Các Loại Thuốc Trị Đau Khớp

Tylenol, Panadol, Mapap, Acephen, Aceta, Maranox, Silapap… có thể giúp giảm các cơn đau nhẹ và vừa. (Hình: Erik Mclean/Unsplash)

Trong bệnh mòn khớp, bên cạnh các phương pháp không dùng thuốc thì thuốc men thường là một thành phần quan trọng của kế hoạch điều trị. Có nhiều loại thuốc khác nhau.

Thuốc giảm đau

Thuốc giảm đau chỉ giảm đau, nhưng không có tác dụng trên việc giảm viêm (sưng, nóng, đỏ) của khớp. Thuốc thường được dùng khi ta chưa có triệu chứng viêm, khi các phương pháp không dùng thuốc chưa đủ tác dụng, và thường nên kết hợp với các phương pháp không dùng thuốc. Các thuốc trong nhóm này gồm có acetaminophen và các thuốc có chất á phiện (opioid).

Acetaminophen (Tylenol, Panadol, Mapap, Acephen, Aceta, Maranox, Silapap…) có thể giúp giảm các cơn đau nhẹ và vừa.

Trái với sự hiểu lầm của một số người, thuốc này không ảnh hưởng đến bao tử. Thuốc có thể ảnh hưởng đến gan, nhưng nếu dùng đúng liều, tức là dưới 4 gram một ngày, không dùng với rượu bia (alcohol), và không dùng quá lâu (liên tục, quanh năm suốt tháng), hiếm khi thuốc gây hại đến gan. Cách dùng cho có hiệu quả là khi đau nên dùng đều đặn (cách nhau 4 đến 6 tiếng đồng hồ – hay ba, bốn lần một ngày), liên tục vài ngày, khi nào thấy bớt đau hẳn vài ngày hãy ngưng.

Có nhiều người vì nghe đồn, quá sợ tác dụng phụ của thuốc nên khi đau lắm mới uống mỗi ngày một hai viên. Thuốc chỉ có tác dụng 4-6 tiếng nên nếu uống như vậy sẽ không “nhằm nhò” gì hết. Nếu biết uống cho đúng, khi mới bắt đầu đau, thuốc này cũng rất “lợi hại.”

Cần nhớ là không uống rượu khi dùng Tylenol, và nếu bị bệnh gan thì nên tham khảo bác sĩ để uống cho đúng liều.

Nếu đau nhiều, và không đáp ứng đủ với các thuốc nhẹ (đã dùng đúng cách), bác sĩ có thể phải cho ta dùng trong một thời gian ngắn các thuốc có chất á phiện như codein (nếu kết hợp với Tylenol, nó sẽ là Tylenol số 2, 3, 4), hydrocodone (nếu kết hợp với Tylenol, nó sẽ là Vicodin)…

Cần nhấn mạnh là chỉ nên dùng các thuốc có chất á phiện này trong một thời gian ngắn. Vì nó có thể gây nghiện và có nhiều tác dụng phụ như có thể là ngầy ngật, sật sừ, bón, bí tiểu, vân vân. Tuy nhiên, khi quá đau, nếu bác sĩ thấy cần và kê toa, ta có thể dùng trong một thời gian ngắn.

Không nên vì quá sợ tác dụng phụ mà chịu đau một cách không thật cần thiết. Dĩ nhiên, khi dùng thuốc, nếu thấy có những triệu chứng bất thường quá khó chịu (ví dụ như bí tiểu), nên gọi bác sĩ càng sớm càng tốt, hoặc nếu cần thì nên vào bệnh viện kịp thời. Nếu dùng đúng liều và trong thời gian thích hợp, thường thuốc cũng ít khi gây ra các tác dụng phụ trầm trọng.

Các thuốc có chất á phiện thường sẽ có hiệu quả cao nhất khi kết hợp với các thuốc chống viêm không phải là steroid (NSAIDs – NonSteroidal Anti-Inflammatory Drugs). (Steroid là một nhóm thuốc chống viêm mạnh chỉ được dùng một cách hệ thống [tức là uống hoặc chích] trong các trường hợp viêm trầm trọng, vì nó có thể gây ra nhiều tác dụng phụ nguy hiểm như loãng xương, tiểu đường, tăng huyết áp, sưng phù cơ thể, rối loạn tâm thần…).

Có rất nhiều thuốc NSAIDs được bán không cần toa bác sĩ, như Motrin, Aleve, Advil, Haltran, Menadol, Midol, Nuprin… có thể mua thuốc uống thử vài bữa nếu không có bệnh gì khác và chỉ đau sốt sơ sài ít bữa. (Hình: Karen Bleier/AFP via Getty Images)

Các thuốc chống viêm không phải là steroid (NSAIDs)

Cần nhắc lại rằng bệnh viêm xương khớp có thể xảy ra ở một trong hai dạng là có viêm (đủ cả sưng, nóng, đỏ, đau) hoặc không có viêm (chỉ đau nhưng không thấy sưng, nóng, đỏ). Thuốc chống viêm thường được dùng trong trường hợp đau nhiều không giảm đúng mức với thuốc giảm đau hoặc trong trường hợp có các triệu chứng sưng, nóng, đỏ (gọi là viêm-inflammation) bên cạnh triệu chứng đau.

Có rất nhiều thuốc NSAIDs được bán không cần toa bác sĩ, như Motrin, Aleve, Advil, Haltran, Menadol, Midol, Nuprin… Nếu không có bệnh gì khác và chỉ đau sốt sơ sài ít bữa, ta có thể mua thuốc uống thử vài bữa. Nếu bệnh kéo dài, đang dùng các thuốc khác, hoặc có các yếu tố nguy cơ dẫn tới biến chứng khi dùng NSAIDs, ta nên tham khảo với bác sĩ trước khi dùng. Các yếu tố nguy cơ này có thể là:

– Tuổi tác: Người trên 65 tuổi sẽ dễ bị loét bao tử hơn khi dùng NSAIDs.

– Bị bệnh loét bao tử hay viêm loét ruột: Sẽ có thể bị loét nặng hơn hoặc bị biến chứng (chảy máu, lủng bao tử hay ruột) khi dùng NSAIDs.

– Đã từng bị chảy máu thực quản, ruột hay bao tử.

– Những người đang dùng các thuốc chống đông máu (anticoagulant – như là warfarin [coumadin], heparin) cũng không nên dùng NSAIDs hay aspirin, vì nó sẽ làm nguy cơ bị chảy máu trong cơ thể tăng lên.

– Bị phù nề, giữ nước trong cơ thể. Những người bị suy tim, bị bệnh gan, thận thường có thể bị giữ nước trong cơ thể gây ra phù, báng bụng, có nước trong màng phổi, và thường được cho dùng các thuốc lợi tiểu. Nếu dùng thêm các thuốc NSAIDs, ngay cả các loại mới như Celebrex, sẽ có nhiều nguy cơ bị tổn thương thận nặng hơn.

– Bị bệnh thận: Ngay cả dù chưa bị giữ nước, những người bị bệnh thận cũng sẽ dễ bị tổn thương thận nặng hơn nếu dùng NSAIDs không đúng.

– Cao huyết áp: NSAIDs có thể làm huyết áp hơi cao lên chút ít. Do đó, cần có bác sĩ theo dõi để tăng liều thuốc huyết áp lên nếu cần thiết.

– Bị dị ứng với thuốc Aspirin: Nếu đã bị dị ứng như là nổi mề đay, ngứa, sưng môi… khi dùng Aspirin, tốt nhất ta nên tránh dùng các thuốc NSAIDs (như đã kể trên).

Bác Sĩ Nguyễn Trần Hoàng
Theo Người Việt online ngày 27/1/2022

(714) 531-7930, drnguyentranhoang@gmail.com

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*