Sống Tỉnh Thức Với Thiền Sư Thích Nhất Hạnh

Trong cuốn “Không Diệt, Không Sinh, Đừng Sợ Hãi” (dịch tiếng Anh: No Death, No Fear), Thiền sư Nhất Hạnh nói rằng sống và chết chỉ là những ý niệm không có thật. Biết như vậy thì mình không còn sợ cái chết nữa. Các đệ tử của ông đang cần suy ngẫm điều này sau khi nghe tin thầy qua đời.

Tháng Hai năm 2019, tuần báo Time ở Mỹ viết, “Vị sư dạy Thế giới về Sống Tỉnh Thức đang chờ ngày chấm dứt cuộc đời” nhận xét rằng: “Nhất Hạnh được nhiều người Tây phương gọi là cha đẻ của mindfulness. Ông dạy rằng ai cũng có thể là những vị bồ tát, bằng cách sống hạnh phúc trong những công việc tầm thường – như khi gọt một trái cam hay nhấp một hớp trà, một cách tỉnh thức.”

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh không phải chỉ đóng góp vào việc phổ biến phương pháp “Sống Tỉnh Thức.” Ông đã nối kết các tư tưởng sâu xa trong kinh điển đạo Phật Bắc Tông (thường gọi là Đại Thừa) với những các phương pháp hành trì được Nam Tông chú trọng, như Thiền hành và Thiền Minh Sát, Vipassana.

Đây là một truyền thống của Phật Giáo Việt Nam, từ nhiều đời. Thích Nhất Hạnh cho thế giới nhìn thấy và công nhận có một nền Phật Giáo Việt Nam mà ông là người tiêu biểu, bên cạnh các truyền thống Phật Giáo Ấn Độ, Trung Hoa, Nhật Bản, Tây Tạng, Miến Điện, Thái Lan, vân vân, đã được truyền bá rộng từ trước.

Nước Việt Nam là nơi Phật giáo Nam Tông và Bắc tông đều có mặt. Một kinh căn bản được Phật giáo Nam Tông hành trì là Anapana đã được Thiền sư Khương Tăng Hội ở Giao Châu dịch thành An Bang Thủ Ý từ thế kỷ thứ ba. Thiền sư Thích Nhất Hạnh thường khuyên nọi người thực tập “thiền hành,” một phương pháp mà các vị tăng sĩ Thái Lan, Miến Điện, Campuchia thực tập mỗi ngày.

Đối với giới truyền thông Tây phương thì nói đến Thích Nhất Hạnh là họ nghĩ tới “mindfulness,” và ngược lại. Ngày nay, mindfulness đã thành một phong trào, từ sinh hoạt tâm linh, văn hóa, xã hội, đến cả trong kinh doanh và quân sự!

Đầu tháng Tư, 2019, nhật báo New York Times loan tin quân đội Mỹ cũng tập mindfulness. Tướng Walter Piatt, chỉ huy quân Mỹ ở Iraq mỗi buổi sáng ngồi thở chậm và đều, bắp thịt cằm thả lỏng và mắt chăm chú nhìn vào một cây dừa. Ông cho thuộc cấp tập “quán niệm” để cải thiện khả năng chú ý và ngăn ngừa bệnh tâm thần do căng thẳng gây ra vì chiến trận. Ông đã đọc kết quả các cuộc nghiên cứu của bà Amishi Jha, một giáo sư tâm lý học ở Đại học Miami.

Hải quân Hoàng Gia Anh, quân đội các nước Hòa Lan và New Zealand cũng đang áp dụng mindfulness trong chương trình huấn luyện. Trong tuần đầu tháng Tư, khối NATO có một cuộc hội thảo về phương pháp mindfulness ở Berlin.

Cứ 10 người Mỹ thì có 6 người đã thử tập Mindfulness. Các công ty Google, Apple, General Mills, Goldman Sachs và Aetna đang cho nhân viên thực tập. Năm 2012 có $260 triệu đô la “đầu tư” vào Mindfulness. “Công nghệ quán niệm” mỗi năm thu nhập $1.2 tỷ đô la.

Từ năm 2006, Công ty General Mills ở Golden Valley, Minnesota, bắt đầu có những buổi ngồi thiền nửa giờ vào buổi sáng, nghe chuông và theo dõi hơi thở. Công ty bán lẻ Target, tại trụ sở ở Minneapolis, có những buổi tập quán niệm hàng tuần. Ông tổng giám đốc trông thấy một nhân viên vừa đi vừa ngó vào iPhone, cũng nói đùa, “Này, đi đứng cho mindfully nhé!”

Một phần tư trong số 50,000 nhân viên của Aetna đã tập quán niệm ít nhất một lần. Và hãng bảo hiểm y tế này nói họ thấy hiệu quả. Họ tính ra thành các con số và tiền: Những người tu tập thấy giảm bớt trạng thái căng thẳng (stress) được 28 phần trăm, 20% ngủ ngon hơn, và 19% bớt đau nhức. Nhờ thế năng suất làm việc tăng lên, trung bình mỗi người một tuần làm việc thêm 62 phút. Tính ra, mang lại thêm $3,000 đô la một năm!

Tại Thung Lũng Điện Tử, California, Công ty Intel bắt đầu chương trình Awake@Intel từ năm 2012. Google có người đặc biệt phụ trách chương trình dạy quán niệm, tại trụ sở có những phòng cho nhân viên vào ngồi thiền bất cứ giờ nào. Năm 2013 Google đã mời Hòa thượng Thích Nhất Hạnh, cùng hơn 100 tăng ni Làng Mai từ Pháp qua đến giảng và dạy thực tập. Ông nói với họ: “Chúng ta đang bị tràn ngập thông tin. Có lẽ mình không cần nhiều thông tin như thế!”

Mindfulness được điện tử hóa với hàng ngàn “apps” để tập quán niệm qua computer. Công ty Headspace sản xuất một app trong số này, đã được cài trên máy bay của tám công ty hàng không, cho hành khách tập thiền. Headspace đang thiết kế những “phòng thư giãn cá nhân,” giống như phòng điện thoại công cộng đời xưa, để ai muốn thì ghé vào đó thiền quán trong chốc lát.

Thiền sư Thích Nhất Hạnh đã được mời nói chuyện về quán niệm với các nhân viên và một số đại biểu quốc hội Mỹ. Ở Mỹ, ông đã hướng dẫn các khóa tu cho cảnh sát viên, cho nhân viên coi nhà tù, có người sau đó đã tu tập trở thành giáo thọ. Tu viện Làng Mai ở Pháp đã làm mẫu cho các tu viện khác ở Bắc Mỹ và Âu châu. Tại nước Mỹ có các tu viện Bích Nham (New York), Lộc Uyển (California), Mộc Lan (Mississippi).

Đạo Phât và việc hành trì thiền quán đã được truyền sang Mỹ và các nước Tây phương từ nhiều thế kỷ. Đại sư Vivekananda đã đi giảng tại Mỹ và Anh trong những năm 1894 đến 1896. Ông nói, “Tôi mang tới Phương Tây bản thông điệp mà Đức Phật đã tặng cho người Phương Đông.” Trong thế kỷ 20, Jiddu Krishnamurti cũng từ Ấn Độ đã qua Mỹ dạy thiền quán mà không cần gọi đó là Phật Giáo. Thiền sư Shunryu Suzuki từ Nhật Bản đem theo truyền thống “Zen” phái Tào Động, lập ra thiền viện lớn đầu tiên trên đất Mỹ. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã khai thị đạo Phật Tây Tạng cho hàng triệu người tập sống Từ bi và Trí tuệ.

Nhưng Thiền sư Thích Nhất Hạnh ảnh hưởng rộng nhất vì ông dạy các điều giản dị, cụ thể, ai cũng có thể làm, ngay trong đời sống bình thường. Thiền, Zen, không còn là một bí quyết dành cho các tu viện. Ai cũng có thể thực tập. Nhiều người đã thấy là chính họ chuyển hóa; không những bản thân mình hạnh phúc hơn mà còn sống với người chung quanh hòa hợp hơn.

Người sáng lập công ty Salesforce là Marc Benioff (tài sản $10 tỷ mỹ kim), đi dự một khóa tu của Thích Nhất Hạnh, thấy chính mình thay đổi. Ông mời hòa thượng, hoặc các tăng ni Làng Mai đến dạy nhân viên về Hiểu và Thương (Từ Bi, Trí Tuệ) nhiều lần. Năm 2015 ông gửi máy bay riêng đưa hòa thượng từ Pháp qua San Francisco trị bệnh; nhường một ngôi nhà của ông cho các tăng ni tạm trú cả năm trời.

Trong cuốn sách đầu tiên gây ảnh hưởng trong giới tập thiền Tây Phương, Thích Nhất Hạnh kể lại kinh nghiệm tu tập của mình khi vào chùa Từ Hiếu. Mỗi khi làm bất cứ việc gì, chú tiểu đều đọc mấy câu thơ ngắn. Đó là những bài “kệ” nhắc nhở người sa di ý thức mình đang làm gì và chỉ chú tâm vào cử chỉ, hành động mình đang làm mà thôi. Nhờ thế, tâm an lạc, gọi là có chánh niệm, Thích Nhất Hạnh nói giản dị, là “sống trong giây phút hiện tại.” Cuốn “Phép Lạ Của Sự Tỉnh Thức” viết từ thời 1960, nay đã được dịch ra bốn, năm chục thứ tiếng, bản tiếng Anh là Zen Key.

Theo đúng truyền thống Bắc Tông, ông đã nhấn mạnh rằng tập sống quán niệm không chỉ nhắm tìm hạnh phúc riêng cho mỗi người. Phải tập sống an lạc với những người chung quanh, từ gia đình tới những người cộng sự, với xã hội và với cả trái đất đang nuôi dưỡng mình.

Thích Nhất Hạnh vốn là một thi sĩ, nhà văn và một thầy giáo. Ông sử dụng thứ ngôn ngữ truyền đạt dễ dàng, nhanh chóng. Ông chia sẻ những rung động, xao xuyến, âu lo của con người bình thường, nên những lời ông nói đi thẳng vào tâm hồn họ. Như khi ông nói, “Đức Phật là một người giác ngộ, yêu thương và tha thứ. Có nhiều lúc các bạn cũng thấy lòng mình như vậy. Thế thì, hãy vui sống lúc mình là Phật đi.”

Những người tập mindfulness không nhất thiết phải theo đạo Phật. Như Vivekananda nói ở Mỹ hơn 100 năm trước, “Tôi tới đây không phải để mời các bạn theo một tín ngưỡng mới. Tôi mong quý bạn giữ tín ngưỡng của mình. Một người theo Methodist sẽ thành một người Methodist tốt hơn; một người Presbyterian thành người Presbyterian tốt hơn …” Thích Nhất Hạnh luôn luôn khuyên người phương Tây không nên bỏ đạo. Cho nên trong các khóa tu ở Làng Mai bên Pháp, có các mục sư, có linh mục, cả người Hồi Giáo và Do Thái Giáo đến tham dự.

Vivekananda và Thích Nhất Hạnh đều theo đúng truyền thống Phật giáo. Đức Phật cống hiến một cách sống, chứ không có ý lập ra một tôn giáo mới. Người tu tập theo Đức Phật có thể chia sẻ kinh nghiệm tâm linh với tín đồ các tôn giáo khác. Cuốn “Living Buddha, Living Christ” của Thích Nhất Hạnh xuất bản trước đây 20 năm đã được hàng triệu người mua trong mấy năm đầu.

Trở về Việt Nam sống những ngày cuối cùng Thiền sư Thích Nhất Hạnh có thể giúp Phật giáo ỏ quê hương mình tìm đường trở về nguồn. Cách sống trong Làng Mai đưa người Việt trở về gần với Phật giáo dân tộc hơn. Như một ni cô kể, “Tại Làng Mai, chúng tôi cười đùa vui vẻ suốt cả ngày, nhưng không một ai trong chúng tôi có tài khoản ngân hàng thuộc sở hữu cá nhân. Không ai trong chúng tôi có xe hơi hoặc điện thoại riêng…” Chắc ai cũng mong muốn được sống hạnh phúc giản dị như thế, dù ít người làm được!

Ngô Nhân Dụng
Theo VOA tiếng Việt ngày 22/1/2022

Be the first to comment

Leave a Reply

Your email address will not be published.


*