàn cảnh từng binh sĩ qua mỗi lần ăn chung. Dần dần thấy thái độ trầm tĩnh gần gũi thân mật, binh sĩ đã giành cho tôi lòng mến phục.
Trong l lần xâm nhập vào mật khu vùng biên giói Lào-Việt, Trung đội tôi bị 1 Tiểu đoàn địch bao vây với ý định bắt sống hơn là tiêu diệt. Chúng thổi từng hồi kèn trước khi hò hét xung phong vang dội núi đồi. Chúng tôi chống cự mãnh liệt để dẹp tan âm mưu độc ác. Chiến sĩ dẫn đầu ngã gục, tôi cùng với y tá vọt lên lôi xác anh về phía sau, bỗng nghe tiếng hô lớn:
– Ông thày lui lại phía sau để tôi dẫn đầu cho!

Tôi quay lại, nhận ra Hạ sĩ nhất Thạch Son, tiểu đội trưởng. Tôi quát:
– Tôi hay anh chỉ huy?

Trận ‘thử lửa’ đầu đời binh nghiệp, trung đội tôi được viện binh giải cứu, nhưng tổn thất 1/3 vừa chết vừa bị thương, lui về hậu cứ dưỡng sức chờ bổ sung quân số. Các binh sĩ đa số còn độc thân như tôi thường tập trung tại sân trại uống bia rượu giải sầu. Trong lúc quá chén Hạ sĩ nhất Son còn có biệt danh ‘Hổ tửu’ vì uống rượu như hũ chìm và luôn đeo nanh Cọp bọc vàng trước ngực, chăm chăm nhìn tôi hỏi:
– Ông thày chịu chơi thiệt! Cuộc hành quân vừa qua tôi thấy ông cứ đứng khơi khơi sợ ông mới ra trường chết uổng quá! Ông không sợ chết à?
– Chết có số chứ! Nếu sợ chết tôi đâu có chọn Binh chủng này. Hơn nữa tôi cũng có bùa hộ mệnh.

Tôi cười để lộ cho anh xem Thánh Giá đeo trước ngực. Nghe nói anh trố mắt phấn khởi vạch ngực:
– Tôi cũng có bùa hộ mệnh!
– Bùa gì vậy?
– Đây là nanh Cọp ba cẳng vùng núi Thất sơn đã thành tinh, nhưng vẫn bị sập bẫy người Miên. Tôi mua lại của ông thày pháp đã ếm bùa chú linh lắm. Uống nhầm thuốc độc sẽ tiêu tan, đạn bắn không trúng. Tôi ở Binh chủng đã 7 năm, đụng nhiều trận dữ dội mà Việt Cộng có bắn trúng tôi đâu. Nếu ông thày không tin, tôi cởi áo đứng giữa sân để ‘chó lửa’ ông thày thử xem.

Tôi giơ tay cản lại:
– Thôi được rồi! Làm vậy mất linh!

Một năm sau, tôi được chuyển về phụ trách tờ báo Binh chủng tại Bộ Tư Lệnh cũng không xa đơn vị cũ, vừa đúng lúc Thượng sĩ nhất trung đội phó được thăng cấp chuẩn úy, thay thế tôi làm trung đội trưởng. Những năm kế tiếp, chúng tôi vẫn qua lại thân tình, rồi tôi xin đổi lên miền Cao nguyên đất đỏ mưa buồn quê vợ. Bỗng được tin anh tử trận sau trận ác chiến với Cộng quân, tôi không về được để thắp cho anh nén hương từ biệt. Tôi xót xa thương tiếc người đồng đội can đảm, ước nguyện chưa thành đã nằm xuống với lòng tin đơn thật vào Lá bùa ‘nanh cọp’ hộ mệnh sẽ gíúp anh đứng vững chiến đấu cho đến khi dẹp tan giậc Cộng, đem lại thanh bình cho Quê hương…

Nói về Hổ đã nhiều, đến đây tôi xin được nối tiếp những vần thơ Hổ nhớ rừng của Thế Lữ để kết thúc bài viết về Hổ trong năm Dần:

Nào đâu những đêm vàng bên bờ suối
Ta say mồi đứng uống ánh trăng tan,
Đâu những ngày mưa chuyển bốn phương ngàn,
Ta lặng ngắm giang san ta đổi mới,
Đâu những bình minh cây xanh nắng gội,
Tiếng chim ca giấc ngủ ta tưng bừng,
Đâu những chiều lênh láng máu sau rừng,
Ta đợi chết mảnh mặt trời gay gắt,
Để ta chiếm lấy riêng phần bí mật,
Than ôi! Thời oanh liệt nay còn đâu!

Tôi muốn mượn những dòng thơ trên để kính tặng các Vị Anh hùng QLVNCH đã một thời vì dân vì nước ngang dọc vẫy vùng, nhưng vận nước đổi thay phải sa cơ thất thế, lưu lạc quê người, ôm mối hận lòng vì mộng ước chưa thành.

Nhưng anh hùng thất thời lỡ vận sẽ có những anh hùng nối tiếp để hoàn thành sứ mạng dở dang, vì ’Hổ phụ ắt sinh Hổ tử’ sẽ trở lại rừng thiêng, dựng lại cơ đồ sự nghiệp cha anh lưu lại:

“Lớp Hậu Duệ sẽ trở về,
Quyết tâm nối tiếp lời thề cha anh,
Non Sông Nước biếc Rừng xanh.
Sẽ vang Khúc hát Thanh bình Quê ta”.

Năm Nhâm Dần, kính Chúc Qúi Vị Phúc Lộc An Khang với niềm phấn khởi sớm quang phục Quê Hương.

Đinh Văn Tiến Hùng

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*