Dù sống ở hải ngoại nhưng làng báo Việt ngữ vẫn duy trì truyền thống đặc biệt với báo Xuân. Dù có mê tín hay không, báo Xuân cũng đáp ứng với thị hiếu của độc giả về tử vi và phong thủy trong năm đó ảnh hưởng thế nào trong cuộc sống.
Bước vào năm Nhâm Dần 2020, lạm bàn về Tử Vi, Phong Thủy vì sự ảnh hưởng giữa tuổi và năm không cố định mà thay đổi theo từng thời điểm mỗi năm.
Mỗi năm, GS Phạm Kế Viêm ở bên Pháp đều phổ biến Tử Vi Phong Thủy (file PDF) với công trình biên soạn rất công phu. Tháng 10/2020, nhận được Tử Vi Phong Thủy năm Nhâm Dần của GS Phạm Kế Viêm qua hiền đệ của ông (Phạm Quang Chiêu ở Little Saigon, bạn thân) nên trích đăng phần dẫn nhập để so sánh tổng quát giữa tuổi và năm hạn.
Theo âm lịch (Tính từ Tết Nhâm Dần 2022, nhằm ngày Thứ Ba 01/2/2022 đến hết ngày Giao Thừa nhằm ngày Thứ Bảy 21/2/2023). Phần dẫn nhập của GS Phạm Kế Viêm cô đọng nên dẫn giải thêm cho dễ hiểu và đề cập đến tuổi Dần liên quan đến Phong Thủy.
Nhâm Dần với Nạp Âm (Kim Bạch Kim = Vàng Bạch Kim) do Can Nhâm (Thủy) ghép với Chi Dần (Mộc). Chi Dần tượng trưng Con Hổ (Cọp) – có 2 phái: Phái lấy màu của Nạp Âm đặt tên cho con vật, phái kia lấy màu của hàng Can. Năm nay, Can Nhâm thuộc Hành Thủy màu đen, xám: hổ xám. Nạp Âm hành Kim (vàng, bạc, bạch kim, các kim loại tượng trưng cho màu vàng, trắng ngà: bạch hổ hay cọp vằn (màu vàng). Tất cả các Hành của 60 lứa tuổi (thường gọi là Mạng hay Mệnh) trong bài đều tính theo Nạp Âm (tức là Hành hay Mạng của tuổi).
Tết Nhâm Dần 2022: ngày Thứ Ba 1/2/2022 nhằm ngày Ất Dậu hành Thủy – Sao Chủy, Trực Thành, giờ đầu Bính Tý (Thủy).
– Giờ Tốt (Tý, Sửu, Thìn, Tỵ, Thân, Dậu).
– Xuất Hành: Hỷ Thần (Đông Bắc), Tài Thần (Tây Bắc).
– Nên: họp mặt, nhậm chức, cúng tế, mai táng, đính hôn, ăn hỏi, cưới gả, khai trương, thu nhận người, ký kết, mở kho, xuất hàng, tu tạo, xây cất, động thổ.
– Kỵ Tuổi: Canh Thân, Tân Dậu, Bính Thân, Đinh Dậu.
Dần 2022 hành Kim, nếu gặp các tuổi mạng Mộc thì cho là khắc nhập (rất xấu), nếu lại thêm là tuổi Canh Thân (đối xung) thì càng khuyên nên thận trọng! Với các tuổi mạng Hỏa thì khắc xuất (nhẹ hơn). Thực ra khi so tuổi hay xem năm hạn (kể cả tháng, ngày, giờ) hợp hay khắc, một cách tổng quát, ta phải xét đủ 3 yếu tố: Can (yếu tố thiên thời ứng với thời điểm đầu hay tiền vận), Chi (yếu tố địa lợi ứng với thời điểm trung vận) và Nạp Âm (yếu tố nhân hòa ứng với thời điểm cuối hay hậu vận).
Như năm nay Nhâm Dần (Nạp Âm: Kim, Can Nhâm: Thủy và Chi Dần: Mộc). Dần tam hợp với Ngọ, Tuất ở Thế Hỏa (Dần, Ngọ, Tuất). Thế Hỏa sinh xuất với Thế Mộc (Hợi, Mão, Mùi), khắc xuất với Thế Thủy (Thân, Tý, Thìn), khắc nhập với Thế Kim (Tỵ Dậu Sửu):
– Về Can Nhâm (Thủy) sinh nhập với Can Giáp, Ất (Mộc), khắc nhập với Can Bính, Đinh (Hỏa), sinh xuất với Can Canh, Tân (Kim), khắc xuất với Can Mậu, Kỷ (Thổ), cùng hành với Can Qúy. Sinh nhập tốt hơn sinh xuất và khắc nhập đáng ngại hơn khắc xuất! Tuy nhiên sinh khắc cũng chỉ có ảnh hưởng một cách tương đối:
Về Tương Khắc như Hỏa khắc nhập Kim: vàng ít gặp lửa mạnh dễ chảy thành nước – nhưng đôi khi nhờ lửa mà vàng trở thành đồ trang sức đắc dụng!. Kim khắc nhập Mộc: dao sắc chém đứt gỗ, nhưng dao nhỏ gặp cây cổ thụ thì dao cũng bị gẫy hay mẻ!.
Về Tương Sinh: Thủy sinh nhập Mộc – nước ít còn tốt cho cây cối, nhưng lụt lội qúa nhiều nước cây cối cũng bị ung thối!.
– Về Chi Dần (Mộc) sinh nhập với Chi Tỵ, Ngọ (Hỏa), sinh xuất với Chi Tý, Hợi (Thủy), khắc nhập với Chi Thìn, Tuất, Sửu, Mùi (Thổ), khắc xuất với Chi Thân, Dậu (Kim), cùng hành với Chi Mão (Mộc).
Người xưa thường gọi 3 Bộ Tứ (Tý – Ngọ – Mão – Dậu), (Dần – Thân – Tỵ – Hợi), (Thìn -Tuất – Sửu – Mùi) là Tứ Hành Xung:
Thí Dụ I: như Hợi xung với (Dần, Tỵ, Thân), nhưng thực ra Hợi chỉ đối xung với Tỵ (Thủy khắc Hỏa), với Dần (+ Nhị hợp và Thủy sinh nhập Mộc) và với Thân (+Nhị phá và Kim sinh nhập Thủy) chữ xung với Dần, Thân phải hiểu xung nằm trong Bộ Tứ cho dễ gọi chứ không có nghĩa xung là khắc nhau nhiều người đã thắc mắc! Như năm nay Thân (Kim) với Dần (Mộc) vừa đối xung vừa khắc nhập!
Thí Dụ II: như Tý xung với (Ngọ, Mão Dậu): chữ xung dùng là chỉ nằm trong Bộ Tứ Hành xung – thực ra Tý chỉ đối xung với Ngọ: vừa đối xung, vừa khắc nhập – không xung với Mão (Mộc): vì Tý (Thủy) sinh nhập Mão (Mộc) lại ở Thế Thủy sinh nhập Thế Mộc cũng như Tý không xung (theo nghĩa đen) với Dậu (Kim) vì Tý tương hợp Ngũ Hành với Dậu và Thế Thủy của Tý và Thế Kim của Dậu cũng tương hợp Ngũ Hành. Chữ xung với hàm ý xấu chỉ dùng cho cặp (Tý và Ngọ); cặp (Dậu và Mão) ở Bộ Tứ (Tý – Ngọ – Mão – Dậu); cũng như 2 cặp (Tỵ, Hợi) và cặp (Dần Thân) ở Bộ Tứ (Dần – Thân – Tỵ – Hợi). Bộ Tứ (Thìn – Tuất – Sửu – Mùi): 4 cung đều là hành Thổ chỉ xung ở vị trí đối nghịch, cung (Dương Âm) và Thế – chữ xung ở bộ này có ý nghĩa hẹp! Cần phân biệt ý nghĩa chữ xung ở bộ Tứ (Tứ Hành Xung).
– Về Nạp Âm (Kim) của Nhâm Dần sinh xuất với các tuổi có Nạp Âm hành Thổ (Canh Tý, Mậu Dần, Kỷ Mão, Bính Thìn, Đinh Tỵ, Canh Ngọ, Tân Mùi, Mậu Thân, Kỷ Dậu, Bính Tuất, Đinh Hợi, cùng hành với các Tuổi có Nạp Âm hành Kim (Giáp Tý, Ất Sửu, Nhâm Dần, Qúy Mão, Canh Thìn, Tân Tỵ, Giáp Ngọ, Ất Mùi, Nhâm Thân, Qúy Dậu, Canh Tuất, Tân Hợi), khắc xuất với các Tuổi có Nạp Âm hành Hỏa (Mậu Tý, Kỷ Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Giáp Thìn, Ất Tỵ, Mậu Ngọ, Kỷ Mùi, Bính Thân, Đinh Dậu, Giáp Tuất, Ất Hợi), sinh nhập với các Tuổi có Nạp Âm hành Thủy (Bính Tý, Đinh Sửu, Giáp Dần, Ất Mão, Nhâm Thìn, Qúy Tỵ, Bính Ngọ, Đinh Mùi, Giáp Thân, Ất Dậu, Nhâm Tuất, Qúy Hợi), khắc nhập với các Tuổi có Nạp Âm hành Mộc (Nhâm Tý, Qúy Sửu, Canh Dần, Tân Mão, Mậu Thìn, Kỷ Tỵ, Nhâm Ngọ, Qúy Mùi, Canh Thân, Tân Dậu và Mậu Tuất, Kỷ Hợi.).
Muốn biết một cách tổng quát vận hạn năm Nhâm Dần 2022, dù Dần tam hợp với Ngọ, Tuất, nhưng ta cũng cần xem thêm tuổi của mình với 3 yếu tố Can, Chi và Nạp Âm có tương hợp Ngũ Hành (cùng hành hay sinh “nhập: tốt nhiều, xuất: tốt ít”, khắc “nhập: nặng hay xuất: nhẹ”) với 3 yếu tố nói trên của Năm Nhâm Dần có nằm trong Năm Tuổi (đó là 5 Tuổi Dần: Giáp Dần, Bính Dần, Mậu Dần, Canh Dần và Nhâm Dần, Hạn Tam Tai, La Hầu, Kế Đô và Thái Bạch không? Chi tiết hơn nữa trong Lá Số Tử Vi với Tiểu Vận (1 năm) và Đại Vận (10 năm) có hội tụ nhiều Hung Sát Tinh (Kình Đà, Linh Hỏa, Không Kiếp, Thiên Hình…) không? Nếu trùng phùng nhiều Sao xấu và vướng 1 trong những Hạn nói trên trong các Cung quan trọng “Mệnh, Thân, Quan Lộc, Tài Bạch, Tật Ách” thì về mặt xác suất: dễ có nhiều điều bất lợi sẽ xảy ra trong năm nay!!
– Hạn Tam Tai ở năm Nhâm Dần 2022 là Hạn của 3 lứa tuổi (Thân, Tý, Thìn). Trong Hạn Cửu Diệu có 3 Sao đáng ngại là La Hầu (Mộc), Kế Đô, Thái Bạch đều là hành Kim, tính từ ngày, tháng sinh năm Hạn đến ngày tháng sinh năm sau – nếu người nào sinh vào đầu năm, Hạn thường tác động toàn Hạn vào năm Nhâm Dần 2022 – nếu sinh cuối năm (từ tháng 8 trở đi tính theo Âm Lịch) Hạn có thể lấn thêm vào năm sau.
Theo kinh nghiệm từ ngàn xưa của cổ nhân thường có những câu sau: Nam La Hầu, Nữ Kế Đô để báo động cho đàn ông (với mọi lứa tuổi) gặp Hạn La Hầu thì nguy hiểm, cũng như vậy với Hạn Kế Đô cho đàn bà!
Ông bà ta đã nói “đức năng thắng số” vì vậy nếu sống với tâm hồn nhân bản, lương thiện… về mặt pháp lý sẽ không gặp rắc rối và về đời sống thì được an thân tự tại.
* Tương Sinh & Tương Khắc
* Tương Sinh
Thuyết ngũ hành bao gồm những quy luật, mối quan hệ tương sinh, tương khắc. Tương sinh nghĩa là cùng thúc đẩy, hỗ trợ nhau để sinh trưởng, phát triển.
Nguyên lý của quy luật tương sinh đó là: Mộc sinh Hỏa; Hỏa sinh Thổ; Thổ sinh Kim; Kim sinh Thủy; Thủy sinh Mộc. Ngũ hành bao gồm 5 yếu tố: Kim (kim loại), Mộc (cây), Thủy (nước), Hỏa (lửa) và Thổ (đất) trong môi trường tự nhiên. Mỗi người sinh ra đều gắn với mỗi mệnh trong ngũ hành.
Với 12 địa chi (Tý, Sửu, Dần, Mão, Thìn, Tỵ, Ngọ, Mùi, Thân, Dậu, Tuất, Hợi), có tổng cộng 4 mối liên quan Tam Hợp như sau:
– Dần, Ngọ, Tuất.
– Hợi, Mão, Mùi.
– Thân, Tý, Thìn.
– Tỵ, Dậu, Sửu.
Ghi chú: Với 4 nhóm Tam Hợp ở trên chỉ phù hợp cho phái nam.
Với phái nữ:
Tý hợp Sửu. Dần hợp Hợi. Mẹo hợp Tuất. Thìn hợp Dậu. Tỵ hợp Thân. Ngọ hợp Mùi.
Thiên Can bao gồm 10 Can: Giáp, Ất, Bính, Đinh, Mậu, Kỷ, Canh, Tân, Nhâm, Quý. Mỗi Can đứng trước tuổi (Tý… Dần) theo chu kỳ có 60 năm rồi lặp lại.
Trong Thiên Can có 5 Can âm (Ất, Đinh, Kỷ, Tân, Quý) và 5 Can dương (Giáp, Bính, Mậu, Canh, Nhâm).
Về Phong Thủy:
Mệnh Mộc hợp với hướng Đông, Nam & Đông Nam
Mệnh Kim hợp với hướng Tây, Tây Bắc, Đông Bắc & Tây Nam
Mệnh Thủy thuận theo hướng Đông Nam, Bắc & Tây Bắc
Mệnh Hỏa phù hợp nhất hướng chính Nam
Mệnh Thổ hợp hướng Đông Bắc & Tây Nam.
Người mang mệnh Mộc
Tuổi và năm sinh của những người mang mệnh Mộc: Tuổi Mậu Tuất (1958), Kỷ Hợi (1959), Nhâm Tý (1972), Quý Sửu (1973), Canh Thân (1980), Tân Dậu (1981), Mậu Thìn (1988), Kỷ Tỵ (1989), Nhâm Ngọ (2002), Quý Mùi (2003).
Người mang mệnh Hỏa
Tuổi và năm sinh của người mang mệnh Hỏa: Bính Thân (1956), Đinh Dậu (1957), Giáp Thìn (1964), Ất Tỵ (1965), Mậu Ngọ (1978), Kỷ Mùi (1979), Bính Dần (1986), Đinh Mão (1987), Giáp Tuất (1994), Ất Hợi (1995).
Người mệnh Thổ
Tuổi và năm sinh của người mang mệnh Thổ: Canh Tý (1960), Tân Sửu (1961), Mậu Thân (1968), Kỷ Dậu (1969), Bính Thìn (1976), Đinh Tỵ (1977), Canh Ngọ (1990), Tân Mùi (1991), Mậu Dần (1998), Kỷ Mão (1999).
Tính cách của người mang mệnh Thổ
Người mang mệnh Kim
Tuổi và năm sinh của người mang mệnh Kim: Nhâm Dần (1962), Quý Mão (1963), Canh Tuất (1970), Tân Hợi (1971), Giáp Tý (1984), Ất Sửu (1985), Nhâm Thân (1992), Quý Dậu (1993), Canh Thìn (2000), Tân Tỵ (2001).
Người mang mệnh Thủy
Tuổi và năm sinh của người mang mệnh Thủy: Bính Ngọ (1966), Đình Mùi (1967), Giáp Dần (1974), Ất Mão (1975), Nhâm Tuất (1982), Quý Hợi (1983), Bính Tý (1996), Đinh Sửu (1997), Giáp Thân (2004), Ất Dậu (2005).
* Tương Khắc
Tương khắc là sự áp chế, đối chọi, không được đồng thuận. Chẳng hạn khắc khẩu mà hay tranh cãi như “chó với mèo” nhưng tương khắc có tác dụng duy trì sự cân bằng nhưng nếu quá thái sẽ dễ gây bất hòa, đổ vỡ… Vì vậy khi hai tuổi tương khắc, mạng tương khắc thì cần phải bình tâm, trầm tĩnh, nhường nhịn đó là phương pháp “hóa giải” tốt nhất. Ông bà ta thường nói “Một câu nhịn là chín câu lành”.
Tứ Hành Xung
Trong số 12 con giáp, có 3 nhóm con giáp xung khắc với nhau, mỗi nhóm gồm có 4 con giáp như sau cả nam và nữ:
Nhóm 1: Tý, Ngọ, Mão, Dậu:
Mão ứng với hành Mộc, Dậu ứng với hành Kim, Tý ứng với hành Thủy, Ngọ ứng với hành Hỏa. Vậy nên, kết hợp với ngũ hành thì Tý và Ngọ khắc kỵ, Mão và Dậu khắc kỵ. Nhưng Tý và Mão hay Dậu chỉ xung nhau chứ không khắc mạnh. Ngọ với Mão hay Dậu cũng xung nhau chứ không khắc chế.
Nhóm 2: Thìn, Tuất, Sửu, Mùi:
Thìn khắc kỵ Tuất. Sửu khắc kỵ Mùi. Còn Thìn chỉ xung với Sửu, Mùi. Tuất chỉ xung với Sửu và Mùi.
Nhóm 3: Dần, Thân, Tỵ, Hợi:
Trong bốn con giáp, Dần ứng với hành Mộc; Thân ứng với hành Kim, Hợi ứng với hành Thủy và Tỵ ứng với hành Hỏa. Theo ngũ hành thì Dần khắc kỵ Thân. Tỵ khắc kỵ Hợi.
Tứ Hành Xung
Dần – Thân – Tỵ – Hợi
Thìn – Tuất – Sửu – Mùi
Dậu – Mão – Tý – Ngọ
Tuy nhiên, trong Tứ Hành Xung chỉ xung theo cặp, tức trong cùng một nhóm thì không phải tất cả các tuổi đều xung khắc với nhau.
Ví dụ: Nhóm 1: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, cặp Tý Ngọ xung khắc với nhau, cặp Mão Dậu xung khắc với nhau, nhưng Tý Dậu lại không xung khắc với nhau…
Như vậy, Tứ Hành Xung tuổi Dần gồm những tuổi Dần, Thân, Tỵ, Hợi. Trong đó, tuổi Dần và Thân khắc kỵ, còn Dần với Tỵ chỉ xung nhau chứ không khắc kỵ, Dần và Hợi thuộc Lục Hợp.
Năm Nhâm Dần (2022) nên bàn thêm về tuổi nầy đôi chút.
Người tuổi Dần là thuộc con giáp thứ ba trong tử vi phương đông. Người tuổi Dần phức tạp và khó đoán nhất trong 12 con giáp. Họ là nhiệt tình, tốt bụng, hào phóng và vui nhộn. Họ cũng có thể là người độc lập, bốc đồng, vô ích, và đôi khi ích kỷ. Họ giỏi giao tiếp với tất cả mọi người nhưng lại vụng về với người thân. Họ hay nghi ngờ và thiếu kiên nhẫn. Tuy nhiên sẵn sàng chia sẻ tài sản của mình cho người thân hay những người gặp khó khăn mà không hề do dự.
Khi mới trưởng thành, tuổi Dần sẽ gặp phải nhiều khó khăn, gian khổ trong cuộc sống, Tuy nhiên, nếu kiên trì, quyết tâm vượt qua, họ sẽ đạt được thành công trong xã hội. Muốn vượt qua được khó khăn, người này cần phải bình tĩnh, suy nghĩ cẩn thận trước khi đưa ra quyết định và lắng nghe lời khuyên của mọi người.
Dù có khó khăn, gặp phải thất bại, tuổi Dần cũng sẽ nhanh chóng lấy lại tinh thần sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách, khó khăn để sinh tồn. Khi làm việc với những người tuổi này, phải lấy nhu thắng chương thì sự dễ dung hòa nhau và mau thành công.
Tuổi Dần vẻ bề ngoài mạnh mẽ, cứng cáp nhưng sâu trong nội tâm, họ lại là những người sống giàu tình cảm. Họ thật thà, chân thành với mọi người, và thích lời nhẹ nhàng, ngọt ngào. Người tuổi Dần có khuynh hướng đề cao bản thân nên họ tự quyết định hôn nhân của mình mà ít khi chịu lắng nghe ý kiến của người khác. Cuộc sống của họ sẽ chỉ hạnh phúc khi hai người biết cách nhẫn nhịn và có tinh thần xây dựng sẽ tạo dựng cuộc sống lâu dài.
Người xưa cho rằng người tuổi Dần thì đường tình thường không may ở tuổi trẻ nhưng nếu vượt qua thời gian sẽ thuận lợi, may mắn ở tuổi cao niên.
Theo quan niệm của người Việt ngày xưa, con gái tuổi Dần thường được cho là cao số, có cuộc sống lứa đôi long đong lận đận. Lấy chồng muộn sau tuổi ba mươi thì ít long đong hơn. Tuy nhiên, quan niệm đó ngày nay cũng lỗi thời vì nếu tính với một trong mười hai con giáp thì số người tuổi Dần với các tuổi khác đều ngang nhau. Chẳng hạn ở VN hiện nay với khoảng một trăm triệu dân, mỗi tuổi khoảng tám triệu (nam, nữ) liệu có bao nhiêu trường hợp rơi vào tình trạng nầy? Quan niệm bất hợp lý nầy đã làm tổn thương cho những người sinh vào năm Dần trong tình cảm lứa đôi.
Theo Phong Thủy thì Thủy (màu đen), Hỏa (màu đỏ), Mộc (màu xanh), Kim (màu trắng), Thổ (màu vàng).
Bảng đối chiếu tuổi Dần với Mạng, Màu Sắc và Hướng hợp (chỉ ghi 4 hướng chính tổng quát) với tuổi:
Bính Dần (1926): Hỏa – Màu Đỏ – Nam
Mậu Dần (1938): Thổ – Vàng – Tây + Đông
Canh Dần (1950): Mộc – Xanh – Đông
Nhâm Dần (1962): Kim – Trắng – Tây
Giáp Dần (1974): Thủy – Đen – Bắc
Bính Dần (1986): Hỏa – Đỏ – Nam
Mậu Dần (1998): Thủy – Đen – Bắc
Canh Dần (2010): Mộc – Xanh – Đen
Quý vị xem phần lý giải để nắm nguyên tắc cơ bản rồi xem trở lại phần dẫn nhập trên sẽ am hiểu rõ ràng hơn. Và cũng có thể xem ở những trang Tử Vi trong năm khác để biết vận hạn của bản thân trong năm.
* Cách tính tuổi âm lịch:
Ví dụ: Sinh năm 1974. Lấy tuổi dương lịch + thêm 1. Lấy năm 2022 – 1974 = 48+1 = 49 tuổi âm lịch.
* Cách tính Can Chi:
Cách tính Can Chi đổi tuổi dương lịch sang âm lịch có 2 cách (phương thức): Phương Thức A gọn và dễ hiểu, Phương Thức B hơi cầu kỳ nhưng đề cập cả hai để so sánh và tùy theo mỗi người áp dụng theo thói quen.
Phương Thức A:
Cách tính hàng Can theo thứ tự (1) Giáp, (2) Ất, (3) Bính, (4) Đinh, (5) Mậu, (6) Kỷ, (7) Canh, (8) Tân, (9) Nhâm, (10) Quý
Cách tính hàng Chi theo thứ tự: (1) Tý, (2) Sửu, (3) Dần, (4) Mẹo, (5) Thìn, (6) Tỵ, (7) Ngọ, (8) Mùi), (9) Thân), (10) Dậu, (11) Tuất, (12) Hợi.
Ví dụ: Sinh năm 1945. Lấy số 1945-3 = 1942. Số 2 là Ất.
Lấy số 1942/12 = 161 dư 10. Số dư 10 là Dậu. Vậy sinh năm 1945 là Ất Dậu.
Ví dụ: Sinh năm 1985. Lấy số 1985-3 = 1982. Số 2 là Ất
Lấy số 1982/12 = 165 dư 2. Số dư 2 là Sửu. Vậy sinh năm 1985 là Ất Sửu.
Ví dụ: Sinh năm 2000. Lấy số 2000-3= 1997. Số 7 là Canh
Lấy số 1997/12 = 166 dư 5. Con số 5 là Thìn. Vậy sinh năm 2000 là Canh Thìn.
Phương Thức B:
Cách tính hàng Can: Lấy số cuối của năm sinh dương lịch đối chiếu với Thiên Can theo quy ước: 0 = Canh; 1 = Tân; 2 = Nhâm; 3 = Quý ; 4 = Giáp; 5 = Ất; 6 = Bính; 7 = Đinh; 8 = Mậu; 9 = Kỷ.
Cách tính hàng Chi: Lấy 2 số cuối của năm sinh cho 12 được số dư bao nhiêu là chi đó theo thứ tự: 0 = Tí; 1 = Sửu; 2 = Dần; 3 = Mão; 4 = Thìn; 5 = Tỵ; 6 = Ngọ; 7 = Mùi; 8 = Thân; 9 = Dậu; 10 = Tuất; 11 = Hợi.
Vậy năm sinh âm lịch của bạn sẽ là: Can + Chi
Ví dụ: Sinh năm 1985 thì các tính Can Chi (năm sinh âm lịch) là:
Hàng Can: Số cuối là 5 ứng với Ất.
Hàng Chi: Số cuối năm sinh chia 12: 85/12 = 7 dư 1. Số 1 tương ứng tuổi Sửu
Vậy bạn sinh năm 1985 có năm sinh âm lịch là: Ất Sửu
Ghi chú: Trong internet có ghi cách tính nầy nhưng thiếu sót năm sinh (tính Chi) từ con số 12 đến số 0. Phải thêm số 1 trước hai con số đó rồi trừ cho 12 rồi mới chia cho 12 mới có số dư tương ứng.
Ví dụ: Sinh năm 2000. Số 0 ứng với Canh. Số 00 không chia cho 12 được nên lấy số 100 – 12 = 88. 88/12 = 7 dư 4. Số 4 tương ứng với Thìn. Vậy sinh năm 2000 là Canh Thìn.
Ví dụ: Sinh năm 2005. Số 5 tương ứng ở hàng Can với Ất. 2005 lấy số 105-12= 93. 93/12 = 7 dư 9. Số 9 tương ứng với Dậu. Sinh năm Ất Dậu 1945 cùng chu ký với Ất Dậu 2005.
Ví dụ: Sinh năm 2012. Trong Thiên Can chỉ có 10 nên lấy số 12-10= 2 (Nhâm). Lấy số 112-12=100. Lấy 100/12 = 8 dư 4. Số 4 ứng với tuổi Thìn. Vậy sinh năm 2012 là Nhâm Thìn.
Giới trẻ chỉ biết năm sinh theo dương lịch nhưng không biết tuổi theo âm lịch nên cách tính nầy cũng là điều thú vị “Mua vui cũng được một vài trống canh” như lời cụ Nguyễn Du.
Little Saigon, 11/2021
Vương Trùng Dương
Be the first to comment