(Cầu – Qua – Dịch – Corona)
Chắc hẳn thỉnh thoảng bạn cũng đã “ca lẻ” trong phòng tắm (chứ không phải là “ca sỉ” trong phòng trà) với bài hát “Hai năm tình lận đận”. Bài nhạc này Phạm Duy đã phổ từ thơ của thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên, trong đó có những câu rất gợi cảm:
Hai năm tình lận đận
hai đứa cùng xanh xao
Hai năm tình lận đận
hai đứa cùng hư hao
Em bây giờ có lẽ
toan tính chuyện lọc lừa
anh bây giờ có lẽ
xin làm người tình thua
chuông nhà thờ đổ mệt
tượng Chúa gầy hơn xưa
hai năm tình lận đận
mình đã già hơn xưa!…
Vâng, những câu thơ này được viết từ năm 1970 tức là hơn 50 năm rồi, mà lại vẫn đúng với tâm trạng của tôi bây giờ trong mùa đại dịch Covid. Sau 2 năm dài với bao chuyện lọc lừa, lận đận, nhà thờ chùa chiền bị đóng cửa, mất mát người thân, ai cũng đã già hơn xưa rất nhiều dù chỉ mới 2 năm.
Tình lận đận mà tôi muốn nói ở đây không phải là tình yêu nam nữ, mà là tình người, tình quê hương, tình cảm xã hội, mà sao cũng đã phải gặp đủ thứ khó khăn lận đận.
Cuối năm mạt Chạp, tôi xin viết lại đôi chút kinh nghiệm trong khoảng thời gian “dịch vật” này, mong rằng bạn sẽ đồng cảm trong một vài chi tiết, cũng như hy vọng mình có thể bớt tiêu cực hơn dù có khi phải cười ra nước mắt.
Đúng thế, từ cuối năm 2019 khi cơn đại dịch xuất phát từ Vũ Hán lan tỏa, thì cả thế giới điêu đứng, lận đận trong suốt hai năm dài mà còn chưa biết khi nào chấm dứt. Sau nhiều lần “lockdown” đóng cửa, người dân đã quá khổ sở, mỏi mệt nên tôi xin gọi đó là cơn lốc đau. Cơn lốc khủng khiếp này đã thổi mạnh làm đau đớn cả địa cầu. Tính tới giữa tháng 1 năm 2022, số người lây nhiễm vi trùng Covid trên thế giới đã lên tới 305 triệu người, số người chết vào khoảng 5 triệu rưởi, cũng may số người đã chích ngừa lên tới gần 5 tỷ, khoảng 60% dân số khắp nơi.
Khởi đầu chuyện 2 năm dài lận đận thì phải nhắc lại việc bắt đầu phải đeo khẩu trang. Lúc đầu năm 2019, nhiều tranh cãi, thậm chí đánh nhau, bắn nhau đã xảy ra cũng vì việc ép buộc phải đeo cái mặt nạ này, chưa kể tới việc khan hiếm khẩu trang trong thời gian đó. Để làm gương, người ta cho các bức tượng thật to, thật nổi tiếng trên thế giới cũng đeo khẩu trang. Mới đây vào Noel 2021, một nhà thờ ở Việt Nam cũng cho ba ông vua Phương Đông và Chúa Hài Đồng tức là baby Jesus đeo mặt nạ, cũng gây nhiều tranh cãi.
Thú thật thời gian đầu khi thấy các tu sĩ Công Giáo, Phật Giáo đeo khẩu trang khi mặc lễ phục, tôi thấy rất lạ, rất khó chấp nhận nhưng riết rồi cũng quen. Bây giờ khi ra đường mà không có miếng vải che mặt này, lại thấy trống trải chi đâu. Nhưng tính ra che mặt cũng có cái lợi, vì không ai biết mình xấu hay đẹp, khỏi phải tốn giờ tốn tiền mua mỹ phẩm trang điểm, giảm bớt hít thở phải bụi bậm ô nhiễm. Chỉ có cái hơi lẫn lộn, nhìn người nọ xọ ra người kia. Nghe nói có ông chồng vô ý đã chở bà khác về nhà thay vì vợ mình, không biết có thật không!?
Thời Covid mới bắt đầu lây lan, người ta còn dành nhau mua các nhu yếu phẩm, đặc biệt giấy dùng khi đi cầu là món hàng khan hiếm đã xuất hiện nhiều trên các trang mạng xã hội, báo chí lúc đó. Các đôi bông tai, nữ trang hình cuộn giấy vệ sinh cũng được chế tạo đánh dấu một sự kiện chưa từng có trước nay. Điều này đã làm mình suy nghĩ lại. Nhiều vật dụng, tiện nghi mình có và dùng hằng ngày nhưng vì bận rộn đã không thấy tầm quan trọng cho tới khi nó trở thành khan hiếm. Một thí dụ khác là hơi thở. Hằng phút hằng giây mình đã thở và sống, cho tới khi mình hay người thân nhiễm Covid, hấp hối khó thở thì mới thấy khi được thở bình thường là quý giá cỡ nào. Lúc bị cấm cửa trong nhà, nhất là trong thời gian hoàn toàn không thể ra đường như ở bên Tàu, bên Việt Nam, lúc đó mới thấy quý hơn những giờ khắc được sum họp, đi thăm nhau, cùng nhau ăn uống, xem văn nghệ, sinh hoạt thể thao, cộng đồng… Tin tức cũng đã loan truyền việc bên Tàu trừng phạt người dân vi phạm luật dám ra đường đi chợ, bằng cách bắt họ đeo tấm hình của mình to tướng trước ngực, đi vòng quanh thành phố để bêu xấu. Tục “gọt đầu bôi vôi” ngày xưa mà nay vẫn còn bị áp dụng tại xứ Tàu, nghe thấy mà rầu.
Tiếp theo phải nhắc tới chuyện chích ngừa. Mới đầu người ta ước ao mau có thuốc chủng để bớt chết vì dịch, nhưng khi có thuốc rồi thì một số suy nghĩ trái chiều đã xảy ra. Nhiều nước nếu không có giấy chứng nhận chích ngừa sẽ không được đi du lịch, thậm chí không được đi ra chợ, đi tới nơi công cộng. Nhưng ngược lại nhiều người lại không tin vào thuốc, sợ vaccine có các phản ứng phụ, thí dụ bị ảnh hưởng không thể sanh con, nên đã biểu tình chống vaccine, thậm chí bỏ xứ, bỏ việc đi Mexico hay các nước không bắt buộc phải chủng ngừa để sinh sống. Chính phủ các nơi phải “dụ” người dân đi chích bằng các giải thưởng, nào là trúng xổ số nhiều tiền, nào là trúng súng săn, được uống bia miễn phí hay các món quà nhỏ. Vui nhất là được xem vũ sexy miễn phí ở Las Vegas nếu tới đó tiêm chủng. Nghe nói nhiều ông đã hăng hái tham gia chương trình này, thật là bất công vì không có vũ nam sexy cho các bà!
Tại tiểu bang West Virginia, Hoa Kỳ, người ta làm bảng quảng cáo rằng không chích ngừa cũng được trúng số luôn, nhưng lô trúng là cái chết, tức là trúng được tiếng gọi của Tử Thần. Quả là chuyện dài chích ngừa, đi đâu cũng nghe người ta hỏi nhau, chích chưa, chích thuốc gì, có bị hành không. Để khuyến khích người dân chích ngừa, một nhiếp ảnh gia đã chụp được hình đàn cừu sắp hàng thành hình cái ống chích và kim chích, nhìn cũng rất đặc biệt, muốn “train” đàn cừu này đứng sắp thành hàng như thế không dễ đâu.
Quan trọng hơn cả là nền kinh tế đã bị ảnh hưởng nặng nề. Có thực mới vực được đạo, dù chánh phủ các nước đã cố gắng hỗ trợ, giúp tiền để người dân sống tạm qua ngày, nhưng số nhà hàng, cơ sở thương mại phải đóng cửa tạm hoặc đóng cửa luôn lên rất cao, làm biết bao người bị khốn đốn.
Thương hiệu Victoria’s Secret tuyên bố phá sản, Zara đóng cửa 1200 cửa hàng, La Chapelle rút xuống chỉ còn hơn 4000 cửa hàng, Chanel, Hermes, Patek Philippe, Rolex ngừng sản xuất. Nike và rất nhiều công ty phải sa thải nhân viên liên tục. Người sáng lập dịch vụ thuê nhà AirBnb nói rằng vì đại dịch, 12 năm nỗ lực của họ đã bị phá hủy trong 6 tuần. Ngay cả hệ thống Cà-phê Starbucks cũng đóng cửa vĩnh viễn hơn 400 cửa hàng. Biết bao người có cửa tiệm khóc dở, người tiêu thụ cũng gặp bao khó khăn.
Riêng ngành du lịch thì thê thảm, lận đận hơn hết. Hồi xưa du lịch thì sang, bây giờ du lịch cả làng cách ly. Báo chí đã đăng tin 30 ngàn người đi chơi Disney Land ở Thượng Hải đã bị đóng cửa xét Covid rất lâu rồi mới được về nhà. Các hãng máy bay, xe taxi và Uber, khách sạn, nhà hàng và các dịch vụ liên hệ đói meo. Khi cơn dịch bớt hoành hành thì chính phủ cho đi tới đi lui trở lại, ngành du lịch tạm thời tái hoạt động, nhưng thủ tục khám xét chích ngừa vừa rắc rối vừa hao tốn nhiều tiền, làm nhụt chí khách đi chơi, đi thăm viếng gia đình.
Tiếp theo vì thiếu nhân viên, thiếu xăng dầu nên nhiều chuyến bay bị đình trệ hoặc hủy bỏ hẳn, khiến việc đi chơi đã trở thành “flymare”, lấy từ chữ “nightmare” tức là cơn ác mộng mà ra. Có khi chuyến bay đầy đủ xăng dầu, có phi công, đông đủ hành khách nhưng không cất cánh được chỉ vì thiếu người đẩy xe đem thức ăn lên máy bay. Nhiều con chip nhỏ, nhiều việc rất nhỏ nhưng vì bị trở ngại nên việc sản xuất bị đình trệ, khó khăn, làm giá thành tăng cao nhiều lần. Cũng có lúc khoai tây, nông sản, thịt cá phải đem bỏ bãi rác vì ảnh hưởng dây chuyền của Covid, thật là một giai đoạn đầy cam go, lận đận.
Số người mất việc tại các nước kể cả Việt Nam cũng lên cao kỷ lục. Mới đầu là bị đóng cửa không được đi làm, nhưng sau khi ở nhà một thời gian thì lại đâm ra ươn lười, mệt mỏi không muốn đi làm nữa. Chưa kể rất nhiều người phải từ chức, mất việc một cách lãng xẹt. Chẳng hạn ông bộ trưởng bộ y tế nước Anh chỉ vì một cái hôn mà phải mất chức. Ông ôm hôn cô bạn gái ở nơi công cộng không theo luật gián cách xã hội nên bị phản đối. Còn rất nhiều nhân vật chính phủ, chính trị gia bị “in trouble” vì đi du lịch trong khi dân bị cấm cửa, nói một đàng làm một nẻo không làm gương “người tốt, việc tốt” cho dân nên bị ép phải từ chức.
Tại Việt Nam thì kinh khủng hơn, mới đầu nhà cầm quyền Cộng Sản rất tự hào đã chống dịch như chống giặc, nhưng rồi cuối cùng vẫn bị “dính”. Khoảng 1 triệu rưởi dân lao động đã phải rời thành phố, đặc biệt là Saigon để về quê tránh dịch, tạo thành một cuộc di tản to lớn. Dân chúng về quê để có gì ăn đó, tìm cách sinh nhai vì ở thành phố mà không được ra đường đi làm, suốt ngày trong bốn bức tường chật hẹp thì làm sao sống. Việc thử nghiệm, cách ly người nghi ngờ bị Covid đã bị thực hiện cách thiếu khoa học, quan niệm sai lầm nên người dân vô cùng khổ sở. Hình ảnh người phụ nữ bị xe cần cẩu “cẩu” đi đem bỏ ở khu vực cách ly ô hợp, dơ dáy là hình ảnh xấu không tin được, nhưng đã xảy ra ở nước Việt Nam Xã hội chủ nghĩa.
Sau khi mất hàng triệu mạng sống vì Covid, thiệt hại về tiền bạc, kinh tế, thì phải kể tới những hao tổn tinh thần to lớn chưa từng xảy ra trước giờ. Do nằm nhà lâu ngày bị tù túng ảnh hưởng tinh thần, nhiều người đã trở nên nóng nảy, thậm chí dễ dàng rút súng rồi gây ra nhiều tai nạn, chết chóc.
Một người khi ra Starbucks mua bánh mì bagel ăn sáng, chỉ vì cái bánh không có cream cheese mà ông đã rút súng ra hăm dọa cô gái bán hàng. Ở Hy Lạp, một linh mục Chính Thống giáo đã tạt acid vào 7 vị giám mục khác. Rất nhiều chuyện hăm dọa, kiện tụng, đánh đấm xảy ra vì “stress” quá không chịu nổi các áp lực, khó khăn, sợ hãi trong cuộc sống. Vợ chồng thì gây lộn ì sèo vì ở nhà cả ngày, nhìn thấy nhau bèo nhèo phát chán! Có người còn đưa ra “thuyết âm mưu”, cho rằng vì thuốc chích ngừa làm ảnh hưởng nên người ta mới mau quên, mau nổi nóng. Riêng “sự cố” lên cân mùa Covid thì không biết bao nhiêu là chuyện tiếu lâm đã được lan truyền.
Quả là rảnh rỗi sinh nông nỗi, cấm cung ở nhà có nhiều giờ dư nếu không suốt ngày nấu ăn rồi nằm dài xem phim bộ, thì làm cái gì cho hết ngày. Các trung tâm tập thể dục lại bị đóng cửa nên tha hồ mà lên ký. Quả thế, mùa Covid các bà không làm vương phi, quý phi mà lại làm thùng phi mới chết chứ. Thương hiệu Victoria Secret chuyên bán quần áo lót cho phụ nữ bị ế ẩm, phải thay đổi người mẫu. Thay vì thon đẹp sexy, vào thời Covid hãng phải thay quảng cáo bằng hình ảnh người mập cũng có thể mặc loại quần áo lót của họ như các người mẫu! Bản thân tôi cũng bị lên cân khá khá, nghĩ cũng sợ nhưng xem hình thấy Bill Gate, nhiều tài tử ca sĩ nổi tiếng cũng tròn trịa hẳn ra, đành phải an ủi là phải theo thuở theo thì, không cần đi ngược lại thời đại, người ta sao mình vậy!
Cũng có người nói đùa sẽ mướn luật sư “sue” chánh phủ vì họ không cho đi gym tập thể dục, làm mình mập ra yếu đi nên bắt họ phải bồi thường. Cũng xin mở ngoặc là mùa Covid, các luật sư đã giàu to vì có nhiều job hơn bao giờ hết. Không biết bao nhiêu vụ bất đồng, kiện tụng đã xảy ra, bên nào cũng có lý, bên nào có tiền mướn luật sư thì bên đó có nhiều cơ hội thắng hơn. Bạn bè cũng trêu chọc sau khi lận đận 2 năm với Covid, đã đạt được danh hiệu “Da trắng tóc dài”. Bốn chữ này khi xưa ông bà ta dùng để diễn tả người khá giả, không bị chân lấm tay bùn, không phải cắt tóc ngắn để làm ruộng, bây giờ cấm cung ở trong nhà riết ai nấy da trắng bệch, tiệm bị cấm mở cửa không đi cắt tóc được thì tóc không dài sao được. Nhiều đám tang, đám cưới bị giới hạn số người tham dự nên vắng hoe. Năm ngoái chúng tôi đi lễ đám cưới con người bạn tại nhà thờ, khi ấy được tối đa 60 người dự, vị linh mục vui vẻ cho biết đây là đám cưới lớn nhất trong năm.
Sau những lận đận vì Covid, tôi cũng xin nhắc sơ qua vài sự kiện được cho là “nổi cộm” xảy ra trong năm vừa qua.
Điều đầu tiên được cho là khủng hoảng ở Mỹ khi 1,7 triệu người đã nhập cư bất hợp pháp vào xứ Cờ Hoa này. Người ta than phiền nước Mỹ ngày nay xuống cấp, chính trị rối beng, đời sống khó khăn nhưng nó vẫn là thiên đường và nhiều người tứ xứ muốn được vào sinh sống, dù là làm chui lấy tiền mặt không bảo hiểm, không giấy tờ hợp lệ. Tiếp tới là thống kê của những vấn đề an ninh quốc gia bị vi phạm, số lượng ma tuý khổng lồ bị đưa vào nước Mỹ bán chợ đen và các tội phạm, đặc biệt các vụ bắn nhau hằng loạt do sự dễ dãi quá đáng của việc cho phép mua súng. Số cảnh sát thiệt mạng khi làm nhiệm vụ trong năm 2021 cao kỷ lục, đám tang của họ thua xa đám tang của George Floyd – một người từng có nhiều thành tích bất hảo đối với pháp luật Hoa Kỳ và bị ông cảnh sát da trắng chấn cổ đến chết. Cùng thời gian này, nhiều nhà thờ bị đốt cháy, các bức tượng, di tích lịch sử bị đập phá. “Asian Hate” tức hiện tượng người châu Á da vàng mũi tẹt bị ghét, bị đuổi về Tàu cũng xảy ra thường xuyên hơn, người Việt cũng bị vạ lây, không lẽ ra đường phải đeo bảng “Tôi không phải người Tàu!”
Chuyện được báo chí cho là đặc biệt xảy ra trong năm là vụ nổi loạn tại Điện Capitol, Hoa Kỳ vào ngày 6 tháng Giêng 2021. Hiện vấn đề này cũng còn phải điều tra, nhiều vụ lùm xùm ý kiến trái ngược nhau. Gia đình tranh cãi, mất vui vì kẻ bênh Biden, người bênh Trump.
Vào 24 tháng 3, một trong những tàu container lớn nhất thế giới với trọng tải hơn 200,000 tấn đã mắc cạn ở kênh đào Suez, bịt kín tuyến hàng hải quan trọng bậc nhất thế giới, khiến mọi hoạt động bị đình trệ trong gần một tuần, gây thiệt hại rất nhiều.
Kế tới là việc sét đánh từ trời xuống trong lúc người dân Bắc Kinh đang chứng kiến màn trình diễn ánh sáng vào tháng 6, 2021, khi Trung Cộng mừng lễ 100 năm thành lập Đảng. Trung Cộng cũng hứng chịu nhiều thiên tai bão lụt như trận lũ rất lớn Hà Nam. Nhiều người cho rằng do chính quyền Trung Cộng quá ác nên uất khí tuôn ra quá nhiều đã chạm tới Trời, nên ông Trời phải trừng phạt.
Việc căn nhà 12 tầng ở Surfside, Florida (Mỹ) bị sập khiến gần 100 người thiệt mạng vào ngày 24/6/2021 cũng được cho là chuyện đáng chú ý trong năm.
Cuộc đảo chánh tại Miến Điện, Thế Vận Hội tại Tokyo, cuộc chiến tại Afghanistan chấm dứt cũng được truyền thông nhắc tới như những sự kiện quan trọng đã xảy ra năm 2021 trên thế giới. Riêng tôi rất quan tâm và bất bình trước các bất công, đàn áp xảy ra ở Miến Điện và Afghanistan. Hình ảnh dân Afghanistan phải trốn khỏi nước mong đi tị nạn khi bị Mỹ bỏ rơi bất ngờ không khác gì hình ảnh Saigon trong cơn hấp hối 1975. Thương thay cho người dân xứ này khi nhóm Taliban lên cầm quyền, họ giới hạn quyền cơ bản của phụ nữ, diễn giải nghiêm ngặt luật Hồi giáo khiến người dân vô cùng khổ sở.
Tại Đức, bà Angela Merkel hôm 8/12/2021 đã kết thúc 4 nhiệm kỳ dài tổng cộng 16 năm, nhường ghế Thủ tướng lại cho Olaf Scholz cũng là điều đáng nói trong giới truyền thông và chính trị.
Trở lại Việt Nam, với tôi sự kiện quan trọng xảy ra vào tháng 12, 2021 là việc Cộng sản tiếp tục đàn áp, bắt bớ người bất đồng chính kiến. Tiêu biểu là nhà báo Phạm Đoan Trang bị kết án 9 năm tù. Sau vụ Đồng Tâm, Trịnh Bá Phương cũng bị tuyên phạt 10 năm, Nguyễn Thị Tâm 6 năm và Đỗ Nam Trung 10 năm. Sau đó đầu tháng 1, 2022, anh Lê Trọng Hùng, một nhà báo độc lập cũng bị tuyên án 5 năm. Họ cũng đã kết tội ít nhất 18 người khác chỉ vì những người này dám lên tiếng đòi cải tổ xã hội. Các tổ chức nhân quyền quốc tế như Human Rights Watch, Phóng viên không biên giới, Ủy ban Bảo vệ Nhà báo cũng như một số nước phương Tây đều đã mạnh mẽ lên án các vụ xử này, nhưng bọn cầm quyền Việt Nam vẫn trơ trơ thi hành “nghị quyết”, tưng bừng ăn hối hộ, ăn bò dát vàng như vụ Tô Lâm và Việt Á khi đấu thầu các dụng cụ thử nghiệm Covid 19, số tiền hối lộ lên tới mức khủng khiếp và là đường dây có tính cách quốc gia rộng lớn. Những người có tài, có tinh thần đấu tranh đều bị bắt, bị trù dập cả, tương lai của nền Dân Chủ Việt Nam rồi sẽ ra sao?
Việc bà Nguyễn Phương Hằng kiện ông “thần y” Võ Hoàng Yên rồi sau đó thành “youtuber” đông đảo khán giả cũng là chuyện lạ đã xảy ra ở quê nhà, nhiều ca nghệ sĩ, nhân vật nổi tiếng tại Việt Nam bị vạch mặt chỉ tên, việc làm từ thiện cần phải được xem xét lại. Dù bao bất công, đói khổ vẫn xảy ra, các Hoa hậu Việt Nam vẫn tưng bừng nhận chức, một vài cô chiếm được giải trên thế giới, cũng là chuyện hay nhưng quả là Việt Nam ta thiếu hoa tươi, thừa hoa hậu!
Nhìn chung, thế giới năm qua hứng chịu nhiều bất ổn chính trị, xung đột, thiên tai và rắc rối, trong khi Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, sau Omicron rồi không biết còn biến thể nào nữa. Con số nợ quốc gia, thất nghiệp, lạm phát, giá nhu yếu phẩm, xăng dầu lên đến mức không tin được, nhưng thôi đành an ủi sống lây lất qua cơn đại dịch này là may rồi. Hy vọng tương lai sẽ tốt đẹp hơn. Dù sao cũng nên nói tới mặt tích cực của cơn dịch Covid là do nhà hàng đóng cửa ở nhà phải tự nấu ăn, nhiều người đã trở thành đầu bếp giỏi, có thì giờ trồng cây, đọc sách, dọn dẹp, gia đình có nhiều giờ hơn để quay quần bên nhau, lại cũng có thể để dành được tiền cho người nghèo vì không thể du lịch, đi shopping mua sắm. Nhưng xin đừng để cô Vi thành cô đơn, vì một số người lại quen với cách ở một mình, sống ảo, mua sắm “online” không thích gặp nhau nữa.
Nãy giờ điểm qua toàn tin buồn, nghe tin tức mà không dám tin, chỉ thấy tức, thì xin nói tới tin vui nhất trong 2 năm qua là Mỹ đã phê duyệt thuốc viên điều trị Covid-19 của hãng Pfizer. Tin khác cũng vui chút chút là dù số người lây nhiễm vi trùng Omicron cao nhưng con số nhập bệnh viện hoặc chết ít hơn. Người ta cũng sáng chế ra máy thay cho chó để đi tìm ra mùi của bệnh Covid. Giống chó thính mũi ghê, ngửi được mùi Covid, nhưng kiếm không ra nhiều chó để làm công việc này, lại chưa chính xác nên ngày nay đã phát minh ra được máy, hay các Rapid Test cũng giúp rất nhiều. Chị bạn tôi hi vọng sau này chó hay máy cũng có thể tìm ra mùi “tiểu tam”, phát hiện được bồ nhí của chồng vì họ dấu rất tài tình!
Tin vui khác là nếu được Thống Đốc Ron DeSantis chấp nhận và ký trong năm 2022, ngày 7 tháng 11 hàng năm tại Florida sẽ được công nhận là “Ngày Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản”. Học sinh trung học tại Florida cũng sẽ được hướng dẫn về sự tàn bạo của chủ nghĩa Cộng sản và câu chuyện về những nạn nhân của chủ nghĩa này ở Cuba, Venezuela, Nicaragua, Trung Cộng, Bắc Hàn, Việt Nam, Nga… Điều này nếu thành sự thật thì tôi vui lắm, vì thế giới và giới trẻ cần biết nhiều hơn về tai hại của chủ nghĩa Mác Lê này.
Vâng, hy vọng năm 2022 sẽ có nhiều điều tích cực hơn, lạc quan hơn, so với hai năm vừa qua. Chúng ta ca bài “Hai năm tình lận đận”, mong rằng không có bài “Ba năm tình lận đận”.
Để kết thúc 2 năm tình hư hao, xanh xao, tôi xin thay đổi không khí bằng một chuyện vui cười thời Covid để chấm dứt bài viết.
Chuyện là một ông chồng nọ bị nhiễm Covid và phải cách ly. Ông bị ở riêng một mình dưới tầng hầm basement trong nhà. Hằng ngày không phải đi làm, được vợ con cơm bưng nước rót tận cửa phòng. Quần áo thay ra ông bỏ vào cái bọc chìa ra ngoài cửa, vợ đeo bao tay, bịt mũi đem đi giặt, có gì cần thì “text”, thì email, ít khi vợ con dám đứng gần nói chuyện trực tiếp, khỏi nghe nói nhiều nhức xương. Sau 10 ngày, bác sĩ long trọng báo tin vui ông đã hết vi khuẩn, có thể trở về cuộc sống bình thường. Ông run run xin bác sĩ đừng báo cho bà vợ biết tin này. Ông còn muốn tận hưởng những ngày “cách ly” không bị nghe cằn nhằn, không phải giúp việc nhà, lại được phục vụ tận cửa. Bạn có muốn “được” cách ly như ông chồng trong chuyện vui cười có thật này không??!!
Cuối năm Âm lịch, Tết Nhâm Dần đã sắp đến, chúc quý bạn gia quyến, một năm mới tràn đầy thương yêu, niềm tin và hy vọng. Để bớt những tiêu cực làm mình xanh xao, hư hao, lận đận, hãy cùng nhau nhắc nhở chính mình suy nghĩ tích cực, vận động cơ thể. Xin chúc nhau nhẹ gánh buồn, khỏe mạnh hơn, và nhất là không bị mắng là đồ mắc dịch dù nghĩa đen hay nghĩa bóng.
Cầu chúc “Hai năm tình lận đận” được chấm dứt ngay đầu năm 2022 này
Nguyễn Ngọc Duy Hân
Ngày 26/1/2022
Be the first to comment