
8,500 BINH SĨ MỸ SẴN SÀNG QUA ĐÔNG ÂU ĐỂ GIÚP NATO ĐỐI PHÓ VỚI NGA
Bộ Quốc Phòng Hoa Kỳ cho biết 8,500 binh sĩ đã được đặt trong tình trạng ứng chiến để sẵn sàng lên đường qua Đông Âu hỗ trợ cho lực lượng quân sự đa quốc gia của Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), giữa bối cảnh gần 100,000 binh sĩ Nga đang đóng dọc theo biên giới Ukraine và nguy cơ chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào.
Tổng Thống Joe Biden nói với báo chí hôm Thứ Ba 25 tháng 1 rằng việc chuẩn bị điều động 8,500 quân nhân “nằm trong khuôn khổ chiến dịch của NATO chứ không phải là hành động đơn phương của Mỹ”, và ông đã loan báo điều này cho Tổng Thống Vladimir Putin, khẳng định “Hoa Kỳ phải thi hành nghĩa vụ với các đồng minh trong tinh thần cộng tác phòng thủ theo Điều 5 của Minh Ước Bắc Đại Tây Dương”.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết hiện chưa có quyết định điều quân, nhưng các binh sĩ được Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin ra lệnh phải sẵn sàng lên đường ngay khi NATO kích hoạt lực lượng quân sự đa quốc gia để đáp ứng với tình hình biến chuyển.
Tổng Thống Joe Biden hôm Thứ Hai đã thảo luận qua điện thoại với những vị nguyên thủ các nước đồng minh Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba Lan, cũng như với Tổng Thư Ký NATO cùng các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Âu Châu, và tất cả đều đồng ý “giữ liên lạc chặt chẽ để chuẩn bị áp đặt những biện pháp chế tài kinh tế nặng nề đối với Nga” nếu xảy ra hành động tấn công Ukraine.
Theo lời Tổng Thống Biden thì các nước đồng minh “hoàn toàn thống nhất ý kiến” với Hoa Kỳ về kế sách đối phó với Nga, đồng thời “vẫn kêu gọi tiếp tục phương thức ngoại giao” để tìm giải pháp cho tình trạng căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
Tổng Thống Biden cũng nói rõ “không có ý định điều động binh sĩ Mỹ tới Ukraine”. Phát ngôn viên John Kirby nhắc lại điều này trong cuộc họp báo tại Ngũ Giác Đài, nói thêm rằng tuy Ukraine chưa phải là thành viên của NATO nhưng Tổng Thống Volodymyr Zelensky và các nhà lãnh đạo Ukraine đã nhiều lần được chính phủ Mỹ trấn an, cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ về mặt chính trị cũng như cung cấp vũ khí để tự vệ trước mối đe dọa từ Moscow.
Lực lượng quân sự đa quốc gia (NATO Response Force – NRF) gồm khoảng 40,000 binh sĩ do các nước thành viên đóng góp và có thể được điều động chỉ trong vòng từ 5 đến 10 ngày. Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby cho biết, tùy theo lệnh điều quân của NATO, 8,500 binh sĩ Mỹ có thể sẽ được đưa tới những quốc gia vùng Đông Âu (Poland, Romania, Bulgaria, Hungary) hoặc vùng Baltic giáp biên giới Nga (Estonia, Latvia, Lithuania), nghĩa là nhằm tăng cường khu vực phía đông của NATO.
Mặc dù lực lượng quân sự đa quốc gia chưa được chính thức điều động, nhưng qua thông cáo báo chí hôm Thứ Hai 24 tháng 1, Tổng Thư Ký Jens Stoltenberg loan báo rằng một số nước thành viên NATO đã bắt đầu đưa thêm chiến hạm và chiến đấu cơ tới Đông Âu. Thông cáo viết: “Một chiến hạm của Đan Mạch (Denmark) đang trên đường tới Biển Baltic và bốn phi cơ F-16 sẽ tới Lithuania để hỗ trợ công tác phòng không. Các chiến hạm và chiến đấu cơ của Tây Ban Nha (Spain) sẽ được đưa tới Bulgaria. Một chiến hạm cùng hai phi cơ F-35 của Hòa Lan (Netherlands) cũng đang ứng trực để được đưa tới Bulgaria. Ngoài ra các binh sĩ Pháp đã được lệnh sẵn sàng lên đường tới Romania theo lệnh điều quân của NATO”.
Tổng Thư Ký Jens Stoltenberg nói với báo chí: “Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương sẽ luôn luôn thực hiện những điều cần thiết để bảo vệ mọi quốc gia đồng minh, và tôi hoan nghênh sự đáp ứng của các đồng minh vào thời điểm này”.
Tưởng cần nhắc lại, hồi cuối tuần trước (21 tháng 1) Bộ Ngoại Giao Nga một lần nữa đưa “tối hậu thư” đòi hỏi NATO không được mở rộng địa bàn và phải chứng minh bằng hành động cụ thể là rút lực lượng quân sự ra khỏi lãnh thổ những quốc gia gia nhập NATO sau năm 1997 (tức Bulgaria và Romania). Như vậy, việc các thành viên NATO đưa chiến hạm và chiến đấu cơ tới hai quốc gia này chính là một cách trả lời bằng hành động: Chẳng những bác bỏ sự đòi hỏi của Nga mà NATO còn tăng cường sự hiện diện ở vùng Đông Âu, cũng giống như NATO đã tăng cường lực lượng phòng thủ ngay sau khi Nga xâm chiếm và sáp nhập bán đảo Crimea từ Ukraine hồi năm 2014.
Qua ngày Thứ Tư 26 tháng 1, chính phủ Mỹ và tổ chức NATO cùng gửi văn thư khẳng định NATO duy trì chính sách mở cửa kết nạp thành viên (nói cách khác là từ chối lời yêu cầu của Nga không cho Ukraine gia nhập), đồng thời nói rõ việc NATO đưa thiết bị quân sự đến Đông Âu là điều “không thể thương lượng”.
Điện Kremlin phản ứng ra sao sau khi Tổng Thống Joe Biden cho Tổng Thống Vladimir Putin biết là 8,500 binh sĩ Mỹ được đặt trong tình trạng ứng chiến và sẵn sàng lên đường qua Đông Âu để hỗ trợ NATO?
Tại cuộc họp báo hôm Thứ Ba 25 tháng 1, phát ngôn viên Dmitry Peskov đổ lỗi hoàn toàn cho Hoa Kỳ và NATO, nói rằng “thái độ leo thang” của Washington khiến tình trạng đã căng thẳng càng căng thẳng hơn, và Moscow “đang theo dõi các hành động của Mỹ với sự quan tâm đặc biệt”.
Cùng ngày Thứ Ba, Bộ Quốc Phòng Nga loan báo “bắt đầu một loạt những cuộc tập trận” trên lãnh thổ Nga dọc theo biên giới Ukraine và ở bán đảo Crimea, bao gồm xe tăng, chiến xa, hỏa tiễn, máy bay không người lái cùng các đơn vị bộ binh và nhảy dù. Một số hình ảnh tập trận đã được phổ biến trên mạng.
Trước phản ứng như vậy, phát ngôn viên Ngũ Giác Đài John Kirby nhận định “Những gì đang diễn ra cho thấy rõ ràng là Nga không hề có ý định giảm căng thẳng”.
Hôm Chủ Nhật Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã ra lệnh cho gia đình của tất cả các nhân viên tòa đại sứ Mỹ tại thủ đô Kyiv rời khỏi Ukraine để bảo đảm an toàn nếu chiến sự bùng nổ. Những nhân viên ngoại giao ở vị trí không thiết yếu cũng có thể yêu cầu được đài thọ chi phí để trở về Washington.
Mặc dù Bộ Ngoại Giao Ukraine tỏ thái độ bất mãn – như phát ngôn viên Oleg Nikolenko nói rằng đây là “sự thận trọng quá đáng” và chính phủ Mỹ “đã quyết định quá sớm” – nhưng tin tức cho biết ngay cả hai chính phủ Anh và Úc cũng có quyết định tương tự. Bộ Ngoại Giao Anh hôm Thứ Hai ra lệnh cho một số nhân viên ngoại giao và gia đình họ rời tòa đại sứ ở Kyiv để đáp máy bay về London. Bộ Ngoại Giao Úc khuyên mọi công dân Úc nên rời khỏi Ukraine sớm để tránh trường hợp các chuyến bay bị đình hoãn hoặc hủy bỏ, đồng thời ra thông cáo nói rằng hoạt động của tòa lãnh sự Úc ở Kyiv sẽ được tạm thời thu hẹp vì lý do an ninh.
Trong khi đó tin tức cho thấy các nỗ lực thương thuyết ngoại giao vẫn tiếp diễn, tuy chưa rõ có mang lại kết quả gì hay không. Ba cuộc đàm phán trước đây giữa phái đoàn Nga với các phái đoàn của Mỹ, Tổ Chức Minh Ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Tổ Chức An Ninh và Hợp Tác Âu Châu (OSCE) vào ngày 10, 12 và 13 tháng 1 đều rơi vào bế tắc. Cuộc gặp gỡ 90 phút giữa Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken và Ngoại Trưởng Nga Sergey Lavrov hôm 21 tháng 1 tại Geneva cũng không đạt tới thỏa thuận cụ thể nào.
Được biết trong tuần này, đại diện ngoại giao của Pháp, Đức, Nga và Ukraine đã gặp nhau ở Paris vào ngày Thứ Tư 26 tháng 1 để chuẩn bị cho buổi họp thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo bốn quốc gia này, dự trù diễn ra tại Berlin theo tinh thần của thỏa hiệp mang tên “Normandy Format” hồi năm 2014. Ngoài ra, Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron cho biết ông sẽ nói chuyện qua điện thoại với Tổng Thống Nga Vladimir Putin vào ngày Thứ Sáu, cũng với mục đích tìm giải pháp cho tình trạng căng thẳng giữa Nga và Ukraine.
ÁN LỆ VỀ PHÁ THAI CÓ THỂ BỊ ĐẢO NGƯỢC TRONG NĂM 2022
Bất chấp thời tiết giá lạnh (27 độ F), hàng ngàn người Mỹ từ nhiều tiểu bang đã đổ về thủ đô Washington D.C. hôm Thứ Sáu 21 tháng 1 để tham dự cuộc tuần hành “March for Life” với tinh thần lạc quan tin tưởng rằng mục tiêu vận động của họ có nhiều triển vọng thành công trong năm 2022.
Suốt 49 năm qua những người chủ trương chống phá thai để bảo vệ quyền sống của thai nhi đã kiên trì thực hiện chiến dịch biểu tình tuần hành hàng năm với mục đích kêu gọi Tối Cao Pháp Viện đảo ngược án lệ Roe v. Wade hồi năm 1973. Mang số hồ sơ 410 U.S. 113, án lệ nổi tiếng này được coi như một khúc quanh lịch sử, vì tòa án tối cao khẳng định rằng Hiến Pháp Hoa Kỳ công nhận quyền tự do phá thai của người phụ nữ, tuy nhiên tòa án tối cao cũng ấn định các nguyên tắc – dựa trên ba tam cá nguyệt của thời kỳ thai sản – để chính phủ có thể hạn chế quyền tự do đó.
Kể từ năm 1973 khi án lệ Roe v. Wade ra đời, hai quan điểm “pro-life” và “pro-choice” đã gây chia rẽ trầm trọng xã hội Mỹ, ảnh hưởng đến sinh hoạt chính trị và trở thành một đề tài tranh luận trong các cuộc vận động tranh cử, mặt khác đã châm ngòi cho những vụ tranh tụng sôi nổi trước tòa án cấp liên bang và nhiều lần lên tới Tối Cao Pháp Viện (1976, 1989, 1992, 2000, 2007, 2016) nhưng đều không được giải quyết ngã ngũ.
Tại cuộc biểu tình tuần hành “March For Life” năm nay, những người chủ trương “pro-life” thể hiện thái độ lạc quan hơn những năm trước, là vì có vài dấu hiệu gần đây cho thấy Tối Cao Pháp Viện sẽ cho phép các tiểu bang ban hành luật lệ hạn chế quyền tự do phá thai – và không chừng còn đi xa hơn nữa là đảo ngược hẳn án lệ Roe v. Wade. Thêm một lý do để những người “pro-life” có thái độ lạc quan, đó là thành phần bảo thủ trong tòa án tối cao hiện đang chiếm đa số (6-3) sau khi cựu Tổng Thống Donald Trump bổ nhiệm thêm ba Thẩm Phán Neil Gorsuch, Brett Kavanaugh và Amy Coney Barrett.
Dấu hiệu quan trọng nhất liên quan đến số phận của án lệ Roe v. Wade là vụ tranh tụng mang tên Dobbs v. Jackson Women’s Health Organization, mà Tối Cao Pháp Viện đã đồng ý thụ lý và dự trù sẽ công bố phán quyết vào tháng 6 năm nay.
Vụ tranh tụng này bắt nguồn từ việc tiểu bang Mississippi ban hành đạo luật “Gestational Age Act” hồi tháng 3 năm 2018, cấm không cho phá thai sau 15 tuần lễ thai kỳ vì đó là lúc thai nhi bắt đầu có sự sống. Như vậy rõ ràng luật “Gestational Age Act” đi ngược lại nguyên tắc 24 tuần lễ thai kỳ theo án lệ Roe v. Wade (1973) và án lệ Planned Parenhood v. Casey (1992).
Hai tổ chức cung cấp dịch vụ phá thai trong tiểu bang nộp đơn kiện, và thắng kiện tại tòa án địa hạt nam Mississippi cũng như tại tòa kháng án liên bang. Bộ Y Tế tiểu bang liền nộp đơn kháng án, đến ngày 17 tháng 5 năm 2021 thì được Tối Cao Pháp Viện đồng ý thụ lý. Cuộc tranh biện đầu tiên diễn ra hôm Thứ Tư 1 tháng 12 và kéo dài 90 phút, cho thấy ba vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng cấp tiến phản đối, nhưng sáu vị Thẩm Phán thuộc khuynh hướng bảo thủ tỏ vẻ đồng ý với luận cứ của tiểu bang Mississippi.
Dấu hiệu thứ nhì liên quan đến dự luật “Texas Heartbeat Act” của Nghị Viện tiểu bang Texas, cấm không cho phá thai khi bắt đầu nghe thấy nhịp tim đập của thai nhi, vào khoảng tuần lễ thứ sáu của thai kỳ (trước khi một số phụ nữ biết rằng họ mang thai). Dự luật chính thức trở thành luật ngày 1 tháng 9, mở đầu cho các vụ tranh tụng, tuy nhiên Tối Cao Pháp Viện (vào ngày 10 tháng 12-2021 cũng như mới hôm Thứ Năm 20 tháng 1-2022) đã không ra phán quyết ngăn chận đạo luật, cũng không tuyên bố về tính chất vi hiến hay hợp hiến của đạo luật, mà chỉ đưa trả lại cho tòa kháng án liên bang để tiếp tục thủ tục tranh tụng. Điều này có nghĩa là luật “Texas Heartbeat Act” tức S.B.8 vẫn tạm thời có hiệu lực.
Những dấu hiệu trên đây đã mang lại sự lạc quan cho những người chủ trương chống phá thai khi tham dự cuộc biểu tình “March For Life” tại thủ đô Washington. Mặc dù không có được con số hưởng ứng kỷ lục trên internet là 75,000 người như năm ngoái (vì e ngại đại dịch Covid-19 nên năm 2021 chỉ tổ chức dưới hình thức trực tuyến), thế nhưng hình ảnh hàng ngàn người tuần hành từ National Mall đến trụ sở Tối Cao Pháp Viện hôm 21 tháng 1 vửa qua cũng nói lên một không khí đầy phấn khởi – như lời linh mục Andrew Rudmann đến từ New Orleans phát biểu: “Hy vọng năm nay sẽ là cuộc biểu tình March for Life lần cuối cùng, vì mọi người đều trông đợi sự kết liễu của án lệ Roe v. Wade”.
Trong khi đó tổ chức liên hiệp toàn quốc Liberate Abortion, quy tụ trên 100 nhóm “pro-choice” tranh đấu bảo vệ quyền phá thai của phụ nữ, ra thông cáo cho biết vì virus biến thể Omicron đang lan tràn nên họ phải đặt ưu tiên về sức khỏe và sự an toàn cho mọi người, do đó họ sẽ không tổ chức “phản biểu tình” trước trụ sở Tối Cao Pháp Viện. Giám đốc điều hành Sharmin Hossain nói rằng Liberate Abortion sẽ chỉ thực hiện các sinh hoạt trực tuyến để thảo luận đề tài “49 năm Roe v. Wade”.
Một số nhà lập pháp của cả hai đảng trong Quốc Hội Hoa Kỳ cũng bày tỏ sự quan tâm về vấn đề này, nhất là vào một thời điểm đặc biệt – đúng 49 năm kể từ ngày án lệ Roe v. Wade ra đời, 22 tháng 1 năm 1973.
Dân Biểu Kevin McCarthy (Trưởng Khối Thiểu Số đảng Cộng Hòa) theo quan điểm “pro-life”, nói rằng: “Một năm vừa qua đã giúp nhiều người dân Mỹ nhận thức rõ về giá trị của sự sống, và phía chúng tôi đã thực hiện được nhiều bước tiến đáng kể trong việc bảo vệ thai nhi”.
Thượng Nghị Sĩ Jeanne Shaheen (đảng Dân Chủ), theo quan điểm “pro-choice”, thừa nhận: “Chưa bao giờ sức khỏe và quyền tự chủ của phụ nữ trên toàn quốc bị đe dọa nghiêm trọng đến như vậy, vì phía Cộng Hòa đang tìm mọi phương cách để thách thức và đảo ngược án lệ Roe v. Wade. Đã đến lúc gióng lên tiếng chuông báo động và nói rõ để dư luận thấy rằng: chúng tôi phải được quyền quyết định về cơ thể, sức khỏe và tương lai của mình”.
Bản tin thông tấn Reuters trích dẫn thống kê của tổ chức Guttmacher Institute, theo đó trong năm 2021 phe “pro-life” đã vận động mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đưa tới việc 19 tiểu bang ban hành 108 sắc lệnh hoặc đạo luật hạn chế quyền phá thai của phụ nữ.
Bà Jeanne Mancini (chủ tịch March for Life Education and Defense Fund và là trưởng ban tổ chức cuộc biểu tình hàng năm) tuy bày tỏ sự lạc quan nhưng vẫn giữ thái độ dè dặt: “Bạn không thể làm thầy bói để đoán xem các Thẩm Phán sẽ quyết định ra sao, nhưng qua những câu hỏi tại cuộc tranh biện tháng 12 thì tình hình có vẻ rất thuận lợi”. Khi giới truyền thông hỏi rằng nếu án lệ Roe v. Wade bị đảo ngược thì tổ chức của bà có giải tán hay không, bà Mancini trả lời “không”, và nói thêm: “Chúng tôi còn rất nhiều việc phải làm”, vì “nhiệm vụ của chúng tôi là tạo dựng một nếp văn hóa mới để không còn ai nghĩ đến chuyện phá thai nữa”. Lời phát biểu này cũng tương đồng với tôn chỉ mà tổ chức March for Life ghi trên trang mạng: “Tiến tới một nếp văn hóa mới cho xã hội Hoa Kỳ, để ai ai cũng nhận thức sự thật là mỗi con người đều sẵn có phẩm giá và đều là một tặng phẩm cho thế gian, bất luận tuổi tác, chủng tộc, giới tính hay sức khỏe”, hay nói cách khác “mọi người đều bình đẳng ngay từ lúc là bào thai trong bụng mẹ”.
Chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tối Cao Pháp Viện đảo ngược án lệ Roe v. Wade?
Tin tức ghi nhận, ngay giờ phút này đã có một số tiểu bang chuẩn bị đối phó bằng cách thông qua luật bảo vệ tính chất hợp pháp của quyền phá thai (bao gồm California, Washington, Connecticut, Hawaii, Maine, Maryland, Nevada). Ngược lại, một số tiểu bang khác cũng chuẩn bị thông qua luật cấm phá thai và chỉ chờ khi án lệ Roe v. Wade bị đảo ngược là ban hành (bao gồm Arkansas, Kentucky, Louisiana, Mississippi, North Dakota, South Dakota). Ngoài ra cũng phải kể tới nhiều tiểu bang từ trước năm 1973 vốn đã có sẵn luật cấm phá thai, do đó một khi án lệ Roe v. Wade bị đảo ngược là có thể mang áp dụng trở lại ngay tức khắc.
Dân chúng Mỹ nghĩ sao về quyền tự do phá thai của phụ nữ? Nói chung thì dư luận vẫn chia đôi giữa hai phe bênh và chống. Tuy nhiên, giữa năm 2021, cuộc thăm dò của Viện Gallup cho thấy đa số (58%) nghĩ rằng Tối Cao Pháp Viện không nên đảo ngược án lệ Roe v. Wade, so với 32% nghĩ rằng nên đảo ngược, và 10% không có ý kiến. Cuộc thăm dò của Pew Research Center cũng cho thấy đa số (59%) nghĩ rằng nên hợp pháp hóa việc phá thai trong hầu hết các trường hợp, so với 39% nghĩ ngược lại.
Để tìm hiểu sự chuyển biến của dư luận mấy năm gần đây, Viện Gallup đặt câu hỏi “Bạn nghĩ rằng việc phá thai nên được hợp pháp hóa trong mọi trường hợp, hay là chỉ nên được hợp pháp hóa trong một số trường hợp nhất định, hay là không nên được hợp pháp hóa trong bất cứ trường hợp nào?”, và ghi nhận kết quả thăm dò ba năm liên tiếp (tháng 5-2019, tháng 5-2020, tháng 5-2021) như sau:
– Năm 2019: 25% dân Mỹ cho rằng việc phá thai nên được hợp pháp hóa trong mọi trường hợp, 53% cho rằng việc phá thai chỉ nên được hợp pháp hóa trong một số trường hợp nhất định, 21% cho rằng việc phá thai không nên được hợp pháp hóa trong bất cứ trường hợp nào.
– Năm 2020: 29% dân Mỹ cho rằng việc phá thai nên được hợp pháp hóa trong mọi trường hợp, 50% cho rằng việc phá thai chỉ nên được hợp pháp hóa trong một số trường hợp nhất định, 20% cho rằng việc phá thai không nên được hợp pháp hóa trong bất cứ trường hợp nào.
– Năm 2021: 32% dân Mỹ cho rằng việc phá thai nên được hợp pháp hóa trong mọi trường hợp, 48% cho rằng việc phá thai chỉ nên được hợp pháp hóa trong một số trường hợp nhất định, 19% cho rằng việc phá thai không nên được hợp pháp hóa trong bất cứ trường hợp nào.
Phố Nhỏ Online tổng hợp từ các nguồn: AP, Reuters, NPR, USA Today, www.news.gallup.com, www.pewforum.org ngày 27/1/2022
Be the first to comment