Tại Sao Phải Chia Ra Nhóm Máu ?

1- Tổng quan

Tìm ra nhóm máu là một phát hiện vĩ đại của y học, một việc làm đã cứu sống hàng triệu người mỗi năm.

Chúng ta sống tới thời điểm ai cũng phải biết đến 4 nhóm máu cơ bản gồm có A, B, O và AB.

Nhưng do đâu mà ta phải phân biệt từng nhóm máu như vậy? Tại sao không phân theo loài như máu người, máu mèo, máu khỉ mà phải phân theo tên cho phức tạp? Xin thưa, đó là thành tựu mang dấu ấn khoa học của hàng thế kỷ.

2- Từ những thất bại trong lịch sử

Hãy trở về với thời Phục Hưng, khi mà con người có thể chết vì xuất huyết và truyền máu vẫn còn được coi là một cái gì đó quá điên rồ. Vào thập niên 1600, một bác sĩ người Pháp đã tiêm máu bê non vào cơ thể của một người điên. Hậu quả thì thật bi thảm: người đàn ông bắt đầu đổ mồ hôi, nôn mửa, tiểu ra nước màu đen, rồi qua đời chóng vánh sau đợt truyền máu kế tiếp.

Thí nghiệm đã gây tiếng xấu cho việc truyền máu trong suốt  hơn 150 năm. Đến tận năm 1817, bác sĩ người Anh – James Blundell không chịu đựng được việc bệnh nhân của mình xuất huyết đến chết trong kỳ sinh nở, ông đã quyết định sử dụng kỹ thuật truyền máu, ít ra thì bệnh nhân vẫn có cơ hội được sống thay vì ngồi yên nhìn họ ra đi.

Blundell cho rằng máu người mới truyền được cho người và quyết định dùng 400ml máu từ người hiến tặng truyền cho bệnh nhân qua hệ thống ống và kim tiêm. Bệnh nhân tuy cảm thấy khá hơn, nhưng vẫn tử vong sau 2 ngày. Ông tiếp tục tiến hành 10 thí nghiệm tương tự trong những năm tiếp theo, nhưng chỉ có 4 người sống sót.

Blundell đã đúng về việc máu người mới truyền được cho người, nhưng vẫn chưa đủ. Một người đơn giản chỉ có thể nhận máu từ một số người nhất định mà thôi.

3- Đến thành tựu Y học mang tính đột phá

Năm 1930, một bác sĩ người Áo Karl Landsteiner đã đạt giải Nobel Y học cho công trình tìm ra nhóm máu. Ông để ý rằng khi truyền máu, hồng cầu của hỗn hợp bắt đầu có hiện tượng ngưng kết, không chỉ ở máu người bệnh, mà khi trộn máu của người lành với nhau vẫn có trường hợp xảy ra hiện tượng đó.

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMauChân dung người tìm ra nhóm máu – Karl Landsteiner

Ông bắt đầu thu thập mẫu máu từ mọi người trong phòng thí nghiệm, sau đó tách mỗi mẫu ra 2 phần: hồng cầu và huyết thanh. Ông tiến hành trộn hồng cầu này với huyết thanh kia để quan sát hiện tượng ngưng kết.

Sau nhiều lần như vậy, ông đã chia các mẫu ra thành 3 nhóm: A, B và C (C chính là nhóm máu O bây giờ) và khám phá ra được một số quy luật nhất định: hồng cầu nhóm A khi trộn với huyết thanh nhóm A sẽ không bị ngưng kết, nhưng khi trộn với huyết thanh nhóm B, các tế bào sẽ bị vón cục lại.

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau 02

Hiện tượng này được khoa học hiện đại giải thích rằng, mỗi hồng cầu chứa kháng nguyên đặc biệt của nó. Ví dụ hồng cầu A có chứa kháng nguyên A, hồng cầu B có kháng nguyên B. Hồng cầu O không có kháng nguyên và hồng cầu AB có cả kháng nguyên A và B.

Nói nôm na, kháng nguyên khi lọt vào cơ thể khác sẽ kích thích hệ miễn dịch tạo ra kháng thể, điều này giải thích vì sao khi truyền máu không đúng loại, cơ thể sẽ tạo ra những phản ứng chống lại kháng nguyên (chính là nhóm máu được truyền vào), khiến cho bệnh nhân tử vong.

Máu A thì chứa kháng thể Anti B, máu B thì chứa kháng thể Anti A. Đặc biệt máu O có chứa cả kháng thể Anti A và cả Anti B, trong khi máu AB không chứa kháng thể.

Khi truyền máu, nếu như kháng nguyên A gặp kháng thể Anti A (ví dụ như máu A truyền cho máu B chẳng hạn) sẽ gây hiện tượng ngưng kết và bệnh nhân sẽ tử vong.

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau 03Hiện tượng ngưng kết xảy ra khi kháng nguyên A gặp kháng thể Anti A

4- Biết được nhóm máu để làm gì?

Nghiên cứu của Landsteiner đã mở ra cánh cửa mới cho y học về sự truyền máu an toàn, cứu sống hàng triệu người trên thế giới. Các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu và đưa ra một sơ đồ truyền máu cơ bản như sau:

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau 04

Ngoài ra, y học hiện đại cũng đã và đang nghiên cứu về mối quan hệ giữa nhóm máu với một số loại bệnh tật nhất định.

Kevin Kain từ trường ĐH Toronto và các đồng nghiệp đã nghiên cứu xem vì sao người thuộc nhóm máu O thường ít bị sốt rét hơn những người khác. Ông đã chỉ ra rằng tế bào miễn dịch dễ nhận ra hồng cầu bị bệnh nếu như đó là hồng cầu O.

Ngoài ra, chúng ta cũng giải thích được vì sao mà nhóm máu tồn tại được cả triệu năm. Mầm bệnh khi đã chọn được các nhóm máu phổ biến sẽ phát triển tốt nhờ lượng vật chủ dồi dào, nhưng dần dần sẽ tiêu diệt luôn vật chủ. Trong khi đó các nhóm máu hiếm hơn nhờ có cơ chế bảo vệ nên dần trở nên ưu thế và tồn tại qua thời gian.

Tóm lại, việc tìm ra nhóm máu là một phát hiện mang tính đột phá trong nền y học thế giới. Nó giúp chúng ta hiểu rõ hơn về cơ chế truyền máu, và từ đó mở ra những hướng nghiên cứu mới, tất cả đều vì mục tiêu nâng cao sức khỏe của con người.

5- Xác định huyết thống theo nhóm máu

Mặc dù phương pháp tính nhóm máu ABO có thể dự đoán được khả năng mối quan hệ huyết thống cha con nhưng độ chính xác rất thấp, do đó không được chấp nhận cho mục đích pháp lý.

6- Hệ thống nhóm máu ABO?

Đầu những năm 1900, dựa trên sự hiện diện của các kháng nguyên trên màng hồng cầu, các nhà khoa học đã xác định rằng con người có 4 nhóm máu khác nhau: O, A, B và AB. Hệ thống phân loại nhóm máu này (gọi là hệ thống nhóm máu ABO) cung cấp cho bác sĩ các thông tin quan trọng để lựa chọn nhóm máu phù hợp trong việc truyền máu.

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau 05

Các nhóm máu có thể di truyền cho thế hệ sau.

Từ năm 1920, các nhà khoa học nhận thấy rằng các nhóm máu có thể di truyền cho thế hệ sau. Các nhà khoa học nhận định rằng họ có thể tiên đoán được nhóm máu tương đối của người con dựa trên nhóm máu của cha mẹ. Ngược lại, nhóm máu của con và của người cha (hoặc mẹ) đã biết cũng được sử dụng để xác định nhóm máu tương đối của mẹ (hoặc cha) chưa biết. Nhờ vậy, các nhà khoa học thời đó đã sử dụng nhóm máu để xác minh cha hoặc mẹ của một đứa trẻ. Tuy nhiên, việc xác định huyết thống dựa trên sự di truyền của nhóm máu chỉ mang tính tương đối nên độ chính xác không cao.

7- Cơ sở khoa học

Các kiểu gene khác nhau tạo ra các nhóm máu khác nhau. Điều này được giải thích trong bảng sau đây:

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau 06Các kiểu gene khác nhau tạo ra các nhóm máu khác nhau.

8- Xác định huyết thống dựa trên hệ thống nhóm máu ABO

Chúng tôi thử đưa ra 2 trường hợp sau đây để minh họa cho cách xác định huyết thống dựa trên hệ thống nhóm máu ABO (giả định là không xảy ra đột biến):

Trường hợp 1: Biết được nhóm máu của Cha và Mẹ, từ đó suy ra nhóm máu của người con (bảng 1)

Bảng 1. Nhóm máu của người con khi biết được nhóm máu của cha và mẹ.

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau 07

Từ nhóm máu của cha mẹ có thể suy ra nhóm máu của con.

Ví dụ:

Bố và mẹ đều có nhóm máu O chỉ có thể sinh ra người con có nhóm máu O. Nếu người “Con” không có nhóm máu O thì đó không phải là CON của cặp bố mẹ này.

Nếu Bố nhóm máu A và Mẹ nhóm máu B thì nhóm máu của con có thể là: A, B, AB hoặc O. Trường hợp này thì nhóm máu hoàn toàn không có ý nghĩa trong xác định huyết thống.

Trường hợp 2: Biết được nhóm máu của Mẹ và Con, từ đó suy ra nhóm máu của người Cha (bảng 2)

Bảng 2. Nhóm máu của người Cha khi biết được nhóm máu của Mẹ và Con

LeAnh TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau 08

Nhìn vào bảng 2 ta thấy, chỉ có thể xác định tương đối nhóm máu của người Cha phải có.

Ví dụ:

Nếu Mẹ là B, Con là A thì người Cha là A hoặc AB.

Nếu Mẹ là AB, Con là A thì người cha sinh học có khả năng mang nhóm máu bất kỳ trong 4 nhóm máu. Điều này cho thấy nếu chỉ dựa trên nhóm máu, sẽ không có người đàn ông nào bị loại trừ khả năng là cha của đứa trẻ.

Đặc biệt, nếu Mẹ là AB thì Con không thể là O, nếu Mẹ là O thì con không thể là AB.

Như vậy, việc xác định huyết thống dựa vào nhóm máu chỉ mang tính chất tương đối, không mang tính khẳng định. Do đó, xét nghiệm nhóm máu không phải là công cụ hữu dụng trong phân tích xác định mối quan hệ huyết thống cha-con.

BS Lê Ánh
(9/2018)

Nguồn Tham Khảo:

1-https://kẽng.vn/tai-sao-phai-chia-ra-nhom-mau-va-cau-chuyen-lich-su-đay-bi-kich-20170502102738381.chn
2-https://vnreview.vn/tin-tuc-khoa-hoc-cong-nghe/view_content/content/1111336/hieu-dung-ve-nhom-mau-va-ng.
3-https://baomoi.com/tai-sao-ab-la-nhom-mau-hiem-nhat-the-gioi/c/22745850
4-https://news.zing.vn/tai-saoan-la-nhom-mau-hiem-nhat-the-gioi-post762759.html
5-https://thanhnien.vn/toa-soan-ban-doc/mau-rh-tai-sao-cuc-hiem-340108.html

Nguồn: http://www.ninh-hoa.com/LeAnh-TaiSaoPhaiChiaRaNhomMau.htm

* * *

KHÁM PHÁ Y HỌC MỚI

Các nhà khoa học chuyển hiệu quả máu nhóm A, B thành nhóm O, có thể truyền cho bất kỳ ai.

Chúng ta biết rằng con người có 4 nhóm máu: A, B, AB và O. Trong đó, nhóm O được coi là nguồn máu quý nhất vì nó có thể truyền cho cả 3 nhóm máu còn lại.

Mặc dù 40% dân số thế giới có nhóm máu O, nguồn cung máu vẫn bị thiếu hụt, đặc biệt là trong các hoạt động cứu nạn lớn xảy ra sau thiên tai hoặc chiến tranh.

Nhưng mới đây, một nhóm các nhà khoa học tại Đại học British Columbia (Canada) đã công bố một bước đột phá hứa hẹn sẽ giải quyết vấn đề này. Họ có thể khai thác vi khuẩn trong ruột người để chuyển máu thuộc các nhóm A, B thành máu nhóm O.

Về cơ bản, điều này sẽ giúp 2 người bất kỳ truyền được máu cho nhau mà không cần quan tâm đến nhóm máu của họ nữa.

Các nhà khoa học chuyển hiệu quả máu nhóm A và B thành nhóm O để có thể truyền cho bất kỳ ai

Nghiên cứu vừa được công bố gần đây tại Hội nghị Quốc Gia và triển lãm của Hiệp hội Hóa học Mỹ lần thứ 256 tại Boston, Massachussets USA. Trong đó, giáo sư Steve Withers đến từ Đại học British Columbia (Canada) cho biết một enzyme của vi khuẩn đường ruột có thể chuyển đổi máu nhóm A, B thành máu nhóm O.

Quá trình chuyển đổi này có hiệu suất gấp 30 lần so với phương pháp trước đây, đồng thời vẫn đảm bảo mức chi phí thấp.

Chúng ta biết các nhóm máu được đánh dấu bởi kháng nguyên gắn với nó. Máu nhóm A có kháng nguyên A, nhóm B có kháng nguyên B và nhóm AB có cả 2 kháng nguyên. Trong khi đó, máu nhóm O không có kháng nguyên nào.

Nguyên lý truyền máu là một người không thể nhận máu có kháng nguyên lạ vào cơ thể, bởi hệ thống miễn dịch sẽ tiêu diệt toàn bộ tế bào máu có kháng nguyên lạ, coi chúng như mầm bệnh.

Điều này có nghĩa là máu nhóm AB có cả 2 kháng nguyên sẽ nhận được tất cả các nhóm máu khác, nhưng không thể truyền lại cho bất kỳ nhóm máu nào ngoài AB. Ngược lại, nhóm máu O có thể truyền cho bất kể nhóm máu nào, nhưng chỉ có thể nhận lại từ người có nhóm máu O.

Lý tưởng nhất là chúng ta có thể loại bỏ tất cả các kháng nguyên gắn với tế bào máu, biến tất cả máu thành nhóm O để dự phòng. Điều này từng là mơ ước của các nhà khoa học suốt nhiều thập kỷ.

Năm 1982, một nhóm các nhà nghiên cứu tìm thấy một một enzyme trong hạt cà phê có thể loại bỏ kháng nguyên B và biến máu nhóm B thành máu nhóm O. Thật không may, nó chỉ hoạt động trong các điều kiện kiểm soát nghiêm ngặt và tỏ ra không hiệu quả.

Năm 2017, một nhóm các nhà khoa học khác cũng có thể tạo ra máu nhóm O bằng cách đưa gen ung thư vào tiền tế bào hồng cầu. Tuy nhiên, có vẻ như ý tưởng này không an toàn một chút nào, và chi phí cho kỹ thuật này cũng rất lớn.

Sự tương hợp của các nhóm máu hiện tại, nhưng nó có thể được xóa bỏ trong tương lai gần.

Các nhà khoa học khác đã theo đuổi ý tưởng chuyển đổi máu hiến tặng thành loại phổ biến nhất (nhóm O) trong một thời gian dài, nhưng họ vẫn chưa tìm thấy các enzyme có chọn lọc và hiệu quả, cũng như an toàn và có tính kinh tế“, giáo sư Withers cho biết.

Để tìm kiếm được các enzyme tiềm năng hơn, ông và nhóm của mình đã sử dụng một kỹ thuật gọi là metagenomic.

Với metagenomic, bạn phải thu thập tất cả các sinh vật và trích xuất tất cả DNA của chúng trộn vào với nhau“, giáo sư Withers giải thích. “Việc tạo ra một mạng lưới rộng cho phép chúng tôi lấy mẫu các gen của hàng triệu vi sinh vật mà không cần phải nuôi chúng [hàng triệu lần] riêng lẻ“.

Sau đó, giáo sư Withers tìm kiếm các gen mã hóa cho enzyme có thể tách các kháng nguyên A và B khỏi máu. Dò ngược lại một trong số các enzyme này, ông phát hiện nó có trong các vi khuẩn đường ruột của chúng ta.

Enzyme này có thể loại bỏ kháng nguyên A và B khỏi máu hiệu quả gấp 30 so với các báo cáo trước đây. Nó sẽ biến tất cả các nhóm máu A, B thành máu nhóm O. “Kỹ thuật này có thể phá bỏ biên giới của các nguồn cung máu hiện nay, vì máu nhóm O có thể được truyền cho bất kỳ ai“, giáo sư Withers nói.

Bây giờ, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục kiểm tra quá trình chuyển đổi máu của mình, để đảm bảo không có hậu quả ngoài ý muốn nào xảy ra. Họ cũng cần phải hướng đến thử nghiệm lâm sàng, trước khi chúng ta có thể vô tư truyền máu cho nhau mà không cần nghĩ ngợi, ít nhất là về sự tương hợp của các nhóm máu.

Bác sĩ LÊ ÁNH
(11/2018)

Tham khảo Sci-news, Thenextweb

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*