Dường như đã khá lâu, chị không còn nhớ rõ vào khoảng thời gian nào, nhưng nói đúng hơn chị đã không còn giữ đều đặn thói quen dậy thật sớm vào sáng Mùng Một Tết Nguyên Đán để “Động Thổ”, “Động Thủy”, và cả “Động Hỏa” (là người đầu tiên trong gia đình bước xuống bếp, mở vòi hứng nước đặt lên bếp), lấy ấm tách để sẵn, chờ cho nước sôi tráng ấm tách trước khi bỏ vào đó nhúm trà Mộc Thái Nguyên, để châm một bình trà cho ông bà trên bàn thờ Gia Tiên, mà trong đầu chị nghĩ dành riêng cho Ba, sau đó là chén trà dành cho chính mình.
Chị còn nhớ những ngày còn bé ở quê nhà, tối Giao Thừa nào, Ba chị cũng thức không chỉ để đón thời khắc thiêng liêng giao thoa của Năm Cũ với Năm Mới, mà còn để chờ nghe xem năm nay con vật nào ra đời, ngày đó chị hay thắc mắc và tự nghĩ : “Sao Ba mình lại bận tâm làm gì chuyện này nhỉ, đơn giản, năm Con Heo thì con Heo ra đời, con Con khỉ thì con khỉ ra đời”, và khi chị nói điều này với ba thì ba giải thích không phải như thế, Ba nghe là nghe con vật nào cất tiếng kêu đầu tiên, ví dụ con gà gáy, con heo kêu, hay con chim, con chuột gì đó… Còn Mẹ chị thì luôn dặn “Sáng mai mọi người cứ nằm ngủ yên trên giường, không được bước xuống trước khi Mẹ xuống bếp và mở nước nghe chưa”; ngày còn bé nghe mẹ dặn thế là chị thích lắm vì được “Nướng” cho đã con mắt mà không bị ai làm phiền, hay réo gọi phải thức sớm đi học. ..
Dường như cái thói quen “Đầu Năm Khai Bút” của chị cũng đã bị gián đoạn kể từ sau cái Tết con Mèo oan nghiệt đó của Đất Nước, và cũng giống như một câu hát của Phạm Duy trong bài Tình Ca: “Khóc Cười theo Mệnh Nước Nổi Trôi”, cuộc đời không chỉ của riêng chị, mà hầu như tất cả những người Dân của Miền Nam Nước Việt Nam Cộng Hòa, sau ngày bị đồng minh phản bội, đã cùng nổi trôi theo với tiếng khóc nhiều hơn tiếng cười. Khóc vì Một Tháng hay Mười Ngày tập trung của người cha, người chồng, người yêu . .. Bởi cái thời lượng giả trá về thời gian đó đã bị kéo dài đến nhiều năm tháng đọa đày ở những nơi rừng thiêng, nước độc, ma sơn chướng khí; bị hành hạ về thể xác, cũng như bị tra tấn về tinh thần bằng những chiêu trò ngu dốt và ác độc của những kẻ ngu đần, nhưng luôn lầm tưởng và tự cho là mình giỏi giang nên đã trả thù giai cấp bằng mọi giá. Thế nên, hầu như những con người chân thật của Miền Nam đó đã trở về bằng xác thân mỏi mòn, rã rời mà vẫn phải kéo dài kiếp sống với tâm trạng của một kẻ bị lưu đầy ngay trên quê hương của chính mình; nhưng cũng có người đã không có được cái hạnh phúc trở về dẫu rằng trên chiếc băng ca, và trực thăng sơn màu tang trắng, hay tấm poncho thay cho “Da ngựa bọc thây” như lời bài thơ được phổ nhạc của Linh Phương, và như chính lòng họ cũng mong như vậy, bởi: “Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” thế nhưng, thật đau đớn khi xác thân lại bị chôn vùi đâu đó trên phần đất Bắc giá lạnh chưa quen, và ai oán thay không có được một khúc cây để ghi lên đó tên tuổi, đánh dấu mộ phần, và cho dù phần đất nơi vùi dập nắm xương tàn đó cũng được gọi tên là Việt Nam, nhưng thật ra lại quá vô cùng xa lạ…
Và có nhiều khi vết thương vì mất đi người thân thuộc vẫn còn ứa máu, đã lại phải khóc, phải cắn răng nén nỗi đau vào tận cõi lòng để đẩy những đứa con đứt ruột đẻ ra của mình đi xa vòng tay yêu thương trên những chiếc thuyền mong manh so với trùng trùng sóng nước của biển khơi, để sau đó thêm nhiều lần khóc con trong tù, nhất là những giọt nước mắt mặn đắng trên môi trên má khi nghe tin chiếc tầu có đứa con yêu thương của mình đã bị lũ hải tặc không còn tính người vùi dập khiến giữa biển khơi tan nát băng trinh, và đứa con yêu đã điên cuồng hoảng loạn, phải hủy hoại thân mình giữa biển cả mênh mông… Và cả trăm ngàn cảnh đời, trăm ngàn lý do để khiến mình phải khóc nhưng phải cố nén để nuốt ngược giòng lệ vào trong
Cái thói quen “Đầu Năm Khai Bút” của chị dường như mãi đến đầu Thiên Niên Kỷ Thứ Ba (Thế Kỷ 21) mới được chị lập lại, nhưng khác với Mẹ mình, chị không dặn con cháu như Mẹ đã dặn chị ngày xưa, nhưng chị luôn thức dậy sớm nhất nhà để được hưởng cái không gian tĩnh lặng của một ngày mới nhất trong Năm Âm Lịch, và chị luôn cảm thấy dường như chỉ có khoảng thời gian này mới chính là của riêng chị, bởi đó là lúc chị không phải bận tâm lo toan cho những công việc theo thói quen, đôi khi đến nhàm chán, không phải nghe tiếng “càm ràm” của đàn con lũ cháu chí chóe với nhau vào mỗi buổi sáng trước khi đến trường… Và nhất là được hít thở cái không khí mát rượi vào buổi sáng, khi những giọt sương sớm còn đọng lại trên những đóa hoa mai tứ quý trước sân nhà, sau đó ngồi vào bàn viết đã được để sẵn một tập giấy, cây viết máy với mực pha màu tím, đã được chuẩn bị sẵn từ tối hôm trước (chị vẫn thích viết bằng cây bút hiệu Pilot như thời xưa còn cắp sách) để viết cái gì đó, có khi không cần phải viết điều gì mới mẻ (Sáng tác thơ văn chẳng hạn…), nhưng đơn giản bằng cách chép lại một vài câu thơ trong bài nào thơ nào đó mà mình yêu thích… Bởi dường như ai cũng sợ đầu năm mà mình làm không xong việc gì đó thì cả năm sẽ không hoàn thành được điều mình mong muốn (Vì bị “Dông” hay “Giông” cả năm, chị cũng không hiểu lắm cái chuyện này…), nên luôn chuẩn bị cho mình cái gì đó để viết, hay đơn giản chỉ để viết lại cho đầy đủ những gì đã có sẵn
Có lẽ chính vì vậy mà Tết con Mèo năm đó (chị vẫn còn đang là sinh viên), chị cũng khai bút đầu năm, sau khi đã cùng gia đình tham dự Thánh Lễ Minh Niên ở ngôi Nhà Thờ nhỏ bé trong khu cư xá nơi gia đình chị cư ngụ, và dĩ nhiên sau khi Chúc tết ba mẹ, nhận phong bao lì xì… Thông thường chị chuẩn bị cho mình một bài học nào đó để soạn dàn bài, trong trường hợp không biết phải viết gì để khai bút đầu năm, không hiểu sao năm đó vì quá bận rộn giúp mẹ trong việc biếu Tết họ hàng, bạn hữu và làm các món ăn cho ngày Tết mà chị quên không soạn sẵn bài vở để khai bút, trong đầu lại chẳng có một chút ý tưởng nào, bỗng dưng trong vô thức, những câu thơ trong: ”Chinh Phụ Ngâm” chị được học trong chương trình Việt Văn Lớp Đệ Tam, trào ra từ ngọn bút:
Chàng tuổi trẻ vốn giòng hào kiệt
Xếp bút nghiên theo việc đao cung
Thành liền mong tiến bệ rồng
Thước gươm đã quyết chẳng dung giặc trời
Chí làm trai dặm nghìn da ngựa
Gieo Thái Sơn như tựa hồng mao
Giã nhà đeo bức chiến bào
Thét roi cầu Vị, ào ào gió thu
Ngòi đầu cầu nước trong như lọc
Ðường bên cầu cỏ mọc còn non
Ðưa chàng lòng giằng dặc buồn
Bộ khôn bằng ngựa, thủy khôn bằng thuyền
Nước trong chảy lòng phiền chẳng rửa
Cỏ xanh thơm dạ nhớ khó quên
Nhủ rồi tay lại trao liền
Bước đi một bước lại vin áo chàng
Lòng thiếp tựa bóng trăng theo dõi
Dạ chàng xa ngoài cõi Thiên San
Múa gươm rượu tiễn chưa tàn
Chỉ ngang ngọn giáo vào ngàn hang beo
Săn Lâu Lan, rằng theo Giới Tử
Tới Man Khê, bàn sự Phục Ba
Áo chàng đỏ tựa ráng pha
Ngựa chàng sắc trắng như là tuyết in
Tiếng nhạc ngựa lần chen tiếng trống
Giáp mặt rồi phút bỗng chia tay
Hà Lương chia rẽ đường này
Bên đường, trông bóng cờ bay ngùi ngùi
Quân trước đã gần ngoài doanh liễu
Kỵ sau còn khuất nẻo Tràng Dương
Quân đưa chàng ruổi lên đường
Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng?
Tiếng địch trổi nghe chừng đồng vọng
Hàng cờ bay trong bóng phất phơ
Dấu chàng theo lớp mây đưa
Thiếp nhìn rặng núi ngẩn ngơ nỗi nhà
Chàng thì đi cõi xa mưa gió
…………………………………………….
Ngày tháng cũ đó, khi viết những câu thơ này của Chinh Phụ Ngâm khúc, dù chị không phải là người hay tin dị đoan, nhưng dường như chị vẫn cảm thấy có điều gì đó rất bất an trong những câu mình đã viết ra, dù đó chỉ là tác phẩm văn học của Đặng Trần Côn viết, và bà Đoàn thị Điểm đã dịch ra, chứ không phải của mình, nhưng trong thời điểm chiến tranh của quê hương Việt Nam lúc bấy giờ; và nếu quan tâm chút xíu đến thời cuộc thì ai cũng có thể dễ dàng nhìn thấy thật rõ ràng, đó hoàn toàn là một cuộc chiến không hề cân sức giữa hai miền Nam Bắc. Bởi một bên có vẻ như đã bị Đồng Minh đem con bỏ chợ, còn phía bên kia được cả hai nước đàn anh cộng sản hà hơi tiếp sức thì quả thật những lo lắng của chị, và của những người dân Miền Nam, nhất là những người là vợ con của Người Lính Việt Nam Cộng Hòa, không phải không có lý do. Và dĩ nhiên chị cũng không thể nằm ngoài quỹ đạo đó. Thế nên chị đã lo cho anh đến thắt ruột, bào gan như người ta thường ví von, nhưng khổ sở nhất đối với chị là sự lo lắng đó chỉ “Một mình mình biết, một mình mình hay” chứ không thể chia sẻ cho ai, với ai và dĩ nhiên chị cũng không thể nói cho anh biết về nỗi lo lắng của mình. Bởi có lẽ trong mắt anh ngày ấy, chị chỉ là một cô bé mới lớn, khá ngây thơ, và thuộc dạng “Ăn chưa no, lo chưa tới” thì phải. Thế nên chị đã phải cố gắng giữ kín sự lo lắng cho riêng mình, và nỗi đau ấy vẫn tiếp tục dày vò đeo đẳng chị trong nhiều năm tháng kể từ ngày mất nước, và mất luôn cả anh trong đời này, và nó luôn là một vết thương không lành miệng trong chị… “Chinh Phụ Ngâm Khúc” quả thật là một áng văn thơ hay nhưng bàng bạc nỗi buồn vì chia cách trong chiến tranh. Và chiến tranh đã luôn như vậy tự ngàn xưa cho đến hiện nay, từ những cuộc chiến đấu bằng vũ khí thô sơ như kiếm cung, gậy gộc, cho đến những loại vũ khí tối tân hiện đại nhất, tất cả đều mang đến chết chóc, tang thương và chia lìa, những câu thơ của Chinh Phụ Ngâm như: “Dấu chàng theo lớp mây đưa” hay “Chàng thì đi cõi xa mưa gió”, tất cả đối với chị giống như một lời tiên tri cho sự cách xa, cho một sự mỏi mòn vì chờ đợi; và hẳn là một viễn cảnh chờ đợi không mấy gì sáng sủa ở tương lai “Chàng Siêu tóc đã điểm sương mới về”…
Và rồi Anh cũng đã lặng lẽ rời xa chị, ngay sau lần cuối cùng hai người gặp nhau nơi bãi biển đông đúc lính tráng, và những người dân di tản từ miền trung và cao nguyên tập trung về, và chị đã đợi chờ anh trong vô vọng hơn suốt nửa đời người
Anh, một người chị quen biết vào những năm tháng vừa bước vào ngưỡng cửa đại học, và không biết có phải đó là sự sắp xếp của số phận hay không mà chị và anh đã yêu nhau tự lúc nào chị cũng không biết và không còn nhớ rõ, và cho đến tận bây giờ, sau nhiều năm tháng đi qua, chị vẫn luôn tự thắc mắc không biết chị quen anh từ đâu và từ bao giờ, chị chỉ biết chắc chắn là hai người đã quen biết nhau không qua sự giới thiệu của bạn bè của cả hai người, bởi cho đến tận giờ phút này chị cũng chưa biết người bạn nào của anh, ngoại trừ vài người thuộc cấp cùng đơn vị cũ, mà chị chỉ được biết từ sau khi quen anh. Còn bạn chị lại càng không phải, vì sau mùa hè cuối cùng của bậc trung học, mỗi đứa đã đi về một phương trời riêng của mình, đứa thì lên xe hoa, đứa ở lại học Sư Phạm, đứa lên Đà Lạt, và cả ngược ra Huế, riêng chị đã vào Sài Gòn từ năm học lớp đệ nhất, và một số bạn cũng vào Sài Gòn, nhưng lại không học cùng trường, và những người bạn này cũng không thân thiết, và không cùng chơi chung nhóm thế nên anh không thể nào là bạn của nhóm này…
Và trong suốt những năm tháng đọa đầy của riêng mình nơi quê nhà, dường như không lúc nào là chị không nhớ đến anh, thậm chí khi thảo luận chuyên đề về Tình Yêu với giới trẻ trong những lớp học, chị luôn luôn bảo vệ ý kiến riêng của mình: “trên đời này không có gì vĩnh cửu được với thời gian, ngoại trừ tình yêu”, và dường như chị lúc nào cũng bị mọi người phản bác lại, bởi họ luôn cho rằng Tình Yêu chính là thứ dễ dàng thay đổi nhất… Bởi tình yêu phát xuất tự con tim, và dường như trái tim của con người là thứ dễ bị thương tổn và dễ bị đánh gục hơn bất cứ thứ gì, khi bị đánh gục dĩ nhiên sẽ thất vọng và thay đổi… Và lúc nào họ cũng dễ dàng đưa ra rất nhiều ví dụ điển hình để chứng minh cho luận điểm của họ. Riêng chị, chị không bao giờ đưa ra ví dụ nào để chứng minh, hay phản bác, vì chẳng lẽ lại đưa chính bản thân mình ra làm ví dụ, nhưng chị luôn khăng khăng giữ vững quan điểm của mình, và cho rằng, tình yêu là vĩnh cửu, bởi trong thâm tâm của riêng mình, chị luôn thương nhớ và yêu anh, hay yêu “cái tình yêu của riêng mình” chị cũng không biết nữa, cho dù thật lòng mà nói đã có nhiều lúc chị cũng cảm thấy có chút gì đó cay đắng trong lòng nên thầm oán giận anh, thấy mình bị thương tổn, bởi cảm giác bị bỏ rơi và bị lừa dối thì phải, nhưng dường như trái tim chị luôn mù quáng nên chị luôn tìm mọi cách để bào chữa cho sự biến mất tăm tích của anh trong cuộc đời mình.
Thật lòng mà nói, đúng vào cái ngày cuối tháng Tư Định Mệnh Đen Tối phủ chụp lên Đất Nước, chị vẫn nhớ như in thời khắc của ngày hôm đó, (lúc tên hèn tướng Big Minh kêu gọi buông súng) màu nắng Hạ vẫn chói chang, và không khí như vẫn đang nóng ran vì tiếng súng vẫn còn vang đâu đó, nhưng sao chị bỗng nghe lạnh buốt tận xương tủy, và sự tối tăm như phủ chụp không chỉ trong tâm hồn chị, mà còn của cả phần đất Miền Nam Việt Nam thân yêu, và giống như một màn ảo thuật trên sân khấu, cuộc sống bỗng chốc quay ngoắt một trăm tám chục độ, giống như người đang ở trong ánh sáng chói chang bước vào màn đêm đen kịt khiến mắt ta gần như mù lòa, và dường như cuộc đời quá nghiệt ngã đối với một cô tiểu thư chưa hề nếm trải sự khổ cực trong cuộc mưu sinh như chị… Sự sụp đổ của một chế độ, cùng với niềm tin bị đánh cắp, và sự đổi thay đến chóng mặt của xã hội, đã bắt cô tiểu thư khuê các ngày nào trong chị phải miễn cưỡng bước xuống cuộc đời, bước xuống trong sự bỡ ngỡ và bằng nỗi khốn khó tận cùng đến không ai có thể ngờ…
Điều này đã khiến đôi lúc chị quên mất anh, quên mất quãng thời gian được xem như đẹp nhất của đời mình, và cũng có lúc chị đã tự bắt mình quên hẳn anh cho xong, cứ coi như phần đời trước đó chỉ là một giấc mơ đẹp và lãng mạn thoảng qua. Giống như một giấc Nam Kha “Giật mình dậy nồi kê chửa chín” (Như chị đã từng được học trong chương trình Việt Văn thời Trung Học). Và nhất là khi tình cờ chị gặp được một người cùng binh chủng Mũ Xanh với anh, sau khi đi tù tập trung cải tạo về cho biết một chút tin tức không nhiều lắm về anh, nhưng chỉ bấy nhiêu cũng đủ làm chị thấy lòng mình đắng cay và buồn tủi, cho dù lúc đó chị cũng không mong muốn anh đi tìm mình, và càng không muốn gặp được anh, vì chị không muốn anh nhìn thấy sự đổi thay tàn tạ của con người chị, và thật ra chị cũng sợ nếu gặp lại anh, chút tàn trò ấp ủ trong lòng cho riêng mình lại bùng lên thì quả là khó xử cho cả hai trong hoàn cảnh éo le và khó khăn lúc đó (vì qua người lính Mũ Xanh tình cờ gặp, chị đã biết được cái điều mà anh giấu kín không cho chị biết, ngay cả trong lần cuối cùng gặp nhau ở VT, chỉ có riêng hai người, anh vẫn làm cho chị nghĩ rằng mình là người duy nhất trong lòng anh, giống như chị đã xem anh là người duy nhất chị yêu thương, lo lắng, và vì quá ngây thơ cũng như quá tin tưởng vào tình yêu của anh nên chị không chút nghi ngờ và gạn hỏi anh điều gì, thậm chí về gia đình, ba mẹ anh em của anh (Ngày ấy chị chỉ biết một điều duy nhất “Yêu anh mà thôi”) Nhưng rồi nhiều lúc chị cũng lại thấy oán giận và trách sao anh đã không đi tìm mình…
Quả thật, trái tim yêu của con người dường như luôn mâu thuẫn với nhau thì phải, và sự mâu thuẫn đó luôn giằng xé trong lòng chị, nhất là vào những đêm khó ngủ vì những cơn đau nhức hành hạ, và khi biết anh đã rời xa Quê Hương, theo chương trình nhân đạo H.O. mà có lẽ lương tâm của người bạn đồng minh Hoa Kỳ ngày xưa đã bị cắn rứt, và chợt thức giấc. Nhất là nhờ những người VN đã may mắn thoát khỏi vào những ngày cuối tháng Tư năm ấy, nhưng vẫn còn người thân kẹt lại, hay vì “Tình Nghĩa Đồng Bào” nên đã cố gắng đánh động lương tâm người Mỹ, như bà Khúc Minh Thơ và một số nhân sĩ VN mà chị không biết, và cũng nhờ sự sáng suốt của TT Donald Reagan nên dường như họ đã nhận ra những sai lầm, vì đã đánh đổi người bạn đồng minh nhỏ bé, lấy cái thằng tầu phù với dân số cả Tỷ người kia, vì nhiều lý do chính trị hay kinh tế ẩn giấu nào đó, cũng không trách được vì con người thường nghĩ đến những mối lợi cho xứ sở của họ, và dĩ nhiên mối lợi cho chính bản thân họ, trước khi nghĩ đến vấn đề nhân đạo, hay công bình bác ái, như người ta thường lớn giọng kêu gào…
Và chị cũng biết chắc chắn với tính cách của anh thì anh sẽ không bao giờ trở lại Xứ Sở này, cho dẫu đó chính là nơi “Chôn Nhau Cắt Rốn” nếu ngày nào đó vẫn còn bóng dáng những kẻ đã đọa đày anh trong lao tù, thế nên hy vọng được gặp lại anh trong đời, dẫu chỉ là tình cờ cũng đã trở nên vô vọng và hoàn toàn biến mất trong lòng mình đi nữa, chị vẫn không thể bắt trái tim mình thôi thổn thức mỗi khi chợt nhớ về anh, nhớ về những tháng ngày yêu thương được chị xem là quá ngắn ngủi so với hơn bốn mươi lăm năm chờ đợi trong khắc khoải, và không có chút hy vọng, của một mối tình thơ dại trong thời chiến… Và dường như so với niềm đau và sự chịu đựng gian khó của những người phụ nữ khác như Mẹ chị và những người được gọi tên là “Vợ Lính” đã phải kinh qua trong cuộc chiến của một Đất Nước nhỏ bé như quê hương chị, thì dường như chẳng ai thèm quan tâm đến những người con gái mới chỉ được gọi tên: ”Người Yêu Của Lính”, chứ chưa được chính thức công nhận bằng một tờ đơn xin cưới như chị… Nhưng Tình Yêu thì đâu thể đem ra cân đo đong đếm, hay so sánh thiệt hơn với người khác, phải thế không?!
Tuy nhiên, có một điều chị vẫn thấy lạ lùng và khác thường vì dường như trên nguyên tắc, Quê Hương Việt Nam Thân Yêu của chị đã không còn chiến tranh từ hơn bốn mươi năm qua, bởi tiếng súng đã im, hai miền Đất Nước đã không còn vĩ tuyến cách ngăn, nhưng riêng mình, và chắc có rất nhiều người dân Miền Nam cũng cùng ý nghĩ giống chị… Dường như vẫn có một cái Barrier ngăn cách giữa con người của hai miền Nam Bắc, cho dù họ vẫn cùng nói chung một ngôn ngữ, và trong lòng vẫn thấy chẳng chút bình yên, bởi những bất công, những tệ nạn ngày càng lan tràn trên quê hương, những giá trị Đạo Đức không chỉ bị xói mòn, mà có những thứ đột nhiên biến mất hẳn trong cuộc sống thường nhật, có một số điều rất bình thường, bỗng chốc trở nên một loại “Xa Xí Phẩm Của Đạo Đức”, và tệ hại hơn nữa, dường như Người Dân Việt Nam sau nhiều thập niên bị cai trị bởi chính sách “Bao Tử Trị” nên dường như đã trở thành thinh lặng như bầy cừu ngay khi bị đem ra xén lông thì phải. Riêng mình, dường như chị thấy mình cũng đang rơi vào tình trạng “Sống Hèn” vì không dám phản kháng, sống cam chịu và an phận, vì còn con cháu cần đến sự bảo bọc của mình… Và chị đã tự tạo cho mình một thế giới ảo riêng tư, đêm đêm chị vẫn tưởng nhớ đến anh, và vẫn nghĩ anh không đi đâu xa, anh vẫn còn đang chiến đấu ở đâu đó trên quê hương này, đôi lúc chị cũng tự thắc mắc như trong Chinh Phụ Ngâm:
Chàng từ đi vào nơi gió cát
Ðêm trăng này nghỉ mát phương nao?
Xưa nay chiến địa dường bao
Nội không muôn dặm xiết bao dãi dầu
Hơi gió lạnh, người rầu mặt dạn
Dòng nước sâu, ngựa nản chân bon
Ôm yên, gối trống đã chồn
Nằm vùng cát trắng, ngủ cồn rêu xanh
Và nhiều lúc chị cũng chợt nhớ ra rằng anh đã không còn hít thở chung bầu không khí với mình ở quê hương này, anh đã đi xa tận bên kia đại dương, và vì chị cũng biết tin những người ra đi, cũng chẳng phải dễ dàng gì trong cuộc mưu sinh. Anh đang ở nơi nào đó chị không rõ, nhưng chị biết là anh vẫn phải lao vào một cuộc chiến cơm áo gạo tiền mới, ở một nơi không phải là quê hương để lo cho gia đình vợ con, chị lại thấy tủi thân, nhưng cũng vẫn thấy thương nhớ anh, nên lại như người cô phụ đợi chờ người chinh phu không có ngày về:
Chàng từ sang Ðông Nam khơi nẻo
Biết nay chàng tiến thảo nơi đâu?
Những người chinh chiến bấy lâu
Như xem tính mệnh như màu cỏ cây
Nức hơi mạnh, ơn dày từ trước
Trải chốn nghèo, tuổi được bao nhiêu?
Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò
Hồn tử sĩ gió ù ù thổi
Mặt chinh phu trăng dõi dõi soi
Chinh phu tử sĩ mấy người
Nào ai mạc mặt, nào ai gọi hồn?
Dấu binh lửa, nước non như cũ
Kẻ hành nhân qua đó chạnh thương
Phận trai già cõi chiến trường
Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về
“Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về”. Còn anh chắc giờ tóc cũng trắng mái đầu, nhưng ngày về chắc chẳng bao giờ có được, và thế thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ chị gặp được anh. Nghĩ đến đây, và dù chỉ nghĩ thôi đôi mắt chị dường như lúc nào cũng nhạt nhòa, và hai giòng lệ nóng không thể nào ngừng tuôn. Bất giác chị nghe như trong tim mình đang lên tiếng
“Buồn quá đi thôi KBC 3331 ơi! em nhớ anh, và có lẽ sẽ chẳng bao giờ thôi nhớ anh”
Phạm Thiên Thu
Be the first to comment